ĐÌNH, CHÙA ĐIỀM NIÊM, XÃ TÂN HƯNG, HUYỆN VĨNH BẢO
27 02 2023
in trangCụm di tích lịch sử văn hóa Đình và Chùa Điềm Niêm nằm trên một khu đất cao, rộng rãi phía Nam, thôn Điềm Niêm, xã Tân Hưng, huyện Vĩnh Bảo. Đây là những công trình kiến trúc nghệ thuật cổ, nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của dân thôn Điềm Niêm, đồng thời thờ Thành Hoàng của Làng – Đức Cao Sơn Đại Vương, một bộ tướng tâm phúc và đảm lược của vua Hùng Duệ Vương.
Đình Điềm Niêm
Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đình quay hướng Tây, được xây dựng bằng những vật liệu truyền thống như vữa trộn mật, mái lợp ngói ta hai lớp. Giữa bờ nóc đắp bức phù điêu hổ phù chầu mặt nhật. Ngậm bờ nóc là đôi kìm đuôi uốn lượn trông thật cầu kỳ và mềm mại. Đình làm theo kiểu chữ đinh, gồm 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung. Vì nóc kết cấu kiểu kẻ chồng đấu sen. Năm gian tiền đường có 6 vì kèo gỗ. Hậu cung có 4 vì vuông góc với kết cấu tòa tiền đường. Nối liền tiền đường và hậu cung là hệ thống xà thượng và xà hạ còn khá chắc chắn. Trải qua thời gian Đình đã nhiều lần tu sửa. Tại câu đầu tòa tiền đường còn ghi dòng chữ “Giáp Tý Hoàng triều Khải Định thập lục niên” ghi lại lần trùng tu gần nhất của ngôi đình vào năm 1923. Các bức cốn, đấu kê, đầu tư chạm nổi đề tài tứ linh, tứ quý, hổ phù, lá guột…mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn đầu thế kỷ XX.
Trong Đình là một hệ thống cửa võng, đại tự, câu đối, cuốn thư…được sơn son thếp vàng lộng lẫy, làm cho chốn thợ tự thật linh thiêng, huyền ảo. Trên các hiện vật đều được chạm khắc khá cầu kỳ các hình long mã, rồng bay, phượng múa, hổ phù ngậm chữ “Thọ”, “cúc trúc hóa long”. Nơi đây còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị nghệ thuật cao. Trong đó có 9 sắc phong của các đời vua nhà Nguyễn như: Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định. Sắc xa nhất (1846) cách đây gần 200 năm là những di sản quý giá của dân tộc.
Cạnh đình là ngôi chùa làng thờ Phật, tên chữ là “Phúc Long Tự”. Chùa quay hướng Tây Nam. Cấu trúc kiểu chữ đinh, gồm 3 gian tiền đường và 2 gian hậu cung. Vì kèo kết cấu kiểu tiền lẻ - hậu bẩy. Vì nóc mái kiểu thuận chồng ba con, hoành rải kiểu thượng tam hạ tứ khiến mái chùa cao và dốc. Chính giữa bờ nóc đắp một cuốn thư nhỏ đề tên chữ ngôi chùa “Phúc Long Tự”. Tường hồi bên bổ trụ ba đấu theo bờ nóc gian tiền đường.
Cổng Đình Điềm Niêm
Chùa có cùng niên đại với ngôi đình - Hoàng triều Khải Định 14 (1923). Trong Chùa, tại Phật điện là 5 hàng bệ xây giật cấp với 19 pho tượng đều là những tác phẩm điêu khắc đẹp, đặc sắc là các pho Tam thế, A di Đà, Quan âm Tống tử, tượng Cửu Long mang phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ XVIII.
Chùa Điềm Niêm
Trong Chùa có treo một chuông đồng niên đại Bảo Đại 16 (1942), đề chữ “Điềm Niêm Phúc Long Tự”. Thân chuông ghi chữ Hán tên các tín chủ, tín thí công đức đúc chuông. Đáng chú ý còn hương án tiền, kích thước cao 62 cm, rộng 82 cm, ngang 164 cm với các đề tài trang trí vào khoảng cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII. Tại vườn chùa là những cây mộ tháp của các hòa thượng trụ trì đã viên tịch
Mộ tháp
Những năm gần đây, với tấm lòng kính trọng đức Thành Hoàng và sự hảo tâm của nhân dân trong làng cùng khách thập phương, khu di tích lịch sử văn hóa Đình – Chùa Điềm Niêm không ngừng được trùng tu, tôn tạo. Nhiều hạng mục công trình được xây dựng như cổng, tường bao, nhà khách, nhà tổ…làm cho khu quần thể ngày càng khang trang, sầm uất. Hàng năm, lễ hội Đình – Chùa Điềm Niêm được tổ chức từ ngày 10 tháng 3, đến hết ngày 12 tháng 3 (âm lịch). Trước ngày hội (9 tháng 3) tổ chức lễ mộc dục, dùng lễ trầu rượu, gà xôi cáo yết, dùng nước trong, nước ngũ vị hương tắm thần vị. Sáng mùng 10 tháng 3, mở cửa Đình khai mạc lễ hội, giới thiệu tiểu sử, công đức vị Thành Hoàng, tiến hành tế cáo. Chiều hôm đó tổ chức nghi vệ ra miếu Ông Tứ (gần cầu Mục) tế lễ rồi rước bát hương thần về đình tế nhập tịch. Ngày 11 tháng 3 tế thần. Ngày 12 tháng 3 tế tạ và đóng cửa đình, bế mạc lễ hội. Suốt trong ba ngày này, cả làng tràn ngập không khí hội hè, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao diễn ra hết sức sôi nổi, náo nhiệt như: chọi gà, bịt mắt bắt dê, hát chèo, đấu vật, đánh cờ. Có năm còn tổ chức đốt cây bông, chơi pháo đất… thể hiện nét đẹp của đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng, tình yêu thiên nhiên, yêu nghệ thuật, lòng biết ơn vị thành hoàng có công với dân, với nước.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa, cụm di tích Đình – Chùa Điềm Niêm đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia theo Quyết định số 57/VHQG của Bộ Văn hóa thông tin. Đó là cơ sở pháp lý và khoa học để nhân dân Điềm Niêm tiếp tục bảo vệ và phát huy giá trị của di tích lịch sử, thực hiện mục tiêu của Đảng trong việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nguồn: UBND huyện Vĩnh Bảo
Thành đoàn Hải Phòng