Di tích lịch sử Đình Nam

26 03 2024

in trang

Đình Nam Phong xưa, thuộc trang Lũ Đăng, tổng Hán Nam, huyện Tiên Minh, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương; nay là Đình Nam, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.

     Nhìn một cách tổng thể, khu di tích lịch sử Đình Nam nằm ở phía Nam của 3 thôn Nam Bắc Phong trên diện tích 2.000 m2. Tên gọi là Đình Nam cũng bắt nguồn từ ý nghĩa đó. Ngôi đình được xây dựng trên một gò đất cao ở thế đắc địa. Đình xây trên lưng con bạch tượng đầu quay về hướng tây, phía trước là đường nghinh thần, một bên là chiêng một bên là trống và đàn chầu. Phía Nam là con bạch mã và lá cờ thần, phía Bắc có chồng sách và ống bút, phía sau đình có 2 án tam thai và 2 đai ấn. Toàn thể khu di tích bao gồm ngôi đình ở vị trí trung tâm, sân đình, cuốn thư và văn bia, giếng đình,phía trước và phía sau là vườn đình, bên cạnh là nhà công vụ. Khuôn viên của đình tạo thành một cảnh quan hài hòa, một không gian yên bình, tĩnh lặng của cây đa, giếng nước, sân đình đậm bản sắc truyền thống của người Á Đông.

     Đình được khởi công xây dựng năm Đinh Mùi 1907 do công sức đóng góp của dân làng Trang Lũ Đăng, kiến trúc ngôi Đình theo hình chữ Đinh gồm 5 gian tiền tế vững chãi và 4 gian hậu cung thâm nghiêm bề thế uy nghi, mái cong rồng phượng, tứ thiết dùng làm vật xây dựng, cổ truyền trang thờ sơn son lộng lẫy, toàn bộ ngôi đình được xây dựng bằng gỗ lim xanh. Năm 1949, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến trong thời gian kháng chiến chống Pháp, 5 gian tiền tế của Đình bị dỡ bỏ. Sau nhiều lần phục dựng Đình đã vững chãi hơn, tuy nhiên kết cấu bên ngoài vẫn còn hết sức đơn giản. Ngày nay quý khách được chiêm ngưỡng một ngôi đình bề thế, uy nghi như thế này là do công sức của nhân dân 3 làng đã phục dựng lại từ năm 2013.

Đình Nam là nơi thờ thành hoàng Đặng Hữu Kỷ, người trang Lũ Đăng đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa thi năm Bảo Thái thứ nhất 1720 triều vua Lê Vụ Tông. Ông được sắc phong, Tả Thị Lang, Chưởng thượng Thái giám, phó y Lễ hầu, hiệu là Thiền tăng Phù hựu Đại Vương. Nói về thành hoàng làng Đặng Hữu Kỷ, ông là người tài năng đức độ, văn võ song toàn. Năm Bảo Thái thứ nhất (1720) ban chiếu khắp thiên hạ chọn người tài giỏi văn võ, đức độ hơn người về kinh dự thi đình; ai đỗ cả tam trường thì được trao quyền quan, tước. Sĩ tử cả nước nức lòng quyết đoạt Trạng Nguyên lũ lượt về kinh ứng thí. Đặng Hữu Kỷ cũng lều chõng về kinh. Văn sách đã đưa ông đạt danh đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân lúc 42 tuổi. Vua thấy ông văn võ toàn tài đức độ liêm cần đã phong Đặng Hữu Kỷ làm tả thị lang chưởng thượng thái giám, phó y lễ hầu. Ông bái tạ nhà vua nhận quan tước, về Tiên Lãng nhận thực ấp. Từ đó ơn nhuần thắm trạch, hương hỏa đã đủ nhân duyên. Lúc 50 tuổi ông xuất gia trụ trì ở chùa Chân Giáo, vài năm sau ông được vời về kinh chữa khỏi bệnh cho vua, được vua ban thưởng cùng 16 mẫu ruộng làm thực ấp. Khi viên tịch, Ngài đã an vị tại đây, nhân dân lập miếu thờ trên ngôi mộ. Đến Triều Lê Ý Tông, vua lại phong Tả Thị Lang hoa lưu hầu Đặng Hữu Kỷ tước Đại Vương, tặng phong trưởng thượng thái giám phó y lễ hầu hiệu là thiền tăng phù hựu Đại Vương”. Lại cho phép trang Lũ Đăng và họ Đặng đều được đón mỹ tự về lập miếu vũ và từ đường để thờ phụng ông.

Đình Nam cũng là nơi phối thờ 2 vị thượng đẳng Thần Đô Đài là võ tướng thời Hùng Duệ Vương đã có công dẹp giặc giữ yên bờ cõi.

Như vậy Đình Nam thờ 3 vị thành hoàng Thượng Đẳng Thần Đặng Hữu Kỷ và Thượng Đẳng Thần Đào Đô và Đào Đài. Ở giữa là Khánh thờ tiến sĩ Đặng Hữu Kỷ, bài vị với Rồng bay Phượng múa, mỹ tự sáng lung linh, chân phương mà lộng lẫy. Hai bên là linh tượng võ tướng Đô Đài, gợi nhớ những đoàn quân gươm giáo sáng lóa, cờ Thần rợp trời, tiếng quân reo át sóng cuộn dâng. Phía dưới là mộ Tiến sĩ Đặng Hữu Kỷ.

Toàn bộ 5 gian tiền tế phía ngoài được xây dựng trang trí với cuốn thư, câu đối sơn son thếp vàng, hoành tráng lung linh trong sắc tía hồng đều, trong sắc vàng óng ả, lộng lẫy rực rỡ tạo vẻ tôn uy thâm nghiêm nơi hậu Thánh. 2 gian ngoài cùng 5 gian tiền tế thờ thờ mẹ Việt Nam Anh hùng, các anh hùng liệt sĩ “vị quốc vong thân” và chân linh các dòng họ.

Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, bao lần dỡ bỏ rồi phục dựng cho đến ngày hôm nay Đình Nam vẫn còn lưu giữ được một số sắc phong của Triều Nguyễn cùng với nhiều đồ thờ và hiện vật quý với các trang trí, họa tiết, hoa văn tinh sảo, đẹp mắt trên trăm tuổi có giá trị lớn về mặt lịch sử văn hóa như ngai thờ, bát hương, cuốn thư và bàn thờ cổ. Đây cũng là một trong số ít di tích trên địa bàn huyện còn lưu giữ được mộ của Thành Hoàng làng.

     Đình Nam vẫn là nơi nguồn thiêng sông núi, là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, là chất keo gắn bó người với người. Cho đến ngày nay, các tiết lệ của đình vẫn được nhân dân 3 làng tổ chức cúng tế trang nghiêm, long trọng: Lệ chính ngày sinh vào 15/11, Lệ chính ngày hóa vào 15/5, Lễ khánh hạ 25/10 hàng năm. Rồi cứ mỗi độ Têt đến xuân về nhân dân xa gần lại nô nức hòa mình trong các lễ hội văn hóa dân gian của hội đình như pháo đất, đánh đu, đu cần, bắt vịt...

     Di tích lịch sử Đình Nam được công nhận là di tích lịch sử thành phố theo Quyết định số 2178-QĐ/UBND, ngày 13/10/2014 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng. Cán bộ, nhân dân thôn Nam Phong luôn luôn phấn khởi tự hào ra sức bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo di tích lịch sử của địa phương.

Admin

Thong ke