DI TÍCH LỊCH SỬ CẤP THÀNH PHỐ MIẾU - CHÙA PHÚ KÊ

11 11 2024

in trang

1. Tên gọi di tích: MIẾU - CHÙA PHÚ KÊ

2. Địa điểm di tích:

Khu 1 thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.

3. Hiện trạng di tích: Đang sử dụng bình thường

4. Nhân vật được thờ: thờ 04 vị thành hoàng cùng có một tên hiệu là ĐẠI CÀN QUỐC GIA NAM HẢI tứ vị thượng đẳng thần có công giúp vua Trần Anh Tông và Lê Thánh Tông đánh giặc Chiêm Thành.

GIỚI THIỆU

DI TÍCH MIẾU - CHÙA PHÚ KÊ

 
   

GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ DI TÍCH LỊCH SỬ, VĂN HÓA

MIẾU - CHÙA PHÚ KÊ

Miếu - Chùa Phú Kê thuộc thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, thờ 04 vị thành hoàng cùng có một tên hiệu là Đại Càn Quốc Gia Nam Hải tử vị thượng đẳng thần có công giúp vua Trần Anh Tông và Lê Thánh Tông đánh giặc Chiêm Thành. Ngôi miếu được xây dựng cạnh đầm Lôi Đàm có cảnh quan trên bến dưới thuyền hay còn được gọi là Miếu Bến Vua. Từ Miếu Bến Vua đến Chùa Phú Kê (còn được gọi là chùa Sùng Ân) khoảng cách 20 mét, xưa kia được xây dựng với kiến trúc khá độc đáo với 9 nóc mái. Theo tư liệu bia ký, chùa được xây dựng vào thời vua Lê Huy Tông, niên hiệu Vĩnh Trị thứ 5, năm 1680 (thế kỷ 17).

Chùa được xây dựng trên gò đất cao, cảnh quan rộng rãi, mát mẻ do có nhiều cây cổ thụ. Trong chùa còn bảo lưu nhiều hiện vật quý như Phật tượng, đồ thờ cùng bia ký niên hiệu độc đáo cùng với ngôi Miếu đã tạo lên một quần thể di tích đẹp, lưu giữ nhiều di vật, đồ thờ, bia ký niên hiệu rải rác từ thời Lê đến thời Nguyễn, là nơi chứa đựng những giá trị to lớn về mặt lịch sử, qua thời gian, ngôi chùa được xây dựng đã hư hỏng, nhiều hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của di tích Miếu - Chùa Phú Kê cùng với những tấm lòng hảo tâm công đức của bà con dân làng phục dựng lại ngôi chùa với việc tái thiết tu bổ tôn tạo và chỉnh trang quy mô to đẹp hơn làm tăng vẻ đẹp cảnh quan của di tích, ngoài ra còn xây dựng thêm cổng tam quan và gác chuông 3 tầng, tổ chức đúc “đại đồng chung” nặng trên 1 tấn, xây dựng nhà khách 2 tầng, xây dựng nhà thờ mẫu. 2 nhà bia và cụm tháp phật, tháp sư xây đảo ngọc và kè đá bờ hồ Bến Vua, kè đá bờ ao và xây tường vây ao 5 góc, lát gạch sân chùa, đường dạo quanh ao 5 góc... cùng với ngôi miếu Bến Vua tạo thành quần thể di tích đẹp, quần thể di tích văn hóa tâm linh đối với du khách thập phương.

 

CHÙA PHÚ KÊ (SÙNG ÂN TỰ)

Chùa làng Phú Kê tên chữ là Sùng Ân tự nhưng vẫn được nhân dân hàng tổng, hàng huyện quen gọi nôm “Chùa Phú Kể”.

Chùa nằm ở trung tâm quần thể di tích văn hoá tín ngưỡng của làng, được xây dựng trên một gò đất cao so với địa hình xung quanh, quay mặt về hướng tây nam, cách bờ đầm Lôi Đàm chừng 100m. Chùa được xây dựng từ bao giờ hiện nay thất truyền. Theo các tài liệu nghiên cứu về đạo Phật ở Việt Nam thì đạo Phật du nhập vào Việt Nam khá sớm tới triều đại nhà Lý đạo Phật phát triển rất mạnh ở nước ta và đã trở thành quốc đạo, nơi nào có dân chúng tập trung sinh cơ lập nghiệp là nơi đó có chùa. Làng Phú Kê là một trong những làng hình thành sớm ở Tiên Lãng do đó việc dựng chùa thờ Phật cũng rất sớm. Tuy nhiên ban đầu là đơn sơ nhỏ bé. Qua truyền ngôn, dưới triều đại nhà Trần chống giặc Nguyên Mông lần thứ 2 chùa Sùng Ân làng Phú Kê đã được chọn làm nơi đặt kho quân lương của một đạo quân nhà Trần. Suy ra thì chùa Sùng Ân được xây từ triều Lý trở về trước.

Đọc trên các bia ký còn lưu giữ được tại chùa thì tấm bia có niên đại cổ nhất là bia “Sùng Ân tự bi” niên đại Diên Thành năm thứ 10 triều Mạc (1587) ghi việc: “Ngày 20 tháng 4 niên hiệu Sùng Khang thứ 10 (1575) làng thuê thợ khắc đá giỏi đến tạc tượng Phật, mời thầy giỏi để điểm nhỡn khai quang, đến niên hiệu Diên Thành trùng tu gác thượng, tu sửa chuông lớn trước chùa gồm 20 lâu đài nguy nga tráng lệ thật quy mô...” sau đó ghi tên 430 tín thí người trong xã, trong huyện và ngoài huyện cúng tiến công đức. Dựa vào những tư liệu trên bia cho ta thấy ngay từ thời Mạc, chùa Sùng Ân đã là một ngôi chùa lớn, một trung tâm Phật giáo có ảnh hưởng rộng lớn trong vùng.

Qua nhiều bia “Sùng Ân tự bi ký” và bia Hậu Thần, Hậu Phật, chùa Sùng Ân đã được trùng tu tôn tạo lớn vào các niên đại Vĩnh Trị và Chính Hoà triều Lê Hy Tông (1675 - 1697). Sau các lần trùng tu tôn tạo thuộc thế kỷ XVII chùa Sùng Ân trở thành một trong những ngôi chùa lớn và đẹp trong huyện mà dấu ấn về hình dáng cấu trúc và mỹ thuật còn lưu truyền được tới năm 1950 trước khi ngôi chùa bị huỷ hoại do chiến tranh.

Trước chiến tranh chùa có nhiều toà, nhiều điện, kiến trúc phân chia hình thành 2 khu vực:

Khu chính điện: gồm toà Chính điện 7 gian và toà Hậu cung phía sau. Tất cả đều làm bằng gỗ lim, mái lợp ngói mũi dưới lót ngói màn, tường bao quanh xây bằng gạch Bát Tràng. Trong toà Hậu cung và cả toà Chính điện tượng phật được bảy thứ tự từ cao đến thấp theo bề bậc có tới 100 pho gồm tượng tam thế, tượng di đà tam tôn, đại thế chi bồ tát, quan thế âm bồ tát, thích ca tam tôn, thích ca sơ sinh, phật bà nghìn mắt nghìn tay, kim đồng, ngọc nữ, tượng hộ pháp, bát bộ kim cương, thần sấm, thần sét, ban thờ Đức Ông... Có một số tượng được đúc bằng đồng, còn lại bằng đá và gỗ quý có giá trị cao về nghệ thuật tạo hình. Mỗi pho một vẻ nhưng đều toát lên tinh thần từ bi hỷ xả.

Trước cửa toà Chính điện là vườn hoa, bên trái vườn hoa là giếng Mắt Rồng. Phía tây vườn hoa giáp với con đường đất đi qua cửa chùa là các Tam quan, thường được gọi là gác chuông. Tam quan chùa là một công trình kiến thiết bề thế. Tầng dưới gồm 03 cửa cuốn vòm 2 bên có bậc thang lên tầng trên. Tầng trên mái cong treo 01 chiếc chuông lớn đúc từ thời Mạc. Hai bên tả hữu tam quan dựng 02 cây tháp dấu ấn của 2 vị hoà thượng đã tu hành và viên tịch tại chùa. Bên phải vườn hoa là khu nhà tổ, nhà tự, nhà khách kiến trúc theo hình “gọng bừa". Nhà tổ quay về hướng tây có tượng thờ đức Bổ để Lạt Ma là tổ đạo thiền và thờ các vị tổ sư đã trụ trì và viên tịch tại chùa. Bên trái nhà Tổ là nhà khách quay hướng bắc, bên phải là nhà tự quay hướng nam. Nằm giữa 03 toà nhà có một sân gạch khá rộng. Từ cổng chùa đi vào sân, qua hết nhà khách, rẽ phải rồi qua cửa ngách vào toà chính điện.

Cách nhà tự một mảnh vườn về hướng tây bắc có một chiếc ao to, dài gấp khúc hình thước thơ (L) được người xưa gọi tên là “Ao Năm Góc". Trong khuôn viên của chùa ngoài các cây ăn quả có 03 cây cổ thụ rất to gồm 2 cây quéo (muỗm) ở hai bên tả hữu các Tam quan và một cây thị ở phía sau toà hậu cung hơi chếch về phía đông nam. Theo chuyện kể của các vị cao niên, cây thị này có tuổi đời từ 700 đến 800 năm. Hiện nay thân rất to, 3 người ôm mới hết, gốc cây đã bị bong thành lỗ lớn trẻ con thường chui vào chơi nghịch. Cây thị đã được công nhận là cây di sản Việt Nam.

Ngoài khuôn viên cách cổng chùa từ 50 đến 70 m về phía tây và tây bắc có 3 cây đa cực to đó là: đa Tử Chỉ, đa Ba Chạc và đa Võng Chùa. Cây cối trong và ngoài khuôn viên đan xen nhau như một rừng cây lớn, xanh tốt, xum xuê bao phủ lấy ngôi chùa cổ tạo nên một cảnh quan thơ mộng cổ kính một không gian mát mẻ yên tĩnh và thâm nghiêm khiến mọi người mỗi khi bước chân vào chốn cửa thiền tâm hồn đều cảm thấy lâng lâng nhẹ nhõm.

Sùng Ân Tự là một ngôi chùa cổ được kiến lập trên địa hình có cảnh quan thiên nhiên đẹp kết hợp với kiến trúc có nhiều nét độc đáo. Đặc điểm và cảnh sắc riêng của ngôi chùa đã được người xưa khái quát ngắn gọn trong 12 từ: “Chùa chín nóc, Ao năm góc, Đa ba cây, Đá một hòn”. (“Chùa chín nóc” ý muốn nói chùa có 9 toà điện lớn. “Ao năm góc” là chiếc ao dài gấp khúc hình thước thợ (L) ; “Đa ba cây” là 3 cây đa nằm ở phía trước của chùa, “Đá một hòn” ý muốn nói đến tấm bia đá lớn nhất của chùa (1m7 x 1m5) có tên là “Sùng Ân Tự tu tạo các Tam quan các sổ bi ký”).

Tuy chỉ là nơi tu tâm hướng thiện của dân làng nhưng trong chiều dài lịch sử chùa Sùng Ân cũng đã có những đóng góp nhất định cho công cuộc chống ngoại xâm giành độc lập của dân tộc:

- Thời triều Trần chống quân Nguyên Mông chùa đã là nơi đặt kho quân lương của đạo quân do tướng quân Trần Quốc Thành chỉ huy.

- Tháng 4 - 1945 gác chuông chùa là nơi họp hội nghị để thành lập tổ chức Việt Minh bí mật kháng Nhật của tổng Phú Kê. (Hội nghị thành lập Đoàn Thanh niên cứu quốc của 2 làng Phú Kê và Cựu đôi có 6 người tham dự, trong đó Làng Phú Kê có 3 ông: Nguyễn Hữu Quỳnh, Nguyễn Hữu Quỹ và Lê Văn Khung tham dự).

- Một bộ phận của ty Công An liên tỉnh Hải Kiến đã đặt văn phòng tại chùa suốt những năm 1947 - 1948.

- Năm 1948 chùa đã tự nguyện hiến cho kháng chiến quả chuông đồng cổ đúc từ thời Mạc vô cùng quý giá của chùa để làm nguyên liệu sản xuất vũ khí.

- Năm 1950 giặc Pháp chiếm đóng Tiên Lãng, chúng đã chiếm chùa Sùng Ân làm đồn bốt. Tranh thủ lúc địch thay quân dân làng đã phá huỷ ngôi chùa nhằm triệt phá nơi đóng quân của giặc (Dân làng chỉ phá những phần chủ yếu, sau này khi đóng quân ở xóm Nam, giặc Pháp đã phá trụi).

Với những đóng góp trên, chùa Sùng Ân đã được UBND thành phố tặng bằng khen và được xếp hạng “di tích lịch sử văn hoá”.

Trong chiến tranh chống Pháp, chùa Sùng Ân gần như bị huỷ hoại hoàn toàn di sản của chùa còn lại sau chiến tranh là cây thị cổ và giếng Mắt Rồng.

Sau chiến tranh do cuộc sống lúc này gặp quá nhiều khó khăn nên dân làng chỉ có khả năng tu tạo đơn sơ với những nguyên vật liệu tận dụng, được 03 gian Chính điện và toà Hậu cung để có chỗ thờ cúng và một nhà tranh tre nhỏ 3 gian vừa làm nhà Tổ vừa làm nhà Tự. Mãi tới năm 1992 - 1997 Làng Phú Kê mới có điều kiện tập trung tài lực, trí tuệ để trùng tu, tôn tạo chùa Sùng Ân. Công đoạn tôn tạo được chia làm 02 bước:

Bước I: Tiến hành vào năm 1992 gồm xây mới nhà tổ, sửa sang vườn hoa, xây cổng chùa và tường bao phía trước.

Bước II: Triển khai năm 1997 gồm xây mới toà Chính điện, toà Hậu cung, dựng nhà bia, sửa sân, giếng Mắt Rồng, giếng Oản, xây tường bao phía nam chùa và cổng phụ.

 

MIẾU BẾN VUA

Miếu Bến Vua làng Phú Kê thờ “Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Thần Chiêu linh ứng Tứ Vị Thánh nương Thượng đẳng phúc thần” được dân gian tôn vinh là “Đại Càn Thánh mẫu” vì đền thờ phát tích Thánh mẫu được xây dựng ở cửa Đại Càn hay còn gọi là cửa Lạch Còn thuộc xã Quỳnh Hương huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An. Làng Bảo Kê xưa (Phú Kê) sau khi xây dựng xong ngôi miếu cử người vào tận Đền Cờn xin rước thần vị về thờ, từ đó đến nay đã được hơn 600 năm. Tin ngưỡng Đền Cờn hay tín ngưỡng miếu Bến Vua đã thấm sâu vào tiềm thức nhiều thế hệ người Bảo Kê rồi Phú Kê, trở thành nhu cầu sinh hoạt tâm linh, sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng từ nhiều đời nay của người Phú Kê.

Ngôi miếu thờ Đại Càn Thánh mẫu của Làng Phú Kê có tên đầy đủ là Quảng Trạch linh từ. Vì được xây dựng trên khu đất có địa danh là Bến Vua nên thường được gọi nôm là Miếu Bến Vua. Căn cứ vào thư tịch cũ là thần phả của ngôi miếu do Viện Hán Nôm dịch thì ngôi miếu được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ 14, khoảng những năm 1370 - 1380. Thần phả của Miếu Bến Vua do Hàn Lâm Viện Đông các Đại học sỹ Nguyễn Bính soạn năm 1572, năm Hồng Phúc nguyên niên triều Vua Lê Anh Tông ghi lại sự kiện này như sau:

“Trước đây ở Bắc quốc có người ở đất Bảo Đài họ Hoàng tên Thiện, gia truyền nổi tiếng về phong thuỷ địa lý. Vào cuối thời Tống vì nạn chiến tranh ông đưa gia đình sang cư trú ở nước Nam thuộc xã Cần Hương - Hoan Châu. Ông Thiện sinh ra ông Khánh, ông Khánh sinh ra ông Trung, ông Trung sinh ra ông Cầu, đến đây đã được 4 đời. Ông Cầu cũng là người ham mê và tinh thống khoa phong thuỷ, các nơi sơn kỳ thuỷ tú trong nước ông đều đến xem xét. Một hôm ông đến xã Hoài Vân huyện Tân Minh phả Nam Sách đạo Hải Dương thấy đất ở đây có nước sông bao bọc, có thế rồng chầu hổ phục, kim tinh dẫn mạch, cái nào cũng quay đầu chầu về. Tuy mạch nhỏ nhưng cũng là 1 thắng cảnh phong quang, thực là nơi có thể lập được đình miếu, ông ngắm không chán và ngâm 1 bài thơ.

Nguyên văn:

Ngân bình ngọc chướng chu tao khởi

Cầm hồ sơ liễm thử đệ khai

Dự khí trung thành đuy tiểu mạch

Linh cư chân khả kiến cung đài.

Tạm dịch:

Trướng ngọc bình vàng tiếp dựng nên

Mành thưa cửa gấm ở ngay bên

Khí thiêng hun đúc mạch tuy nhỏ

Linh ưng thiêng thanh dựng miếu đền.

Ngâm thơ chưa dứt, bỗng thấy có một ông lão từ trong làng đi ra, ông bèn chỉ tay mà bảo rằng: “Đất này sơn kỳ thuỷ tú, là nơi địa linh nhân kiệt, các ông không thấy sao? Ta vừa xem được một chỗ rất quý nếu mà xây dựng đền miếu ở đây thì chỉ sau 3 năm nhân dân sẽ phồn thịnh, chẳng biết người làng có tin hay không?”. Các cụ phụ lão trong làng nghe nói vô cùng mừng và mời ông ở lại cùng dân làng chọn đất xây dựng miếu rồi cử người vào Đền Cờn rước thần vị bốn vị Thánh nương về thờ.

Từ đó trở đi 4 vị Thánh nương rất linh ứng, nước cầu dân cúng không gì là không linh nghiệm, thế nên đế vương các triều đại đều phong sắc chỉ mà thôn Bảo Kê xã Hoài Vân cũng được nhờ phúc lớn dẫn chúng đều được phúc thọ khang ninh”.

Thời gian lưu lại giúp đỡ nhân dân dựng miếu, ông Cầu thường được dân chiêu đãi bằng thịt gà. Gà ở đây thịt rất ngon và ông thấy bà con thường dùng thịt gà để cúng lễ nên đã gợi ý đặt tên làng là Bảo Kê. Từ đây tên làng được gọi là Bảo Kê, còn đổi từ Bảo Kê thành Phú Kê vào thời điểm nào hiện nay chưa rõ.

Ngôi miếu do ông Hoàng Cầu giúp đỡ việc cắm đất, định hướng được xây dựng ngay trên nơi có địa danh rất đặc biệt gọi là “Bến Vua”. Theo truyền thuyết dân gian thì bến này xưa đã có thuyền của Nhà vua về neo đậu và nghỉ tại làng Phú Kê do đó đã được mang tên là “Bến Vua”.

Người xưa xem đây là quý địa, là nơi “sơn kỳ thuỷ tú” nơi “địa nhân linh kiệt” có “kim tinh dẫn mạch”, có “rồng chầu hổ phục”. Vậy đâu là kim tinh dẫn mạch, đâu là rồng chầu hổ phục? Con cháu người làng Phú Kê thường được nghe giải thích về hình thái mảnh đất quý này của quê hương đại ý như sau:

Miếu quay về hướng Tây, trước miếu là đầm nước dài và rộng có tên là Lôi Tân Đàm, nôm na là đầm Lôi Đàm. Xưa kia đầm này vốn là 1 dòng chảy phụ của sông Thái Bình, tách dòng chảy chính từ địa phận làng Kinh Khê chảy qua đầu làng Ninh Duy từ hướng Tây Bắc vào phía Tây làng Phú Kê khu vực có Bến Vua. Tới đây dòng nước quay vòng và đổi hướng chảy theo hướng Đông Nam qua địa phận làng Phương Lai, Hào Lai, Đông Xuyên Ngoại rồi nhập vào dòng chính ở gần cửa Thái Bình. Nơi dòng nước xoáy đổi hướng tạo thành 1 vùng sâu, như một cái rốn lắng đọng nguồn nước từ Hưng Yên, Hải Dương đổ về. Đây chính là nơi Kim tinh dẫn mạch Bến Vua.

Quanh khu vực dựng miếu, bên trái, bên phải và đằng sau đều có dải đất cao và dài nằm hướng đầu về ngôi miếu. Theo thuyết phong thuỷ 3 gò đất cao và dài này được coi như 3 con “Rồng” đang nằm chầu về ngôi miếu.

Rồng phía sau là gò đất cao và dài chạy từ ngôi chùa Sùng Ân Tự qua đình làng tới đầu làng. Ngôi chùa “Sùng Ân Tự ” được kiến lập ngay trên đầu Rồng. Giếng nước ăn của làng được coi như mắt của “Rồng”, chính vì vậy mà giếng này được mang tên là “Giềng mắt Rồng”

Bên trái miếu ven theo đầm Lôi Đàm khoảng 1.000 m có 1 gò đất cao kéo dài từ đường liên huyện vào sát mép đầm thuộc làng Phương Lai là Rồng bên trái.

Bên phải miếu cũng ven theo đầm Lôi Đàm đến sát cầu Kê, đường đi vào các làng Ngọc Động, Ninh Duy có một gò đất cao chạy dài từ cầu Kê vào sát đền làng Ngọc Động là Rồng bên phải. Hai gò đất cao này đều có địa danh là Đường Rồng.

Đoạn đầm chảy qua phía trước Bến Vua rộng tới 500 m, bên kia đầm là 1 cánh đồng rộng bao la bát ngát kéo dài tới đê sông Thái Bình. Giữa cánh đồng cách ngôi miếu khoảng trên 1.000 m có nhiều gò đất cao nổi lên, trông xa như một đàn hổ đang nằm quay đầu về phía ngôi miếu, khu vực này có tên gọi “Ba Đống”.

Chính vì quang cảnh phía trước rộng bao la bát ngát nên sau khi rước thần vị Đại Càn Thánh mẫu về thờ, ngôi miếu làng Phú Kê đã được gọi là “Quảng Trạch linh từ” có nghĩa là “Đền thiêng bên đầm rộng”. Đến nay ngôi miếu đã được hơn 600 năm và nhiều lần trùng tu tôn tạo.

Qua tấm bia “Hậu thần bi ký” có niên đại Chính Hoà năm thứ nhất triều Vua Lê Hy Tông ghi công đức ông bà Nguyễn Hữu Trí và Nguyễn Thị Dung cúng tiến 150 quan cho công việc xây dựng lại toàn phần ngôi miếu với nguyên liệu là “thiết mộc” cho thấy đây là lần trùng tu tôn tạo lớn. Năm 1902 toà Bái đường được tôn tạo lại. Năm 1942 - 1943 toà Tiền đường cũng được thay mới/ Năm 1950 giặc Pháp chiếm đóng Tiên Lãng, làng Phú Kê là nơi đóng quân quan trọng của địch và ngôi miếu Bến Vua đã trở thành đồn bốt của 1 đơn vị lính Lê Dương. Đầu năm 1951 nhân khi địch tạm rút quân với tinh thần yêu nước nồng nàn, với ý chí tất cả để chiến thắng quân dân làng Phú Kê đã tranh thủ thời cơ tự nguyện thiêu huỷ ngôi miếu vô cùng thân thương của mình để làm cho quân địch không có nơi trú quân khi quay trở lại. Toà Tiền đường bị thiêu huỷ hoàn toàn, toà Bái đường hư hỏng nặng.

Năm 1955 sau chiến tranh, tuy quyết tâm cao song do điều kiện thời điểm đó dân làng Phú Kê chỉ sửa chữa được toà Bái đường với mức đơn sơ cần thiết để lấy nơi thờ cúng. Từ năm 1955 đến năm 2000 ngôi miếu không hề được tu sửa tồn tạo nên ngày càng xuống cấp, cảnh quan phía trước dần mai một do be bờ thả cá trồng chuối và đặt máy xay xát gạo.

Trong 2 năm 2001 – 2002 ngôi “Quảng Trạch linh từ” được xây dựng lại toàn phần. Dân làng mở hội lớn khánh thành trong 3 ngày 9, 10, 11 tháng giêng năm Quý Mùi (2003). Kinh phí tôn tạo ngôi miếu tới 830 triệu đồng chủ yếu do con em làng Phú Kê tự nguyện cung tiến, phần còn lại do khách thập phương công đức. Đặc biệt lần này người cung tiến số tiền lớn nhất lại là hậu duệ đời thứ 12 của vợ chồng cụ Nguyễn Hữu Trí (vợ chồng cụ Nguyễn Hữu Trí đã cúng tiến 150 quan để tu sửa miếu năm 1680) đó là vợ chồng ông bà Nguyễn Hữu Lợi, Trần Thị Mỹ Dung.

Ngôi miếu tuy được xây dựng lại toàn phần nhưng vẫn còn giữ được nhiều nét kiến trúc cũ. Ba toà Tiền đường, Bái đường. Hậu cung vẫn kiến trúc theo hình chữ tam trên diện tích của mặt nền cũ. Phần bên trong của 2 toà Tiền đường và Bái đường hầu như không có gì thay đổi. Riêng toà Hậu cung được xây theo kiểu 2 tầng mái chồng, chiều cao của cả 3 toà miếu được nâng cao hơn trước và toàn bộ phần mái đều theo kiểu mái cong, hình đạo. Khuôn viên bên ngoài ngôi miếu được mở rộng hơn nhiều so với trước về 2 phía Tây và Nam. Phía ngoài cùng của sân, sát với hồ Lôi Đàm xây kè 3 bậc lên xuống, giữ lại hình ảnh của Bến Vua xưa. Chiều ngang của sân chia làm 3 đoạn, đoạn giữa là cửa lên xuống hồ, hai bên xây 2 đoạn tường hoa thấp, đầu mỗi đoạn là 1 cột đồng trụ cao. Ngoài bức tường hoa mỗi bên đắp hình tượng 1 con Rồng to chầu vào cửa lên xuống hồ, tượng trưng cho thế đất có “Rồng chầu Hổ phục”. Phía trong tường hoa sát 2 bên cửa lên xuống hồ dựng 2 ngôi tháp 7 tầng, trên đỉnh tháp đắp mô hình ngọn bút lông, biểu tượng của 1 địa phương có truyền thống văn hoá lâu đời. Sát và ngang với đầu trái toà Tiền đường dựng mới 1 cổng tam quan, 2 tầng mái cong quay mặt về hướng đông thẳng theo đường trục giữa làng.

 

ĐÔI ĐIỂU VỀ BẾN VUA

Bến Vua nằm ở cuối đường trục của làng, sát mép đầm Lôi Đàm. Đầm Lôi Đàm có tên đầy đủ là Lôi Tân Đàm thường được gọi tắt là đầm Lôi hay Lôi Đàm. Xưa kia đầm Lôi Đàm là một dòng nhánh của sông Thái Bình tách dòng chính tại khu vực làng Kinh Khê, chảy qua địa phận các làng Ninh Duy, Phú Kê, Lai Phương, Hào Lai, Đông Xuyên Ngoại tới khu vực đò Đền rồi nhập vào cửa Thái Bình. Dòng chảy rất sâu, thuyền bè lớn có thể đi lại dễ dàng. Tục truyền thuỷ quân của quân đội nhà Trần đã từng dùng đầm Lôi Đàm làm căn cứ đóng quân.

Đoạn chảy qua cuối làng Phú Kê do địa hình gấp khúc nên nước đổi dòng xoáy quanh tạo thành một vụng sâu. Hàng nghìn năm trước nơi đây đã hình thành một bến đò cho thuyền bè neo đậu trả khách nhận hàng. Dòng chảy nông dần do phù sa bồi đắp, lâu ngày thành đầm cấy lúa 1 vụ chiêm, thuyền lớn không đi lại được, mọi vận chuyển và đi lại của nhân dân các làng trong huyện đều do thuyền đẩy bằng sào đảm nhiệm. Bến đò lúc này là nơi đưa đón bà con các làng ven đầm đi chợ Đôi những ngày phiên chợ, hay nơi tập kết lúa thu hoạch ở đầm hoặc các chân ruộng xa của bà con nông dân những ngày mùa màng.

Bến Vua có phong cảnh tự nhiên rất đẹp, bến nước mênh mông, cảnh sắc bốn mùa thay đổi. Buổi chiều tà vào lúc hoàng hôn ra ngồi tại Bến Vua (mùa hè) hưởng thú gió nội hương đồng, ngắm cảnh thiên nhiên thì thật tuyệt vời, một bức tranh thuỷ mặc tự nhiên mỗi ngày một cảnh mây nước hữu tình hiếm có. Chẳng thế mà ông Hoàng Cầu, một thầy địa lí uyên bác đã giúp dân làng Phú Kê cắm đất dựng miếu, cách đây 600 năm khi đặt chân đến đây đã đứng ngắm cả buổi không chán và đã thốt lên: Thật là nơi “Sơn kỳ thuỷ tú”.

Theo các thế hệ người già trong làng kể lại thì ngày xưa có một vị vua về neo đậu thuyền bè tại bến và dừng chân nghỉ tại làng. Để kỷ niệm sự kiện này dân làng đã gọi nơi đây là “Bến Vua”. Song vấn đề bến đò này được mang cái tên “Bến Vua” từ bao giờ và vị vua nào đã từng đặt chân tới đây thì hiện nay vẫn còn bỏ ngỏ. Truyền thuyết và truyện kể về cái tên “Bến Vua” của làng có khá nhiều:

- Trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ thị trấn Tiên Lãng” xuất bản năm 1997, phần viết về làng Phú Kê có đoạn: Tên Bến Vua của làng có từ thời Hùng Vương, Vua Hùng đi kinh lý vùng ven biển đã qua và dừng chân tại đây. (Xét về các điều kiện lịch sử, thời vua Hùng cách chúng ta đã trên dưới 4.000 năm, liệu lúc đó làng Phú Kê đã xuất hiện, hình thành hay chưa?)

- Lại có truyện kể rằng: Ngày xưa có 1 vị vua đi thăm thú tìm đất rời đô, đã dừng thuyền và nghỉ tại làng, sau khi thấy đất hẹp, đồng lầy lại xuống thuyền đi nơi khác. (Lịch sử rời đô của các triều đại vua chúa nước ta chỉ diễn ra có 1 lần, đó là vua Lý Thái Tổ rời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La sau đó đổi tên là Thăng Long vào năm 1010. Vua Lý Thái Tổ quê gốc ở Bắc Ninh rất gần thành Đại La, Người am hiểu thành Đại La như quê hương mình, hơn nữa Người lên ngôi vào tháng 1 năm Canh Tuất, tháng 2 xa giá về thăm quê (làng Cổ Pháp) và tháng 7 thì rời Hoa Lư về thành Đại La (Đại Việt sử ký toàn thư) do am hiểu tường tận về tác dụng to lớn và lâu dài của mảnh đất La Thành nên sau khi lên ngôi được ít ngày nhà vua đã hạ chiếu rời đô nên chắc chắn vị vua đã về làng Phú Kê không phải là Lý Thái Tổ và cũng không hẳn là chuyện tìm đất rời đô).

- Hoặc cũng có suy đoán rằng: Miếu làng thờ nữ thần Tống Thái Hậu là vợ vua nhà Tống, xây dựng ngay cạnh bến nên được dân làng đặt tên là Bến Vua. (Từ ngữ để chỉ các chức danh về vua chúa của người Việt Nam chúng ta rất rõ ràng như: Vua, hoàng đế, thái thượng hoàng, hoặc nữ hoàng, hoàng hậu, thái hậu, hay nương nương... Vậy liệu có chuyện liến phiến giữa Thái hậu và Vua?).

Tên Bến Vua có trước hay có sau khi dựng miếu? Nếu có trước khi dựng miếu sẽ ứng vào triều đạt nhà Trần trở về trước còn như sau khi dựng miếu thì ứng vào giai đoạn cuối nhà Trần đầu nhà Hồ (1400). Tra cứu kỹ trong Đại Việt sử ký toàn thư, từ năm 1400 về trước thấy có 3 sự kiện nói đến việc vua đi ra ngoài hoàng thành thăm thú đất nước hoặc vì chiến tranh đó là:

* Triều đại nhà Lý có 2 sự kiện:

- Sử thần Ngô Sĩ Liên viết về vua Lý Anh Tông (1238 - 1278) như sau:  “...năm 20 tuổi sai Hiến Thành đem quân đi tuần biên giới, lại thân đi khắp tình thế núi sông, muốn biết sự đau khổ của dân gian và đường đi xa gần.” (tập 1 trang 505).

- Năm Kỷ Dậu 1189 tháng 3 vua Lý Cao Tông (1176 - 1210) đi ngự khắp núi sông, phàm xe vua đến đâu mà có thờ thần linh đều cho phong sắc hiệu...” (tập 1 trang 512).

* Triều đại nhà Trần có một số sự kiện viết về vua Trần Nhân Tông:

- “… ngày 26 quân giặc đánh vào cửa ải Vĩnh Châu, Nơi Bàng, Chi Lăng, quan quân đánh bất lợi lui về đóng ở Vạn Kiếp”.

- “... lúc đó vua dùng thuyền nhẹ ra vùng Hải Đông (Hải Dương + Hải Phòng ngày nay (tập II - dòng 10 trang 74).

- “... Hưng Đạo Vương vâng lệnh điều quân các lộ Hải Đông, Văn Trà và Ba Điểm, chọn những người dũng cảm làm tướng tiên phong vượt biển vào Nam. Thế quân lên dần, các quan thấy vậy không đạo quân nào không đến tập họp. Vua làm thơ đề ở dưới thuyền rằng...” (tập II – dòng 15 trang 74).

Cối Kê cựu sự quân tu ký

Hoan, Diễn do tồn thập vạn binh.

(Cối Kê chuyện cữ người nên nhớ

Hoan, Diễn vẫn còn chục vạn binh).

- Theo thần phả của đền Hà Đới và Ngọc Động cùng thờ Tôn thất Trần triều là tướng quân Trần Quốc Thành, vào thời điểm này ở huyện Bình Hà (Tiên Lãng và Thanh Hà ngày nay) lộ Hải Đông có 1 đạo thuỷ quân của nhà Trần đông tới 4.000 người do tướng quân Trần Quốc Thành chỉ huy, đang xây dựng căn cứ làm nhiệm vụ chiến đấu ngăn chặn quân địch ở cửa Văn Úc và Thái Bình.

Phân tích các sự kiện trên cho ta thấy:

- 2 sự kiện thuộc các vua triều Lý, sử liệu viết chung chung, đi nhiều nơi nhưng không có nơi nào cụ thể, phương tiện đi lại là xe không nói gì đến thuyền bè vì vậy rất ít chứng lý liên quan đến Bến Vua làng Phú Kê.

- Các sự kiện chép về vua Trần Nhân Tông như đi thuyền nhẹ về vùng Hải Đông và Hưng Đạo Vương vâng lệnh điều động quân đội lộ Hải Đông vào Nam đánh giặc cùng việc đạo quân của tướng quân Trần Quốc Thành ở căn cứ huyện Bình Hà (Tiên Lãng) đều có liên quan mật thiết với nhau.

Lúc này quân Nguyên Mông bắt đầu cuộc chiến xâm lược nước ta lần thứ 2 (1285). Chúng chia quân làm 3 mũi:

- Thoát Hoan tấn công theo đường Lạng Sơn.

- Ô Mã Nhi tấn công theo đường biển vào sông Bạch Đằng.

- Toa Đô qua đất Chiêm Thành từ phía Nam đánh ra.

Do đó theo lệnh của nhà vua, Hưng Đạo Vương điều động một số lượng quân của lộ Hải Đông (Văn Trà và Ba Điểm là huyện Kim Thành ngày nay) vào Nghệ An ngăn chặn quân của Toa Đô (Nội dung này ghi rõ trong thần phả của đền Ngọc Động). Địa điểm hội quân của Hưng Đạo Vương chắc chắn là tại căn cứ của tướng quân Trần Quốc Thành vì không đâu ở khu vực này thích hợp bằng ở đây, vừa rộng rãi vừa tiện đường cơ động.

Nhà vua từ kinh thành Thăng Long đi thuyền nhẹ ra Hải Đông để làm gì? Chắc chắn có 2 mục đích: Duyệt binh, uý lạo và động viên binh sĩ, kết hợp gặp Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn để bàn thêm về biện pháp đánh giặc. Chính vì vậy sau khi nghe Hưng Đạo Vương trình bày cụ thể về lực lượng nhà vua đã yên tâm cảm hứng làm thơ ngay tại thuyền.

Thuyền nhẹ của nhà vua từ Thăng Long đi Hải Đông tới khu vực tập kết quân đội ắt phải xuôi theo sông Hồng, rồi rẽ vào sông Luộc, hết phần sông Luộc là sông Thái Bình. Chỗ ngã ba sông này ngày nay là Quý Cao. Tới đây là bắt đầu khu vực căn cứ của tướng quân Trần Quốc Thành. Chỉ huy sở của tướng Trần Quốc Thành lúc này ở làng Ngọc Động. Thời gian duyệt binh và uý lạo binh sĩ ít ra cũng vài ba ngày. Những ngày này thuyền ngự của vua chắc phải nghỉ ở trong căn cứ đóng quân và gần chỉ huy sở của tướng quân Trần Quốc Thành (làng Ngọc Động).

Xét về địa hình và điều kiện sinh hoạt của các làng ven sông ven đầm từ Kinh Khê về đến Phú Kê thì không đâu thuận lợi bằng làng Phú Kê: Sông sâu, bến rộng, trên bến dưới thuyền, trên bờ có quân của tướng Trần Quốc Thành canh giữ, tiện cho sinh hoạt của cả đoàn quân đi hộ tống.

Vậy liệu vua Trần Nhân Tông có phải là vị hoàng đế đã để lại dấu ấn của mình tại “Bến Vua” làng Phú Kê chăng? Dựa trên những dấu ấn của lịch sử được ghi lại trong sử sách và phân tích trên cơ sở khoa học những sự kiện lịch sử có liên quan thời đó, cho phép chúng ta có một nhận xét: Rất có thể là vua Trần Nhân Tông, vị hoàng đế anh hùng, đã 2 lần lãnh đạo nhân dân ta chiến thắng giặc Nguyên Mông đã có lần đặt chân lên mảnh đất Hoài Vân khi xưa... Nếu đúng như vậy thì thật vinh dự cho người Hoài Vân và “Bến Vua” đã có đầy đủ ý nghĩa.

Từ năm 1400 trở về sau không tìm thấy sự kiện các vua chúa rời hoàng thành đi kinh lý hoặc chiến trận về vùng Hải Dương, Hải Phòng. Vì vậy mà tên Bến Vua chắc chắn là có từ trước khi dựng miếu.

Bến Vua ngoài ý nghĩa lịch sử nói trên còn có giá trị lớn về văn hoá. Cảnh quan tại Bến Vua đẹp một cách tự nhiên và thơ mộng. Ngày nay tuy cảnh vật có thay đổi nhiều, đầm xưa đã thành rộng lúa, ao cá vườn cây với những đường dọc, bờ ngang, nhưng cảnh vật thiên nhiên vốn đã đẹp, nay được khối óc và bàn tay của con cháu người Hoài Vân chăm sóc, sửa sang lại càng đẹp hơn. Trên bờ, ngôi “miếu thiêng bên đầm rộng” Quảng Trạch Linh Từ mới được trùng tu tôn tạo uy nghiêm và lộng lẫy mang dáng dấp vừa cổ kính vừa hiện đại, có nhiều hình ảnh, nhiều biểu tượng của mảnh đất “địa linh nhân kiệt” và của một nền văn hiến lâu đời. Vụng sâu trước ngôi miếu nay được cải tạo thành hồ lớn và mang tên “Hồ Lôi Đàm”. Nước hồ trong xanh, quanh hồ dương liễu hàng ngày soi bóng, góp phần làm cho cảnh sắc Bến Vua đã đẹp lại càng đẹp thêm.

Ý kiến trên đây mới chỉ dựa trên những sử liệu trong “Đại Việt sử ký toàn thư” và “thần phả” của tướng quân Trần Quốc Thành, để phân tích suy đoán chắc chắn còn nhiều điều phải bàn. Sách lịch sử nhất là những cuốn sách ghi chép về cuộc kháng chiến chống quân Nguyên mông thời Trần có khá nhiều, rất mong những ai đó quan tâm đến cái tên “Bến Vua” của Làng Phú Kê hãy tìm đọc, rất có thể suy đoán của chúng ta sẽ được giải đáp.

Admin

Thong ke