ĐÌNH, CHÙA KIỀU TRUNG - XÃ HỒNG THÁI - HUYỆN AN DƯƠNG

25 10 2023

in trang

Đình, chùa Kiều Trung toạ lạc tại thôn Kiều Trung, xã Hồng Thái. Cụm di tích mang tên chính địa danh nơi cộng đồng đã sản sinh ra nó. Đình, chùa Kiều Trung được xếp hạng di tích lịch sử của thành phố Hải Phòng năm 2007.


Đình, chùa Kiều Trung toạ lạc tại thôn Kiều Trung, xã Hồng Thái. Cụm di tích mang tên chính địa danh nơi cộng đồng đã sản sinh ra nó. Đình, chùa Kiều Trung được xếp hạng di tích lịch sử của thành phố Hải Phòng năm 2007. 

Kiều Trung trước đây gọi là Điều Yêu Trung. Kiều Trung (嬌中), theo Hán tự có nghĩa quê hương tươi đẹp và ở trung tâm.

Đình Kiều Trung thờ ba vị thành hoàng: Nguyễn Sùng (Cao Sơn), tức là Cao Sơn Đại Vương, Nam Hải Đại Vương, tức là Ngài Phạm Tử Nghi và Bản Thổ (Hương Hoả Đại Vương, không rõ sự tích). 

Theo tư liệu lịch sử ghi chép tại địa phương về ba vị Thành hoàng làng  Kiều Trung:

Vị Thành hoàng thứ nhất là Ngài Cao Sơn. Ông họ Nguyễn, tên húy là Sùng, sinh ngày 15 tháng 9, hóa ngày 10 tháng 2. Ngài là bộ tướng tâm phúc của vua Hùng Duệ Vương (vua Hùng thứ 18). Ông là anh của Ngài Quý Minh Đại Vương và cùng là em họ của Ngài Tản Viên Sơn Thánh. Các ông đều là những bậc huân tướng quốc trụ của triều Hùng. Ngài Cao Sơn cùng Quý Minh đã từng mang quân về đồn trú, giữ gìn bảo vệ, giúp dân ở nhiều địa phương trong vùng, như: Kiều Hạ, Nhu Kiều, Kiều Thượng... Kiều Trung là địa phương nằm trong giải đất với các làng trên, nên chắc chắn Ngài Cao Sơn cũng đã giúp đỡ người dân nơi đây. Do vậy cũng như các làng trên, làng Kiều Trung thờ Ngài Cao Sơn là Thành Hoàng làng để tri ân, nhớ công lao của Ngài.

Vị Thành hoàng thứ 2 là Ngài Nam Hải Đại Vương Phạm Tử Nghi, tên húy là Thành. Ông người làng Niệm Nghĩa, huyện An Dương, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, là danh tướng thời Mạc, thế kỷ XVI. Sau khi mất, Ngài hiển thánh và nổi tiếng là vị thần linh thiêng. Đặc biệt theo tín ngưỡng dân gian, Ngài thường hiển hiện phù giúp, che chở cho những người dân làm ăn trên sông nước và những nơi ở bến sông, cửa biển. Làng Kiều Trung nằm bên sông, cuộc sống người dân thường bươn chải trên sông nước, nên đã thờ Ngài Phạm Tử Nghi làm Thành hoàng làng.

Vị Thành hoàng thứ ba là Thành hoàng Bản thổ có duệ hiệu là Hương Hỏa Đại Vương. Tuy nhiên từ trước tới nay chưa rõ được thần tích về Ngài.

Đình Kiều Trung toạ lạc trên một thế đất cao và bằng phẳng. Mặt chính của đình nhìn về phía Đông Nam. Đình có bố cục mặt bằng hình chữ đinh truyền thống, bao gồm toà tiền tế 5 gian và hậu cung 2 gian.

Toà tiền tế có kiến trúc kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Hệ khung chịu lực gồm các bộ vì tạo không gian 5 gian. Kết cấu vì nóc mái theo kiểu thức “chồng rường giá chiêng”, vì nách kiểu thức “chồng rường trụ trốn”. Trang trí trên các cấu kiện kiến trúc được đắp vẽ đề tài lá lật, trụ đấu cánh sen theo lối cổ truyền.

Toà hậu cung được thiết kế các bộ vì và trang trí hoa văn trên các cấu kiện kiến trúc tương đồng với toà tiền tế tạo thành một chỉnh thể thống nhất, đồng bộ.

CHÙA KIỀU TRUNG

Chùa Kiều Trung có tên chữ là Quang Đàm (光曇), theo Hán tự có nghĩa là Kinh Phật tỏa sáng chiếu tại nơi đây. Chùa Kiều Trung có bố cục mặt bằng kiểu chữ đinh truyền thống, gồm có toà tiền điện 5 gian và toà thượng điện 2 gian.

Toà tiền điện được làm theo thức tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta hai lớp, hệ khung chịu lực được làm hoàn toàn từ gỗ tốt. Kết cấu khung chịu lực toà công trình có các vì nóc, vì nách. Vì nóc được liên kết kiểu thức “chồng rường giá chiêng”, vì nách kiểu thức “cốn chồng rường”, tuy nhiên các con rường được tạo thức bản dẹt. Trang trí trên các cấu kiện kiến trúc đa dạng, sinh động với các đề tài lá lật, đấu sen, tứ linh, hoa văn triện lá giắt.

Toà thượng điện được thiết kế hệ khung chịu lực và hoa văn trang trí trên các cấu kiện theo truyền thống chùa Việt. Điểm nhấn quan trọng trong toà thượng điện là hệ thống tượng Phật, tượng pháp được bài trí trang nghiêm, thành kính.

Trải thời gian lịch sử, đình, chùa Kiều Trung còn bảo tồn, lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị như: Ba pho tượng Thành hoàng làng, Ba bộ bài vị ba vị Thành hoàng làng, Mười đạo sắc phong,…

Chùa Kiều Trung có hệ thống tượng Phật, tượng pháp cổ như: A Di Đà, Văn Thù Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, Quan Âm tống tử, tượng Thích Ca sơ sinh, tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, tượng Đức Ông, tượng tam toà thánh mẫu, ba pho tượng sư tổ. Chùa Kiều Trung còn lưu giữ được bốn văn bia ở các triều đại như: Một văn bia niên hiệu Cảnh Hưng, hai văn bia niên hiệu Tự Đức, một văn bia niên hiệu Bảo Đại v.v.

Đình, chùa Kiều Trung, cụm di tích đánh dấu lịch sử hình thành, phát triển lâu dài của người dân Kiều Trung, cùng với làng hoa cây cảnh sẽ là địa điểm tham quan hấp dẫn của du khách trong và ngoài thành phố Hải Phòng trong hiện tại và tương lai.

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke