DI TÍCH ĐÌNH HOÀNG CHÂU, HUYỆN CÁT HẢI

31 07 2023

in trang

Đến Cát Hải, nơi mà bạn không thể không đến thăm chính là quần thể di tích Đình Hoàng Châu, một di tích lịch sử cấp quốc gia với Lễ hội Xa mã - Rước kiệu độc đáo và đặc sắc đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

PHẦN 1
Thần tích, truyền thuyết và di tích đình Hoàng Châu

Trong đời sống văn hóa của người Việt, đình làng là một biểu tượng của tính cộng đồng. Ngôi đình luôn là trung tâm tín ngưỡng, hành chính, văn hóa của làng. Bởi vậy, khi đến bất cứ địa phương nào, chỉ cần đến đình làng và tham dự lễ hội truyền thống ở đó, ta sẽ thấy tất cả bản sắc văn hóa đặc trưng của miền đất ấy bộc lộ rõ nét nhất. Đình Hoàng Châu cũng là một nơi như thế.

 

Toàn cảnh Di tích đình Hoàng Châu (Ảnh: Đặng Thị Thúy)

Theo các dấu tích và tài liệu còn được lưu giữ lại, Đình Hoàng Châu được xây dựng từ thế kỷ XVI. Vào thời đó, làng Hoàng Châu chỉ cách Đồ Sơn chưa đến 3km. Trải qua thời gian, do ảnh hưởng của sự biến đổi về địa chất, địa mạo, khí hậu, môi trường, thiên tai bão lụt và nước biển dâng, đã đẩy vùng đảo Cát Hải ra xa nên Hoàng Châu cũng bị đẩy xa dần về hướng Đông như ngày nay. Đình Hoàng Châu thuở ấy được khởi dựng sát phía bờ biển, nơi có độ cao lớn hơn bình diện chung của khu vực, cách vị trí đình ngày nay gần 3km. Tương truyền, trong quá trình khởi dựng đình, dân làng Hoàng Châu đã cắt cử một số lão làng ra vùng Đông Bắc (khu vực Vân Đồn - Quảng Ninh bây giờ) để tìm mua gỗ quý. Gỗ mua xong đã đóng thành bè, chỉ chờ gió lên đẩy buồm là xuôi về làng. Nhưng đợi mãi mà trời vẫn yên, biển vẫn lặng, không có gợn gió nào làm căng buồm nên bè cứ đứng yên một chỗ. Các già làng liền bàn nhau biện lễ, khẩn cầu các vị thần ở biển Đông, cầu trời đất phù hộ để bè gỗ được nhanh chóng về làng, kịp thời gian làm đình. Kỳ lạ thay, lời khấn vừa dứt, thần thánh đất trời hiển linh, một cơn gió đông mạnh nổi lên, thổi căng cánh buồm, đẩy thuyền băng băng về Hoàng Châu, giúp cho việc làm đình được kịp thời, thuận lợi.

Đến năm 1915, người Pháp xây dựng cây đèn biển La Vang tại đây, nên vào năm Khải Định thứ nhất (1916), nhân dân đã di chuyển đình về vị trí sâu hơn trong đất liền. Theo lời kể của các cụ già trong làng, vào thời điểm di chuyển đình năm ấy, do sức người hạn chế và phương tiện quá thô sơ, không thể chuyển toàn bộ các phần cột, kèo, vì mái bằng gỗ to nặng về được nên dân làng đành giao lại cho người dân xã Lương Xâm. Toàn bộ phần đình gỗ ấy đã tạo nên cấu trúc chính của công trình Từ Lương Xâm (thuộc địa bàn phường Nam Hải, quận Hải An, thành phố Hải Phòng hiện nay) và được bảo tồn nguyên vẹn đến tận bây giờ. Dấu tích còn lại của ngôi đình ở vị trí cũ hiện vẫn còn chiếc sập đá cổ long chầu nguyệt rất to và nặng, đang bị chìm sâu dưới lớp bùn dày nơi cửa lạch.

Đình Hoàng Châu mới tọa lạc tại vị trí này từ đó. Cho đến nay, đình đã trải qua 3 lần trùng tu lớn vào các năm Bính Thân 1916, Canh Thìn 2000, Kỷ Sửu 2009. Năm Canh Dần 2010, đình được đầu tư xây mới hoàn toàn cổng đình làng và tôn tạo, tu bổ toàn bộ đình, chùa, văn từ và hai miếu trong làng, tạo thành một công trình tổng thể phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân như hiện nay.

Đình Hoàng Châu ngày nay hướng ra đồng, trông ra mạch nước phía trước (nhân dân vẫn gọi là mạch cửa đình). Quần thể đình chùa miếu Hoàng Châu hiện nay được tu bổ, bảo tồn và chăm sóc khang trang, chu đáo. Từ ngoài nhìn vào, ta có thể bắt gặp ngay hình ảnh thân quen của mái đình cong cong lợp ngói nung truyền thống của vùng Bắc bộ. Trên đỉnh mái đắp hình lưỡng long chầu nguyệt. Hai cột trụ của đình được đắp kiểu tay ngai, thân trụ đắp chỉ nổi với đôi câu đối nổi bật: “Non sông phố cát đường tung cánh/Lòng mẫu quê nhà rõ từ đây”. Đế trụ được tạo dáng quả bồng, đầu trụ đắp đèn lồng bốn mặt, các mặt có hình tứ bình được đắp nổi, trên đỉnh trụ là đôi nghê ngồi chầu hướng vào trong.

Cổng đình Hoàng Châu (Ảnh: Đặng Thị Thúy)

Về tổng thể, đình Hoàng Châu có kiến trúc kiểu chữ nhị, gồm 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung. Tòa tiền tế kết cấu gồm 4 bộ vì, kiểu vì chồng rường. Các phần cột, kèo, vì gỗ đều được chạm khắc nổi theo đề tài tứ linh, tứ quý, long vân hoa lá công phu tỉ mỉ tạo nên sự sinh động, đẹp mắt. Trên hai bộ vì tại gian trung tâm của tòa tiền tế khắc dòng chữ Hán ghi năm trùng tu đình là “Hoàng triều Khải Định nguyên niên - 1916” và dòng chữ “Càn nguyên đông cát nhật” (nghĩa là: Niên hiệu vua Khải Định năm thứ nhất vào ngày tốt mùa đông dựng đình được nhận sự tốt đẹp to lớn hanh thông thuận lợi). Từ tòa tiền tế lên tòa hậu cung là một khoảng sân hẹp chạy dài theo tòa hậu cung, dân gian gọi là “Thiên tình” (tức giếng trời). Đây là nơi đón nhận ánh sáng mặt trời, nơi tiếp nhận linh khí, giao hòa giữa trời và đất. Tòa hậu cung cao hơn tòa tiền bái với bộ khung chịu lực gồm hai bộ vì cấu trúc theo kiểu khóa giang chồng rường, giá chiêng cung cấm. Ba bộ cửa chính bằng gỗ được cấu tạo theo kiểu cửa thùng khung khách, thượng song hạ bản. Cấu trúc tổng thể của đình giữ nguyên những nét đặc thù của kiến trúc đình làng vùng Bắc bộ.

Đình mang kiến trúc đặc thù của đình làng vùng Bắc bộ (Ảnh: Đặng Thị Thúy)

Cách bài trí, thờ tự trong đình về cơ bản rất quen thuộc với người dân miền Bắc: Hương án lớn được đặt chính giữa gian tiền bái, lọng ngai thờ các thần, thành hoàng và các đồ nghi trượng quý hiếm sơn son thiếp vàng được bài trí, sắp đặt nghiêm cẩn. Phía trên hương án trung tâm là bức đại tự “Lục hiện thần tiên”. Hai bên hương án phía ngoài là bộ bát bảo. Mở rộng và nổi bật hai bên gian hồi là hai ông long mã. Từ giữa gian tiền bái tiến sâu vào trong, qua khu vực giếng trời là Hậu cung (cung cấm ), nơi thâm nghiêm đặt ban thờ Mẫu. Ở vị trí chính giữa phía trên cung cấm là bức đại tự “Thiên tiên đệ nhất”. Tượng Mẫu ngự ở vị trí cao nhất chính giữa với sắc phục màu đỏ, xung quanh là các giá, lọng che sặc sỡ và các đồ cúng tế theo đúng phong tục, tín ngưỡng thờ Mẫu của miền Bắc.

 

Gian tiền bái (Ảnh: Đặng Thị Thúy)

Trong đình Hoàng Châu hiện nay còn lưu giữ được các đạo sắc phong từ thời Nguyễn của 3 vị vua Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân và nhiều hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hóa tín ngưỡng, được coi là tuyệt tác nghệ thuật độc đáo. Trong các hiện vật còn lưu giữ được, phải kể đến 5 bộ kiệu (gồm hai bộ kiệu có từ thế kỷ XVII, 3 bộ kiệu từ thế kỉ XVIII), 2 bộ ngai to, 2 bộ ngai nhỏ, 1 khám thờ, 1 pho tượng công chúa Liễu Hạnh, một đôi long mã, 2 chấp kính và 1 long đình có từ thế kỷ XVIII, tính đến nay đã gần 300 năm.

Nhìn vào cách bài trí thờ tự, người đến chiêm bái dễ dàng nhận ra vị thần đầu tiên được người dân Hoàng Châu thờ phụng chính là Công chúa Liễu Hạnh, một vị thánh mẫu linh thiêng, biểu tượng về công dung ngôn hạnh của phụ nữ, một trong tứ bất tử theo tín ngưỡng của người Việt. Người dân vùng biển Cát Hải từ xa xưa đã luôn coi Liễu Hạnh công chúa là thánh mẫu, mẹ của muôn dân và tôn thờ với lòng nhất mực thành kính. Điều đó thể hiện rõ nét qua các đạo sắc phong suy tôn bà bằng các mỹ từ “Đế thích tiên đình, Liễu Hạnh công chúa, chế thắng hòa diệu tôn thần”; “Hoằng thí phổ độ, anh linh tĩnh chính, diệu hóa trang trưng, thượng đẳng thần”; “Hoằng thí phổ độ anh linh tĩnh chính, diệu hóa thượng đẳng thần”; “Hoằng thí phổ độ, anh linh tĩnh chính, diệu hóa trang trưng, đế thích tiên đình, Liễu Hạnh công chúa thượng đẳng thần”… Đôi câu đối “Non sông phố cát đường tung cánh/ Lòng mẫu quê nhà rõ tại đây” cùng với tục lệ kiêng nhắc đến tên húy của bà trong nói và viết hằng ngày, rồi việc thờ cúng dâng hương, tổ chức hội tế lễ và rước thánh mẫu vào mùng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm cũng là những minh chứng thuyết phục cho điều đó.

         Theo truyền thuyết và các đạo sắc phong còn lưu giữ được, cùng với việc thờ Đức mẫu Liễu Hạnh, làng Hoàng Châu còn thờ hai vị dương thần làm Đức Thành Hoàng và Đức Bản thổ của làng. Đó là “Phó Nguyên soái tổng quốc chính, từ minh nhân thánh, hùng dũng đại lược Duy Bùi chi thần” (theo Bản sắc phong niên hiệu Thành Thái thứ nhất, 1889) và “Dực bảo trung hưng linh phù bản thổ Đô nguyên soái Tuyên nghi chi thần” (theo Bản sắc phong năm Duy Tân thứ 3, 1909). Truyền thuyết dân gian trong vùng kể rằng, đây là những vị văn võ song toàn thời Hậu Lê, có công lao lớn trong việc tiễu trừ hải tặc vùng ven biển, bảo vệ cuộc sống bình an cho dân làng. Năm xưa, kẻ thù phương Bắc sang xâm lược bờ cõi, khiến nhân dân đói khổ lầm than. Triều đình sai 2 đạo quân ra vùng Đông Bắc dẹp giặc, yên dân. Sau khi đánh tan kẻ thù, các vị tướng cùng 2 đạo quân của mình ở lại trấn ải, bảo vệ vùng biển Đông Bắc, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân an tâm sinh cơ lập nghiệp. Về sau, hai vị dương thần ấy được nhân dân tưởng nhớ công lao, tôn làm thành hoàng của làng và lập miếu thờ phụng. Từ thời xa xưa, dân làng cũng có ngọc phả chép đủ cả sự tích của các vị này, nhưng sau vì hỏa hoạn nên thất lạc đã lâu, không còn lưu giữ được các tài liệu nữa, cho nên dân làng cũng không rõ các vị ấy là thiên thần hay nhân thần, chỉ biết đời sau nối đời trước phụng thờ và gọi chung hai Đức ông là Đức Thành Hoàng và Đức Bản Thổ.

Câu chuyện về thành hoàng làng mà nhân dân còn nhớ và kể truyền miệng cho nhau nghe đến nay là câu chuyện về vị thần được sắc phong là “Phó Nguyên soái tổng quốc chính, từ minh nhân thánh, hùng dũng đại lược Duy Bùi chi thần”. Chuyện kể rằng: Ông là một vị tướng tài giỏi, là một trong hai người được giao dẹp giặc và trấn giữ vùng ven biển Đông Bắc nhưng bị nội gian hãm hại, chúng đã cắt thủ cấp của ngài dâng giặc ngoại bang, ném thi thể ngài một nơi khác. Dân làng Hoàng Châu nhiều lần được báo mộng rằng thi thể của ngài đã dạt vào khu vực dải đất dài rộng trước cửa làng. Và quả thật, khi ra đó, dân làng đã tìm thấy ngài. Nhân dân đã chôn cất và lập miếu thờ ngài ngay tại khu vực đó, đặt tên cho dải đất ấy là Chương ông Bùi. Do thiên nhiên khắc nghiệt, bão tố liên miên và sự thay đổi địa hình, xâm lấn của nước biển, ngày nay Chương ông Bùi chỉ còn là một dải cồn cát ở phía xa, ẩn hiện thấp thoáng theo con nước thủy triều lên xuống. Trong suốt những năm tháng từ đó đến nay, cả hai vị thành hoàng làng vẫn luôn hiển linh, phù hộ cho nhân dân, bảo vệ bình yên cho vùng biển này phát triên ngày càng trù phú.

 

Làng Hoàng Châu vào hội (Ảnh: Hoàng Quân)

Là một địa phương vùng biển đảo, như biết bao làng biển khác trên đất nước ta, tại đình Hoàng Châu, dân làng còn phối thờ hai vị thần Đông Hải và Nam Hải, những vị thần linh đầy quyền uy và sức mạnh trong tâm thức của mỗi ngư dân. Cuộc sống của người vùng biển gắn liền với những chuyến vào lộng ra khơi, phụ thuộc vào thời tiết, nhờ sự chở che của mẹ thiên nhiên và các vị thần biển mà có mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, mùa màng bội thu. Bởi vậy, để tưởng nhớ công ơn của các vị thần ở biển, hàng năm cứ đến mùng 2 Tết (ngày ra quân đầu năm của nghề cá) và ngày mùng 10 tháng 6 âm lịch (lễ hội truyền thống của làng), nhân dân Hoàng Châu thường chào hai vị thần Vua Bà Nam Hải càn Quế lương Quốc mẫuĐức ông Đông Hải Đô úy Đại vương về ngự tại đình làng, cầu mong các ngài cho mưa thuận gió hòa, nhân khang vật thịnh.

(Ảnh: Kiệu Vua Bà Nam Hải càn Quế lương Quốc mẫu và Đức ông Đông Hải Đô úy Đại vương)

Trong các công trình nằm trong tổng thể khuôn viên di tích đình Hoàng Châu hiện còn có hai công trình kiến trúc khác là một ngôi chùa thờ Phật và một  Văn từ. Chùa Hoàng Châu cũng là nơi thờ đức Phật, Bồ Tát cùng những nhân vật linh thiêng theo quan niệm của Phật giáo như các ngôi chùa khác. Nhưng Văn từ thì đúng là một công trình mang ý nghĩa đặc biệt ở nơi này. Đặc biệt là bởi ngoài Văn miếu Quốc Tử giám ở Hà Nội - thủ đô ngàn năm văn hiến, thì rất rất ít làng xã nào lại có một không gian riêng biệt để thờ đức Khổng Tử và  khắc bia vinh danh nhân sĩ trí thức của đời trước để đời sau noi gương, đề cao đạo học. Ấy thế mà ở Hoàng Châu lại có một “từ chỉ” như thế, dân làng gọi là Văn từ, được khởi lập nên từ thời vua Minh Mạng năm thứ 10 (tức năm 1829).

Văn từ tại Hoàng Châu được khởi lập từ năm 1829 (Ảnh: Đặng Thị Thúy)

Trong “Tư đạo bi ký” của làng ghi rõ: “Hải Đông phủ, Hoa Phong huyện, An khoái tổng, Hoàng Châu xã, tư đạo các sắc đẳng vi, hữu sùng tu từ chi thiết lập bi văn dĩ minh vu thạch. Cái văn! Như nhất khanh chi khí, Thiên địa gian đại tai đạo hồ! vi vạn đại chi sùng. Nhân sinh thịnh kỳ đức hĩ, Thiên bất biến, đạo diệc bất biến, cổ thử tâm kim diệc thử tâm. Sùng từ hữu tự sơ cơ… hỏa quân cao vạn cổ binh tiễn … vận yên. Vân đãi ế trường không tiền trình trở đậu kỷ nhân tri võng tích. Tấn thân hà xứ mịch? Tuy nhiên tận thế danh hiển thịnh tuyển tính danh… hậu nhân cảnh ngưỡng. Cựu chỉ trùng tu, Giáp Ngọ thượng dĩ thời tư đạo các đẳng, nghị nhẫm công doanh tạo thế chuyên thạch an thần tọa, xuân thu cụ … chi thành tịnh lặc trinh mân, dĩ thủy lại diệp dịch thế hoa tấn lưu si bi. Hoàng Châu cảnh thắng, Lệ Châu thụy ứng, Phượng lân Xích huyện, thanh đằng Hoa huyện… đại trấn tư văn: Cựu xã trưởng tổng trưởng văn thuộc Đoàn viết Nhân, cựu xã trưởng hương trưởng văn thuộc Trần Đức Diệu, Vũ Đức Tuân ...”.

(Dịch nghĩa: “Bài ký trên bia đạo tư văn”: “Các vị sắc mục đạo tư văn xã Hoàng Châu, tổng An Khoái, huyện Hoa Phong, phủ Hải Đông nhân trùng tu từ chỉ dựng bia lưu lại. Mảnh nghe! điều sâu xa cao diệu mênh mang nhất trong cõi nhân gian chính là đạo, nó luôn được mọi thế hệ kế tiếp nhau tôn sùng. Con người ta giàu có do lễ nghĩa hưng thịnh, thói tốt tục lành. Trời đất không đổi dời thì đạo lý cũng trường tồn mãi mãi. Lòng người xưa nay vẫn thế. Từ chỉ xã ta đã có từ lâu, nhưng trải qua nhiều cơn binh hỏa, gió táp mưa sa, mái đồ tưởng xiêu, đồ thờ thất lạc, từ chỉ thành nơi hoang phế, còn mấy ai biết được tích xưa, hiểu được cha ông ta vinh hiển thế nào. May thay, các bậc danh hiền gần đây đã truy tìm tính danh chức sắc các vị tiên hiền, họp bàn xuất tiền của chung sức trùng tu từ chỉ, công việc khởi công vào đầu năm Giáp Ngọ, chỗ hỏng làm mới, chỗ hẹp mở rộng ra. Người người tìm thợ giỏi, đẽo gọt công phu, xây bệ đá làm nơi thần tọa. Từ nay Xuân Thu nhị kỳ, trong hội đã có nơi thờ tế trang nghiêm. Quả phúc tu tròn, bèn dựng đá làm bia lưu lại những thuần phong mỹ tục của người đời trên lưng rùa thiêng. Danh thắng Hoàng Châu, khí thiêng Lệ Châu, trai thanh gái lịch huyện Xích, địa linh nhân kiệt huyện Hoa, mãi mãi để lại tiếng thơm, trấn hưng hội tư văn. Dưới đây kê danh sách các vị tiên hiền: Cựu xã trưởng tổng trưởng văn thuộc Đoàn viết Nhân, cựu xã trưởng hương trưởng văn thuộc Trần Đức Diệu, Vũ Đức Tuân ...”.

          “Bia Hội tư văn” của làng Hoàng Châu năm Minh Mạng thứ 15 (1834) cũng liệt kê danh tính của tất cả những người học hành vinh hiển, đỗ đạt, làm giám sinh, hiệu sinh, sinh đồ tại Trường Quốc Tử giám từ thời đó. Tổng cộng số người được khắc tên vinh danh trên bia đá lưu tại Văn từ có đến hàng trăm người. Hàng trăm người của một xã đảo nhỏ bé, với tổng số dân vỏn vẹn trên dưới một nghìn người ngày đó, tầm sư theo đạo học, đỗ đạt hiển vinh tận kinh thành nghìn năm văn hiến thì quả thật là một kỳ tích, một niềm tự hào to lớn, xứng đáng để tôn vinh, lưu truyền cho hậu thế. Văn từ của Hoàng Châu trở thành công trình đặc biệt để bất cứ ai đến đây đều cảm thấy vô cùng khâm phục là bởi vậy.

Vùng đất Hoàng Châu nơi cửa biển cùng những con người nơi đầu sóng ngọn gió này đã đoàn kết gắn bó từ buổi đầu sinh cơ lập nghiệp. Bằng những những phẩm chất tốt đẹp, những nét văn hóa độc đáo riêng có, niềm tin yêu, thành kính với thần linh và luôn hướng về cội nguồn dân tộc, cư dân nơi đây đã kiên cường đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi, chủ quyền vùng biển, vùng trời của Tổ quốc và tạo nên một cuộc sống yên bình, trù phú ấm no. Ở vùng cửa biển phía Đông của thành phố này, nơi nhánh lớn đổ ra biển của dòng Bạch Đằng giang đã ghi dấu chiến công oanh liệt của quân dân Đại Việt dưới sự chỉ huy của Ngô Quyền, đánh tan quân Nam Hán, mở ra kỷ nguyên độc lập cho quốc gia sau hơn 1000 năm Bắc thuộc. Trong kháng chiến chống Pháp, đình Hoàng Châu là nơi nơi che giấu cán bộ cách mạng. Năm 1952, đồng chí Nguyễn Bình (nguyên cán bộ quân báo của huyện Cát Hải) đã được nhân dân che chở, nuôi giấu trong hậu cung của đình. Năm 1953, cũng tại ngôi đình này, nhân dân đã trừng trị tên cai Hải, kẻ gây nhiều tội ác cho nhân dân, ngay trước ngày hội làng mùng 10 tháng 6 âm lịch. Trong kháng chiến chống Mỹ, quân và dân Hoàng Châu đã trực tiếp bắt sống tên giặc lái Mỹ đầu tiên khi chúng ném bom phá hoại thành phố vào ngày 1/11/1966 ngay tại khu vực chương cao đèn La Vang và nu đèn cạn ngày nay. Còn biết bao nhân vật, biết bao dấu ấn lịch sử được in dấu nơi đây trong công cuộc đấu tranh bảo vệ, tái thiết và lao động xây dựng đất nước.

Với những giá trị lịch sử, kiến trúc, văn hóa độc đáo, quan trọng và đầy ý nghĩa đẹp đẽ đó, đình Hoàng Châu đã được xếp hạng và cấp bằng công nhận là Di tích lịch sử cấp thành phố (năm 2001), Di tích quốc gia (năm 2014), Lễ hội Xa Mã – Rước kiệu Đình Hoàng Châu được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (năm 2017).

 

Đón nhận Bằng công nhận là Di tích lịch sử, Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (Ảnh: Nguyễn Đức Nghĩa)

 

PHẦN 2
Lễ hội Xa Mã - Rước kiệu

 

Nếu như mỗi ngôi đình làng Việt hầu hết đều gắn với một nhân vật, một truyền thuyết lịch sử, huyền thoại thì cũng chính tại ngôi đình ấy, lại có một lễ hội truyền thống riêng của mình. Lễ hội truyền thống của Việt Nam nói chung thường gắn với nghề trồng lúa nước và nghề đi biển với ước muốn mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, mùa màng tươi tốt, tôm cá đầy khoang.

Hải Phòng là một vùng đất với nhiều nét văn hóa biển độc đáo, do đó, lễ hội Hải Phòng cũng mang những phong tục, tập quán đặc trưng của ngư dân, thể hiện cốt cách, khí chất riêng của con người nơi cửa biển. Đến với lễ hội truyền thống đình Hoàng Châu, dù chỉ một lần thôi, bất cứ ai cũng đều cảm thấy vô cùng ấn tượng, hứng khởi và khó mà quên được những nét văn hóa đặc sắc, độc đáo chỉ có duy nhất ở Hoàng Châu, đó là Lễ hội Xa Mã - Rước kiệu. Đây là một lễ hội độc đáo, đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2017. Người dân xã Hoàng Châu luôn tự hào và say sưa nói về quê hương và lễ hội đặc sắc của mình bằng những câu thơ đầy cảm xúc:

Hoàng Châu danh ấy ai ơi

Nói lên mơ ước bao đời cha ông

Vững vàng trụ giữa bão giông

Nơi vùng cửa biển cuối sông giao hòa

Giong buồm cưỡi sóng biển xa

Ngư trường làm chủ trẻ già với nhau

Ô nề hạt muối trắng phau

Tảo tần năm tháng dãi dầu nắng mưa

Giữ gìn nét đẹp ngàn xưa

Hội làng xa mã trai đua sức bền

Kiệu thiêng cất cánh bay lên

Mang sức xuân cả một miền đảo xa

Nam thanh mạnh mẽ hào hoa

Nữ tú duyên dáng mặn mà dễ thương

Ai về đây chẳng vấn vương

Hoàng Châu nơi ấy quê hương bao đời

Như viên ngọc mãi sáng ngời

Yêu sao mảnh đất con người Hoàng Châu

Cho dù đi đến nơi đâu

Hoàng Châu nghĩa nặng tình sâu nhớ về!

                                              (Trích thơ Vũ Tiến Bảy)

Tìm hiểu thêm về Lễ hội trong cuốn Miền di sản văn hóa độc đáo của vùng biển Hải Phòng - tác giả Đặng Thị Thúy.

Toàn cảnh nghi thức Xa mã (Ảnh: Lưu Thành Đạt)

Kiệu bay trên đường làng (Ảnh: Lưu Thành  Đạt)

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke