DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ CẤP QUỐC GIA ĐỀN PHÚ XÁ
16 10 2023
in trang
Người Việt Nam có câu “Tháng Tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ” vì vậy dù có đi đâu, làm gì thì những con người Việt Nam cũng luôn dành thời gian quay trở về với tấm lòng thành kính đến dâng hương lên bàn thờ cha, mẹ. Nằm soi bóng nghiêng nghiêng bên hồ bán nguyệt với những hàng cây toả bóng lên mặt hồ tạo lên vẻ linh thiêng, cổ kính – đó là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia Đền Phú Xá, phường Đông Hải 1, quận Hải An, thành phố Hải Phòng.
Đền Phú Xá, phường Đông Hải 1 là một trong những di tích lịch sử gắn liền với Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 trên sông Bạch Đằng, đó là chiến công đỉnh cao nhất trong 3 lần đọ sức của quân dân Đại Việt với quân xâm lược Nguyên mông thế kỷ 13.
Lịch sử Việt Nam và thế giới ghi chép lại vào thế kỷ 13, quân Nguyên là một đội quân xâm lược hùng mạnh nhất thế giới, chinh chiến xâm lược nhiều quốc gia ở Châu Á và Châu Âu, từ bờ Thái Bình Dương đến bên kia Hắc Hải. Chúng đi đến đâu gieo chết chóc, tang thương đến đó, đẩy thế giới vào những cuộc chiến tranh khốc liệt chưa từng có trong lịch sử lúc bấy giờ, trở thành nỗi khiếp sợ của nhiều dân tộc trên thế giới.
Vốn có âm mưu xâm chiếm Đại Việt, trong 2 năm 1258 và 1285 chúng đã điều động hàng chục vạn quân tinh nhuệ xâm lược Nước ta. Nhưng với ý trí quyết tâm giữ yên bờ cõi quân dân nhà Trần đã kiên cường đẩy lùi đạo quân xâm lược Nguyên mông với những chiến thắng Đông Bộ Đầu, Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết, Vạn Kiếp...
Không từ dã âm mưu xâm lược, cuối năm 1287 Hốt Tất Liệt bãi bỏ kế hoạch đánh Nhật Bản để tập trung lực lượng cho cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt lần thứ ba lần này ngoài bộ binh và kỵ binh, chúng còn điều động một lực lượng thuỷ binh với hơn 600 thuyền chiến do Trấn Nam Vương Thoát Hoan làm tổng chỉ huy chia làm 03 mũi ồ ạt tiến vào nước ta. Trước sự hung hãn, tàn ác của quân thù, chúng đi đến đâu nhân dân ta bị đầu rơi, máu chảy, làng mạc bị đốt phá đến đó.
Đầu tháng 02 năm 1288 Ô mã nhi dẫn thủy binh đi theo hướng đông bắc vào nước ta bị quân ta chặn đánh tại Ngọc Sơn (Quảng Ninh). Sau cuộc hội quân thủy, bộ tại Vạn Kiếp, Thoát Hoan dự định cố gắng xây dựng vùng Vạn Kiếp và Thăng Long thành căn cứ quân sự, chúng triệt hạ, tàn phá nhiều điền trang, thái ấp, cướp bóc đàn áp nhân dân, uy hiếp triều đình. Đoán trước được âm mưu của quân Nguyên, Trần Hưng Đạo cho thực hiện chính sách “Vườn không nhà trống” nên khi quân Nguyên kéo quân vào đã trúng kế và gặp khó khăn về nguồn lương thực tại chỗ, mặt khác, đoàn thuyền lương thảo của Trương Văn Hổ đã bị Phó tướng Trần Khánh Dư bố trí mai phục đánh tan tại Vân Đồn. Khiến quân Nguyên lâm vào tình trạng đói khát khốn cùng, phải quyết định chia làm hai đường thủy bộ rút quân về nước.
Nắm bắt ý đồ rút quân và phán đoán chính xác đường rút quân của địch, Trần Quốc Tuấn tiến quân từ Vạn Kiếp đến cửa Sông Bạch Đằng chuẩn bị đánh chặn địch. Trên đường hành quân được sự phối hợp của các đội dân binh địa phương chủ động phục kích làm tiêu hao sinh lực địch.
Thời cơ đến, Trần Hưng Đạo đã nghiên cứu kỹ lưỡng quy luật Nước thủy triều của sông Bạch Đằng ra kế sách chuẩn bị một trận địa cọc mai phục tại cửa sông Bạch Đằng. Các loại gỗ lim, gỗ táu được nhân dân và tướng sỹ đẽo nhọn đầu bịt sắt cắm xuống lòng sông ở các cửa dẫn ra biển như sông Rút, sông Chanh, sông Kênh, làm thành những bãi chông lớn, kín đáo. Sử dụng bờ lau, bãi sậy, núi đá ven sông làm nơi mai phục.
Mờ sáng ngày 09 tháng 4, khi nước thuỷ triều lên ngập các bãi cọc quân ta cho thuyền nhỏ ra khiêu chiến, giả thua chạy nhử các thuyền chiến của địch tiến sâu vào bãi cọc. Ô Mã Nhi trúng kế thúc quân đuổi theo. Khi các chiến thuyền của quân Nguyên đã vào sâu bên trong các nhánh của sông Bạch Đằng. Trong lúc này thủy quân của ta từ các ngả Hải Đông - Vân Trà, Điền Công, Gia Đước, sông Thái, sông Giá nhanh chóng tiến ra sông Bạch Đằng với hàng trăm chiến thuyền cùng quân lính tạo thành một dải thuyền chặn đầu thuyền địch ngang trên sông. Lúc này nước thủy triều xuống, trận địa cọc nhô lên khỏi mặt nước, Cùng lúc đó quân ta từ Tràng Kênh với cung tên, hỏa lực đánh áp từ phía sau. Địch bị bất ngờ quay thuyền tháo chạy ra hướng cửa sông thuyền địch đâm mạnh vào cọc bị vỡ, mắc cạn, quân giặc phần bị tiêu diệt, phần bị bắt sống, tướng Ô Mã Nhi bị bắt sống tại trận. Quân Nguyên bị tổn thất nặng nề, nhiều thuyền chiến bị cháy, bị đắm. Một số cánh quân Nguyên bỏ thuyền chạy lên bờ tìm đường trốn thoát nhưng đều bị phục kích chặn đánh quyết liệt. Trận Bạch Đằng lịch sử kết thúc, quân ta thắng lợi hoàn toàn. Đại thắng trên sông Bạch Đằng được xem là trận Thủy chiến lớn nhất trong Lịch sử Việt Nam và là thắng lợi tiêu biểu nhất của Đại việt trong ba cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên mông.
Lịch sử còn ghi lại, khi chuẩn bị cho cuộc đại chiến trên sông Bạch Đằng lần thứ ba. Trần Hưng Đạo đã lấy làng Phú Lương xưa nay là Tổ dân phố Phú Xá, phường Đông Hải 1 làm nơi cất giữ kho lương thảo phục vụ chiến đấu. Đặc biệt người con dâu họ Phạm làng Phú Lương -Bà Bùi Thị Từ Nhiên với tinh thần yêu nước nồng nàn đã tự mình đem thóc gạo, vận động dân làng lập kho lương thảo để phục vụ tướng sĩ nhà Trần đánh giặc. Do phải chiến đấu trên sông nước nên việc mang theo lương thảo gặp khó khăn, bà Bùi Thị Từ Nhiên đã nghĩ cách làm bánh đa tráng bằng bột chín để quân sỹ mang theo sử dụng đây là món lương khô rất thuận lợi trong chiến đấu, góp phần vào Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 chống giặc Nguyên mông. Khi trận Bạch Đằng đại thắng Đại tướng quân Trần Hưng Đạo cũng đã chọn nơi đây là nơi mở hội khao thưởng quân sĩ trước khi kéo quân về Vạn Kiếp. Để ghi nhớ công lao, góp phần đánh thắng giặc Nguyên mông, trước khi rút quân về Vạn Kiếp Trần Hưng Đạo đã phong tặng cho Bà Bùi Thị Từ Nhiên là Nữ tướng hậu cần.
Đức Thánh Trần Hưng Đạo sinh năm 1223 mất năm 1300 tên thật là Trần Quốc Tuấn, tước Hưng Đạo Đại Vương. Quê làng Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Phẩm chất nổi bật ở Trần Quốc Tuấn được khắc họa là trung quân, ái quốc, lòng trung với Vua của Trần Quốc Tuấn thể hiện ở tinh thần yêu nước sâu sắc và ý thức trách nhiệm của công dân đối với đất nước, Ngài hết lòng lo tính kế sách giúp Vua giữ nước, an dân. Lòng trung của Ngài được đặt trong hoàn cảnh có thử thách, mâu thuẫn giữa “ Hiếu” và “ Trung” Ngài đặt “ Trung” trên “ Hiếu” nợ nước trên tình nhà. Bên cạnh phẩm chất trung quân ái quốc, Trần Quốc Tuấn còn là một vị tướng anh hùng đầy tài năng mưu lược, đồng thời là con người có đức độ lớn lao, Ngài là tấm gương mẫu mực của một vị tướng toàn đức, toàn tài, không những được nhân dân ngưỡng mộ mà cả quân giặc cũng phải kính phục. Ngài là nhà thiên tài quân sự, nhà chính trị kiệt xuất, anh hùng dân tộc. Một vị Thánh nhân có tài chí xuất chúng, ý chí quyết tâm tiêu diệt quân xâm lược, luôn mang trong mình một lòng yêu nước nồng nàn, bằng tài năng và trí tuệ, văn võ song toàn, giữa sách lược với chiến lược đạt tới một trình độ quân sự uyên bác, Là người có đạo đức trong sáng, luôn nêu cao tinh thần đoàn kết vì nghĩa lớn, góp phần đoàn kết toàn dân chống lại kẻ thù. Trần Hưng Đạo đã làm nên những chiến công hiển hách cùng quân dân Đại Việt đập tan hoàn toàn âm mưu xâm lược của giặc Nguyên mông bảo vệ độc lập dân tộc. Ngoài ra Ngài còn để lại cho hậu thế cả một sự nghiệp văn chương đồ sộ với những tác phẩm truyền đời như: “Hịch tướng sĩ”, “Binh thư yếu lược” và tác phẩm “ Vạn Kiếp tông bí truyền thư” ...
Tháng Sáu năm Mậu Tý (1300), Ngài lâm bệnh. Trước khi qua đời Ngài đã dặn lại vua Trần "Khoan thư sức dân là kế sâu gốc, bền rễ, đó là thượng sách giữ nước".. Được Vua Trần tấn phong: Thái Sư Thượng Phụ Thượng Quốc công Nhân Võ Hưng Đạo Đại Vương. Nhân dân tôn Ngài là “Trần Triều Hiển Thánh”. Để tưởng nhớ công đức của Đức Thánh Trần sau khi ngài mất dân làng Phú Lương đã lập đền thờ. Từ đó việc phụng thờ Đức Thánh Trần, cùng toàn gia nhà Trần và Nữ tướng Bùi Thị Từ Nhiên được nhân dân địa phương gìn giữ từ nhiều năm nay.
Phường Đông Hải 1 vinh dự là nơi có 2 dấu tích của chiến trận Bạch Đằng năm xưa đó là: Đền Phú Xá là nơi lưu giữ lương thảo và Chùa Vẽ là nơi kẻ vẽ bản đồ, bàn luận kế sách của quân sỹ nhà Trần.
Đền Phú Xá được xây dựng lại từ thời Tự Đức toạ lạc trên một thửa đất cao dáo Đền quay về hướng Đông, hướng ra cửa sông Bạch Đằng. Ban đầu là một ngôi đền nhỏ bằng tranh tre, trải qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo ngày nay đã trở thành một công trình bề thế. Bố trí theo kiểu nội công ngoại quốc gồm 5 gian tiền đường, nhà thiên hương, giải vũ, nhà đệ nhị và hậu cung. Với chất liệu bằng gỗ, hệ thống trạm khắc, đắp vẽ hoa văn nghệ thuật tinh xảo, nhuần nhuyễn mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Đền còn lưu giữ được nhiều tượng pháp, cổ vật, đồ gốm có giá trị cao về mỹ thuật và nghệ thuật điêu khắc có niên đại thế kỷ 17, 18, 19 góp phần tạo nên giá trị của di tích.
Thành đoàn Hải Phòng