DI TÍCH ĐÌNH - CHÙA KIỀU HẠ, THUỘC THÔN KIỀU HẠ, XÃ QUỐC TUẤN, HUYỆN AN DƯƠNG
25 10 2023
in trang
Từ trung tâm thành phố Hải Phòng có thể đi bằng nhiều phương tiện với những ngả đường giao thông thuận tiện khác nhau về thị trấn An Dương, hoặc chân cầu Kiến An bên phía huyện An Dương, sau về UBND xã Quốc Tuấn. Từ đây hỏi thăm về cụm di tích, chúng ta sẽ được người dân địa phương chỉ dẫn nhiệt tình đến khu di tích. Tên xã Quốc Tuấn xuất hiện sau năm 1945, lấy tên vị Anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn có công chỉ huy quân dân Đại Việt trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông ở thế kỷ XIII.
Đình Kiều Hạ, nằm trong cụm di tích đình - chùa Kiều Hạ, thuộc thôn Kiều Hạ, xã Quốc Tuấn được xếp hạng cấp thành phố năm 2008. Cụm di tích được mang tên địa danh của chính cộng đồng dân cư đã sản sinh ra nó, đó là Kiều Hạ.
Từ trung tâm thành phố Hải Phòng có thể đi bằng nhiều phương tiện với những ngả đường giao thông thuận tiện khác nhau về thị trấn An Dương, hoặc chân cầu Kiến An bên phía huyện An Dương, sau về UBND xã Quốc Tuấn. Từ đây hỏi thăm về cụm di tích, chúng ta sẽ được người dân địa phương chỉ dẫn nhiệt tình đến khu di tích. Tên xã Quốc Tuấn xuất hiện sau năm 1945, lấy tên vị Anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn có công chỉ huy quân dân Đại Việt trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông ở thế kỷ XIII.
Kiều Hạ, tên thuở ban đầu Kiều Yêu Hạ (嬌夭下), theo Hán tự có nghĩa là vùng đất tươi đẹp và ở phía dưới. Tên địa danh sau này đến đầu thế kỷ XX được gọi ngắn gọn là Kiều Hạ, tuy là cách gọi mới nhưng vẫn cơ bản giữ được ý nghĩa như trên.
Kiều Hạ vùng đất, con người hình thành vào thời Hùng Vương và đến thời Lý - Trần thế kỷ XII - XIII được ổn định. Những căn cứ để xác định đó là Thành hoàng làng Kiều Hạ phụng thờ là 4 vị danh tướng của thời Hùng Duệ Vương gồm: Cao Sơn, Quý Minh, Chiêu Văn và Chiêu Minh. Trong đó hai ông Chiêu Văn và Chiêu Minh (sau được đổi tên là Hoàng Triều và Hoàng Bá) là người địa phương Kiều Hạ. Một cứ liệu khác để chứng minh, tại chùa Kiều Hạ (Linh Quang tự) còn tấm bia đá dựng niên hiệu Chính Hòa thứ 21 (1700), nội dung ghi rất nhiều người công đức trùng tu ngôi chùa, bia cũng ghi chùa Linh Quang là danh lam cổ tích có từ rất lâu đời. Xưa kia Kiều Hạ có 1 đình, 1 chùa và 3 miếu, miếu Sộp, miếu Liệu và miếu Khu Linh. Miếu Sộp, miếu Khu Linh thờ Thành hoàng; miếu Liệu, tương truyền thờ bà Liệu - người trông coi, quản lý kho vũ khí cho quân đội, nhưng chưa rõ vào thời nào.
Đình Kiều Hạ theo tương truyền được khởi dựng vào thời Hậu Lê, thế kỷ XVII- XVIII. Trải qua thăng trầm của lịch sử, công trình đã bị hủy hoại. Năm 1986 đình được xây dựng lại trên nền đất cũ. Đình Kiều Hạ hiện nay là công trình kiến trúc truyền thống nhìn về hướng Tây Nam, tọa lạc trên khuôn viên đất rộng trên 1200 m2.
Ngôi đình làm bằng vật liệu hiện đại kết hợp với vật liệu truyền thống. Đình có mặt bằng kiến trúc chữ công, mái tòa tiền tế chéo đao tầu góc, lợp ngói mũi hài lớn. Trên mái đình được đắp trang trí theo đồ án truyền thống như đỉnh giữa bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt, hai đầu bờ nóc đắp kìm, các góc đao đắp tổ hợp rồng chầu, phượng vũ. Đình cấu trúc tiền tế 5 gian, 2 gian ống muống (nhà cầu) và 3 gian hậu cung cũng là cung cấm. Hệ thống khung chịu lực của đình Kiều Hạ làm bằng bê tông, cốt sắt, hệ thống cấu kiện đỡ mái bằng gỗ. Tiền tế cấu trúc 4 bộ vì chính, vì bốn hàng chân cột, kết cấu bộ vì theo thức vì nách thuận chồng bốn con, vì nóc thuận chồng 2 con và tạo giá chiêng. Trên các cấu kiện kiến trúc đều được đắp trang trí đề tài truyền thống như lá lật, hoa sen cách điệu. Hệ thống cửa chính tòa tiền tế gồm ba bộ cửa làm bằng gỗ tốt, đóng theo kiểu cửa cổ, cửa thùng khung khách. Hai gian ống muống, bộ vì kết cấu hai hàng chân cột, cột quân thay bằng tường bao che, cấu trúc vì tương tự như bộ vì gian tiền tế. Tòa cung cấm có nền cao hơn nền bên ngoài khoảng 35 cm, bởi vậy bước lên cung cấm phải qua bậc cấp. Cung cấm có ba cửa, cửa chính lớn ở giữa có bốn cánh, cửa nách hai bên, mỗi cửa hai cánh. Trong cung cấm, gian chính điện xây bệ thờ lớn, trên bệ thờ đặt trang trọng thánh tượng của bốn vị Thành hoàng.
Đình Kiều Hạ tuy trải qua binh lửa chiến tranh, nhưng đến nay vẫn còn lưu giữ được khá nhiều đồ thờ tự, tế khí có giá trị về lịch sử, mỹ thuật, nhiều hiện vật đã trở thành cổ vật như: thánh tượng, câu đối, đại tự, nhang án, kiệu bát cống...
Xưa kia nhân dịp tưởng niệm ngày mất của Cao Sơn, Quý Minh, ngày 10 tháng 2 âm lịch, nhân dân Kiều Hạ tổ chức hội làng trong ba ngày 8, 9 và 10. Trong hội lễ, có rước thánh từ đình ra miếu Sộp, sau đó đi quanh làng rồi về đình tế lễ. Lễ rước thánh có kiệu, long đình, bát hương và các nghi trượng, nghi vệ như: bát biểu, tàn, tán lọng, chấp kích... Ngoài phần tế lễ dâng hương thánh, lễ hội còn có những trò chơi thi đấu như: đấu vật, bắt vịt, đi cầu thùm, đu tiên... Ngày nay địa phương đang từng bước kế thừa và phát huy những nét văn hóa đặc sắc trong lễ hội làng của tiền nhân để lại.
CHÙA Kiều Hạ
Chùa Kiều Hạ nằm trong cụm di tích đình - chùa Kiều Hạ, xã Quốc Tuấn. Chùa Kiều Hạ có tên Nôm là chùa Hang. Tên chùa Hang được giải thích bởi tại khuôn viên chùa có hang nước ngọt, song tên Nôm chùa còn gợi mở cho chúng ta suy nghĩ về thời gian ngôi chùa hình thành từ rất xa xưa, vì tên Nôm của người Việt thường được sử dụng trước thế kỷ X. Chùa có tên chữ là Linh Quang (靈光), tên mang ý nghĩa ánh sáng linh thiêng của Phật pháp được chiếu rọi tới nơi đây. Qua nghiên cứu về những cổ vật hiện ngôi chùa đang lưu giữ, bảo tồn như bia đá, tượng pháp... có thể xác định chùa Kiều Hạ được xây dựng muộn nhất vào thời Mạc, thế kỷ XVI. Bởi trong bia đá dựng niên hiệu Chính Hòa thứ 21 (1700), ghi việc trùng tu lớn ngôi chùa, có ghi chùa Linh Quang là nơi cổ tích danh lam có từ rất lâu đời. Thời điểm trùng tu trên sư trụ trì chùa là vị tăng Phạm Minh Hào, tên chữ là Huyền Văn, người xã An Hựu (nay là thôn An Hựu, xã Khởi Nghĩa, Tiên Lãng). Trong đợt đại trùng tu chùa lớn nêu trên văn bia ghi rõ làm lại thượng điện, thiêu hương, tu bổ lại tượng, đúc hồng chung (chuông lớn) và làm một số pho tượng mới...
Chùa Kiều Hạ hiện nay làm bằng chất liệu hiện đại kết hợp với vật liệu truyền thống. Chùa có mặt bằng kiến trúc chữ đinh, gồm 5 gian tiền điện và 3 gian hậu điện. Chùa xây kiểu đầu hồi bít đốc, trụ đấu tay ngai. Bộ khung tòa tiền điện có kích thước khá cao, tạo cho nội thất chùa thông thoáng, cấu trúc bộ khung gồm 6 bộ vì, vì 5 hàng chân cột, có hệ thống cột hiên, trên cột hiên được đắp nổi hình rồng uốn lượn trong mây trong tư thế bay lên.
Các bộ vì kết cấu, vì nách thuận chồng 3 con, vì nóc thuận chồng 2 con và tạo thành giá chiêng. Trên các cấu kiện của bộ vì đều được đắp trang trí hoa văn theo thức truyền thống lá guột, hoa sen cách điệu. Tòa hậu điện cấu trúc gồm 4 bộ vì, vì hai hàng chân cột, hệ thống cột quân không có, cấu kiện xà gác trên tường bao che của chùa. Kết cấu các bộ vì của tòa hậu điện tương tự như bộ vì tòa tiền điện.
Trải qua thăng trầm lịch sử và binh lửa chiến tranh, chùa Kiều Hạ còn gìn giữ được nhiều cổ vật có giá trị về lịch sử văn hóa và mỹ thuật.
Tại chùa Kiều Hạ hằng năm vào các dịp lễ Phật đản 8 tháng 4 âm lịch; ngày hội chùa đầu xuân 9 tháng Giêng, lễ Thượng Nguyên. Ngày 14 tháng 7 âm lịch, ngày giỗ của vị sư tổ Thượng tọa Thích Thanh Mỹ, nhà chùa lấy làm ngày giỗ tổ chung của chùa, Đặc biệt ngày 7 tháng 5 âm lịch được quy ước là ngày giỗ trận chung của cả làng, tại đình, chùa Kiều Hạ, nhân dân tổ chức dâng hương để tưởng niệm, cầu siêu cho những người dân vô tội bị thực dân Pháp sát hại năm 1947.
Những công trình kiến trúc hiện có tại chùa, phần lớn do nhà sư cùng nhân dân tạo dựng. Nhà chùa hiện có trên 300 hội viên Hội quy hướng về Phật, hành đạo. Chùa Kiều Hạ có khuôn viên cảnh quan đẹp với hồ nước trong mát có hoa sen nở rực rỡ, nhiều cây cổ thụ, có vườn tháp với 6 mộ tháp, trong đó có 5 mộ tháp cổ kính. Chùa Kiều Hạ còn tiềm ẩn khá nhiều những giá trị lịch sử văn hóa cần được tiếp tục nghiên cứu tìm hiểu.
Đình - chùa Kiều Hạ với những giá trị hàm chứa đang trở thành một địa chỉ đỏ để người dân trong và ngoài địa phương đến chiêm bái, tri ân những sự hy sinh anh dũng của tiền nhân trong công cuộc kháng chiến chống Pháp thần thánh của dân tộc. Đồng thời, tìm đến một vùng quê văn hóa mang dấu tích từ thời Hùng Vương dựng lên nhà nước Văn Lang, quốc gia đầu tiên của người Việt.
Thành đoàn Hải Phòng