DI TỊCH LỊCH SỬ KHÁNG CHIẾN - CHÙA THẠCH LỰU, XÃ AN THÁI, HUYỆN AN LÃO

27 03 2023

in trang

Chùa Thạch Lựu (còn gọi là An Tất Tự). Chùa được khởi dựng vào nửa đầu thế kỷ thứ 18. Những di vật còn lại trong khuôn viên ngôi chùa, với tổng số 14 bia công đức, hậu thần, hậu phật cho thấy phần lớn số văn bia đều ghi lại những việc làm trọng đại của quan viên và nhân dân làng xã Thạch Lựu, du khách thập phương tham gia tu tạo, kiến thiết chùa: Từ dựng tượng, đúc chuông, chữa tòa Tam Bảo đến cúng tiến, cúng ruộng cho nhà chùa…


Qua niên hiệu đã khắc trên văn bia đã khẳng định điều đó, đặc biệt là: Thạch đài thiên trụ - An Tất Tự bia Lê Chính Hòa 21 (1701), An Tất Tự tạo gác chuông, năm Long Đức Nguyên niên (1731 - 1735)… Các bia hậu thần - hậu phật đời Lê Trung Hưng, Nguyễn, rải rác qua các thế kỷ 18, 19 và đầu thế kỷ 20.

Thạch Lựu nằm ngay nơi cửa ngõ vùng địch hậu, luôn bị sự uy hiếp, khống chế của các đồn bốt xung quanh như: Văn Khê, đồn Khuể, bang Tá Sái Nghi, bang Thiếu (Ngũ Phúc, Kiến Thụy) và gần nhất là bốt Thạch Lựu nổi tiếng gian ác. Nằm đối diện với chùa Thạch Lựu, bốt Cây Gạo (cạnh ngôi đình làng), luôn xua lính đi vây ráp khủng bố nhân dân, phá vỡ cơ sở kháng chiến của ta. Song với truyền thống yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, dân làng Thạch Lựu vẫn một lòng tin tưởng vào công cuộc kháng chiến kiến quốc do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo.

Trong cuộc kháng chiến 9 năm chống Thực dân Pháp xâm lược, chùa là cơ sở bí mật đảm bảo an toàn cho cán bộ, bộ đội qua lại hoạt động, tại khuôn viên An Tất Tự, nhân dân cùng các tăng ni yêu nước đã đào, đắp nhiều hầm hố, giao thông hào xung quanh khu nội và ngoại tự để cất giấu vũ khí, nuôi dưỡng cán bộ, bộ đội từ vùng địch hậu ra vùng tự do và ngược lại. Chùa còn là nơi hội họp, sinh hoạt của các tổ chức kháng chiến địa phương như: thanh niên, phụ nữ, nông hội.

Theo Hồi ký của thượng tá Nguyễn Thế Ngọc - cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên chỉ huy quân sự huyện An Lão chia sẻ (theo sách “Lịch sử đấu tranh cách mạng huyện An Lão NXB-QĐND tháng 11/1969): Ngày 07/3/1950, Nhân dân phối hợp với Bộ đội Núi Voi phục kích đánh quân địch đi tuần tiễu đoạn từ Quán Rẽ Thanh Lang, diệt 7 tên địch, thu vũ khí. Ngày 20/8/1950, tham gia đột kích vị trí bốt Tổng Dũng, đốt cháy 36 gian nhà trại tập trung thanh niên. Mở đầu cho những hoạt động quân sự Đông Xuân 1952 – 1953, chùa trở thành điểm tựa quan trọng giúp cho thắng lợi trọn vẹn của bộ đội vùng Hải - Kiến. Thời điểm này, tỉnh đội Kiến An quyết định tiêu diệt vị trí Tổng Dũng (Thạch Lựu) nhằm phá vỡ trại tập trung, giải phóng nhiều thanh niên bị địch kìm kẹp. Ta đặt hỏa lực mạnh trên nóc hai ngôi miếu giáp Nam và giáp Bắc, uy hiếp lô cốt địch, dùng bộc phá tiêu diệt đồn. Theo Kế hoạch đã định, đội trưởng vũ trang huyện An Lão, phó chỉ huy trận đánh có nhiệm vụ dẫn đội vũ trang xé rào xông vào quản lý trang trại tập trung thanh niên, đồng thời dẫn một tiểu đội mang trung liên, tiểu liên K50, ép tấm, bắc thang trèo lên nóc chùa Thạch Lựu tập trung hỏa lực chế áp lô cốt địch, cùng hỏa lực địch. Nắm thời cơ xung kích xông lên đặt 10kg bộc phá thứ hai, 20kg bộc phá nổ kích hoạt, phá tan lô cốt địch, kết thúc trận đánh. Kết quả, ta tiêu diệt 43 tên địch, thu, phá hủy toàn bộ vũ khí giải phóng trại tập trung 1.000 thanh niên đưa ra vùng tự do.

Chiến thắng Thạch Lựu có sự đóng góp tích cực của nhân dân và du kích địa phương. Chùa Thạch Lựu là điểm tựa cho hỏa lực quân ta áp lô cốt địch tạo thời cơ phá hủy lô cốt, kết thúc trận đánh. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, chùa Thạch Lựu đã có những đóng góp quan trọng vào phong trào áo ấm, hũ gạo tiết kiệm ủng hộ chiến sỹ đánh giặc, trực tiếp giữ gìn bí mật, tạo địa bàn cho lực lượng vũ trang ta tiếp cận, tiêu diệt vị trí quân sự của địch.

Chùa Thạch Lựu đã trở thành địa chỉ đỏ, là niềm tự hào về truyền thống yêu nước, nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lâu đời của người dân An Thái nói riêng và nhân dân An Lão nói chung.

Chùa có bố cục kiến trúc chữ Đinh gồm 05 gian bái đường (03 gian cửa gỗ, 02 gian trái hồi tường bít đốc), 03 gian chuôi vồ, 04 vì gỗ. Toàn bộ ngôi chùa được xây dựng bằng gỗ lim, mái ngói mũi hài

Trải qua thời gian và lịch sử, chùa qua nhiều lần tu sửa vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 và trùng tu, tôn tạo vào năm 1998, theo lối kiến trúc cổ xưa, những nét kết cấu còn đọng lại trên kiến trúc gỗ (kẻ, con chồng) và đặc biệt những hiện vật là tượng pháp, bia ký còn lưu giữ cho thấy đây là một ngôi chùa cổ, có lịch sử phát triển liên tục suốt từ đầu thế kỷ 18 đến nay.

 Hàng năm, chùa tổ chức các lễ Phật đản, Vu Lan…

Theo Quyết định số 2848/QĐ-UBND ngày 22/11/2002 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, di tích chùa Thạch Lựu được xếp hạng là “Di tích lịch sử kháng chiến” cấp thành phố.

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke