DI TÍCH LỊCH SỬ KHÁNG CHIẾN CHÙA MÔNG THƯỢNG – XÃ CHIẾN THẮNG - HUYỆN AN LÃO

12 12 2023

in trang

Chùa Mông Thượng (chùa Hồng Tân) thuộc xã Chiến Thắng, huyện An Lão, ngoại thành Hải Phòng, nằm biệt lập giáp cánh đồng, bên cạnh sông Văn Úc, mặt chính hướng về phía Đông Nam. Công trình kiến trúc chính nơi đây đã tạo nên quang cảnh nơi của Thiền - đất Phật, một di tích lịch sử kháng chiến cấp thành phố đến nay còn lưu giữ được khá nhiều hiện vật thời Nguyễn thế kỷ 19, 20.

Chùa Mông Thượng (chùa Hồng Tân) thuộc xã Chiến Thắng, huyện An Lão, ngoại thành Hải Phòng, nằm biệt lập giáp cánh đồng, bên cạnh sông Văn Úc, mặt chính hướng về phía Đông Nam. Công trình kiến trúc chính nơi đây đã tạo nên quang cảnh nơi của Thiền - đất Phật, một di tích lịch sử kháng chiến cấp thành phố đến nay còn lưu giữ được khá nhiều hiện vật thời Nguyễn thế kỷ 19, 20.

Ngôi chùa Mông Thượng, còn có tên chữ là Hồng Tân tự, theo tư liệu điền dã chùa có từ đời Tự Đức (1848 -1883), gắn liền với những sự kiện cuộc Cách mạng Tháng Tám và 09 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Nơi đây là địa chỉ đỏ, là nơi nuôi giấu bao chiến sĩ cách mạng kiên trung dưới hầm bí mật ngay trong chùa dưới chân tượng Đức Ông.

Giá trị lớn lao của ngôi chùa còn là sự phản ánh nhu cầu văn hóa tín ngưỡng của cư dân địa phương trong quá trình hình thành cơ cấu làng xã. Ngôi Chùa hiện còn lưu giữ nhiều di vật quý, có niên đại nghệ thuật Nguyễn thế kỷ 19, 20 như: Bát hương, tượng Phật, tượng Mẫu, đèn nến, bộ Tam sự rùa - hạc lư hương và cả một không gian văn hóa đầy ấn tượng, mang dấu ấn riêng của địa phương.

Trong cuộc kháng chiến chống  Pháp, chùa Mông Thượng  luôn giữ vững là một cơ sở quan trọng trú quân, trong chùa có hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, hầm được đào ngay ở trong chùa dưới chân tượng Đức ông, cửa hầm được ngụy trang bằng cây đại, đây là nơi nuôi giấu các cán bộ đảng viên của xã cũng như cấp trên.  Sau nhiều lần xây dựng và trùng tu, chùa Hồng Tân cho đến hôm nay rất bề thế và khang trang, các công trình kiến trúc tương đối đầy đủ.

Tổng thể khuôn viên ngôi chùa được quy hoạch một cách gọn gàng, theo một trình tự rất dễ nhận ra đây là một công trình văn hóa tâm linh. Kiến trúc của ngôi chùa có quy mô vừa phải và được tu tạo mới, nhiều lần. Cổng Tam quan bề thế hướng Đông Nam có tượng Phật bà là điểm nhấn tổng quan của kiến trúc ngôi chùa. Đây chính là kiến trúc trọng yếu của ngôi chùa, bao gồm nơi thờ tự các pho tượng phật, ban thờ Đức ông, ban thờ Mẫu, tương tự như nhiều ngôi chùa ở ngoại thành Hải Phòng. Từ chính giữa tòa bái đường, qua diện tích sân chùa được lát gạch kiểu Bát Tràng, giữa sân chùa và phần phía trước sân, vườn, hồ nước, cây lưu niên, kiến trúc Phật điện, gian thờ các vị sư tổ khu nhà ni, khu nhà phụ..

So sánh với nhiều làng quê chuyên canh tác nông nghiệp của miền duyên hải ngày nay, sinh hoạt lễ hội truyền thống của làng Mông Thượng  cũng có nhiều nét tương đồng, phổ biến như lý do mở lễ hội, để dân làng tưởng nhớ, suy tôn người có công với làng, xã, thời gian mở lễ hội vào cữ mùa xuân là thời gian ngơi nghỉ tạm thời của một chu kỳ sản xuất nông nghiệp. Lễ hội chùa Mông Thượng diễn ra đều đặn vào ngày 27 tháng  giêng  âm lịch hằng năm, thu hút sự tham gia của cả cộng đồng làng xã, phần hội luôn được duy trì đều đặn bằng các trò chơi truyền thống như chọi gà, tổ tôm điếm, cầu thùm, đặc biệt là môn cờ tướng thu hút nhiều kỳ thủ ở địa phương cũng như thập phương về tham dự tranh tài...

Qua lịch sử thăng trầm, diễn biến của ngôi chùa giúp cho mỗi thành viên trong cộng đồng làng xã địa phương có vốn hiểu biết bổ ích về quê hương, đất nước nêu gương các thế hệ đi trước, gắn bó với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chùa Mông Thượng (Hồng Tân tự) đã được UBND thành phố Hải Phòng xếp hạng và cấp bằng công nhận “Di tích lịch sử kháng chiến” cấp thành phố theo Quyết định số 1901/QĐ-UBND ngày 24 tháng 8 năm 2006.

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke