Đình Chùa Nhân Lý, xã Cao Nhân, huyện Thủy Nguyên

04 01 2024

in trang

Đình Chùa Nhân Lý thuộc thôn Nhân Lý - xã Cao Nhân - huyện Thủy Nguyên – thành phố Hải Phòng. Di tích do dân làng khởi dựng để tôn thờ Tam vị thần hoàng đã có công bảo vệ cương giới của Nhà nước Văn Lang đời Hùng Duệ Vương.


DI TÍCH LỊCH SỬ ĐÌNH CHÙA NHÂN LÝ, XÃ CAO NHÂN, HUYỆN THỦY NGUYÊN

Đình Chùa Nhân Lý thuộc thôn Nhân Lý - xã Cao Nhân - huyện Thủy Nguyên – thành phố Hải Phòng. Di tích do dân làng khởi dựng để tôn thờ Tam vị thần hoàng đã có công bảo vệ cương giới của Nhà nước Văn Lang đời Hùng Duệ Vương.

Hùng Duệ Vương (vua Hùng thứ 18) lên ngôi đóng đô ở thành Phong Châu (Việt Trì sông Bạch Hạc) lấy quốc hiệu là Văn Lang, vua Duệ Vương là người tài gồm trí lược, thừa hưởng cơ đồ thịnh trị của ông cha tổ tiên 17 đời để lại, trong sửa văn Đức, ngoài giữ biên cương, dốc ý hưng bình, lấy yên trong nước làm trọng, triều đình vô sự, bấy giờ thiên hạ đều coi vua là một vị vua giàu đức tính tốt.

Thời bấy giờ vua nước Thục nghe tin vua Hùng Duệ Vương tuổi đã già, 20 Hoàng tử đều xa cảnh non tiên, không người nào thừa kế, ý muốn mang quân đánh chiếm nước Văn Lang, Vua Hùng biết rõ âm mưu bèn sai sứ thần đi các nơi triệu vời con cháu Vua Hùng ra giúp nước.

Bấy giờ có một ông là “Đệ tam tản viên quốc vương” họ thường tên là Tuấn Tự là “Qúy Minh” về triều đình chầu vua. Vua bảo ông Tuấn rằng nay có binh nước Thục thấy trẫm hưởng lộc nước được lâu dài, ý nhằm cử binh tới đánh chiếm lấy nước ta, có thể chỉ trong sớm chiều mà thôi. Nay trẫm được khanh xuống núi bảo hộ hùng triều để trẫm khỏi lo mối hoạn nạn này, khanh có định kế chi đánh được giặc, ông Tuấn kêu rằng: “Muôn tâu bệ hạ đã 20 năm có thừa bệ hạ nổi tiếng là bậc thánh quân, một khi bệ hạ lo sửa cuộc chinh thảo kể tội kẻ địchlấy điều nghĩa mà hàng phục giặc thì nhân dân trong nước đều coi bệ hạ là chính nghĩa, giặc là phi nghĩa hỏi sao lại chẳng đánh thắng được giặc”.

Vua Hùng Duệ Vương nghe nói vui mừng trở vào lễ các Miếu, Đình lấy linh quang thần nỏ trao cho ông Tuấn. Lĩnh đem theo 30 vạn binh hùng thẳng tiến đến tới Châu Quỳnh Nhai, khi còn cách ngoài thành quân Thục 50 dặm, ong Tuấn cho nổi trống khiêu chiến, quân thù nghe thấy liền xuất 30 vạn binh mã trong thành lại đánh, ông Tuấn giả vờ thua lui về Hồng Châu thành thuộc phủ Kinh Môn lập doanh sở làm nơi đóng quân, khi trận địa đã hoàn thành, chờ quân Thục đuổi theo đã lọt vào trận địa, ông Tuấn liền cho nổi trống liên hồi lấy nỏ thần bắn tên làm hiệu lệnh, phục binh 4 mặt đổ ra vây chặt quân Thục hai ba vòng quân Thục một chiếc xe không thoát, một con ngựa không trở về, giáp chiến tại địa hạt sông Thiên Đức và sông Bạch Đằng. Quân Thục các cánh đều phá tan vội rút hết. Dẹp xong giặc Thục, ông Tuấn vội báo tin thắng trận kéo quân khải hoàn về triều dự lễ mừng công. Ông Tuấn tâu vua xin cho lại được trở về các chốn doanh đồn cũ, vua liền bằng lòng. Ngay buổi hôm đó, ông đã tiến quân về Bản Trang Cung (trang Nhân Lý), nhân dân các trang mổ trâu bò làm lễ mừng, ông Tuấn bảo nhân dân rằng: “Ta là sơn thần do khí tinh anh sinh ra, nay triều đình có nạn giặc Thục xâm lăng sao lại điềm nhiên ngồi nhìn, nay giặc Thục đã bình ta lại trở về làng Mây cũ” nói rồi cho mỗi cung trang 50 quan tiền để tỏ tấm lòng lưu luyến, lại nói: “Nay ta ở trần gian đã mãn hạn tới kỳ trở về bản quán ở núi Ngọc Chúc”. Ngay ngày hôm đó, ông về tới bản quán tự nhiên trên trời có một đám mây hình bó đuốc, ông hóa tại “Ngọc Chúc Sơn”. Hôm đó là giờ ngọ ngày 12 tháng 9, nhân dân bản trang nghe thấy ông đã hóa đều nhớ công đức bèn lập Miếu thờ phụng và làm biểu tấu với triều đình, vua vô cùng thương tiếc bậc công thần đối với triều đình và đất nước liền truyền cho Trang Cung (Nhân Lý) lập miếu thờ phụng và ban cho bản trang 300 quan tiền để sửa lễ xuân thu quốc tế bao phong tên đẹp là “Thượng đẳng phúc thần Nhà nước và các trang cung thờ cúng muôn thủa vững bền lành mạnh vui tươi”. Phong Qúy Minh Đại Vương, chuẩn cho trang Nhân Lý, huyện Thủy Đường, phủ Kinh Môn là đệ lục cung chính sở hương hỏa phụng thờ mãi mãi.

Đến đời hậu Lê niên hiệu Dương Đức (khoảng 1672-1674) ở đất Đoan Hùng có giặc cướp, ngang nhiên cướp phá, lại có yêu ma, thú dữ hại dân, bỗng ngày 13 tháng 8 thấy có một ông già râu tóc bạc phơ đứng trên đầu núi Ngọc Chúc lên tiếng hô to kêu gọi nhân dân các cung trang dồn tập chung lại, ông sẽ lấy gia Thần thủ túc, nhân dân ngạc nhiên tưởng là sự thật, hưởng ứng ra theo rất đông tới vài ngàn người. Từ đó giặc cướp giải tán, yêu thú tiêu trừ. Nhân dân không ai còn phải lo tai nạn, yêu tà trộm cướp đều vui hưởng thái bình. Từ đó nhân dân khắp vùng đều đội ơn che chở nhớ tới công đức làm biểu tấu triều đình, vua nghe là linh thiêng ban điệp văn, bao phong chữ đẹp cho ông là “Thượng đảng phúc thần muôn đời hưởng lễ bái đến vô cùng, Phong Qúy Minh Đại Vương linh ứng thượng thượng đẳng phúc thần”.

Do công đức lớn lao của Đức Qúy Minh Đại Vương nhân dân “Hoa Kiều Trang” xưa nay là làng Nhân Lý lập miếu thờ ngài quanh năm hương khói mãi mãi không quên công đức của Người.

Tại Quyết định số 983 VHQB ngày 04 tháng 8 năm 1992, Bộ Văn hóa thông tin thể thao đã công nhận Đình - Chùa Nhân Lý xã Cao Nhân, huyện Thủy Nguyên là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Lễ hội Đình - Chùa Nhân Lý được quy định vào thời gian đầu xuân mới âm lịch. Hội Đình diễn ra vào ngày 14 - 15 - 16 tháng giêng; Hội Chùa diễn ra vào ngày 4 - 5 - 6 tháng giêng.

Một số hình ảnh của cụm di tích Đình - Chùa Nhân Lý

 

 

 

 

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke