ĐÌNH CHÙA CỐNG MỸ - XÃ NAM SƠN - HUYỆN AN DƯƠNG
25 10 2023
in trang
Đình, chùa Cống Mỹ thuộc thôn Cống Mỹ, xã Nam Sơn. Ngôi đình và chùa mang chính địa danh nơi cộng đồng đã sản sinh ra nó, đó chính là Cống Mỹ. Đình, chùa Cống Mỹ được xếp hạng di tích lịch sử của thành phố Hải Phòng từ năm 2007.
Đình, chùa Cống Mỹ thuộc thôn Cống Mỹ, xã Nam Sơn. Ngôi đình và chùa mang chính địa danh nơi cộng đồng đã sản sinh ra nó, đó chính là Cống Mỹ. Đình, chùa Cống Mỹ được xếp hạng di tích lịch sử của thành phố Hải Phòng từ năm 2007.
Cống Mỹ (貢美),theo Hán tự nghĩa là tôn vinh những nét đẹp trong cuộc sống. Xa xưa Cống Mỹ có tên là Cống Hiến, năm 1901 được đổi thành Cống Mỹ. Cống Mỹ là xã thuộc huyện Giáp Sơn (còn có âm đọc là Hiệp Sơn), phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Đến niên hiệu Duy Tân (1907-1916), xã Cống Mỹ thuộc tổng Quỳnh Hoàng, huyện An Dương, tỉnh Kiến An.
Đình Cống Mỹ thờ Ngài Thành hoàng Phạm Hồng (còn gọi là Phạm Hồng Công). Theo bản kê khai thần tích, thần sắc về trên của xã Cống Mỹ năm 1938, thân thế sự nghiệp của vị Thành hoàng được tóm tắt như sau:
Ngài Phạm Hồng là con trai của ông Phạm Công Chân và bà Hoàng Thị Chính. Gia đình ông bà Chân thuộc dòng dõi thi, thư. Vào thời nhân lúc triều Lý Nam Đế đang suy, giặc Ma Na mang quân tới biên thuỳ, hòng cướp nước ta. Triều thần lúc đó không ai dám ra đảm đương trọng trách đánh giặc. Vua phải truyền hịch ra thiên hạ để chiêu mộ hiền tài đi dẹp giặc. Ông Phạm Hồng hay tin liền đến kinh đô bái yết nhà vua. Vua thấy ông diện mạo phi thường, liền hỏi tên họ, quê quán, thử tài nghệ, văn sách, ông đều ứng đối trôi chảy. Vua phong cho chức “Trung phẩm đại tướng” mang quân đi dẹp giặc. Đại quân chia ra hai đường thủy, bộ tiến thẳng đến Bàng Châu, nơi có giặc Ma Na chiếm giữ. Mới đánh một trận thì lũ giặc tan chạy, ông mang quân ca khúc khải hoàn về triều. Vua lấy làm mừng, mở yến tiệc khao thưởng quân, sĩ, rồi phong cho ông chức “Lễ Bộ Chính công thần”. Nhận chức tước xong, ông nghĩ đến mẹ già và quê hương, bèn tâu vua xin về vinh quy bái tổ.
Đình Cống Mỹ tương truyền được khởi dựng vào thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVII, bởi bia đá dựng năm 1729 đã khắc ghi việc bầu hậu thần thờ tại đình làng. Trải qua thời gian ngôi đình đã bị hủy hoại. Đình Cống Mỹ hiện nay là công trình được làm cách đây vài chục năm. Công trình làm bằng vật liệu hiện đại kết hợp với vật liệu truyền thống. Đình có mặt bằng kiến trúc kiểu chữ đinh truyền thống, gồm tòa đại bái ba gian, hai chái và hai gian hậu cung. Đình nhìn về hướng Đông Nam, trước sân đình có hồ nước hình bán nguyệt, theo phong thủy là nơi tích phúc của dân làng. Khuôn viên đình có cây đa và cây gạo cổ thụ với tuổi đời trên ba trăm năm, được vinh danh là “Cây di sản Việt Nam” năm 2018.
Kiến trúc toà tiền tế có hệ mái kiểu “chéo đao tầu góc” lợp ngói ta, các đầu đao cong vút góp phần làm cho kiến trúc toà công trình nhìn thanh thoát, bay bổng. Trên mái đình được trang trí đắp vẽ các đề tài linh vật truyền thống như: lưỡng long chầu nguyệt, rồng chầu, phượng vũ, nghê cưỡi mây.
Toà tiền tế có hệ khung chịu lực gồm bốn bộ vì, vì thiết kế bốn hàng chân cột. Bộ vì, kết cấu vì nóc kiểu thức “chồng rường giá chiêng”, vì nách kiểu thức “chồng rường”, phía dưới có bẩy hiên. Hoa văn trang trí đắp vẽ trên các cấu kiện kiến trúc chủ yếu là đề tài lá lật và đấu sen.
Toà hậu cung xây theo kiểu tường hồi bít đốc, hệ thống cột quân của khung chịu lực được để trực tiếp vào tường bao che của đình.
CHÙA CỐNG MỸ
Chùa Cống Mỹ (Linh Quang - 靈光), tên Nôm là chùa Bầu. Chùa có nguồn gốc xây dựng từ rất xa xưa, muộn nhất vào thời Lê - Mạc, thế kỷ XVI. Khoảng đầu thế kỷ XX, chùa lúc đó không có sư trụ trì, bị hỏng nát, dân làng Cống Mỹ mua gỗ tập kết để chuẩn bị sửa lại chùa. Nhưng do thời gian để quá lâu người dân Cống Mỹ trồng cây bầu trùm lên đống gỗ, bầu rất xanh tốt, nên người dân gọi là chùa Bầu.
Chùa Cống Mỹ có bố cục mặt bằng kiểu chữ Đinh truyền thống. Kiến trúc chùa gồm có toà tiền điện 5 gian và thượng điện 3 gian. Chùa có hướng nhìn về phía Đông Nam. Kiến trúc toà tiền điện được thiết kế kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói cổ, chính giữa bờ nóc đắp biểu tượng bình nước cam lộ, một biểu tượng mang ý nghĩa triết lý thường gặp của nhà Phật. Bộ khung chịu lực có các vì nóc, vì nách. Vì nóc được thiết kế kiểu thức “chồng rường giá chiêng”, vì nách liên kết kiểu thức “kẻ liền bẩy”. Trang trí trên các cấu kiện kiến trúc chủ yếu là mô típ là lá lật và đấu chạm hoa sen.
Toà thượng điện hai gian. Kết cấu hệ khung chịu lực vì nóc mái, vì nách và trang trí hoa văn tương đồng với kiến trúc toà tiền điện.
Điểm nhấn quan trọng của toà thượng điện chùa Cống Mỹ là sự bài trí hệ thống các pho tượng pháp. Từ vị trí cao nhất xuống phía dưới, bài trí các pho tượng: Bộ Tam thế Phật, bộ Di Đà tam tôn, bộ Hoa Nghiêm tam thánh, Ngọc Hoàng - Nam Tào - Bắc Đẩu, Quan Âm Chuẩn Đề, tượng Thích Ca sơ sinh và toà Cửu Long... Các pho tượng có niên đại tập trung chủ yếu ở thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.
Trong khuôn viên chùa còn có ba ngôi tháp sư tổ. Tháp xây kiểu ba tầng, mái dạng long đình, đỉnh tháp gắn hoa sen, bình nước cam lộ.
Trải qua thời gian lịch sử, đình, chùa Cống Mỹ còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật như: Tượng Thành hoàng làng, Bia “Hậu thần bi ký”, tạo tác niên hiệu Vĩnh Khánh thứ nhất (1729), Bia “Học điền bi ký” tạo tác niên hiệu Tự Đức thứ 9 (1856).
Hiện nay, làng Cống Mỹ mở hội vào ngày 11 tháng Giêng âm lịch hằng năm, trong lễ hội có tổ chức giao lưu văn hoá, văn nghệ dân gian để tưởng niệm Đức Thành hoàng và các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì tổ quốc, vì nhân dân.
Thành đoàn Hải Phòng