DI TÍCH ĐÌNH CHÍNH LÝ, XÃ QUANG PHỤC, HUYỆN TIÊN LÃNG

21 03 2024

in trang

Đình Chính lý là công trình tâm linh, tín ngưỡng quan trọng của người dân mỗi làng quê Việt Nam. Đình được xây dựng không chỉ nhằm chức năng là nơi hội họp của chính quyền địa phương, hay là không gian để tổ chức hội hè đình đám, diễn xướng sinh hoạt văn hoá dân gian mà còn là không gian linh thiêng nhất để tôn thờ thành hoàng làng, những vị thần có công lao to lớn đối với đất nước, nhân dân. Đình Chính Lý, xã Quang Phục ra đời cũng nằm trong những quy luật với ba chức năng cơ bản đó.

Đình Chính Lý được gọi theo tên địa danh của địa phương. Tên gọi thống nhất sử dụng trong hồ sơ khoa học di tích là đình Chính Lý, xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.

    2. Địa điểm và đường đến di tích

    2.1 Địa điểm

    Đình Chính Lý toạ lạc thôn Chính Lý, xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.

    Chương Mở đẩu của Lịch sử Đảng bộ xã Quang Phục (1948 - 2017) cung cấp cái nhìn tổng quan về Đất và người Quang Phục:

   Quang Phục là một xã nằm ở phía Đông Nam thị trấn Tiên Lãng, ngăn cách với huyện Kiến Thuỵ bởi đoạn sông Văn Úc dài khoảng 3km; giáp thị trấn Tiên Lãng, xã Bạch Đằng, Toàn Thắng và Tiên Minh (huyện Tiên Lãng).

   Diện tích tự nhiên của toàn xã là 9,664 km, trong đó đất canh tác là 6 km. Dân số toàn xã là 10.500 người (số liệu tính đến năm 2017).

   Vùng đất Quang Phục được hình thành bởi sự kết hợp giữa các cồn cát ven biển và sự lắng đọng phù sa của sông Văn Úc. Theo tài liệu địa chất, cách ngày nay khoảng từ 4000 đến 3000 năm, biển tiến đã làm cho phần lớn huyện Tiên Lãng ngập lụt. Cách ngày nay khoảng 2000 đến 1000 năm, biển rút đến xã Tiên Thắng, Toàn Thắng, Bạch Đằng. Vùng đất Quang Phục nhô lên khỏi mặt biển với các loại địa hình cồn cát có độ cao khác nhau chạy song song với hướng đường bờ biển hiện tại.

     Xã Quang Phục ngày nay được hình thành trên cơ sở tông Kỳ Vĩ xưa với 6 xã: Kỳ Vĩ, Minh Nghị (năm 1901 đổi là Chính Nghị), Lật Dương, Tuân Vĩ, Lật Khê, Trà Đông. Thời Bắc thuộc, vùng đất này thuộc địa bàn huyện Câu Lậu. Thời Lý, Trần thuộc lộ Hồng. Sau chia thành hai phủ, thì thuộc phủ Nam Sách. Thời thuộc Minh là đất của huyện Bình Hà, châu Đông Triều, phủ Tân An. Năm Quang Thuận thứ 10 đời Lê Thánh Tông (1469), huyện Bình Hà tách ra làm 2 huyện là Thanh Hà và Tân Minh. Quang Phục lúc này thuộc huyện Tân Minh, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương; sau do kiêng huý Lê Kính Tông đổi là huyện Tiên Minh và đến đời Nguyễn Thành Thái đổi gọi là Tiên Lãng. Năm 1898, thuộc tỉnh Phù Liễn, sau đổi thành tỉnh Kiến An. Tháng 4/1951, Pháp lập tỉnh Vĩnh Ninh trong đó có xã Quang Phục. Đến ngày 31/8/1953, Pháp cắt trả Quang Phục và Tiên Lãng về tỉnh Kiến An. Từ năm 1963, Hải Phòng-Kiến An hợp nhất, Quang Phục và Tiên Lãng thuộc thành phố Hải Phòng.

     Sau cách mạng tháng Tám thành công, trên cơ sở của 6 xã cổ đã hợp nhất với tên gọi xã Quang Phục. Trong đó xã Chính Nghị có thôn Chính Lý l nơi mà hình thành và xây dựng lên ngôi đình Chính Lý hiện nay.

    Vùng đất này, con người đến khai hoang, lập ấp từ sớm. Đến thế XV, sau khi khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, nhà Lê tiếp tục có chính sách khuyến khích dân từ các nơi đến khai khẩn vùng đất duyên hải quan trọng này. Sự khai phá đất hoang đã lập nên làng Chính Nghị, trong đó có thôn Chính Lý. Những dòng họ đầu tiên đến khai phá lập nên làng Chính Nghị phải kể đến là họ Bùi, họ Phạm. Họ Phạm có gốc tích từ Thanh Hoá ra đây lúc đầu cũng lấy nghề đánh cá làm nguồn sống chính. Vào thế kỷ XVIII, họ Bùi ở Chính Nghị đã theo Nguyễn Hữu Cầu khởi nghĩa chống lại triều đình Lê-Trịnh mục nát và đánh phá huyện Tiên Lãng, lấy của nhà giầu chia cho người nghèo. Sau dòng họ Bùi phiêu dạt đi nơi khác sinh sống.

     Cùng với họ Bùi, họ Phạm ở Chính Nghị có các dòng họ Ngô, Nguyễn, Hoàng, Đỗ... cũng đến vùng đất này khai hoang, sinh cơ lập nghiệp.

    Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, người dân Quang Phục nói riêng và nhân dân Tiên Lãng nói chung đều đóng góp lớn sức người, sức của vào sự nghiệp giải phóng đất nước.

    Ngày 6/3/2001, nhân dân và cán bộ thôn Chính Lý, xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng được Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tặng Huân chương kháng chiến Hạng Ba vì đã có công lao trong cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc.

    2.2. Đường đến di tích

    Từ trung tâm thành phố (Nhà hát thành phố) theo các tuyến đường Quang Trung, Trần Nguyễn Hãn qua cầu Niệm Nghĩa theo trục đường Trường Chinh, đường Trần Nhân Tông đến ngã 5 Kiến An rẽ trái vào đường Trần Tất Văn, qua cầu Nguyệt Áng đi thẳng trục đường qua cầu Khuể đến địa phận huyện Tiên Lãng đi thẳng tới cầu Đen rẽ trái vào đường Nhữ Văn Lan, thẳng trục đường TL 212 đến trụ sở UBND xã Quang Phục hỏi thăm vào di tích sẽ được chỉ bảo tận tình. Khoảng cách từ trung tâm thành phố tới di tích khoảng 24 km.

    3. Phân loại di tích

    - Căn cứ Luật di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

   - Căn cứ kết quả khảo sát, nghiên cứu về di tích để phân loại di tích theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ.

   Xác định đình Chính Lý, xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng thuộc loại hình Di tích Lịch sử.

   4. Sự kiện, nhân vật lịch sử và đặc điểm của di tích

   4.1 Sự kiện, nhân vật lịch sử

    Đình Chính Lý là công trình tâm linh, tín ngưỡng quan trọng của cộng đồng người dân thôn Chính Lý, xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng.

    Thần tích - Thần sắc thôn Chính Lý, xã Chính Nghị, tổng Kỳ Vĩ, huyện Tiên Lãng, tỉnh Kiến An (nay là thôn Chính Lý, xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng), mang ký hiệu: TT-TS FQ 418/X, 9, F2, lưu trữ tại Viện Thông tin Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết:

   Đình Chính Lý thờ bốn vị thánh nương triều Tống (Trung Quốc).

   Ngọc phả ghi: Vào thời vua Độ Tông nhà Tống ở Bắc quốc, tại phường Phúc Quang châu Mân, có gia đình họ Dương, tên Giám, vợ tên là Thị Khánh, người cùng phường. Gia thế họ Dương vốn hào cường, vợ chồng một lòng trung hậu, không làm một chút hại người, không tơ hào vun vén lợi lộc cho mình. Hễ khi có việc cứu người hoặc tạo phúc nơi đâu, ông bà đều mang hết sức ra làm. Nhân dân địa phương đều khen vợ chồng ông bà là gia đình tích thiện ắt sẽ hưởng phúc lớn.

    Ngày mồng 4 tháng Giêng năm Nhâm Dần, bỗng thấy hương thơm toả ra ngào ngạt trong nhà, bà phu nhân sinh hạ một người con gái. Hai vợ chồng rất vui mừng, mới đặt tên con là Liên Hương.

    Đến năm nàng 20 tuổi, tài sắc nức tiếng, xa gần ai cũng biết tiếng. Vua Lý Tông nghe tin mới triệu vào cung gả cho Thái tử Cơ. Về sau Thái tử Cơ lên ngôi, tức Tống Độ tông. Đến năm nàng 24 tuổi, vào ngày mồng 10 tháng 4, mùa Hạ, năm Ất Sửu, sinh một bọc, được hai người con gái, đều có nhan sắc đẹp đẽ, phong cách yểu điệu, mới đặt tên người chị là Nguyệt Thai công chúa, người em là Nguyệt Độ công chúa.

    Khi Lý Tông băng hà, Thái tử Kỳ lên nối ngôi thống, chính là Độ Tông Hoàng đế, lấy niên hiệu Hàm Thuần, lập Dương thị làm Hoàng hậu. Dương thị Hoàng hậu về sau sinh được ba người con trai, ghi rõ trong Bắc sử. Độ Tông Hoàng đế tại trong 10 năm rồi băng hà, Hoàng tử Hiện lên nối ngôi thống , chính là Cung Tông, là con thứ của Độ Tông, do Dương thị Hoàng hậu sinh ra  . Ban đầu Cung Tông được phong là Gia Định công, khi Độ Tông bằng hà, Cung tông phụng mệnh di chiếu lên nối ngôi thống. Cung Tông ở ngôi  được hai năm thì giặc Nguyên vào cướp. Vua đi săn bắn hồ đầm ở phương Bắc, giáng phong làm Doanh Quận công, sau đó làm sư, lây tên hiệu là Thái sư Cưng tự. Vừa được hai năm, anh của vua tên là Thị lên ngôi, chính là Tổng | Đoàn Tông. Tống Đoàn Tông ở ngôi vừa được hai năm thì em của Đoàn Tông, tên là Bính lên nổi ngôi, Dương Hoàng hậu cùng nhấp chính, nhân điềm rồng vàng hiện ngoài biển, mới đổi niên hiệu là Tường Hưng.

     Bấy giờ tướng nhà Nguyên là Trương Hoằng Phạm đem quân đánh bại Văn Thiên Tường ở núi Ngũ Phi, sau đó đem quân đánh úp Nhai Sơn, dùng thuyền về chiếm cứ tại cửa biển, ngày đêm đại phá quân Tống. Quân Tống bị vỡ trận. Thừa tướng của quân Tống là Lục Tú Phu ôm vua cùng nhảy xuống biển tự tử, Trương Thế Kiệt chạy đến núi Bình Chương, gặp phải bão to, cũng bị chết đuối.

Bấy giờ Dương Thái hậu cùng hai vị công chúa và hơn nghìn thị nữ cùng nhảy xuống biển tự tử. Hôm ấy là ngày 16 tháng 8, mùa thu, năm Bính Tuất.

Sau khi Dương Thái hậu cùng hai vị công chúa và thị nữ nhảy xuống biển tự tử, cơ hồ là do trời sai khiến như thế chăng? Phàm hơn nghìn người chết, cơ sự là như thế nhưng chỉ có thi thể của Hoàng Thái hậu và hai người con gái hồng nương cùng một thị nữ trôi về biển Cửa Còn ở châu Hoan của nước Việt ta. Thi hài nổi tại bến thuộc địa phận giáp ranh giữa ba xã Ngải Hương, Cát Hương và Cồn Hương. Mọi người đều nhìn thấy, đẩy ra nhưng không đi, khiến ai cũng sợ hãi. Qua hơn một tháng, nhan sắc vẫn y nguyên. Do vậy nhân dân ba xã cùng đưa thi hài các vị lên đỉnh núi Cồn để mai táng. Sau đó nhân dân bị ốm đau, súc vật không yên, nhân dân dựa vào bói trong mộng, mới lập một ngôi miếu nhỏ ở đỉnh lăng để phụng thờ. Từ đó nhân dân mới yên ổn, thuyền bè buôn bán qua lại cầu gì được đó, tất thẩy đều nhờ linh thiêng của bốn vị Vua Bà.

Đến thời Trần Anh Tông (của nước ta), giặc Chiêm Thành không chịu thần phục, vua tự làm tướng cầm quân chinh phạt. Thuyền rồng tiến đến vùng biển Cửa Cờn, bỗng thấy gió Bắc nổi lên dữ dội, cầu khẩn thế nào thuyền cũng không tiến. Vua nhìn lên đỉnh núi, thấy một ngôi miếu nhỏ, chưa biết thờ vị thần nào. Vua đích thân đại sái, sửa lễ, đứng dưới sườn núi khấn rằng: “Nếu thần trên núi quả có linh thiêng thì nhận lời cầu nguyện của trẫm: Thẫn hãy âm phù quốc mạch, khiến biển yên sóng lặng, thuyền của trẫm an toàn thì thần sẽ được ban cấp sắc phong”.

Đêm hôm đó thuyền rồng trú tại cửa biển, đến cuối canh ba, vua mộng thấy một người phụ nữ mặc áo hồng tươi, đeo ngọc ly châu, đến thẳng chỗ vua, bảo rằng: “Thiếp là Hoàng hậu nhà Tống, ba mẹ con của thiếp cùng một  thị nữ bị sóng biển bức hại đưa đến nơi này, may sao được thượng để thương sót kẻ vô tội, ban sắc làm thần Nam Hải. Nay đội ơn nhà vua cử binh đánh kẻ có tội, thiếp nguyện đi theo đánh giặc để ngày sau đất nước thanh bình, cùng hưởng chung niềm vui chiến thắng”.

Vị thần nói vừa xong, vua tỉnh giấc, biết đây là thần linh ứng mộng. Sáng sớm hôm sau làm lễ bái tạ, cho quân tiến thẳng. Đầu thuyền chiêng trống đánh ầm ầm, vang xa nghìn dặm. Trên đường cờ xí tung bay, uy danh chấn động muôn trùng. Quân Chiêm Thành đại bại hoàn toàn. Vua cho quân trở về đến biển Cửa Cờn châu Hoan, làm lễ kính báo thần, ban sắc và cấp 600 quan tiền xanh, truyền nhân dân ba xã trùng tu miếu vũ phụng thờ thần

Trải đến cuối đời Trần, họ Hồ tranh quyền, người Minh làm loạn, nhờ Lê Thái Tổ Cao Hoàng đế của triều Lê khởi nghĩa ở Lam Sơn, thanh thế oai hùng, tiễu trừ họ Hồ, đánh đuổi người Minh, lễn ngôi Hoàng đế ở Lam Sơn, đổi niên hiệu là Thuận Thiên. Truyền đến Lê Thánh Tông Thuần Hoàng đế đem quân đánh Chiêm Thành, khi tiến quân đến đền thờ bốn vị thần biển Cửa Cờn châu Hoan, vua đích thân làm lễ, cầu đảo xin thần âm phù giúp nước, đánh giặc thành công, sẽ ban sắc là Thượng đẳng phúc thần. Khi đánh xong quân Chiêm, chém được chúa của địch là Trà Toàn, tịch thu của cải và phụ nữ đưa về nước. Vua liền ban sắc phong làm Thượng đẳng thần, xuân thu cử quan trong triều về làm lễ tế để biểu dương anh linh của thần, mà thôn Chính Lý cũng được đội ơn phúc của thần, đều hưởng phú quý thọ khang ninh.

4.2 Đặc điểm của di tích

Đình Chính Lý được khởi dựng từ lâu đời. Nội dung các đạo sắc phong cho biết, muộn nhất từ niên hiệu Thành Thái thứ nhất (1889), thôn Chính Lý, xã Chính Nghị, tổng Kỳ Vĩ, huyện Tiên Lãng, tỉnh Hải Dương đã phụng thờ Bốn vị Tôn thần Cửa Còn Nam Hải quốc gia, được phong tặng Hàm hoằng Quang đại Chí đức Bạc bác Hiển hoá Trang huy Dực bảo Trung hưng Thượng đẳng thần.

Giấy khai Thần tích làng Chính Nghị năm 1938 cùng lời kể của các cụ cao tuổi ở địa phương cho biết, đình Chính Lý được làm bằng gỗ lim, mái lợp ngói. Bố cục kiến trúc hình chữ Định với 5 gian tiền tế và 2 gian hậu cung. Trong khuôn viên đình có giếng vuông, cây đề cổ thụ...

Đình Chính Lý được bảo tồn cho đến năm 1950 thì dở bỏ vì giặc Pháp chiếm Tiên Lãng. Chủ trương dỡ bỏ để không cho quân địch đóng bốt. Lúc này, toàn bộ hệ khung gỗ kiến trúc đình đưa sang làng Xuân Lai để bắc cầu.

 Năm 2014, chính quyền và nhân dân địa phương khôi phục lại đình. Năm 2017, làm lễ khánh thành.

5. Sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng liên quan đến di tích

Sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng xưa:

Trong năm, dân thôn Chính Lý lễ thánh vào hai dịp là ngày sinh nhật (ngày mùng 4 tháng Giêng) và ngày thánh hoá (ngày 16 tháng 8, âm lịch). ,

Trong làng thì có 15 người dự tế lễ, từ chánh phó tổng xuông đến trương tuần.  Người nào hơn nhất vào chủ tế. Việc thắp đèn nhang thì người hơn tuổi, vợ chồng song toàn.Trong tế lễ, những người dự lễ phải ăn mặc chỉnh tề. Khi hành lễ, những người dự lễ phải trai giới, tắm gội sạch sẽ từ ngày hôm trước. Trong khi đọc, nói, hay hàng ngày phải kiêng tên huý hiệu các ngài và phải đọc chệch ra tiếng khác.

Đồ lễ dùng tế có gà, lợn, xôi, trầu, rượu, hoa quả.

Phần hội có tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống như: Vật nam, đu tiên, cầu thùm, đập niêu, bắt vịt, vật cầu củ chuối.

Bên cạnh đó có tổ chức tế lễ vào các dịp như: Tế Xuân (ngày 16 tháng 2), tế Hạ điền (ngày mùng 1 tháng 6), tế Thượng điền (ngày 15 tháng 7), tễ Kỳ phúc (ngày 11 tháng 11).

Sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng trong những năm gần đây, nhân dân địa phương lấy ngày 18 tháng 11 ẫm lịch (ngày mà vua Thành Thái thứ nhất bản sắc cho thôn Chính Lý được phụng thờ Bốn vị Tôn thần Cửa Cờn Nam Hải quốc gia) làm ngày tổ chức lễ hội.

Lễ hội được tổ chức trong một ngày. Buổi sáng thì dân làng có mời đội tế Nam quan của Hà Đới (cùng huyện) sang tế thánh. Buổi chiều, khoảng 17 giờ, tổ chức tế đóng cửa đình, kết thúc lễ hội.

Trong lễ hội có tổ chức rước kiệu đặt tượng vị hoàng hậu rước xung quanh làng. Kiệu do các nam thanh niên, chưa vợ, mặc trang phục truyền thống rước.

Đồ lễ dùng tế vẫn giữ theo nếp xưa.

Trong hội duy trì tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống như: Cờ tướng, đu, bắt vịt, cầu thùm, kéo co và hoạt động thể thao bóng chuyền.

6. Khảo tả di tích

Đình Chính Lý hiện nay được phục dựng trên khoảng ruộng, bên hữa là chùa làng. Đình được xây dựng có hướng nhìn Tây Bắc, phía trước là dòng sông Văn Úc.

Đình có bố cục mặt bằng hình chữ Đinh truyền thống. Kiến trúc gồm có 3 gian 2 chái tiền tế và 1 gian hậu cung.

Kiến trúc toà tiền tế kiểu thức mái đao tầu góc, mái lợp ngói vẩy. Trang trí trên hệ mái toà nhà có các đề tài như: Lưỡng long chầu mặt nguyệt, đầu kim đắp kim ngậm bờ nóc, các đầu đao đắp tổ hợp rồng, phượng.

Hệ khung chịu lực của toà nhà là các bộ vì được dựng bằng xi măng, sắt. Vì nóc mái kiểu thức “chống rường giá chiêng”, vì nách kiểu thức “chồng rường trụ trốn”. Trang trí trên các cấu kiện kiến trúc phỏng theo đề tài truyền thống Việt với đấu sen, đắp hoa văn lá lật trên má các con rường, xà, bẩy hiện...

Hậu cung được xây dựng đơn giản với 1 gian. Không gian của toà nhà được đặc biệt chú trọng với nhang án đặt thần tượng và long ngai, bài vị của Đại Càn quốc gia Nam Hải tứ vị thánh nương.

Nhìn tổng thể, kiến trúc đình Chính Lý mới được phục dựng. Song với cách thức xây dựng theo thức cổ truyền mái ngói đao cong đã góp phần làm cho ngôi đình mang dáng dấp đình làng truyền thống và linh thiêng.

7. Một số di vật tiêu biểu thuộc di tích

Trải thời gian lịch sử, hiện nay đình Chính Lý chỉ còn bảo tồn được một số hiện vật và tảng kê kiến trúc:

- Tượng hoàng hậu: Tượng tạo tác chất liệu gỗ, theo phong cách tượng tròn, kích thước vừa phải. Tượng tạc trong thế ngồi trên ngai rồng. Khuôn mặt bầu tròn, đầu đội mũ miện, tượng khoác áo chủng dài phủ kín thân, chỉ để lộ hai bàn tay búp măng với tay trái để úp trên đùi trái, tay phải ngửa bắt quyết, chân tượng đeo hài với mũi hài tạc hoa mai.

- Long ngai, bài vị ba vị thánh nương: Được tạo tác chất liệu gỗ, kích thước vừa phải. Ba bài vị đều được sơn thếp, chính giữa bài vị sơn nâu đỏ, không viết hoặc khắc minh văn.

- Ba tảng kê: Chất liệu đá, đường kính khoảng 25cm. Tảng kê được tạo tác dật cấp với phần dưới hình vuông, kế trên là hình lục giác, bên trên là hai hai hình tròn dật cấp. Niên đại

- Bát hương (hiện đang được lưu giữ tại miếu của làng): Chất liệu đá. Bát hương được trang trí tỉ mỉ hoạ tiết hoa sen, lá cách điệu và đề tài chim hạc. Trên thân bát hương có chạm khắc chữ Hán cụm từ “Cung tiến”. Bát hương có niên đại khoảng cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX.

Sắc phong (bản chép tay của Lý trưởng, năm 1938). Nội dung các sắc phong như sau:

+ Sắc ban cho thôn Chính Lý, xã Chính Nghị, tổng Kỳ Vĩ, huyện Tiên Lãng, tỉnh Hải Dương phụng thờ Đại Càn quốc gia Nam Hải tứ vị tôn thần. Các thần có công bảo vệ đất nước, che chở nhân dân, sự linh ứng tỏ rõ nhưng trước nay chưa được ban cấp sắc văn. Nay Trẫm gánh vác mệnh lớn, tưởng nhớ công lao to lớn của thần mà phong là Hàm hoằng quang đại chí đức bạc bác hiển hoá trang vị dực bảo trung hưng thượng đẳng thần, đặch chuẩn cho phụng thờ như cũ, thần hãy bảo vệ cho dân lành. Hãy tuân sắc!

Một đạo ngày 18 tháng 11 niên hiệu Thành Thái thứ nhất (1889)

+ Sắc ban cho thôn Chính Lý, xã Chính Nghị, huyện Tiên Lãng, tỉnh Kiến An phụng thờ như trước Hàm hoàng quang đại chí đức bạc bác hiện hoá thượng đẳng thần. Trải các tiết đều được ban cấp sắc phong, chuẩn cho phụng trang vi dực bảo trung hưng Đại Càn quốc gia Nam Hải tử vị thánh nương báo ân, lễ có nâng trật, đặc chuẩn cho phụng thờ như cũ, nhớ ngày lễ lớn mà thờ. Niên hiệu Duy Tân thứ nhất là dịp Trẫm lên ngôi báu, bèn ban chiều báu

mang điển thờ. Hãy tuân sắc!

Một đạo ngày 11 tháng 8 niên hiệu Duy Tân thứ 3 (1909)

+ Sắc ban cho thôn Chính Lý, xã Chính Nghị, huyện Tiên Lãng, tỉnh Kiến An phụng thờ như trước vị thần nguyên được tặng Hàm hoàng quang đại chí đức bạc bác hiển hoá trang vi dực bảo trung hưng Đại Càn quốc gia Nam Hải tứ vị thánh nương thượng đẳng thần. Các thần bảo vệ đất nước, che chuẩn cho được phụng thờ. Nay, đúng dịp đại lễ mừng thọ Trẫm tròn 40 tuổi, chở nhân dân, sự linh ứng tỏ rõ, trải các tiết đều được ban cấp sắc phong, bèn ban chiếu báu báo ơn, lễ có nâng trật, đặc biệt cho phép phụng thờ như cũ, nhớ ngày lễ lớn mà mở mang điển thờ. Hãy tuân sắc!

Một đạo ngày 25 tháng 7 niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924)

8. Giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học của di tích

    8.1 Về giá trị lịch sử văn hoá:

   Đình Chính Lý là nơi linh thiêng người dân địa phương tôn thờ bốn vị Đại Càn quốc gia Nam Hải làm thành hoàng của làng, vị thần luôn luôn hiển linh che chở cho cuộc sống của người dân. Đình là không gian thiêng mà cộng đồng tổ chức lễ hội truyền thống của địa phương. Trong lễ hội, còn bảo tồn và trình diễn nhiều hoạt động văn hoá, trò chơi dân gian truyền thống như: đánh cờ tướng, đu, đập niêu đất, cầu thùm, kéo co...

     Đình Chính Lý được khởi dựng từ lâu đời và gắn chặt với lịch sử của làng xã địa phương. Nơi chứng kiến đời sống thăng trầm của cộng đồng và cả những năm tháng lịch sử đấu tranh anh dũng để bảo vệ quê hương, đất nước trước giặc Pháp xâm lược.

     8.2 Về giá trị khoa học, mỹ thuật:

     Đình Chính Lý còn lưu giữ được bát hương đá cổ và các tảng kê - thành phần cấu kiện kiến trúc đình xưa. Những cổ vật này góp phần quan trọng để nghiên cứu lịch sử của ngôi đình.

    9. Thực trạng bảo vệ và phát huy giá trị di tích

    Môi trường, cảnh quan di tích sạch đẹp tuy nhiên chưa được quy hoạch tổng thể, cảnh quan còn đơn điệu, thiếu vắng cây xanh;

 

 

     - Kiến trúc công trình về cơ bản theo thức cổ truyền, cổ kính, phù hợp với chức năng của một ngôi đình thờ thần, quy mô kiến trúc vừa phải với 3 gian 2 chái tiến tế, 1 gian hậu cung đã đáp ứng tốt hoạt động tổ chức các nghi lễ, nghi thức trong lễ hội truyền thống hàng năm;

     - Điện thờ được bố trí khoa học, đảm bảo được tính linh thiêng và thẩm mỹ cao;

     - Cộng đồng người dân địa phương vẫn duy trì được hoạt động tổ chức lễ hội truyền thống hàng năm.

     10. Phương hướng bảo vệ và phát huy giá trị di tích

Để khắc phục những điểm yếu, phát huy thế mạnh sẵn có, trong thời gian tới đình Chính Lý cần thực hiện tốt các biện pháp khoa học, phù hợp với thực tế di tích sau:

     - Thành lập ban quản lý di tích để duy trì các hoạt động tín ngưỡng, sự lệ thánh và góp phần vào công tác bảo tồn, gìn giữ, đảm bảo an ninh, an toàn cho công trình di tích;

     - Quy hoạch tổng thể môi trường cảnh quan di tích đảm bảo hài hoà, phù hợp với chức năng công trình tín ngưỡng. Trồng thêm cây xanh, cây thuộc họ lâu niên nhằm tăng vẻ đẹp cổ kính, linh thiêng cho ngôi đình;

     - Bố trí không gian thờ tự khoa học đồng thời bổ sung hệ thống đồ thờ tự, hoành phi, câu đối... nhằm tăng thêm giá trị cho công trình di tích; - Duy trì tổ chức lễ hội truyền thống hàng năm.

     11. Kết Luận

     Căn cứ Luật Di sản văn hóa năm 2001;

     Căn cứ Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009;

     Căn cứ Điều 11: phân loại di tích, Nghị định số 98/2010/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Di sản văn hóa, Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật di sản văn hóa;

     Căn cứ giá trị lịch sử, giá trị văn hóa của đình Chính Lý, xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng, Bảo tàng Hải Phòng lập Hồ sơ khoa học di tích, trình Hội đồng di tích thành phố xét duyệt trình Ủy ban nhân dân thành phố xếp hạng đình Chính Lý, xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng là Di tích lịch sử.

     12. Tài liệu tham khảo

     - Thần tích-Thần sắc làng Chính Nghị, tổng Kỳ Vỹ, huyện Tiên Lãng, tỉnh Kiến An năm 1938 lưu trữ tại Viện Thông tin Khoa học Xã hội;

     - Địa chí Hải Phòng, Hội đồng lịch sử TP. Hải Phòng, năm 1990;

     - Đơn đề nghị, Tờ trình xếp hạng di tích;

     - Lịch sử đảng bộ xã Quang Phục ( 1948-2017), Đảng cộng sản Việt Nam, Đảng bộ xã Quang Phục, Huyện Tiên Lãng, Tp Hải Phòng, NXB Hải Phòng

     - Từ điển Bách khoa địa danh Hải Phòng, Nxb Hải Phòng 1998

 

Admin

Thong ke