DI TÍCH CƠ SỞ CÁCH MẠNG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP NHÀ CỤ NGUYỄN THỊ BẦM

24 04 2023

in trang

Cơ sở Cách mạng kháng chiến chống Pháp nhà cụ Nguyễn Thị Bầm, thôn 10, làng văn hóa Mỹ Cụ, xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.

Tên di tích được gọi theo tên của cụ Nguyễn Thị Bầm. Trong thời kỳ 09 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954), đặc biệt, đầu tháng 10 năm 1948, Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ huyện mở rộng họp tại nhà cụ Bầm, thôn Mỹ Cụ, xã Chính Mỹ, nhằm đánh giá tình hình chung và quyết định mở đợt “Tổng phá tề, trừ gian, tiến công đồn giặc, phát động chiến tranh du kích” trên toàn huyện Thủy Nguyên.

Bảo tàng Hải Phòng xác định Cơ sở Cách mạng kháng chiến chống Pháp nhà cụ Nguyễn Thị Bầm, làng văn hóa Mỹ Cụ, xã Chính Mỹ, huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng thuộc loại hình Di tích Lịch sử.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954), nhà cụ Nguyễn Thị Bầm là địa chỉ đỏ của huyện Thủy Nguyên.

Lịch sử Đảng bộ huyện Thủy Nguyên (1930-2013), trang 132-134; Lịch sử Đảng bộ xã Chính Mỹ (xuất bản năm 2006) có đoạn viết: “Đầu tháng 10 năm 1948, Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ huyện mở rộng họp ở thôn Mỹ Cụ (xã Chính Mỹ) đánh giá tình hình chung và quyết định mở đợt “Tổng phá tề, trừ gian, tiến công đồn giặc, phát động chiến tranh du kích”. Mục đích cơ bản là: “Giải tán bộ máy tề trong toàn huyện; đánh nội ứng một số đồn và tước vũ khí của Bảo An để trang bị cho dân quân du kích, bộ đội huyện, phát động chiến tranh du kích...”. Nơi diễn ra hội nghị tại nhà bà Bầm (cũng được gọi theo tên cháu là Mẫu) ở làng Mỹ Cụ. Tham dự cuộc họp có Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Hành chính các xã.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chi bộ và Ủy ban kháng chiến hành chính, chiến dịch ngày 25 tháng 10 được chuẩn bị khẩn trương. Các đoàn thể bí mật họp để chuẩn bị lực lượng, cờ, vũ khí, thông tin liên lạc... Trưa ngày 25 tháng 10 năm 1948, du kích và thanh niên xã tập trung tại nhà đồng chí Mấu ở Trà Sơn nhận nhiệm vụ. Đúng 18 giờ, ở các xóm, tiếng trống lệnh nổi lên liên tục, tiếng loa phát thanh, tiếng hô khẩu hiệu cùng tiếng trống mõ vang động. Lực lượng du kích bán tập trung của xã kết hợp với du kích các xã bạn bao vây đồn bốt địch ở Trịnh Xá, Núi Đèo, Cầu Giá, Thanh Lãng... kêu gọi binh lính ngụy ra hàng, đồng thời nổi lửa đốt các chợ trong huyện.

Thắng lợi ngày 25 tháng 10 làm cho địch hoang mang lo sợ phải cố thủ trong đồn bốt chờ viện binh. Nhiều binh lính ngụy đã đem vũ khí trở về với kháng chiến. Nhân dân hồ hởi, phấn khởi, lực lượng du kích phát triển.

Cụ Nguyễn Thị Bầm sinh năm Mậu Tý (1888). Khi 13 tuổi đi làm dâu. Cụ là người ít nói, làm nhiều, quanh năm suốt tháng chăm chỉ lao động. Cuộc đời cụ đã trải qua nhiều biến động. Cụ cùng với cụ ông Trần Văn Tháo (1891-1935) sinh hạ được 08 người con (05 nam và 03 nữ), gồm:

Trần Văn Thoại (sinh năm 1910);

Trần Thị Thiềng (sinh năm 1912);

Trần Văn Tiệc (sinh năm 1915);

Trần Văn Thớ (sinh năm 1917);

Trần Văn Lố (sinh năm 1923);

Trần Thị Lớ (sinh năm 1925);

Trần Thị Phạ (sinh năm 1927);

Trần Văn Biển (sinh năm 1931).

Năm 1935, khi mới tuổi 44 thì cụ ông Trần Văn Tháo qua đời. Từ đó cụ Bầm là người đứng mũi chịu sào, lo toan cho toàn bộ gia đình. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, các con của cụ đã tham gia hoạt động cách mạng rất tích cực. Bản thân cụ Bầm nuôi giấu cán bộ, lo cho cán bộ kháng chiến chỗ ăn, chỗ ở rất chu đáo. Toàn bộ từ bờ ao đến các quả đồi sau nhà Cụ đều đào hầm bí mật để du kích ẩn nấp khi giặc càn quét tới. Cũng tại ngôi nhà 5 gian này đã diễn ra Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ huyện mở rộng đầu tháng 10 năm 1948. Hội nghị quyết định mở đợt tổng phá tề, trừ gian. Đây là một chủ trương lớn để sau đó tiến tới chiến dịch tổng phá tề trừ gian vào ngàu 25 tháng 10 năm 1948 lịch sử của huyện Thủy Nguyên. Toàn bộ công lao đóng góp của cụ Bầm đã được Chính phủ ghi nhận và thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhất.

Cơ sở Cách mạng kháng chiến chống Pháp nhà cụ Nguyễn Thị Bầm vốn là nhà tổ của dòng họ. Công trình được dựng từ lâu đời, từ mùa Đông, năm Canh Thìn (1880). Đương thời, công trình có bình đồ kiến trúc hình chữ Nhị, bao gồm: 5 gian tiền đường và 3 gian hậu đường; giữa hai tòa là một khoảng sân rộng chừng 2m; phía Đông hậu đường có một bể nước, phía Tây có cây hoa muống rồng. Năm 1960, hậu đường bị hư hỏng nặng nên được dỡ bỏ. Năm 2017, tiền đường được con cháu trong dòng tộc tu sửa.

Hàng năm tại di tích, con cháu trong dòng tộc tổ chức hai dịp lễ giỗ cho cụ ông Trần Văn Tháo và cụ bà Nguyễn Thị Bầm: Ngày 17 tháng Giêng, tổ chức lễ giỗ cụ bà Nguyễn Thị Bầm; ngày 20 tháng 4, tổ chức lễ giỗ cụ ông Trần Văn Tháo. Lễ giỗ được tổ chức bình thường, không có tế lễ. Lễ vật gồm có cả đồ chay và đồ mặn. Đồ chay (hoa quả, nước và bánh trái) để trên nhang án; đồ mặn (giò, thịt lợn, rượu...) để trên sập thờ phía dưới.

Bên cạnh lễ giỗ tổ hàng năm, để gắn bó anh em, con cháu dòng tộc. Dòng họ có thành lập được quỹ khuyến học để động viên con cháu trong họ chăm ngoan học giỏi; đồng thời có quỹ nghĩa tình để động viên, giúp đỡ những gia đình khó khăn hay có người mất.

Cơ sở Cách mạng kháng chiến chống Pháp nhà cụ Nguyễn Thị Bầm hiện nay nhìn về hướng Tây Nam. Kiến trúc công trình có bình đồ kiến trúc hình chữ Nhất, theo kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói vẩy truyền thống.

Không gian tòa công trình 3 gian 2 chái (hay còn gọi 5 gian). Liên kết khung chịu lực bởi các bộ vì gỗ lim truyền thống với: Hai vì gian giữa, vì nóc kết cấu kiểu thức “biến thể chồng rường”, nối từ cột cái xuống cột quân sử dụng “kẻ cổ ngỗng”, lưng kẻ làm nhiệm vụ quan trọng, đỡ các hoành mái ở phía trên; phía dưới có bẩy đỡ tàu mái.

Trang trí trên các bộ vì tập trung chủ yếu ở má các câu đầu, má kẻ được chạm nổi đề tài lá cách điệu.

Vì hai gian bên: Vì nóc “chồng rường giá chiêng”, vì nách “ván mê”. Hoa văn trang trí trên má rường vì nóc là đề tài lá lật, đấu kê chạm cánh sen. Vì nách với 2 mô típ đề tài “tùng, cúc, điệp, hưu” và “trúc, mai, điểu, tượng”.

Nhìn tổng thể, di tích Cơ sở Cách mạng kháng chiến chống Pháp nhà cụ Bầm là công trình kiến trúc cổ, đẹp, kiến trúc nghệ thuật mang đặc trưng của thời Nguyễn (cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX).

Trải thời gian lịch sử, di tích Cơ sở Cách mạng kháng chiến chống Pháp nhà cụ Nguyễn Thị Bầm còn bảo lưu được nhiều di vật, cổ vật góp phần minh chứng cho giá trị lịch sử, văn hoá, nguồn gốc của di tích: 01 Nhang án gỗ, niên đại đầu thế kỷ XX; 01 Sập thờ gỗ, chạm nổi văn lá triện, niên đại cuối thế kỷ XIX; 01 đôi câu đối với nội dung: “Vương phụ phần cam gia hữu mẫu. Phần hương thức chính ngạc thừa hoa”; 01 Bát hương sành, niên đại thế kỷ XIX; 08 chân sập đá và tảng kê chân cột, niên đại thế kỷ XIX; Di tích còn lưu giữ nhiều đài quả, đĩa sành... niên đại đầu thế kỷ XX.

Di tích Cơ sở Cách mạng kháng chiến chống Pháp nhà cụ Nguyễn Thị Bầm, xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng là công trình tiêu biểu, có giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật cổ truyền, đây đồng thời cũng là nhà thờ tổ của dòng tộc Trần, thôn 10, làng văn hóa Mỹ Cụ, xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên, là không gian để con cháu trong dòng tộc hàng năm về đây sum họp, tổ chức lễ giỗ tổ, để tưởng nhớ và truy ân công lao sinh thành, dưỡng dục của tổ tông đối với các thế hệ hậu sinh;

- Về giá trị kiến trúc nghệ thuật: Công trình hiện nay của di tích vẫn bảo tồn được hệ khung kiến trúc gỗ cổ. Trang trí trên các cấu kiện của công trình mang tính điểm xuyết nhưng vẫn thể hiện được đặc trưng mỹ thuật của công trình kiến trúc cổ thời Nguyễn (thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX).

Với những giá trị về lịch sử, văn hoá còn được bảo tồn, Uỷ ban Nhân dân thành phố đã xem xét, xếp hạng di tích Cơ sở Cách mạng kháng chiến chống pháp nhà cụ Nguyễn Thị Bầm, xã Chính Mỹ, huyện Thuỷ Nguyên là Di tích lịch sử năm 2019.

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke