Di tích Lịch sử Miếu An Thạch

21 03 2024

in trang

Mùa xuân năm Tân Mão 2011 với phương châm xã hội hóa việc xây dựng Đình Chùa, Đền, Miếu. Cán bộ và nhân dân làng An Thạch, các nhà hảo tâm, khách thập phương đã phát tâm công đức chung sức đồng lòng tu sửa xây dựng một số hạng mục trong khuôn viên miếu như: Cổng, tường bao, nhà khách, công trình vệ sinh, hồ Bán nguyệt....trên diện tích 1479m2 tổng kinh phí trên 450 triệu đồng.

 

        Cửa Miếu nhìn hướng đông. Bố cục ngôi Miếu hình chữ Đinh gồm ba gian bái đường, hai gian ống muống. Bên tả Miếu là ao làng chừng 5 – 6 sào, bên kia ao là khu dân cư sầm uất. Bên hữu Miếu là cánh đồng lúa, phía sau Miếu giáp đường liên thôn và con mương dẫn thủy nhập điền. Trước sân Miếu là hai cột đồng trụ (Trụ Biểu) đỉnh có đôi nghê chầu, ba mặt trụ có các đôi câu đối:

         - Đông đoài phúc thụ cao sơn vị - Chiêm, Tống Công phong Thượng Đẳng Thần.

         - Thượng đẳng tối linh Từ - Cao Sơn danh hiển Thánh

         - An lĩnh nhạc thần, công phạt Tống, bình Nguyên trưng vũ hiển – Thạch bàn minh Thánh tích, tý dân, hộ quốc, tối uy linh.

         Qua hai trụ biểu là hồ Bán nguyệt nước trong xanh, giữa hồ đắp nổi bốn con rùa lớn chầu đài phun nước, mặt hồ luôn lay động bởi đàn chép đỏ, chép hồng.... đua nhau đớp  sóng.

         Miếu xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi, nền lát gạch bát, Mặt tiền xây kiểu hiên tây, đỡ toàn bộ mái hiên là 6 cột trụ với ba đôi câu đối:

         - Cửu vệ phong thổ an dân phú – Thiên lý bang cơ thạch trụ cao.

         - Cao Sơn Hiển Thánh lưu linh tích – Thượng Đẳng phúc Thần lịch sắc phong.

         - Miếu hậu lai triều thiên nhất hạc - Môn tiền đáo thị khôn tam tinh.

          Phía trên hiên tây trang trí hoa văn chữ triện, chính giữa mái hiên dựng một bức Đại tự đắp nổi ba chữ Hán “Vọng Hữu Viễn”, Hè kè bằng các tảng đá xanh nguyên khối không đều nhau tạo thành các hình cách điệu, ấn tượng.Qua bậc thềm vào tòa bái đường, kết cấu khung chịu lực bằng bốn vì kèo bằng gỗ lim theo kiểu tư hàng cột. Kết cấu vì nóc kiểu chồng đấu giá chiêng, trang trí cánh sen, rường chạm nổi lá lật, đầu bẩy hiên chạm chìm chữ Thọ, má bẩy chạm nổi hoa lá thiêng. Cửa bái đường gồm ba bộ kiểu: Cửa thùng khung khách, khuôn cửa soi gờ.

        Qua bậc thềm vào tòa bái đường, kết cấu khung chịu lực bằng bốn vì kèo bằng gỗ lim theo kiểu tư hàng cột. Kết cấu vì nóc kiểu chồng đấu giá chiêng, trang trí cánh sen, rường chạm nổi lá lật, đầu bẩy hiên chạm chìm chữ Thọ, má bẩy chạm nổi hoa lá thiêng. Cửa bái đường gồm ba bộ kiểu: Cửa thùng khung khách, khuôn cửa soi gờ.

        Tòa hậu cung kết cấu gồm ba bộ vì kèo, hai bộ vì giáp với bái đường và bộ giáp với tường hậu cung không có gì đặc biệt. Duy có bộ vì giữa gian ống muống tiếp giáp với cung cấm là được trang trí nhiều nhất. Vì nóc của bộ này tạo cốn, chạm hổ phù, dưới nóc chạm nổi Lưỡng Long chầu nguyệt, vân tản và làm kiểu như phần trắc môn của khám thờ. Phần khuôn giữa của quá giang chạm thủng hoa mai lồng chữ Thọ cách điệu. Hai vì nách cung cấm tạo cốn mê, chạm nổi hình cuốn thư, trang trí hoa mai, trên mỗi cuốn thư chạm bảy chữ Hán (Đến nay chưa dịch được).

          Tượng Thành Hoàng được đặt trang trọng trong cung cấm, tượng ngồi trong Long ngai đặt trên một nhang án lớn kích thước gần bằng người thật, thần thái, sắc diện uy nghi: Đầu đội mũ cánh chuồn, râu ba chòm, lông mày lưỡi mác, mắt sáng, tay phải cầm quạt, tay trái đặt úp tự nhiên trên gối, mình mặc Triều phục, chân đi hia, eo thắt đai lớn. Hai hàng chấp kích bát biểu giá gươm càng tôn thêm quyền uy của Ngài như nội dung hai câu đối.

         - Điện thượng trang nghiêm huy sắc tướng – Cung trung xán lạn trứ kim thân.

         - Sinh vi tướng, hóa vi thần, Lý đại lưu danh trang dũng liệt - Thân tại triều, công tại Quốc, Nam bang vinh hiển tôn lương thần.

         Điều đáng quý là một số di vật, cổ vật trong Miếu hầu như còn nguyên vẹn như: cuốn thư, Đại tự, cửa võng, nhang án, câu đối, bát hương gốm sứ, chấp kích, bát biểu.....đặc biệt Miếu An Thạch còn lưu giữ trọn vẹn 6 đạo sắc phong từ đời Tự Đức thứ 7 (1854) đến đời vua Khải Định 9 (1924).

Từ bao đời nay dù thế thời thay đổi, dân làng An Thạch luôn gắn bó với Ngôi Miếu cổ và duy trì các sinh hoạt tâm linh theo chu kỳ 25/10 ngày Thánh Đản, ngày 3/5 ngày thánh Hóa; ngày 11/11 ngày Khánh hạ; Ngày 10/1 ngày lễ cầu an đều là chính lệ.

          Miếu An Thạch là một di sản văn hóa, một minh chứng thể hiện sức sống mãnh liệt về đời sống văn hóa tâm linh, tín ngưỡng cổ truyền, không chỉ riêng trên quê hương An Thạch, mà của cả công đồng dân tộc Việt Nam. Miếu An Thạch đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng xếp hạng và cấp bằng Di Tích Lịch sử theo quyết định số 1447/QĐ – UBND ngày 05/9/2012. Cán bộ và nhân dân làng An Thạch phấn khởi tự hào ra sức bảo vệ, giữ gìn tiếp tục đầu tư tôn tạo Miếu làng khang trang to đẹp, xứng tầm vóc là di tích lịch sử cấp thành phố.

 

 

Admin

Thong ke