ĐÌNH AN HỒNG PHÚC, THÔN THUẦN TỴ, XÃ AN HỒNG, HUYỆN AN DƯƠNG

26 10 2023

in trang

Đình  An  Hồng  Phúc  thuộc  thôn  Thuần  Tỵ,  xã  An  Hồng,  huyện  An Dương. Tên của ngôi đình được đặt khi phục dựng lại đình năm 2015. Vì cả xã An Hồng hiện nay chỉ có một đình nên người dân đã lấy tên của xã và thêm chữ phúc, thể hiện ước mong, khát vọng đình được xây dựng sẽ mang hạnh phúc đến cho nhân dân toàn xã, để đặt tên đình. Đình An Hồng Phúc được xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố năm 2018.


Đình  An  Hồng  Phúc  thuộc  thôn  Thuần  Tỵ,  xã  An  Hồng,  huyện  An Dương. Tên của ngôi đình được đặt khi phục dựng lại đình năm 2015.

Vì cả xã An Hồng hiện nay chỉ có một đình nên người dân đã lấy tên của xã và thêm chữ phúc, thể hiện ước mong, khát vọng đình được xây dựng sẽ mang hạnh phúc đến cho nhân dân toàn xã, để đặt tên đình. Đình An Hồng Phúc được xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố năm 2018.

Đình An Hồng Phúc thờ 8 vị Thành hoàng gồm:

1 - Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn;

2 - Hiển liệt phu hựu, Hoằng huân, Hoằng huống, Thuần chính, Dực bảo, Trung hưng linh ứng chi thần (Phạm Tử Nghi);

3 - Dực bảo, Trung hưng, linh phù Đương cảnh Thành hoàng, Quảng tế Cư sĩ tôn thần;

4 - Dực bảo, Trung hưng linh phù, Bản thổ Đương Công phổ hóa tôn thần (Lôi Công);

5 - Dực bảo, Trung hưng linh phù, Thịnh ứng, thần vũ Khuông phù, Bảo hộ chi thần (Hoàng Công);

6 - Dực bảo, Trung hưng linh phù, Quang hiển, Nhân hoằng, Chính trực, Đồng thụ, hiệu Thiệu Công tôn thần (Thiệu Công);

7 - Dực bảo, Trung hưng linh phù Chấn Văn Lý, chân Nho tôn sĩ, Long thịnh, Hưng đạo Đường Trăm tôn thần (Đường Công);

8 - Dực bảo, Trung hưng linh phù, Chiêu Huấn, Đức trạch, Trinh thiện, Nguyên phi Hoàng hậu tôn thần (Trần Hồng Nương).

Năm 2015, đình được xây dựng lại ở vị trí gần với khu vực đình cũ trước đây. Đình An Hồng Phúc nằm trên một khuôn viên rộng thoáng mát, nhìn về hướng Đông Nam, phía trước đình là cánh đồng lúa xanh lượn sóng. Đình cùng khuôn viên với ngôi đền Vua Bà, di tích xếp hạng thành phố năm 2012, tạo thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng và một trung tâm hoạt động văn hóa truyền thống của nhân dân trong toàn xã An Hồng. Đình có kiến trúc mặt bằng chữ đinh, gồm 5 gian tiền tế và 2 gian hậu cung trong đó có 1 gian cung cấm. Đình xây theo thức đầu hồi bít đốc, trụ đấu, tay ngai, mái chảy lợp ngói mũi truyền thống. Từ sân đình được lát bằng gạch đỏ đều, phẳng, bước lên đình qua 5 bậc cấp. Từ hiên đình nhìn lên phần chắn phong của gian trung tâm là bức đại tự được đắp bằng vữa, trang trí khá đẹp, trông như bức đại tự gỗ. Bên trong đại tự trang trí đắp hoa văn nền gấm và đắp nổi bốn chữ Hán tên ngôi đình: An Hồng Phúc đình (安鸿福亭). Đình có ba bộ cửa, cửa làm theo thức cổ, cửa thùng khung khách. Tường bao che phía trước hai gian hồi tiền tế trổ cửa sổ để tạo ánh sáng trong đình. Hệ thống khung chịu lực làm bằng vật liệu mới, bê tông, cốt sắt. Tòa tiền tế gồm 4 bộ vì, vì bốn hàng chân cột. Cấu trúc các bộ vì tương tự nhau, vì nóc kiểu thuận chồng, tạo giá chiêng, vì nách thuận chồng, trụ trốn 4 con. Trên cấu kiện kiến trúc, như: thuận, xà nách được đắp nổi hoa văn lá guột. Đấu kê thuận hình vuông thót đáy, trên đấu đắp hoa văn hoa sen cách điệu. Trên bảy hiên cũng được đắp trang trí hoa văn lá guột mềm mại. 

Tòa hậu cung, bộ khung chịu lực gồm hai bộ vì, kết cấu vì tương tự như bộ vì tòa tiền tế, vì bốn hàng chân cột. Cửa hậu cung bằng gỗ, tạo tác theo kiểu cửa cổ, cửa thùng khung khách. Cửa chính ở giữa rộng lớn, ngưỡng cao, bốn cánh làm theo kiểu thượng song, hạ bản, trên ván cửa chạm đề tài tứ quý, tùng, trúc, cúc, mai, cửa chỉ mở vào những ngày sự lệ lớn của làng. Cửa nách nhỏ có hai cánh nằm hai bên cửa chính, ngưỡng cao ngang đầu gối, vì vậy phải qua bậc gỗ mới vào được trong cung. Cách cấu trúc cửa cung này tạo cho mọi người phải cẩn trọng, cung kính cúi đầu khi vào hậu cung nơi thâm nghiêm nhất của ngôi đình. Toàn bộ hệ thống các bộ vì được liên kết với nhau bằng hệ thống xà đai được tạo tác hình vỏ măng. Bằng kỹ thuật ghép đổ liền giữa các bộ vì với xà đai thành một khối, nên công trình có độ bền và vững chắc cao.

Nhìn chung, tuy ngôi đình làm bằng bê tông, cốt sắt, nhưng được các thợ ngõa làm có kỹ thuật cao và trang trí đắp vẽ trên kiến trúc đẹp, mềm mại, nên trông tổng thể vẫn giống như những ngôi đình làng truyền thống thời cổ xưa.

Trải qua thăng trầm của lịch sử, binh lửa chiến tranh, nhưng đình An Hồng Phúc vẫn bảo tồn được một số cổ vật, tư liệu lịch sử có giá trị như: 5 sắc phong, trong đó 3 đạo sắc phong của vua Thành Thái năm đầu (1889); 2 đạo sắc của vua Duy Tân năm thứ 3 (1909), phong cho các vị Thành hoàng làng; Hòm sắc gỗ sơn son vẽ rồng mây có niên đại cuối thế kỷ XIX; Bộ đỉnh hương bằng đồng có niên đại cuối thế kỷ XIX; Bát hương gốm có niên đại cuối thế kỷ XIX; Bia đá “Nhị xã hậu thần ký” (弍社後神記)(ghi chép về vị hậu thần của hai xã Song Mai và Mai Thự), dựng niên hiệu Gia Long thứ 3 (1804). Ngoài ra, tại đình còn bảo tồn được một số bia của văn từ của làng thời xưa, tuy nhiên do trước đây việc bảo quản không tốt, nên hiện nay bia bị mòn mất nhiều chữ.

Ngày nay, nhân dân tổ chức lễ chủ yếu vào dịp 15 tháng 8, ngày giỗ Đức Thánh Trần. Địa phương đang từng bước nghiên cứu, kế thừa và phát huy những  sinh hoạt văn hóa truyền thống của tiền nhân để lại. Đặc biệt, thời gian từ năm 2018 đến nay, vào dịp đầu năm mới tại đình An Hồng Phúc, nhân dân địa phương tổ chức “Lễ hội khai bút đầu xuân”. Lễ hội có tổ chức lễ rước “Thần Thư, Thánh Bút” từ đình đi quanh xã rồi về đình làm lễ hội khai bút. Đoàn lễ rước có các em học sinh trong xã, nhiều đoàn thể, cấp ngành cùng người dân trong và ngoài địa phương tham gia rất trang nghiêm. Lễ hội khai bút với nhiều hành động hội có ý nghĩa giáo dục cao và để lại ấn tượng đậm nét cho những người đến dự hội. Lễ hội “Khai bút đầu xuân” đang trở thành lễ hội truyền thống đặc sắc, độc đáo trong hoạt động lễ hội truyền thống tại các làng, xã của người dân Hải Phòng.

Đình An Hồng Phúc, tuy mới được khôi phục lại, nhưng đã được xếp hạng là di tích của thành phố Hải Phòng. Cùng với di tích đền Vua Bà, khu di tích đình, đền trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa truyền thống của địa phương. Với những giá trị lịch sử, văn hóa mang đậm đặc mầu sắc tâm linh, tín ngưỡng dân gian, cùng với lễ hội khai bút đầu xuân độc đáo, khu di tích đang trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài địa phương của huyện An Dương.

 

 

 

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke