DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA CHÙA LAI THỊ - XÃ TÂN DÂN HUYỆN AN LÃO – THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

08 09 2023

in trang

Chùa Lai Thị (Hương Mỹ tự) thuộc xã Tân Dân huyện An Lão, được tọa lạc trên một khu đất cao ráo bằng phẳng, tựa kề làng xóm, mặt chính hướng về phía Tây; là một trong số ít ngôi chùa còn giữ được nhiều pho tượng Mạc và góp thêm một nguồn tư liệu quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam thế kỷ 16 ở Hải Phòng.


Ngôi chùa Lai Thị thuộc xã Tân Dân, huyện An Lão, ngoại thành Hải Phòng. Ngoài tên gọi theo địa phương sản sinh ra, công trình chùa Lai Thị còn có tên chữ: Hương Mỹ tự, nghĩa là chùa cảnh đẹp nổi tiếng Hương Mỹ tự, tên chữ của ngôi chùa còn được khắc trên bức đại tự treo giữa tòa Phật điện, bờ nóc mái của kiến trúc ngôi chùa.

Chùa Lai Thị, xã Tân Dân phản ánh nhu cầu văn hóa tín ngưỡng của cư dân địa phương trong quá trình hình thành cơ cấu làng xã bền vững và cởi mở. Nét đặc sắc của ngôi Chùa là hệ thống tượng phật bằng đá được tạo tác theo kỹ thuật tượng tròn. Ngoài các di vật tượng đá được bài trí tại tòa Phật điện còn có một số đồ thờ tự bằng gỗ, phủ sơn son thếp bạc, một tượng voi nhỏ, hai bệ đá hoa sen của các pho tượng đá khác để ngoài Phật điện. Trên Phật điện nhà thờ Sư tổ có các pho tượng chất liệu gỗ đề có niên đại nghệ thuật Nguyễn thế kỷ 19, 20. Như thông báo khoa học năm 1999 của Tống Trung Tín và Nguyễn Kim Dung (Viện khảo cổ) có cùng nhận định: chùa tuy có quy mô nhỏ, nhưng là một trong số ít ngôi chùa còn giữ được nhiều pho tượng Mạc và góp thêm một nguồn tư liệu quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam thế kỷ 16 ở Hải Phòng.

Trong cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp, chùa Lai Thị luôn giữ vững là một cơ sở quan trọng trú quân, cất giữ tài liệu của lực lượng kháng chiến mặt trận Hải Phòng – Kiến An. Năm Tân Mão 1951, ngôi chùa được phục dựng lại đến năm Nhâm Thìn 1952 thì hoàn thành. Trải qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo và lần gần đây nhất là năm 2020, Chùa được tu bổ, tôn tạo khang trang hơn, tố hảo hơn.

Tổng thể khuôn viên ngôi chùa được quy hoạch một cách gọn gàng, theo một trình tự rất dễ nhận ra đây là một công trình văn hóa tâm linh. Kiến trúc của ngôi chùa có quy mô vừa phải và được tu tạo mới, nhiều lần.Tòa Phật điện có bố cục mặt bằng kiểu chữ Đinh(J), gồm 3 gian bái đường – 2 gian chuôi vồ. Đây chính là kiến trúc trọng yếu của ngôi chùa, bao gồm nơi thờ tự các pho tượng phật, ban thờ Đức ông, ban thờ Mẫu, tương tự như nhiều ngôi chùa ở ngoại thành Hải Phòng.Từ chính giữa tòa bái đường, qua diện tích sân chùa được lát gạch kiểu Bát Tràng, giữa sân chùa và phần phía trước sân, vườn, hồ nước, cây lưu niên, kiến trúc Phật điện, gian thờ các vị sư tổ khu nhà ni, khu nhà phụ.

So sánh với nhiều làng quê chuyên canh tác nông nghiệp của miền duyên hải ngày nay, sinh hoạt lễ hội truyền thống của làng Lai Thị cũng có nhiều nét tương đồng, phổ biến như lý do mở lễ hội, để dân làng tưởng nhớ, suy tôn người có công với làng, xã, thời gian mở lễ hội vào cữ mùa xuân là thời gian ngơi nghỉ tạm thời của một chu kỳ sản xuất nông nghiệp. Lễ hội chùa Lai Thị diễn ra đều đặn vào ngày 10 tháng giêng âm lịch, thu hút sự tham gia của cả cộng đồng làng xã, các nghi lễ: rước, dâng lễ lên ban thờ Phật tại chùa bằng các sản phẩm nông nghiệp được tạo ra trong đời sống thường ngày, cầu mong sự bảo trợ của Phật thánh cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Có thể nói rằng, sự tồn tại của ngôi chùa đã tạo ra sự cân bằng trong đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương, góp phần tích cực vào cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở hiện nay. Qua lịch sử thăng trầm, diễn biến của ngôi chùa giúp cho mỗi thành viên trong cộng đồng làng xã địa phương có vốn hiểu biết bổ ích về quê hương, đất nước nêu gương các thế hệ đi trước, gắn bó với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chùa Lai Thị (Hương Mỹ Tự) đã được UBND thành phố Hải Phòng xếp hạng và cấp bằng công nhận “Di tích lịch sử văn hóa” cấp thành phố theo Quyết định số 889/QĐ-UBND ngày 26 tháng 04 năm 2006.

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke