DI TÍCH LỊCH SỬ CẤP THÀNH PHỐ ĐÌNH – CHÙA KIM LÂU XÃ TÂN LIÊN, HUYỆN VĨNH BẢO

11 04 2023

in trang

Đi từ trung tâm thành phố Hải Phòng đi theo trục quốc lộ số 5, đến cầu vượt Quán Toan (quận Hồng Bàng), rẽ sang Quốc lộ 10, lần lượt qua địa phận huyện An Dương, An Lão, Tiên Lãng đến Km 37,5 thì rẽ về tay trái, đến thẳng trụ sở UBND xã Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo. Đình - Chùa Kim Lâu thuộc địa phận xã Tân Liên - huyện Vĩnh Bảo, ngoại thành Hải Phòng, di tích cách trung tâm Hải Phòng 38Km.


Ngôi đình làng Kim Lâu từ khi khởi dựng năm Đồng Khánh tam miện (1887), được mang chính tên địa danh nơi công trình tọa lạc.

Theo tương truyền về mảnh đất Tân Liên ngày xưa đã cho thấy, đây là một địa bàn tập trung, có một số người thuộc tộc Lạc Việt di cư sớm xuống mạn phía Nam vùng ven biển, định cư khai phá trồng lúa nước. Trong số đó, có nhóm đã tìm được vùng đất cao ráo thuận tiện cho việc giao lưu thuỷ bộ để lập làng ban đầu là trang Cao Hải. Nơi đây đã mở chợ bến bờ đê sông Chin, cách trang Cao Hải độ 200 m về phía Nam. Các tư liệu khảo cổ, dân tộc học thu thập tại vùng này cho thấy, chợ Chin có cả người Hán gốc phương Nam đến đây buôn bán tre, gỗ, gốm, sành cùng cư trú với dân địa phương. Các trang Lễ Hợp, Cựu Điện, đã bắc cầu qua sông Chin để giao lưu kinh tế tại khu chợ; Tại khu vực làng Cao Hải còn nhiều gò đống cao, có một số mộ táng của người Hán và người Lạc Việt với nhiều câu chuyện thần thoại lưu truyền trong dân gian đến ngày nay (Thiên thần giáng hạ - Lợn vàng, Vịt vàng, Thiên cầu giáng hạ, Ma ngô ...) Vùng đất này, Hai Bà Trưng hành quân đi đánh quân Tô Định đã ghé qua đây, do địa hình linh địa, hợp cho việc phòng ngự và tiến quân. Có chung một mạch nguồn lịch sử từ rất sớm, xã Nghiêu Quan ngày trước gồm khu Kim Lâu và thôn Cổ Đảng. Đây cũng là địa điểm dân cư đông đúc, hình thành cơ sở làng xóm, công trình tín ngưỡng văn hóa tâm linh như chùa, đình ... cầu mong có sự phù trợ của thần, phật trong cuộc sống đời thường của họ. Quá trình hình thành cộng đồng làng xã Nghiêu Quan gồm Kim Lâu và Cổ Đảng như sau: Vị khởi tổ của vùng đất này là một vị ở Bàng Lau (Hải Dương) xuống, sinh sống bằng nghề chài lưới. Dân số sinh sôi đông đúc, phát triển thành làng, lấy tên nôm là Lau. Thấy địa thế đẹp đẽ, vị quan đi kinh lý bèn cắm đất xây phủ điện của mình, tại đây đồng thời đặt tên là Kim Lâu nghĩa là Lầu vàng, đó chính là xuất xứ tên làng Kim Lâu ngày nay, thuộc xã Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo.

Căn cứ theo bản thần tích chữ Hán do dân làng Kim Lâu, sao chép và một số bản sắc phong của các đời Vua nhà Nguyễn như: Tự Đức năm thứ 7 (1854); Tự Đức năm thứ 33 (1880); Tự Đức năm thứ 11 (1858)

- Đồng Khánh nhị niên (1887)

- Duy Tân tam niên (1909)

- Khảo Định cửu niên (1924)

Đình làng thờ Trần Minh con ông bà Trần Thông và Nguyễn Thị Thái, vốn quê gốc ở đất Phong Châu, làng Cửu Đức. Vợ chồng ăn ở thuận hòa, chân chất làm ăn, ứng xử nhân nghĩa với bà con xóm giềng, xong tuổi đã ngoài 40 mà vẫn hiếm muộn đường con cái, chỉ biết than thở cùng nhau: “Đức giá bản tài giả mạt” mà trong nhà chưa con cháu, chỉ bằng bỏ tiền của cầu phúc giúp đỡ người nghèo khó. Năm ấy, nhân tiết thanh minh, ông bà cùng đi tảo mộ, đốt hương khấn vái tổ tiên, trời đất: Ngay đêm hôm ấy, bà nằm mộng gặp điểm lành, gặp người từ trên thiên đình đi xuống hạ giới, râu tóc trắng xóa, đầu đội mũ hoa, tay bế một đứa bé đến trước mặt lão Trần mà bảo rằng: “Lòng nhân từ của nhà người đã thấu tận thiên đình; Nay ta phụng mệnh Ngọc Hoàng đem đến cho nhà người một đồng tử để sau này hộ quốc cứu dân nổi danh thiên hạ, nói xong người đó biến mất”. Lúc tỉnh dậy Trần lão vẫn nhớ như in lời người trong giấc mộng liền cố ghi để suy ngẫm.Từ đây bà Thái có mang, đến mùa xuân năm Giáp Dần, ngày 12-2 giờ mão sinh ra một người con trai tướng mạo khôi ngô, đình ngộ được cha mẹ yêu quý như ngọc ngà, châu báu, lên 3 tháng tuổi mới đặt tên là Minh. Được cha mẹ nuôi nấng cẩn thận, chăm sóc chu đáo, người con trai lớn nhanh như thổi, năm lên 9 tuổi, được cha mẹ cho theo thày học chữ, thông lầu kinh sử, lại hăng say luyện rèn võ nghệ, khiến dân làng vô cùng kính phục. Đến năm 18 tuổi, cha mẹ đều khuất núi. Lo lắng việc tang cho cha mẹ, trông nom từ đường hương hỏa được 3 năm. Năm Ngài 21 tuổi vua Lý Thái Tông băng hà, Lý Thánh Tông nối nghiệp mở trường thi văn võ, cầu hiền tài cho đất nước chiếu truyền đi khắp thiên hạ. Ngài vào triều ứng thí, liền trúng tuyển được vua Thánh Tổng hết lời khen ngợi khi thất Ngày tướng mạo đường đường, nghiêm trang, văn võ song toàn, thông minh bậc nhất, liền phong ngay cho Ngài là quan thị tòng đóng các đại phủ phục vụ tại triều chính. Từ đấy được 5 năm, lập nhiều công ích, Vua Lý Thánh Tông liền giao cho Ngài về trị nhậm tại phủ Hạ Hồng. bái lạy nhà Vua trở về nhận chức Ngài luôn lấy nhân nghĩa đạo đức làm đầu để cai quản dân chúng. Hàng ngày đi kinh lý, tìm hiểu địa thế, đời sống dân sinh trong địa hạt. Khi đến xã Nghiêu Quan, khu Kim Lâu, bỗng thấy nơi đây có cảnh quan ngoạn mục, sơn thuỷ hữu tình, tuy đất hẹp nhưng cao ráo, mát mẻ, gần cửa sông ra biển.

Lập tức truyền cho binh sĩ cắm đất, lập hành cung tại Kim Lâu. Ngài khuyên dân vỡ đất để làm ruộng trồng lúa, chăn tằm, trừ bỏ điều ác, nên làm việc có lợi, nên Ngài cũng có công đầu trong việc mở khai làng xóm ở đây. Sau thời gian đất nước được thái bình thịnh trị; nước lại có quân Chiêm Thành xâm lấn.

Triều đình cử binh mã ra đánh dẹp tại vùng biên ải nhiều lần mà không được, bèn sai sứ giả về xã Nghiêu Quan truyền lệnh gọi Ngài về triều cầm quân đánh giặc. Trước khi lên đường Ngài cho tuyển gấp tại khu Kim Lâu 30 tráng sĩ làm gia thần cùng về bái yết Vua, sẵn sàng đợt lệnh, Vua Lý phán: “Nay nước nhà có giặc xâm lấn, tình thế lâm nguy các khanh hãy vì nước, chuyển nguy thành thắng lợi”. Quân ta giáp chiến với giặc liền ba trận lớn nhỏ, chiếm được chủ tướng giặc, tiêu diệt và bắt sống nhiều quân lính của chúng. Chúa Chiêm Thành đại bại, phải dẫn tàn quân quân trốn về nước. Thắng trận, Ngài cùng chủ tướng làm biểu tân Vua, báo tin thắng trận. Được Vua Lý ra chiếu chỉ khen thưởng tướng sĩ dưới quyền. Ngài được gia phong là: Minh tướng Quốc đại vương. Sau khi yết tạ trước triều lĩnh sắc vua ban về khu điện Kim Lâu mở tiệc ăn mừng, khen thưởng nhân dân. Xong xuôi công việc, Ngài dâng biểu tán vào triều xin Vua Lý cho khu Kim Lâu được miễn giảm mọi thứ thuế, lao dịch đồng thời khu Kim Lâu từ đây trở thành nơi hương hỏa ngàn năm của Ngài.

Sau đó trở về Phong Châu quê hương bái tạ tổ tiên. Xem xét phần mộ cha mẹ độ gần một năm thì hóa đúng ngày 10 tháng 11. Dân chúng và gia thần vô cùng thương xót lập biểu tân vào triều. Vua Lý đọc biểu, vô cùng xót thương nhớ Ngài, gia phong Ngài là “Thượng đẳng phúc Thần” trao cho người Kim Lâu lĩnh sắc đem về lập miếu bên cung điện cũ thờ phụng Ngài, lưu truyền hương hỏa đến muôn đời sau, để ghi nhớ công lao hộ quốc, cứu dân của Ngài. Triều đình trao các tiết lệ cho dân Kim Lâu thờ phụng Ngài như sau:

Sắc phong, mỹ trị là Minh công Tướng quốc Đại Vương chuẩn giao: Tứ Kỳ huyện, Nghiêu Quan xã, Kim Lâu khu đất thờ phụng Ngài.

Ghi nhớ khai ngày sinh ngay, chữ huý tên Ngài phải kiêng, cùng các mẫu sắc bằng giấy vàng đều cấm.

Ngày sinh Ngài: 12 tháng 2, lễ dùng trâu bò làm lễ, ca hát 3 ngày: - Ngày hóa 10 tháng 11.

Ngày khánh hạ 15 tháng 8, lễ dùng tam sinh, ca hát một ngày.

Ngày phong sắc: 6 tháng giêng. lễ dùng lợn đen tuyền, ca hát trong một ngày.

Ngoài việc thờ cúng vị thần hoàng thời “Lý Nhân Tông, có công đánh giặc, phù trợ mở mang làng xã” nhân dân Kim Lâu còn thờ tại đình 3 vị thuỷ tổ họ Bùi, cùng có công khai phá mảnh đất khu Kim Lau ngày xưa, đó là các vị được ghi nhớ thờ hậu thần phối hưởng; nay cháu chắt dòng tộc vẫn còn tại địa phương.

Bùi Công Tự           Phúc Thành           - Tổ họ Trại

Bùi Công Tự           Danh Dương          - Tổ họ Miếu

Bùi Công Tự           Phúc Hiền              - Tổ họ Đoài

 Cùng tọa lạc trên khu vực phía tây Nam làng Kim Lâu; chùa Kim Lâu có tên chữ là: Kim Liên (bông sen vàng) giống tên với một số ngôi chùa cổ ở đất Thăng Long. Chùa có kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 3 gian, tiền đường 2 gian cung chuôi vồ. Kết cấu vì nóc mái kiểu “kẻ chồng - đấu kể” Phần vì gỗ, cột cái, cột quân xà nóc, xà gian, đều kết cấu bằng loại gỗ tứ thiết được gia công cẩn thận, để nguyên không trang trí gì.

Từ vì trung tâm, nối liền các vì bên 3-4 và hai phía hồi tường được xây cất theo lối bít đốc.

Từ hàng vì cột gian trung tâm có những thanh kẻ nách đặt so le qua 3 trụ đấu kề đặt so le nhau, tạo thành kết cấu vì góc và gian bên trái.

Nhìn chung chất lượng bộ vì gỗ gồm: Cột, xà hoành, dui kẻ nách, xà gian, tàu lá mái đỡ hiện phía trước còn tốt. Mái chùa lợp ngói ta 2 lớp, tường hồi bổ trụ chữ nhật, hợp với thềm bậc hiện có ngưỡng bệ lắp bộ cửa gỗ kiểu bức bàn, trụ xoay. Góp phần liên kết phần vì gỗ của ngôi chùa, còn có hệ thống bẩy, giống như một số ngôi chùa trong vùng như chùa Linh Sơn (Thượng Điền, Vinh Quang), chùa Sẻ (Tứ Duy) ... cùng huyện Vĩnh Bảo.

Mặt chính của ngôi chùa Kim Lâu quay hướng Tây Nam, Nơi có con đường giao thông liên xã chạy qua.

Hiện nay, chùa Kim Lâu, xã Tân Liên còn bảo lưu được nhiều di vật là đồ thờ tự, tượng phật, chuông đồng mang giá trị lịch trình tồn tại, phát triển của ngôi chùa trong lịch sử.

Với những giá trị về văn hóa và lịch sử, năm 2005, Đình – Chùa Kim Lâu được UBND thành phố Hải Phòng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố.

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke