ĐÌNH, CHÙA ĐÌNH NGỌ - XÃ HỒNG PHONG - HUYỆN AN DƯƠNG
26 10 2023
in trang
Đình Ngọ (亭 午),theo Hán tự có nghĩa mở rộng là quê hương to lớn và đường hoàng. Con người có mặt khai điền, mở địa ở Đình Ngọ từ thời Lý Trần, thế kỷ XII - XIII, bởi vào triều Trần đã có Ngài tiến sĩ Phạm Đại Liêu dạy học ở nơi đây, sau này ông là Thành hoàng làng Đình Ngọ. Theo những tư liệu địa phương còn lưu giữ được tại di tích và sách “Từ điển bách khoa địa danh Hải Phòng”, xuất bản năm 1998, đình làng Đình Ngọ thờ Thành hoàng là Ngài Phạm Đại Liêu có hiệu là Phạm Liêu Quý Ban. Ông sinh ở làng Tiên Sa (xã Hồng Thái, An Dương), ông đỗ Tiến sĩ vào thời Trần, làm quan đến chức Tả thị lang và có công đánh giặc Chiêm Thành. Sau khi về trí sĩ, ông đến làng Đình Ngọ, lập trường dạy học, giúp dân làm ăn. Đến thời vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) mang quân đánh đuổi giặc xâm lược Minh, được ông báo mộng giúp. Phạm Đại Liêu cũng được thờ ở làng Tiên Sa cùng huyện và hai làng có giao hiếu với nhau.
Đình, chùa làng Đình Ngọ, xã Hồng Phong là công trình tín ngưỡng, tôn giáo quan trọng trong đời sống tâm linh tín ngưỡng của cộng đồng nhân dân địa phương. Cụm di tích đình, chùa Đình Ngọ mang chính tên địa danh nơi cộng đồng đã sản sinh ra nó, đó là Đình Ngọ.
Đình Ngọ (亭 午),theo Hán tự có nghĩa mở rộng là quê hương to lớn và đường hoàng. Con người có mặt khai điền, mở địa ở Đình Ngọ từ thời Lý Trần, thế kỷ XII - XIII, bởi vào triều Trần đã có Ngài tiến sĩ Phạm Đại Liêu dạy học ở nơi đây, sau này ông là Thành hoàng làng Đình Ngọ. Theo những tư liệu địa phương còn lưu giữ được tại di tích và sách “Từ điển bách khoa địa danh Hải Phòng”, xuất bản năm 1998, đình làng Đình Ngọ thờ Thành hoàng là Ngài Phạm Đại Liêu có hiệu là Phạm Liêu Quý Ban. Ông sinh ở làng Tiên Sa (xã Hồng Thái, An Dương), ông đỗ Tiến sĩ vào thời Trần, làm quan đến chức Tả thị lang và có công đánh giặc Chiêm Thành. Sau khi về trí sĩ, ông đến làng Đình Ngọ, lập trường dạy học, giúp dân làm ăn. Đến thời vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) mang quân đánh đuổi giặc xâm lược Minh, được ông báo mộng giúp. Phạm Đại Liêu cũng được thờ ở làng Tiên Sa cùng huyện và hai làng có giao hiếu với nhau.
Trước năm 1938, đình Đình Ngọ còn giữ được một số đạo sắc phong như: Sắc phong niên hiệu Tự Đức thứ 6 (1853) phong cho Ngài Phạm Đại Liêu làm Bản cảnh Thành hoàng linh phù chi thần; niên hiệu Tự Đức thứ 33 (1880) phong làm Bản cảnh thành hoàng linh phù chi thần; niên hiệu Đồng Khánh thứ 2 (1887) phong làm Bản cảnh Thành hoàng linh phù chi thần; niên hiệu Duy Tân thứ 3 (1909) phong làm Bản cảnh Thành hoàng Phạm Đại Liêu chi thần; niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924) phong làm Bản cảnh Thành hoàng Phạm Đại Liêu tôn thần.
Đình làng Đình Ngọ toạ lạc trên một gò đất cao ở phía Tây của làng, nhìn về hướng Nam. Theo truyền ngôn, đình làng Đình Ngọ có nguồn gốc khởi dựng từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII-XVIII), có quy mô bề thế, bố cục theo kiểu chữ đinh truyền thống. Đình xưa có ván sàn, lòng thuyền, với những mái đao cong vút, cấu trúc gồm 5 gian đại bái và 3 gian chuôi vồ. Song do những biến cố thăng trầm của lịch sử, ngôi đình xưa không còn. Năm 1973, ngôi đình được dỡ bỏ để lấy vật liệu xây dựng trụ sở Ủy ban nhân dân xã Hồng Phong.
Năm 2001 và tiếp sau này vào năm 2018, Thượng tọa Thích Thanh Nghiêm, nhà sư trụ trì chùa Đình Ngọ, đứng ra hưng công xây dựng lại toàn bộ khu đình, chùa như hiện nay.
Hiện nay, đình làng Đình Ngọ có bố cục mặt bằng chữ đinh, đình nhìn về hướng Nam như trước. Đình làm bằng vật liệu truyền thống. Đình có cấu trúc 5 gian đại bái và 2 gian hậu cung, kiến trúc kiểu tường hồi bít đốc, đấu trụ hồi văn, tay ngai trụ biểu. Mái đình lợp ngói ta, hai đầu bờ nóc đắp đôi kìm ngậm bờ nóc, chính giữa bờ nóc là biểu tượng “lưỡng long triều nguyệt”.
Toà bái đường có kết cấu khung chịu lực gồm 4 bộ vì, vì 3 hàng chân cột, liên kết giữa các bộ vì là hệ thống xà thượng, xà hạ và các hoành mái. Vì nóc làm theo thức “chồng rường giá chiêng” truyền thống; vì nách kết cấu kiểu thức “chồng rường con nhị đấu sen”.
Toà hậu cung có kết cấu gồm 3 bộ vì, các bộ vì làm tương đồng với toà bái đường. Toàn bộ các đường nét hoa văn tạo tác đều theo đề tài lá hoá long cách điệu. Chùa làng Đình Ngọ có tên chữ là Tiêu Lương (霄涼),theo Hán tự có nghĩa là nơi Phật ban cho sự thanh quang, mát lành. Chùa Tiêu Lương được xây dựng từ lâu đời, muộn nhất vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII, XVIII). Chùa xưa có bố cục mặt bằng kiểu chữ đinh truyền thống, quy mô gồm có 3 gian tiền điện và 2 gian thượng điện. Trong chùa bài trí hệ thống tượng Phật, tượng pháp khá đầy đủ.
Chùa làng Đình Ngọ
Chùa làng Đình Ngọ được phục dựng cùng thời gian với ngôi đình làng. Chùa toạ lạc cùng khuôn viên với đình Đình Ngọ và có hướng nhìn chính về phía Nam. Kiến trúc chùa được kế thừa theo ngôi chùa cổ, kiểu chữ đinh truyền thống, tuy nhiên quy mô có phần bề thế hơn với 5 gian tiền điện và 4 gian thượng điện.
Kiến trúc chùa được dựng theo kiểu mái chéo đao tầu góc, với bốn đao cong làm cho toà công trình có phần nhẹ nhàng, bay bổng giữa tầng không vũ trụ. Chính giữa bờ nóc tiền đường đắp bức đại tự nhấn 3 chữ Hán tên chữ của chùa là “Tiêu Lương tự”, phía trên đại tự là một tháp nhỏ chín tầng.
Kết cấu khung chịu lực toà công trình gồm có bốn bộ vì. Vì nóc mái liên kết kiểu “chồng rường giá chiêng”. Các thanh rường được trang trí các đề tài, hoa văn truyền thống như: Hoa văn lá cách điệu, đấu chạm cánh sen.
Toà thượng điện có bốn gian với liên kết các bộ vì và hoa văn trang trí tương đồng với toà tiền điện.
Trải thời gian lịch sử, đến nay đình làng Đình Ngọ còn bảo tồn được nhiều di vật, cổ vật có giá trị tiêu biểu như: Tượng Thành hoàng, Văn bia “Phụ thần bi ký”, Kiệu bát cống, Một số bức đại tự như: “Thái dương hồi ngộ”; “Thần đức thịnh”; “Thánh lưu trạch”, Câu đối, Tượng đức ông, Hai pho tượng sư tổ…
Hằng năm, nhân dân địa phương tổ chức sinh hoạt văn hoá, lễ hội truyền thống theo âm lịch. Ngày mùng 10 tháng 11, làm lễ đóng đám. Trong lễ hội có tổ chức rước kiệu thánh từ miếu về đình tế lễ ba ngày, hết hội lại rước thánh trở về miếu an vị. Ngày 20 tháng 5 tổ chức lễ kỵ thành hoàng làng. Ngày mùng 10 tháng 3 tổ chức lễ giỗ mẫu.
Trong lễ hội cũng như các dịp sự lệ của làng, nhân dân thường chuẩn bị bánh dầy, thịt lợn sống để tế Thành hoàng làng.
Chùa tổ chức lễ Phật đản vào ngày 15 tháng 4 âm lịch, lễ Vu Lan ngày 15 tháng 7 và các ngày sóc, vọng hàng tháng. Phẩm vật dâng Phật là cỗ chay như xôi, oản.
Đình, chùa làng Đình Ngọ là công trình tín ngưỡng, tôn giáo quan trọng không thể thiếu trong đời sống tâm linh của cộng đồng người dân địa phương. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, đến nay, đình và chùa làng Đình Ngọ mang trong nó nhiều giá trị lịch sử, văn hoá, giáo dục sâu sắc. Ngôi đình thờ Thành hoàng là một vị đại quan, Tiến sĩ triều Trần đã khẳng định rõ nét huyện An Dương là vùng đất có truyền thống khoa bảng rất sớm của thành phố Hải Phòng. Cùng với các di tích xếp hạng khác của xã Hồng Phong, như đình Hạ Đỗ, đình Hỗ Đông, đình Hoàng Lâu, tạo nên quần thể di tích rất hấp dẫn cho du khách về với vùng đất cổ, giầu truyền thống văn hiến.
Thành đoàn Hải Phòng