DI TÍCH LỊCH SỬ THÀNH PHỐ ĐÌNH VĂN TRÀNG

06 11 2024

in trang

Đình Văn Tràng vẫn mang đậm nét cổ kính, thâm trầm, bạc màu thời gian. Đây là không gian tâm linh, nơi gửi gắm ước vọng của người dân về một cuộc sống an bình, hạnh phúc.

   Đình Văn Tràng thuộc cụm di tích Đình - Đền - Chùa Văn Tràng tọa lạc trên mảnh đất TDP Văn Tràng 2 – thị trấn Trường Sơn – huyện An Lão – TP. Hải Phòng, cách trung tâm thành phố 14km thuận lợi cho du khách thập phương về đình hành hương. Nơi đây thờ Đức ông Vương Công Hiển – một công thần dưới triều Tiền Lý.

   Theo phả tích ghi lại: Vương Công Hiển, người gốc Thanh Hóa nhưng sinh ra và lớn lên tại ấp An Tràng. Ông đã tham gia cuộc khởi nghĩa của Lý Bí chống lại cuộc xâm lược nhà Lương phương Bắc. Suốt cuộc khởi nghĩa ông đã lập nhiều chiến công hiển hách, góp phần xây dựng nhà nước Vạn Xuân năm 544 ( Sau Công Nguyên), đưa Lý Bí lên ngôi vua, hiệu là Lý Nam Đế. Trong trận chiến ở đất Chu Diên với tướng giặc là Tiêu Tư, ông cùng các tướng sĩ dũng cảm tả xung hữu đột giữa vòng vây quân thù. Mặc dù đã chiến đấu quyết liệt nhưng do thế giặc hiểm ác, ông đã anh dũng hy sinh nơi sa trường. Ở quê nhà, bà Vũ Thị Quý Minh nghe tin chồng tử trận, đã phân phát hết tài sản gia đình cho nhân dân sở tại, rồi cùng người con gái tên là Quỳnh Phương gieo mình xuống sông Lạch Tray tự vẫn để giữ trọn tấm lòng trinh liệt. Cảm thương tấm lòng hiếu nghĩa của gia đình Vương Công Hiển, nhà vua xuống chiếu, ra sắc phong cho 3 vị làm Thành Hoàng của khu vực ấp An Tràng, cho nhân dân lập đình thờ để ngàn năm hương khói. Năm 968 Đời Vua Đinh Tiên Hoàng dựng nghiệp, mở nước có qua sông Lạch Tray và đóng quân nghỉ trên đất An Tràng. Đêm nằm mộng thấy 3 vị thánh Đền An Tràng linh ứng âm phù, dương trợ cho nhà Vua thống nhất thiên hạ. Vua Đinh Tiên Hoàng dẹp xong thập nhị sứ quân, nhớ ơn các vị thánh thiêng Đền An Tràng lại phong sắc. Năm 1293 Vua Trần Nhân Tông dẹp quân Nguyên Mông lại linh ứng, 3 vị thánh Đền An Tràng lại được nguyên phong.

   Trải qua sự thăng trầm của thời gian, ngôi đình vẫn giữ được nét đẹp cổ kính. Mái đình kết cấu theo lối “ chéo đao tàu góc” – một trong những kiến trúc cổ của Việt Nam.

   Tuy nhiên, dưới sự tàn phá trong chiến tranh thực dân Pháp nên ngôi đình đã bị hư hỏng nặng nề. Đến đầu thập niên 90, ngôi đình được phục dựng trên nền đất đình cũ. Ngoài phần trang trí xây, đắp trên bờ nóc mái theo thể thức "lưỡng long chầu nhật, kìm ngậm bờ nóc, cùng đôi nghê chầu bờ giải”, giá trị nghệ thuật điêu khắc và sơn thếp truyền thống phải kể đến các nét chạm lộng trên kết cấu vì nóc mái "Đấu sen, kẻ chồng" cùng các lớp cửa võng được đặt giữa hai cột cái của gian giữa nhà Tiền đường và ống muống hậu cung. Trên các cửa võng được chạm thủng các đề tài: Lưỡng long chầu nguyệt, xen kẽ vào đó là các hình hoa Tùng, Cúc, Trúc, Mai... nét chạm thủng bong kênh trau chuốt, mạch lạc, thể hiện sự khéo léo của các kíp thợ. Trong đình, chính giữa là ban thờ chính thờ Đức ông Vương Công Hiển, ở phía trái tòa tiền đường có ban thờ mẫu và tại gian trái đình phía phải có ban thờ chủ tịch Hồ Chí Minh cùng danh sách 30 liệt sĩ thời chống Pháp của Làng Văn Tràng. Nằm bên trái ngôi đình là một nghè nhỏ - đây là nơi thờ vọng Quỳnh Phương công chúa.

   Hiện nay trong đình còn lưu giữ nhiều hiện vật quý giá như: Long đình, hương án, kiệu bát cống gồm 8 thanh rồng mang nét nghệ thuật nhà Nguyễn cuối thế kỷ 19; ba chiếc lệnh bài chất liệu gỗ, sơn son, thếp vàng rực rỡ. Tượng Đức ông Vương Công Hiển ngồi trên ngai rồng trong trang phục chỉnh tề, áo, mũ, cân đai, hài nhỏ, tay phải để trên gối phải, tay trái cầm thanh tiêu nhỏ mang niên đại nghệ thuật đầu thế kỷ 20. Đặc biệt, đình Văn Tràng hiện vẫn lưu giữ được 4 sắc phong của các triều vua Nguyễn phong cho Đức ông Vương Công Hiển.

   Để tưởng nhớ công ơn của Đức ông Vương Công Hiển, Đức bà Vũ Thị Qúy Minh và Quỳnh Phương Công chúa, người dân thị trấn Trường Sơn nói chung, tổ dân phố Văn Tràng, An Tràng nói riêng đã long trọng tổ chức lễ hội truyền thống vào các ngày 08,09,10,11 tháng giêng hàng năm. Lễ hội diễn ra trong không khí vui tươi, đầm ấm. Dân làng Văn Tràng, An Tràng lại rộn ràng nhịp bước, rực rỡ cờ hoa rước thần tượng Đức bà Quý Minh (từ đền Văn Tràng ) và Quỳnh Phương công chúa (từ đền An Tràng ) về đình làng Văn Tràng mở hội mừng xuân mới.

   Sau phần nghi lễ tế thành hoàng, hội vật truyền thống được mở tại sân đình Văn Tràng nhằm phát huy truyền thống tuyển quân, luyện quân xung vào đội ngũ chiến đấu của Đức Vương Công Hiển, vị tướng tài ba của Vua Lý Nam Đế.

   Hội làng là dịp để người dân Thị trấn Trường Sơn cùng nhau ôn lại tấm gương trung hiếu, thuỷ chung của gia đình đức ông Vương Công Hiển. Đây chính là niềm tự hào của địa phương khi có cả một gia đình được phong thần, được lập đền, dựng đình thờ cúng ngay tại mảnh đất quê hương.

   Hiện nay, tại đình Văn Tràng vẫn còn dấu tích hầm bí mật nuôi giấu cán bộ hoạt động kháng chiến và tấm gương trung kiên, bất khuất của đồng chí bí thư chi bộ đầu tiên ở địa phương bị giặc tra tấn, sát hại ngay tại cây đa đình làng.

   Thật vinh dự khi ngày 21/12/2002, UBND thành phố Hải Phòng ra quyết định số 2848/QĐ-UBND công nhận cụm di tích Đình – Đền – Chùa Văn Tràng - thị trấn Trường Sơn là di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố. Đây là dấu mốc quan trọng, là niềm tự hào đối với toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong thị trấn.

   GIÁ TRỊ LỊCH SỬ - VĂN HÓA

   Cụm di tích Đình - đền - chùa Văn Tràng, Thị trấn Trường Sơn, thông qua tục thờ cúng gia đình Đức Vương Công Hiển - một bậc tướng tài triều Lý Nam Đế (thế kỷ thứ VI) đã để lại cho hậu thế một tấm gương sáng về lòng yêu nước thuỷ chung với làng xóm, gia đình, lòng hy sinh, một lòng vì nghĩa lớn.Truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm đã được cán bộ, nhân dân địa phương phát huy cao độ trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm vừa qua. Tại đình - đền - chùa Văn Tràng vẫn còn nhiều dấu tích hầm mật nuôi dấu cán bộ hoạt động kháng chiến và tấm gương trung kiên, bất khuất của đồng chí bí thư chi bộ đầu tiên ở địa phương bị giặc sát hại ngay tại cây đa đình làng, sau khi dùng mọi nhục hình tra tấn nhằm mọi bí mật, tin tức cách mạng từ con người cộng sản, kiên trung. Tấm gương nêu cao khí tiết anh hùng cách mạng của ông đã được lớp trẻ noi theo một cách xứng đáng trong công cuộc xây dựng, kiến thiết quê hương, theo ánh sáng đổi mới của Đảng.

   Qua sự tồn tại của di tích, thông qua hoạt động lễ hội truyền thống diễn hàng năm, một không gian hoạt động văn hóa truyền thống đã và đang được bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp. Cùng với việc thờ phụng các nhân thần, để truyền đạt niềm ước mơ, khát vọng, sự biết ơn, người dân còn tổ chức nhiều hình thức hoạt động văn hóa dân gian, tổ chức các trò chơi để giao lưu, vui chơi, nghỉ ngơi thư giãn sau những ngày lao động vất vả và chuẩn bị bước vào một giai đoạn mới của cuộc sống. Việc tổ chức các lễ hội như vậy cũng để nhắc nhở con cháu nhớ về công lao của nhưng người đã góp phần xây dựng và bảo vệ quê hương, là dịp để những người xa quê nhớ về cội nguồn.

 

 

Admin

Thong ke