DI TÍCH LỊCH SỬ KHÁNG CHIẾN CHÙA BẠCH ĐA (DƯƠNG ÁO), XÃ HÙNG THẮNG - TIÊN LÃNG - HẢI PHÒNG

27 11 2024

in trang

 

I./ Tên gọi di tích - vài nét khảo sát địa phương 

Là một ngôi chùa cổ của huyện Tiên Lãng, có niên đại khởi dựng vào thế kỷ 17, chùa được mang tên thôn (làng đã sản sinh ra công trình) Chùa Dương Áo. Ngoài ra, ngôi chùa còn có tên chữ là: Bạch Đa. 

Thôn Dương Áo, xã Hùng Thắng trước năm 1945 là xã Dương Áo, tổng Dương Áo huyện Tiên Lãng, tỉnh Kiến An. Đến trước năm 1813 là xã Dương Úc, huyện Tên Minh, phủ Nam Sách trấn Hải Dương. Hiện này ngôi chùa năm trên địa bàn thôn 6, xã Hùng Thắng, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng. Ngoài chùa Dương áo còn có Đình, Đền và Miếu Dương Áo thờ 4 vị Thần làng có công với dân làng: 

Đình làng: Theo thần tích thần sắc Đình thờ vị thần Thành Hoàng làng là Mộc Thần Thiên Uy Đại Vương. Có công hộ quốc bảo dân, rất linh thiêng được các triều đình phong 3 sắc: Sắc phong thứ nhất ở Triều Lê Trải cơn binh hoả, chẳng may sác ấy đã mất. Sắc thứ hai vào thời Duy Tân, ngày 11/8 năm thứ 3 (1909). Sắc thứ 3 vào 2 thời Khải Định, ngày 25/7/ năm thứ 9 (1924). Đình làng Dương Áo là ngôi Đình đầu tiên của các xã cuối huyện Tiên Lãng. 

Miếu cống Soi: Miếu cống soi thờ thần Đại Quan Cống Gia Đại Vương đã được phong 3 sắc vào các thời kỳ: Cảnh Hung, ngày 26/7/năm thứ 44 (1783). Thành Thái ngày 18/11 năm thứ nhất (1889). Khải Định ngày 25/7 năm thứ 9 (1924). 

Miếu Đầm Vua: Miếu Đầm Vua thờ thần: Vua Hải Cống Đàm Đại Vương đã được phong 3 sắc: Quang Trung ngày 28/7 năm thứ 4 (1792). Khải Định ngày 18/3 năm thứ 2 (1917). Khải Định ngày 15/2 năm thứ 9 (1924)

Đền Dương Áo: Đền Dương Áo thờ thần Hà Bá Tôn Thần đã được phong 03 sắc: Sắc triều Cảnh Hưng ngày 26/4 năm thứ 44 (1783), Đồng Khánh ngày 01/7 năm thứ 2 (1887), Khải Định ngày 25/7 năm thứ 9 (1924).

Ngày tế lễ hàng năm của dân làng: 10/01, 15/08; 24, 25 tháng 11 âm lịch, 25/12 là tế lễ chung cho cả 4 vị Thần làng, gọi là tế tứ quý. 

Hùng Thắng xưa khởi thủy là một đồn trấn vùng của biển giữa sông Văn Úc và sông Thái Bình, có tên là Dương Áo, thuộc tổng Ngải Am, huyện Đồng Lợi. Dương Áo có nghĩa là một vùng đất sâu ở phía mặt trời. Sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi (thế kỷ XV) chép về vùng đát này vẫn chỉ là một bãi sa bồi. Từ một đồn trấn thủ ban đầu ra đời vào thời Trần (1225-1400), dần dần cư dân chài lưới ở khắc nơi tìm đến định cư, “giặt chài, phơi lưới”, “dâng đất lập vườn” đã quy tụ, lập nên làng Dương Áo vào đầu thế kỷ XIV. Đầu thế kỷ XIX, tổng Dương Áo được hình thành gồm 9 xã: Dương Úc (Dương Áo), Vấn Đông, Văn Úc, Lao Chử, Lao Khê, Kỳ Úc, Xuân Úc, Vân Đô, Thúy Nẻo, xã Dườn Áo thuộc tổng Dương Áo, huyện Tiên Minh, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương. Từ năm 1813 – 1945, xã Dương Áo thuộc tổng Hải Dương, huyện Tiên Lãng, tỉnh Kiến An.

Do vậy, xã Hùng Thắng ngày nay bao gồm các xã cũ của Tổng Dương Úc ngày xưa. 

II, Đường đi đến di tích 

Từ trung tâm thành phố Hải Phòng đến chùa Bạch Đa (Dương Áo) xã Hùng Thắng, huyện Tiên Lãng, Tp Hải Phòng bằng hai hướng giao thông cơ bản đó là: Hướng thứ nhất đi từ trung tâm thành Phố qua cầu Niệm theo tỉnh lộ 354 qua ngã 5 Quận Kiến An, qua cầu Khuể đến cầu Đen huyện Tiên Lãng rẽ vào đường 212 đi về xã Hùng Thắng qua làng Dương Áo đến chùa Bạch Đa (Dương Áo) khoảng 34km. Hướng thứ 2 đi từ trung tâm thành phố qua cầu Rào, qua trung tâm huyện Kiến Thụy, Qua phà Dương áo là đến chùa Bạch Đa (Dương Áo) khoảng 30km.

III./ Lịch sử hình thành - sự kiện kháng chiến có liên quan mật thiết đến ngôi chùa 

Do có điều kiện tự nhiên sông nước giáp biển, đất đai rộng rãi, quá trình khai phá đất đai gắn liền với sự hình thành cộng đồng làng xóm bởi nhiều nguyên nhân khác nhau mà nhu cầu văn hoá tâm linh đã dần trở thành một nhân tố quan trọng trong đời sống cư dân. Theo nhiều nguồn tư liệu khác nhau như Dư địa chí, lịch sử Đảng bộ xã, Từ điển Bách khoa địa danh Hải Phòng, chùa Bạch Đa (Dương Áo) của làng Dương Áo là một ngôi cổ tự của huyện Tiện Lãng. Chùa được khởi dựng vào cuối thế kỷ 17, tại tấm bia Hưng công chùa Bạch Đa (Dương Áo) đã ghi chép việc quan viên, hương lão cùng các sãi, vãi, thiện nam tín nữ xã Dương Áo huyện Tiên Minh, phủ Nam Sách góp công sức xây dựng Thượng điện, thiên hương, tiền đường thềm đá chùa Bạch Đa (Dương Áo). Sau một bản danh sách dài liệt kê họ, tên, cùng số tiền, ruộng cúng góp vào việc xây dựng ngôi chùa. Đoạn cuối của tấm văn bia ghi: Ngày đẹp, tháng chạp, niên hiệu Chính Hoà 20 (1699) cho phép chúng ta đoán định khung thời gian hình thành ngôi chùa cách ngày nay hơn 3 thế kỷ. Đây là một trung tâm Phật giáo tầm cỡ của tổng Dương Áo ngày xưa, gồm 3 xã Hùng Thắng, Vinh Quang và Chấn Hưng bây giờ. 

Trong suốt quá trình tồn tại, phát triển cùng lịch sử đất nước, chùa Bạch Đa (Dương Áo) xã Hùng Thắng đã được lịch sử huyện Tiên Lãng ghi nhận bởi những thành tích tham gia phục vụ kháng chiến, chống thực dân Pháp và sự hy sinh anh dũng, một lòng trung thành với sự nghiệp giải phóng dân tộc của vị sư t trụ trì Thính Thanh Lãng. 

* Chùa Bạch Đa (Dương Áo) giai đoạn từ 1945 - 1952 

Do địa hình thuận lợi, chùa đã sớm giữ vai trò là điểm tập kết lực lượng, cơ sở hậu cần của đội du kích xã Hùng Thắng. Tại khu vực nội ngoại tự và ngay cả hậu cung ngôi chùa có nhiều hầm bí mật được đào nối thông với đường bí mật dẫn ra luỹ tre bao bọc quanh vườn chùa. Hầm hào là nơi che giấu, bảo vệ cán bộ, bộ đội Quang Trung đóng quân trên địa bàn xã Hùng Thắng, huyện Tiên Lãng. 

Tại địa điểm chùa Dương Áo thời kỳ sau cách mạng tháng Tám là nơi chính quyền cách mạng mở lớp dạy bình dân học vụ, xoá nạn mù chữ trong dân. Nhà chùa, dưới sự đứng dầu của vị sư Thích Thanh Lãng đã tích cực vận động tín đồ, phật tử tăng gia sản xuất giành lương thực, tiền bạc ủng hộ kháng chiến với số lượng cụ thể được các nhân chứng có trách nhiệm của địa phương xác nhận hoạt động cụ có thể như sau: Bản thân nhà sư Thích Thanh Lãng tham gia Mặt rận Việt Minh ở cơ sở trực tiếp vận động sản xuất lương thực, thực phẩn ngay tại đất đai của nhà chùa, ủng hộ tiền, gạo thóc dự trữ nuôi quân đánh giặc. 

Chùa còn ủng hộ quả chuông đồng nặng 150kg để giúp bộ đội quân giới chế tạo vũ khí đánh giặc, giải phóng quê hương. Đặc biệt cũng trong giai đoạn kháng chiến toàn quốc, 3 vị Sư là Thích Quảng Hợp, Thích Quảng Tuệ và Nguyễn Văn Canh đã hăng hái lên đường gia nhập bộ đội chống Pháp. Trong số 3 người vào  bộ đội chiến đấu, 2 người đã anh dũng hy sinh. 

Bản thân vị Sư trụ trì ngôi chùa Bạch Đa đã tích cực tham gia mọi công việc kháng chiến, kiến quốc lấy cơ sở nhà chùa làm nơi học hành, cảnh giới dịch hoặc bố trí sơ đồ hầm hào cho dân quân du kích ngụy trang, cất giấu vũ khí của lực lượng vũ trang địa phương. Trong một trận càn quét ác liệt của giặc Pháp ngày 20/9/1952 có cả canô tàu chiến hỗ trợ tiến từ bến đò Dương Áo qua khu vực làng tấn công vào chùa nhằm tìm kiếm lực lượng kháng chiến. Vị Sư trụ trì đã kịp thời báo tin cho cán bộ và dân quân rút lui khỏi khu vực nhà chùa để bảo toàn lực lượng. Không may vị sư Thích Thanh Lãng đã bị giặc bắt, tra tấn dã man nhưng bọn giặc hung hãn không thể khuất phục được ý chí kiên cường của ông. Nhà Sư yêu nước Thích Thanh Lãng đã bị giặc sát hại ngay tại gốc đa miếu đầm Vua làng Dương Áo ngày 20/9/1952. Thành tích tham gia hoạt động kháng chiến chống Pháp của nhà sư Thích Thanh Lãng trực tiếp trụ trì chùa Bạch Đa (Dương Áo), xã Hùng Thắng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng đã được Nhà nước cấp bằng Tổ quốc ghi công công nhận liệt sĩ cuối năm 2005. Những sự kiện yêu nước, ủng hộ kháng chiến kiến quốc của cán bộ nhân dân làng Dương Áo thông qua sự hiện diện của ngôi chùa Bạch Đa (Dương Áo) cùng vị sư trụ trì mãi mãi là niềm tự hào cho lớp lớp thế hệ trẻ địa phương, học tập, tiếp bước thế hệ cha, anh bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương giàu và đẹp. 

 

IV. Khảo tả di tích 

Chùa Bạch Đa (Dương Áo) hiện tại được toạ lạc trên nền xưa móng cũ của ngôi chùa được khởi dựng từ năm Chính Hoà 20 (1699) theo tư liệu thu thập tại địa phương năm 1952, thực dân Pháp đã cho thuốc nổ giật đổ chùa trong một trận càn ác liệt vào những khu vực có cơ sở kháng chiến của huyện Tiên Lãng. Chùa hầu như bị tiêu huỷ hư hại nhiều công trình như Thượng Điện, nhà Tổ, nhà bia. Duy nhất còn sót lại kiến trúc cổng Tam quan có kích thước vừa phải, cổng vòm hai tầng mái, niên hiệu tu tạo năm 1944 nay vẫn còn tồn tại trước khu vực ngoại vi ngôi chùa. Tổng thể các công trình kiến trúc hiện nay của ngôi chùa Bạch Đa (Dương Áo) gồm: 

I. Toà Tam Bảo: bố cục mặt bằng kiểu chữ Đinh, 5 gian tiền đường, 3 gian chuôi vồ. Kết cấu bộ vì nóc mái là một bộ khung giá chiêng lớn, đứng vững trên bề mặt thân, xà, hoành gian của kiến trúc. Phần chuôi vồ của kiến trúc cũng được liên kết tương tự, bằng kỹ thuật gia công, phục nguyên tương tự những công trình tín ngưỡng tôn giáo ở Hải Phòng. Chỉ có khác, Toà Tam bảo (gồm 5 - gian tiền - 3gian cung chuôi vồ) được nhân dân phục dựng bằng vật liệu và công nghệ, mang dấu ấn của thế kỷ mới ( 2002 - 2003), thể hiện qua từng cấu kiện của một công trình, cùng loại hình kiến trúc gỗ ba gian, 2 cửa giữa được đóng mở bằng bộ cửa gỗ kiểu thượng song - hạ bản (trên ô con tiện, dưới là những bức tranh khắc hoạ phong cảnh vạn vật, 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Lẽ ra chi tiết mặt Hổ phù chính giữa bờ nóc mái đi kèm theo tên chữ của ngôi chùa: Dương Áo tự, chỉ xuất hiện tại trang trí đình, đền, miếu mới hợp lẽ cổ truyền từ trước ở những mái chùa dân gian: Hai vì hồi xây cất tường, hồi, cột hiên, trang trí bờ nóc mái của chùa Bạch Da có đặc điểm khác với một số ngôi chùa ở Hải Phòng mới được phục dựng trong thời gian gần đây, bộ khung kiến trúc bằng vật liệu mới có tỉ lệ số đo, cột cái trên 6m, cột quân trên 4m. Bộ mái chùa được lợp ngói ta truyền thống, giữa mái chùa chính với mái hiện được kết cấu thành 2 mái gối nhau. Chính giữa bờ nóc mái đắp trang trí phù điêu, bao quanh tên chữ “Bạch Da Tự”, đôi nghê chầu nóc mái. Mái hiên chùa được dữ vững bởi hàng cột hiên đỡ, mái bẩy, hoành... tất cả cùng được chế tác bởi công nghệ bê tông cốt thép đạt độ vững chắc và mỹ thuật công trình.

2. Công trình kiến trúc khác; Nhà thờ 5 vị Sư tổ kiêm nhà khách 

Nhà bia ghi công chức, sân vườn và khu hậu cần của chùa. 

 

V. Các di vật của ngôi chùa 

1. Bia ký; Hưng công chùa Dương Áo, ghi chép sự việc quan viên, hương lão. xã Dương Áo, huyện Tiên Minh, phủ Nam Sách cùng các thiện nam, tín nữ góp sức xây dựng Thượng điện, thiêu hương, tiền đường, thềm đá mang niên hiệu Chính Hòa (1699). 

2. Tượng phật: Gồm 11 pho chất liệu gỗ và 3 pho tượng gỗ phủ chất liệu hợp kim đồng nặng trên 100kg, được bài trí theo thứ tự từ cao xuống thấp, từ trong ra ngoài, gồm các pho tượng sau: 

+ Bộ tượng tam thế gồm 3 pho biểu hiện cho Đức Phật tổ ở thời quá khứ, hiện tại, tương lai. Đặc điểm chung của bộ tượng này có trọng lượng nặng được tạo trong thể toạ thiện trên đài sen. 

+ Bộ tượng Di đà tam tôn với pho tượng A Di Đà làm trung tâm, hai pho tượng A Nan Đà, Ca Diếp. 

+ Các pho tượng khác có: Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu. 

+ Quan Âm Nam Hải có 7 đôi tay được thể hiện trong tư thế cứu độ chúng sinh, trừ đôi tay chính giữa dùng chắp trước ngực cầu nguyện. Nhìn chung, những pho tượng Phật của chùa Bạch Đa (Dương Áo) còn lại không nhiều chỉ gồm 14 pho, nhưng đều là những tác phẩm nghệ thuật đẹp, tiêu biểu cho dòng tượng có niên đại rải rác từ thế kỷ XVII, XVIII, XIX trở lại đây. Tượng Thích ca sơ sinh và lượng Cửu long có liên đại sau thế kỷ XX. 

Đáng chú ý nhất khi khảo sát toà Tam bảo chùa Bạch Đa (Dương Áo) có các vị tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu có tỷ lệ tạo hình, trang phục có thêu rồng, cổ tròn khá sinh động, Ngọc Hoàng đội mũ phốc, hai vị quan đội mũ cánh chuồn, dáng vóc, màu sắc thể hiện hài hoà, mang nét của vị quan đường thời. 

Cũng giống như toà Phật điện chùa Tiên Đội Ni (xã Đoàn Lập) các pho tượng chùa Dương Áo được bài trí một cách thoáng đạt hơn theo quy cách chung nhưng ở rìa ngoài cùng là các vị Quan Âm đứng trên đài sen, hỗ trợ cùng Đức Phật tổ cứu độ chúng sinh.

3. Các di vật khác 

Duy nhất trong phần trang trí trên kiến trúc chùa Bạch Đa (Dương Áo) là đôi rồng chầu mặt trời. Phía dưới là bức đại tự chữ Hán: “Trang nghiêm bảo tướng”. 

+ Phân cách giữa phần chuôi về với bái đường là trang trí cửa võng nối giữa khoảng cách hai cột chạy từ mép bức đại từ xuống ngang bệ tượng, sát nhang án tiền, cũng được xây dựng bằng loại vật liệu mới. Ngoài ra trên phật điện còn một số ống hoa, dài quả, mâm bồng gỗ dùng trong nghi lễ hàng ngày

 

4. Mộ tháp 

Có 4 chiếc tọa lạc ngay vườn chùa, an táng xá lỵ 5 vị sư đã từng tu hành và viên lịch ngay tại chùa. Đáng chú ý, mộ tháp liệt sĩ Thích Thanh Lãng (sinh 1897 mất 20/09/1952), nguyên quán xã Tiến Thắng, huyện Tiên Lãng, đã từng trụ trì chùa Dương Áo, vừa tu hành vừa tham gia hoạt động kháng chiến. Người đã từng đảm nhiệm Chủ tịch Hội Tăng gia cứu quốc huyện Tiên Lãng, thành viên Mặt trận Việt Minh. 

VI. Sinh hoạt lễ hội truyền thống: 

Từ bao đời nay truyền thống uống nước nhớ về cội nguồn đã trở thành nét đẹp trong văn hoá ứng xử của người Việt nói chung và người dân Làng Dương Áo nói riêng. Để ghi nhớ công lao các vị sư có công hoằng dương Phật pháp tại ngôi chùa Bạch Đa (Dương Áo), các ngày kỵ (giỗ) được dân làng ghi nhớ như sau; 

+ Ngày 1 - 9 (Âm lịch): giỗ cụ Xuyên, tổ thứ 5

+ Ngày 20 - 9 (Âm lịch): Giỗ nhà sư - liệt sĩ Thích Thanh Lãng, vị sư trụ trì 

đời thứ 4. 

          Những dịp lễ trọng hàng năm đều có sự quan tâm của chính quyền Mặt trận Tổ quốc củng toàn thể tăng ni, phật tử địa phương đến thắp hương, dâng lễ vật tại chùa, trong một ngày. 

VII. Hiện trạng, bảo quản của ngôi chùa 

Thể theo nguyện vọng chính đáng của nhân dân và chính quyền cơ sở, trong hai năm 2001 - 2002, Toà Tam Bảo một kiến trúc trọng yếu của ngôi chùa, bị giặc Pháp huỷ hoại trong trận càn cuối năm 1952 đã được phục dựng theo phương pháp công nghệ mới, tạo dáng vẻ bề thế ngoạn mục có sân, vườn, cây xanh, đồng lúa và tổng thể khuôn viên khép kín của ngôi chùa. 

Nhìn chung, ngôi chùa được bảo vệ, gìn giữ tốt, không có sự tranh chấp, vi phạm về diện tích các khu vực đã được hoạch định. 

VIII. Loại hình di tích 

Qua xem xét giá trị, cơ sở vật chất của ngôi chùa Bạch Đa (Dương Áo), xã Hùng Thắng, Tại Quyết định số 241/QĐ ngày 09/02/2007 của UBND Thành Phố Hải Phòng đã xếp hạng di tích cấp thành phố cho chùa Dương Áo, xã Hùng Thắng, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng là di tích lịch sử kháng chiến.

IX. Giá trị lịch sử - Văn hoá của di tích chùa Bạch Đa (Dương Áo)

1. Giá trị lịch sử: bản thân ngôi chùa là công trình tín ngưỡng, văn hoá, gắn liền với cuộc sống lao động, sản xuất, mở mang làng xóm của cộng đồng cư dân địa phương nơi cửa sông - dầu sóng (cửa Dương Áo đã được Nguyễn Trãi ghi trong “Dư địa chí thế kỷ 15”), 

Căn cứ văn bia năm Chính Hoà 20 (1699) như một cột mốc lịch sử đánh dấu sự lan truyền của Phật giáo vào mảnh đất Hải Phòng ngày nay. 

2. Giá trị văn hoá: ngôi chùa Bạch Đa (Dương Áo) hiện còn lưu giữ nhiều pho tượng phật có giá trị nghệ thuật tạo hình Lê Trung Hưng thế kỷ 17 - 18. Sự hiện diện của ngôi chùa hôm nay có giá trị như một đài tưởng niệm muôn đời, của toàn dân, đời đời ghi nhớ công lao những đồng bào, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vì đất nước hôm nay, đồng thời cùng các cấp chính quyền thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa. 

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp – Đế quốc Mỹ vừa qua, góp phần giáo dục và nâng cao trách nhiệm đối với quê hương trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đồng thời cùng với các cấp chính quyền làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, từ lâu đã trở thành đạo lý sáng ngời của dân tộc ta 

 

Admin

Thong ke