ĐÌNH AN QUÝ, XÃ CỘNG HIỀN, HUYỆN VĨNH BẢO
27 02 2023
in trang
Đình An Quý
An Quý thuộc xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo - một vùng quê có bề dày lịch sử và văn hóa. Nơi đây xưa kia đã từng có nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật nổi tiếng như Đình An Quý, Miếu Vua Bà, Miếu Tiên Hoa công chúa, chúa lăng... Trải qua những biến động của lịch sử, đến hầu hết nay các công trình đã bị hư hỏng, chỉ còn duy nhất đình An Quý. Ngôi đình đồ sộ và còn khá nguyên vẹn.
Trình độ kiến trúc nghệ thuật đạt đến đỉnh cao của sự hòa nhập giữa nghệ thuật điêu khắc gỗ và chạm khắc đã truyền thống. Ngôi đình được Nhà nước xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1991. Đây không chỉ là một công trình kiến trúc nghệ thuật quý giá, một bảo tàng mỹ thuật có giá trị nghiên cứu mà còn là nơi thể hiện tài năng và lòng ngưỡng mộ tôn thờ Trần Hưng Đạo - một vị anh hùng dân tộc, một danh tướng quân sự thế giới của nhân dân ta. Ông đã trở thành vị thánh trong lòng dân. Nhiều nơi trên khắp đất nước đã phụng thờ, tôn Ông làm thành hoàng, trong đó có làng An Quý xã Cộng Hiền.
Cho đến nay chưa có tài liệu nói rõ ngôi đình có từ bao giờ. Nghe các cụ cao niên trong làng cho biết: Đình An Quý vốn được xây dựng từ lâu, lúc đầu được gỗ, quy mô bằng ngôi đình hiện tại nhưng nền thấp hơn nhiều. Ngôi đình được khởi công từ năm 1939 đến năm 1941 thì hoàn thành. Tiền và công sức do sự tự nguyện đóng góp của nhân dân địa phương. Người đứng ra hưng công là Chánh tổng Đoàn Văn Tố. Ông đã trực tiếp đi mua đá, vận chuyển về và mời thợ điêu khắc đá của Ninh Bình làm trong 3 năm. Chỉ huy thợ điêu khắc đá là thợ cả Cao Văn Nghiêm. Thợ mộc, thợ nề đều là người Đông Hưng - Thái Bình. Cả hai hiệp thợ này phải làm trong hai năm mới hoàn thành. Đình được xây dựng theo hướng đông Nam trên một khu đất có vị trí, cảnh quan rất đẹp. Trước là dòng sông Bạch Đà êm đềm, bên phải có cây cầu cong cong vắt mình qua dòng sông nối liền hai thôn An Quý và Hạ Am. Bên kia sông là trụ sở UBND xã Cộng Hiền khang trang, rộng rãi. Khuôn viên đình khá rộng với tổng diện tích trên 7 sào Bắc bộ, bố cục theo lối chữ công, gồm 5 gian tiền đường, 3 gian ống muống và 3 gian hậu cung.
|
|
Kết cấu vì nách tòa tiền đường
Mái đình lợp ngói mũi hài. Bờ nóc đắp trơn. Ngậm bờ nóc là đôi thủy quái Makara lớn, đuôi xoáy tròn ba vòng điêu luyện. Vị trí con số đắp Nghệ theo kiểu đầu rồng. Hai đầu đao cong vút khiến cho ngôi đình thanh thoát, hài hòa. Nghệ thuật kiến trúc đình thể hiện toàn bộ trên bộ khung tòa tiền đường. Đây thực sự là những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật tuyệt tác với các đề tài gắn bó với cung đình, với thiên nhiên như tứ linh, tứ quý.... Đẹp nhất là tòa tiền đường với hệ thống cột đá cao to, được chạm khắc cầu kỳ, thực sự là những tác phẩm điêu khắc đá tuyệt mỹ. Bốn cột cái gian trung tâm có chu vi 2,6m, thân phủ kín các đồ án chạm nổi, đề tài tứ linh. Thân cột là cả một con rồng lớn lượn từ trên xuống trong thế cuốn thủy. Phía dưới tạo lớp sóng thủy ba nhấp nhô, xen kẽ là cá chép hóa rồng, long mã hà đồ, rùa mang ống quyển... Chân, đỉnh cột chạm hình lá sen, cúc đường nét tinh xảo. Các cột quân gian bên thiết diện vuông (31x31cm) chạm nổi các đề tài tứ quý “tùng, cúc, trúc, mai”, cây lựu sai hoa trĩu quả tượng trưng cho phúc lộc. Có cột chạm tứ linh với phượng hàm thư, rồng cuốn thủy, cá chép hóa rồng... Ngoài ra còn thể hiện những vần thơ chữ Hán, lối viết thảo, các hình bầu rượu, đàn quạt, lẵng hoa... với các hình thức chạm nổi, chạm tròn thật sinh động, không trùng lắp, khiến mỗi bức tranh trở thành một tác phẩm độc đáo, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc đá Việt Nam đầu thế kỷ XX. Không chỉ các cột đá, các cấu kiện gỗ như bức cốn, xà nách, ván lá gió... cũng được chạm nổi, bong hình tinh xảo và hết sức cầu kỳ các hình phượng múa, rồng bay, hoa sen, cây cổ thụ, chim họa mi, thỏ tai dài, ngựa, voi,... tất cả được hòa quyện tạo nên những bức tranh sống động và đẹp mắt.
Tài sản của đình còn khá đồ sộ. Tất cả có tới gần trăm hiện vật, tiêu biểu là các bức cửa võng, cuốn thư, câu đối, bài vị, kiệu, bát biểu, chuông đồng, tranh ghép sứ... lộng lẫy vàng son như đưa ta vào chốn cung điện nguy nga thuở nào. Dấu ấn niên đại ở đây phần nhiều mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn song được làm khá cẩn thận, công phu. Tại đình còn lưu giữ được 15 sắc phong từ đời vua Thiệu Trị (1841-1847) đến đời vua Khải Định (1916-1925). Vì nách trải qua mấy trăm năm, với lòng ngưỡng mộ và tôn kính vị anh hùng dân tộc Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, hàng năm nhân dân và du khách thập phương về đây khá đông, vừa để chiêm viếng người anh hùng dân tộc, vừa tham quan di tích và cảnh đẹp của làng quê An Quý trù phú. Vào ngày 20 tháng 8 âm lịch hàng năm, cùng với đền Kiếp Bạc (Chí Linh - Hải Dương) và nhiều di tích khác thờ Trần Hưng Đạo, đình An Quý tổ chức long trọng lễ hội tưởng niệm vị anh hùng dân tộc với nhiều hình thức phong phú như: hát múa chèo, cờ tướng, thi đấu bóng chuyền và nhiều trò chơi dân gian thể hiện tinh thần thượng võ như: đấu vật, chọi gà... Cùng với khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, đình Nhân Mục, miếu - chùa Bảo Hà, đình Quán Khái..., đình An Quý là một trong những điểm tham quan du lịch hấp dẫn trong tua du khảo đồng quê của thành phố Hải Phòng.
Thành đoàn Hải Phòng