Di tích lịch sử kháng chiến chùa Bảo Khánh Thôn Nam Tử, xã Kiến Thiết, huyện Tiên lãng, thành phố Hải Phòng
31 03 2024
in trangChùa Bảo Khánh là ngôi chùa cổ tích của hai làng An Tử Hạ và Hán Nam huyện Tân Minh xưa, trước mặt rì rào dòng nước uốn quanh, sau lưng ngổn ngang gió đồng, bên tả xóm làng văn phong thi lễ an ca, bên hữu bãi cỏ nương dâu, đồng xanh ngào ngạt quả là chốn danh lam vào bậc nhất trong ba thắng cảnh của trấn Hải Dương thời bấy giờ…” Tiếng thơm An Hán vốn ở vùng này Bảo Khánh thiêng thay nay càng thịnh vượng (Trích bia tu tạo Bảo Khánh Tự, năm Mậu Tuất 1588 của Tiến Sỹ Nguyễn Khắc Cần)
Tiếng thơm An Hán vốn ở vùng này
Bảo Khánh thiêng thay nay càng thịnh vượng
(Trích bia tu tạo Bảo Khánh Tự, năm Mậu Tuất 1588 của Tiến Sỹ Nguyễn Khắc Cần)
Bảo Khánh Tự là tên khai sinh của ngôi chùa cổ - Chùa toạ lạc ở phía bắc làng An Tử Hạ, tổng Hán Nam, huyện Tân Minh, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương. Nay là thôn Nam Tử, xã Kiến Thiết, huyện Tiên lãng, thành phố Hải Phòng. Diện tích nội Tự 4.200m2, địa hình cao ráo, thoáng đãng, không gian tĩnh mịch, khí hậu trong lành hợp với lẽ tự nhiên của trời đất. Cách chùa gần 1 km về phía bắc là Mả Nghè - Khu âm phần Họ ngoại Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Rải rác xung quanh là những vạt thuốc lào xanh tốt, một đặc sản của vùng quê Nam Tử (Thuốc lào vườn Chùa từng là thuốc lào tiến vua dưới triều Vua Lê Thánh Tông)
Vào năm Mậu Tý 1468, Tiến Sỹ Thượng Thư Nhữ Văn Lan làm quan dưới triều Lê, năm Quang Thuận thứ 11 đời Vua Lê Thánh Tông, Người nghĩ đến việc trả nghĩa dân làng đã công đức tiền của cùng với dân làng phục dựng lại ngôi chùa do trận cuồng phong làm siêu vẹo, đồng thời vận động các Phú Gia trong làng hiến đất đai canh tác để lo việc đèn nhang lễ tiết trong năm và cung cấp cho các Tăng ni trụ trì nơi Bản Tự.
Năm Quý Sửu 1493, bà Nhữ Thị Thục - Người con gái tài sắc của cụ Nhữ Văn Lan đã đưa con trai Văn Đạt (tức Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm hồi nhỏ) về quê xin được nhập môn Nam Thiên Thánh Tổ Đại pháp thiền Sư nhờ Bản tự giáo dưỡng, đồng thời trả công đức vàng bạc, khơi giếng ngọc Thiên Châu, cầu giếng là những phiến đá Cẩm Thạch, tương truyền phiến đá cẩm thạch vẫn còn nằm nơi đáy giếng.
Năm Mậu Tý (1588) niên hiệu Hưng Trị thứ nhất Triều Đại Lê Trung Hưng, ngôi chùa xuống cấp bị đổ nát hoàn toàn, lúc này trong làng có Đại Sỹ Phạm Huệ Diệu nhớ đến công ơn dạy dỗ của thầy Hoà Thượng Không Lộ Giác Hải, đã động lòng từ bi trắc ẩn, mong được trả nghĩa sư môn, nên đã công đức tiền của và huy động dân hai làng An Tử Hạ, Hán Nam cùng sung công dựng lại ngôi chùa gồm 3 gian 2 chái có bệ đá, hành lang, hậu các, nhà Tổ….
Một dấu ấn in đậm trong lịch sử, vào năm Nhâm Ngọ (1942) nhà sư Trịnh Công Uyển về trụ trì tại chùa Nam Tử. Năm 1946 cuộc kháng chiến toàn Quốc bùng nổ, việc tu sửa chùa bị đình hoãn, toàn bộ khuôn viên chùa nằm trong địa bàn chiến đấu Nam Tử. Thời gian này ngoài việc hành đạo nhà sư còn tham gia hoạt động kháng chiến, được bầu làm chủ tịch hội Tăng già cứu quốc huyện Tiên Lãng, đi vận động ủng hộ kháng chiến như: Mua công trái quốc gia, ủng hộ Đồng để đúc đạn, riêng nhà chùa ủng hộ 2 quả chuông nặng trên một tạ. Chi uỷ chi bộ Đảng xã Kiến Thiết quyết định lấy chùa Nam Tử làm cơ sở đón tiếp cán bộ huyện Tiên Lãng, cán bộ tỉnh Kiến An về lãnh đạo, chỉ đạo phong trào đấu tranh chống giặc càn quét, tổ chức đào hầm bí mật bảo vệ cán bộ, bộ đội về hoạt động. Nhà sư Trịnh Công Uyển được giao nhiệm vụ canh gác cho cán bộ và du kích hội họp và đậy hầm bí mật.
Tháng 10 năm Tân Mão (1951) giặc Pháp mở cuộc càn quét vào chùa Nam Tử, sáng 17/10/1951 sau khi đậy nắp hầm, cất dấu tài liệu, nhà sư đã lánh sang chùa Nố (Chùa Phú Xuân thuộc xã Cấp Tiến). Do có chỉ điểm chúng kéo sang chùa Nố bắt được nhà sư đang tụng kinh niệm phật, mặc dù bị tra tấn cực kỳ dã man, nhà sư vẫn cắn răng chịu đựng không khai nửa lời. Cuối cùng bọn khát máu đã nổ súng sát hại nhà sư vào khoảng 10 giờ sáng cùng ngày.
Năm 2004 nhà sư Trinh Công Uyển được Đảng, Nhà nước công nhận là Liệt sỹ và truy tặng huy chương khánh chiến hạng nhì.
Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo với bao biến cố thăng trầm của lịch sử, ngôi chùa vẫn giữ được những nét rêu phong cổ kính, ẩn chứa trong lòng giá trị to lớn về lịch sử, văn hoá. Năm 2006 chùa Bảo Khánh được Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng cấp bằng di tích lịch sử kháng chiến.
Cán bộ, nhân dân và các phật tử chùa Nam Tử phấn khởi tự hào ra sức bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo di tích lịch sử kháng chiến của địa phương. Bằng việc vận động xã hội hoá, ban quản lý di tích, ban Hộ Tự chùa đã vận động công đức được gần một tỷ đồng để tiến hành tôn tạo lại cảnh quan khu di tích xứng đáng với truyền thống quê hương Kiến Thiết Anh hùng./.
Admin