DI TÍCH LỊCH SỬ KHÁNG CHIẾN CẤP THÀNH PHỐ TỪ ĐƯỜNG HỌ TRỊNH PHƯƠNG LƯU

16 10 2023

in trang

Từ đường họ Trịnh là công trình thờ cúng tổ tiên chi họ Trịnh tại thôn Phương Lưu, xã Đông Hải, huyện An Hải; nay là tổ dân phố Phương Lưu 2, phường Đông Hải 1, quận Hải An. Chủ nhân của Từ đường là cụ Trịnh Văn Nghệ cùng cụ bà Trần Thị Xúc xây dựng năm Kỷ Mão 1939 để thờ cúng tổ tiên, gây dựng đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cho con cháu trong gia tộc, trong chi họ Trịnh cư trú tại địa phương.

Từ đường là một trong những “địa chỉ đỏ” trong cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống Pháp tại tổ dân phố Phương Lưu 2, phường Đông Hải 1, quận Hải An.

Kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp của tổ tiên lao động cần cù, anh dũng đánh giặc, các thế hệ cư dân Đông Hải đã theo Đảng, Bác Hồ chiến đấu đánh bại thực dân Pháp, phát xít Nhật, giành lại chính quyền về tại nhân dân vào tháng 8/1945. Trong suốt chín năm kháng chiến trường kỳ, địa ban Phương Lưu, Đông Hải đã trở thành đầu mối quan trọng, nơi dừng chân của nhiều cán bộ, chiến sỹ điệp báo thâm nhập, hoạt động vào nội thành Hải Phòng. Dù ngày đêm phải đối mặt với mọi thủ đoạn thâm độc tàn ác của kẻ thù, lòng dân nơi đây vẫn một lòng, một dạ hướng về Đảng và Hồ Chủ tịch, vững tin vào thắng lợi cuối cũng của các mạng. Tuy sống ngay trong vùng địch kiểm soát gắt gao, khủng bố dữ dội, nhiều gia đình vẫn lặng lẽ đào hầm bí mật, nuôi giấu bảo vệ cán bộ, dù phải chịu cảnh tù đầy, tra tấn dã man của quân giặc.

Được sự chỉ đạo lãnh đạo huyện uỷ, sự chỉ đạo trực tiếp của đội ngũ cán bộ trung kiên ngay tại địa phương, một mạng lưới cơ sở bí mật được hình thành ở Phương Lưu. Tại nhà thờ họ Trịnh – Phương Lưu – Đông Hải, cụ Trịnh Văn Nghệ và cụ bà Trần Thị Xúc đã bí mật đào hầm ngay trong ngôi từ đường tôn nghiêm của chi tộc để nuôi giấu cán bộ kháng chiến đi về hoạt động. Nhờ có căn hầm bí mật tồn tại ngay dưới lòng đất nhà Từ đường, nhiều cuộc họp, triển khai công việc kháng chiến của cơ sở đã được đảm bảo an toàn.

Ngày 10/10/1949 Tại Từ đường này đã thành lập chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam đầu tiên của xã Đông Hải (nay là Đảng bộ phường Đông Hải 1 và Đảng bộ phường Đông Hải 2, quận Hải An) gồm 04 đảng viên: đồng chí Lê Danh Nhân – Bí thư chi bộ, đồng chí Ngô Văn Cốt – Đảng viên, đồng chí Trịnh Chiến Xa – Đảng viên, đồng chí Phạm Thị Ghi – Đảng viên. Ngay sau sự kiện có ý nghĩa lịch sử, từ đường liên tục là cơ sở kháng chiến vững vàng của xã.

Với sự cống hiến cho kháng chiến, gia đình cụ Trịnh Văn Nghệ và cụ bà Trần Thị Xúc đã được vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huy chương kháng chiến hạng nhì ngày 02/01/2001.

Từ đường xây cất theo lối kiến trưc cổ, quay hướng Tây Nam, bố cục mặt bằng kiểu chữ Đinh gồm 3 gian tiền đường và 1 phần chuôi vồ hơi lùi xuống so với 3 gian tiền đường. Nội thất 3 ban thờ được bài trí theo phong tục truyền thống Việt Nam: có bát hương, hương án, ảnh chân dung, hoành phi, câu đối được sơn thếp cẩn thận, nổi trên nền hoa văn gấm, hồi văn, ….

Chính giữa bờ nóc mái từ đường đắp nổi dòng chữ Hán “Phúc Vĩnh Tuy” nư nhắc nhở con cháu trong họ tộc chăm nom việc thờ cúng tổ tiên, ông bà sẽ được hưởng quả phúc lâu bền.

Mái lợp ngói ta 02 lớp, phù hợp với tưởng hồi xây đắp kiểu “đấu trụ hồi văn”, góc lượn kiểu chéo đao tàu góc. Bờ nóc gian chuôi vồ, đắp kiểu “Tam Sơn”.

Ngay chính giữa từ đường kê một hương án đặt đồ thờ cúng. Mặt nền kiến trúc là dấu tích còn lại của căn hầm bí mật có kích thước (80cm x 4cm), tồn tại từ những ngày Hải Phòng còn bị địch chiếm đóng. Theo hồi ức của con cháu người quá cố truyền lại: “Dân làng Phương Lưu  bấy giờ có nhiều hầm bí mật dùng để đón các cán bộ hoạt động kháng chiến. Hầm bí mật tại Từ đường họ Trịnh bắt đầu đào từ trong buồng ra, có hai vách. Vách trong làm cửa hầm, có lối thông ngay ra vườn rồi ra cánh đồng. Hầm rộng rãi, có thể chứa được chục người ăn nghỉ hàng tháng. Các nhân chứng lịch sử như: Trần Cư, Lê Danh Nhân, Nguyễn Văn Y, Phạm Văn Tiễu,… là những cán bộ nằm vùng, bám dân để hoạt động đều có ấn tượng hết sức cảm động về căn hầm bí mật này của gia đình cụ Trịnh Văn Nghệ - Trần Thị Xúc.

Từ đường khởi dựng vào mùa xuân năm Kỷ Mão 1939. Trải qua thời gian tồn tại, bị xuống cấp nghiêm trọng, mua thu năm Giáp Thân 2004 con cháu hai cụ đã khởi công tu tạo lại theo nguyên gốc cũ, đồng thời với việc tu tạo ngôi từ đường trên diện tích sân vườn rộng đã được mở mang, tôn tạo tương xứng với nội dung lịch sử, vừa mang phong cách truyền thống và hiện đại.

Cụm công trình di tích bao gồm: Nhà Từ đường: Có ban thờ tổ tiên tộc họ và hai cụ Trịnh Văn Nghệ - Trần Thị Xúc; Ban thờ liệt sỹ Trịnh Gìn con trai út của hai cụ; nhà lưu niệm và thư viện mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đền thờ Bác Hồ. Đây là những công trình được tạo lập, thể hiện tình cảm tốt đẹp của cán bộ, công nhân Hợp tác xã Bạch Đằng, do các cựu chiến binh tham gia trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc, trở về đời thường, bắt tay làm kinh tế, xây dựng cuộc sống mới. Cổng từ đường quay hướng Bắc, vườn cảnh, núi non bộ, hồ nước, khu trồng cây lưu niệm, nhà bia ghi dấu sự kiện cách mạng kháng chiến diễn ra tại ngôi từ đường, ….đã nâng giá trị của quần thể di tích trong thời kỳ đổi mới.

Từ đường họ Trịnh được Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng xếp hạng là di tích lịch sử kháng chiến theo Quyế định số 2424/QĐ-UB ngày 24/10/2005.

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke