DI TÍCH LỊCH SỬ KHÁNG CHIẾN - CHÙA TIÊN CẦM, XÃ AN THÁI, HUYỆN AN LÃO

27 03 2023

in trang

Chùa Tiên Cầm (tên chữ là Linh Quang tự) có lịch sử hình thành gắn với sự phát triển mở mang làng xã địa phương. Theo dòng lịch sử địa phương, trang Tiên Cầm có từ thời Trần, giữa thế kỷ thứ 12, đầu thế kỷ thứ 13, có một vị công chúa triều Trần là Quý Ngọc Uyển Diệu vì không chịu cảnh lộn xộn, bất hòa trong gia tộc đã xin đi khai khẩn ruộng đất (cùng với Trần Hiển xuống xã Văn Khê) khai khẩn rồi lập ra làng Tiên Cầm.


Trong cuộc chiến tranh yêu nước từ phong trào Cần Vương – Mạc thiên binh thế kỷ 19. Tiên Cầm là địa bàn hoạt động chủ yếu của Đề Tất (An Áo). Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa là cơ sở cách mạng, che chở, nuôi giấu cán bộ cách mạng hoạt động bí mật.

Qua xác nhận bằng văn bản của một số nhân chứng lịch sử là người địa phương đã từng có thời gian công tác, hoạt động trên địa bàn xã An Thái, huyện An Lão (tỉnh Kiến An cũ). Cụ Nguyễn Văn Tân ở thôn Tiên Cầm xác nhận cơ sở chùa Tiên Cầm là cơ sở cách mạng, che giấu cán bộ. Năm 1944, cụ có người em trai là Nguyễn Văn Tâm cùng hoạt động với ông Mai Côn (cán bộ Việt Minh) về gây cơ sở cách mạng ở chùa, ông Đặng Kinh (nguyên trung tướng, phó tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam), cùng nhiều anh em cán bộ xã Đại Phương Lang cũ mở lớp huấn luyện quân sự, chính trị cho lực lượng du kích địa phương tại chùa. Vẫn theo ông Nguyễn Văn Tân, suốt thời gian Hải Phòng, Kiến An bị địch tạm chiếm, chùa Tiên Cầm vẫn giữ vị trí bàn đạp tiếp đón, hướng dẫn cán bộ chiến sỹ ra vùng tự do hoặc vào nội thành, nội thị Hải Phòng, Kiến An, do vị trí thuận lợi, giao thông dễ dàng, hầm hố an toàn, vững chắc, đặc biệt là trận địa lòng dân, một lòng một dạ ủng hộ cách mạng và kháng chiến.

 Giai đoạn 1946 – 1954, chùa Tiên Cầm có 2 hầm bí mật tại gian vọng cung và lối vườn sát lũy tre là cơ sở hoạt động của đội vũ trang tuyên truyền huyện An Lão và cán bộ xã Trần Thành (tên gọi cũ của xã An Thái). Suốt thời gian Hải Phòng, Kiến An bị địch tạm chiếm, chùa Tiên Cầm giữ vị trí quan trọng, vì nơi đây giao thông thuận lợi, hầm hố an toàn, là trận địa lòng dân ủng hộ cách mạng và kháng chiến.

Trải qua thời gian và lịch sử, chùa được tôn tạo nhiều lần, sau đó tiếp tục được nhân dân tu sửa vào các năm 1997, 2004 với diện tích 5.109,3 m2 theo lối kiến trúc chữ Đinh gồm 03 gian tiền đường, 01 gian hậu cung, mái lợp ngói mũi hài. Cổ vật còn lại của chùa gồm: 03 pho Tam Thế, tượng A Di đà, Quan Âm Tống Tử, Lồng Tượng Cửu Long (Thích Ca sơ sinh). Ban thờ Mẫu, ban thờ Đức Ông, niên đại nghệ thuật Nguyễn thế kỷ 19, 01 bia hậu Phật (Tự Đức 5-1853)

Hàng năm, chùa tổ chức Lễ hội: Ngày giỗ sư tổ, Lễ Phật Đản 08/4 Âm lịch…

Chùa Tiên Cầm cùng với Đình (cụm di tích Đình - Chùa Tiên Cầm, xã An Thái) đã được UBND thành phố Hải Phòng xếp hạng và cấp bằng công nhận “Di tích lịch sử kháng chiến” cấp thành phố theo Quyết định số 177/QĐ-UBND ngày 28 tháng 01 năm 2005

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke