ĐÌNH AN DƯƠNG ĐOÀI, XÃ AN ĐỒNG, HUYỆN AN DƯƠNG
25 10 2023
in trang
Đình An Dương Đoài, thuộc thôn An Dương, xã An Đồng. Công trình được nhân dân xây dựng lên để phụng thờ các vị Thành hoàng làng, đồng thời cũng là trung tâm bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của địa phương. Ngôi đình được mang tên địa danh quê hương, nơi cộng đồng dân cư đã sản sinh ra nó. Đình An Dương Đoài được xếp hạng di tích tích lịch sử của thành phố Hải Phòng năm 2009.
Đình An Dương Đoài, thuộc thôn An Dương, xã An Đồng. Công trình được nhân dân xây dựng lên để phụng thờ các vị Thành hoàng làng, đồng thời cũng là trung tâm bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của địa phương. Ngôi đình được mang tên địa danh quê hương, nơi cộng đồng dân cư đã sản sinh ra nó. Đình An Dương Đoài được xếp hạng di tích tích lịch sử của thành phố Hải Phòng năm 2009.
Theo tài liệu thần tích, thần sắc của làng An Dương, tổng An Lạc, huyện An Dương, có ký hiệu FQ418IX 5, hiện lưu trữ tại Viện Thông tin Khoa học Xã hội Việt Nam (tài liệu trên được ông Chánh Hương hội Đào Ngọc Dục khai năm 1938 với cơ quan cấp trên), làng An Dương thờ bẩy vị Thành hoàng. Trong tài liệu ghi hai làng An Dương, Trang Quan trong tổng đều cùng thờ bảy vị Thành hoàng. Hiện nay hai địa phương trên là hai thôn lân cận trong xã An Đồng. Đến nay, trên cánh đồng đất giáp hai thôn có một gò đất cao, rộng, tương truyền nơi đây là đất linh địa, nơi thiên táng 6 vị Thành hoàng. Gò đất cấm địa trên vẫn được hai làng An Dương và Trang Quan bảo vệ, giữ gìn nghiêm cẩn.
Các vị Thành hoàng của làng An Dương Đoài gồm:
1. Ngài Phạm Tử Nghi, có duệ hiệu là Nam Hải Đại Vương. Phạm Tử Nghi người làng Niệm Nghĩa, huyện An Dương, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Thời trẻ ông là người có tư chất thông minh lại ham học tập, nên học một biết mười. Đặc biệt ông có sức khỏe hơn người. Ông đắp con đường dài, trên có những đống đất cao hai bên đường để tập võ nghệ. Khi chạy đến những đống đất hét lên một tiếng và vung gậy san bằng. Mọi người nhìn thấy vậy gọi ông là “Ông Thiên Lôi” và con đường đó là “đường Thiên Lôi”. Đường đó được sách sử nước ta ghi vào danh mục cổ tích. Ông bước lên vũ đài chính trị bằng thanh gươm trận và trở thành võ quan cao cấp của Vương triều Mạc, thế kỷ XVI. Sau cái chết của vua Mạc Phúc Hải, năm 1546, vì không cùng quan điểm đưa Mạc Phúc Nguyên mới có 5 tuổi lên ngôi, nên ông mang quân rời triều chính cát cứ một vùng đất riêng. Ông đã từng mang quân sang đánh phá bên nước Minh để đòi lại vùng đất lưỡng Quảng. Nhà Minh không chế ngự được ông, nên đã trách cứ triều Mạc. Nhà Mạc đã tìm mọi cách sát hại ông và mang thủ cấp của ông sang nước Minh. Theo thần tích, nhà Minh sau khi tiếp nhận thủ cấp của ông, đất nước bị ôn dịch, nên phải đưa thủ cấp của ông vào quan quách đá xuống bè, làm lễ tiễn Công, Hầu về nước. Bè thả trôi không ai đẩy mà vẫn về đến bến sông Niệm quê hương ông. Dân làng được báo mộng đã rước Ngài về an táng tại Đôn Nghĩa. Lăng miếu Đôn Nghĩa hiện nay thuộc phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng là di tích cấp quốc gia. Theo tín ngưỡng dân gian, ông là vị thánh tối linh, thường hiển hiện phù giúp cho người dân, đặc biệt là cư dân làm ăn trên sông nước. Chính vì vậy, ông được rất nhiều địa phương thờ làm Phúc thần, Thành hoàng làng.
Làng An Dương là địa phương gần cận với làng Niệm Nghĩa, Nghĩa Xá, Đôn Nghĩa, quê hương của Ngài Phạm Tử Nghi. Mặt khác nhiều dòng họ của ba làng trên di cư đến An Dương cùng các dòng họ khác lập làng, dựng ấp nên làng An Dương thờ Thành hoàng Phạm Tử Nghi.
Ngoài Phạm Tử Nghi, đình An Dương Đoài còn thờ 6 vị Thành hoàng: Ngài Ông Vang; Ngài Bến Cả; Ngài Chàng Ếch; Ngài Cống Đầm; Ngài Hỗ Lang; Ngài Công chúa.
Tương truyền các vị trên là 6 học trò, 5 trai, 1 gái, trên đường đi học về tắm ở bến sông, bị nước cuốn trôi vào ràng lớn. Người ta vít thào, nắp ràng bị đậy nên 6 vị bị chết. Chủ ràng thấy vậy sợ chạy đi báo quan. Khi đến nơi khám xét thì mối đã xông biến thành các ngôi mộ lớn. Người dân thấy trời chôn cất như vậy cho rằng các vị là người nhà trời, nên lập miếu phụng thờ. Vào thời Hậu Lê, quan quân do Phạm Đình Trọng chỉ huy đi đánh Quận He (Nguyễn Hữu Cầu). Các vị thần báo mộng âm phù cho quan quân thắng trận, nên các vị thần được vua ban sắc phong.
Từ đường ngõ lớn trước khi vào sân đình là nghi môn đình, nhìn hướng Bắc. Nghi môn xây kiểu nhất môn, chồng diêm nóc các, hai tầng tám mái, mái đao cong. Trên mái đắp trang trí theo các đồ án hoa văn truyền thống như: lá lật, rồng chầu… Cổ diêm của nghi môn đắp nổi bốn chữ Hán lớn: Đình An Dương Đoài (亭安陽兌). Từ nghi môn đi qua một đoạn đường nhỏ vào sân đình, sân được lát bằng gạch bát mầu đỏ, có kích thước lớn. Từ sân phía trước bước lên đình qua năm bậc cấp. Thềm hiên, bậc cấp đều được lát cùng loại gạch bát mầu đỏ với sân đình.
Đình An Dương Đoài là ngôi đình có kích thước, quy mô khá to lớn nhìn về hướng Tây, hướng của sự hài hòa, hội hợp âm dương, ngũ hành. Đình được phục dựng lại năm 2006, xây theo thức mái chéo đao tầu góc, lợp ngói mũi, mặt tiền có ba gian cửa.
Khuôn viên đình An Dương Đoài hiện nay rộng trên 1.000 m2. Ngoài công trình chính là tòa đại đình, còn có nhà thờ Mẫu, nhà khách, sân hội, hồ cảnh… Đặc biệt, trong khuôn viên đình còn có một gò đất cao, nằm dưới tán cây đa cổ thụ. Trên bệ tam cấp dựng một bia đá lớn ghi danh 25 chiến sĩ vệ quốc đoàn, 10 liệt sĩ và một số người dân làng An Dương đã hi sinh trong trận càn ngày 26 tháng 11 năm 1946 của thực dân Pháp. Tấm bia khắc ghi tội ác của kẻ thù xâm lược, đồng thời thể hiện sự tưởng nhớ, tri ân của dân làng An Dương Đoài với những tấm gương hy sinh cao cả của những người đã quên mình vì tổ quốc, bảo vệ quê hương.
Trải qua thăng trầm của lịch sử, đặc biệt trong thời gian chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, khu vực An Dương là trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ. Đình An Dương Đoài còn là nơi sơ tán của cơ quan Ủy ban Kế hoạch thành phố Hải Phòng. Tuy vậy, đình vẫn còn bảo tồn được một số cổ vật có giá trị về lịch sử văn hóa như: Long đình, Đại tự, Bát hương sành, Bài vị,…
Đình An Dương Đoài là di tích lịch sử của thành phố Hải Phòng, nơi lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, một tượng đài tôn thờ các vị Thành hoàng có công giúp nước, giúp dân. Đình An Dương Đoài nằm gần ngôi chùa Linh Quang và di tích quốc gia “Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh”. Những công trình trên tạo thành một quần thể di tích đa dạng, phong phú về loại hình và giá trị văn hóa dân gian, do vậy luôn là nơi hấp dẫn người dân trong và ngoài thành phố đến tham quan, chiêm bái.
Thành đoàn Hải Phòng