DI SẢN VĂN HOÁ PHI VẬT THỂ QUỐC GIA MÚA RỐI NƯỚC NHÂN HOÀ, XÃ NHÂN HOÀ, HUYỆN VĨNH BẢO

26 07 2024

in trang

Hải Phòng, vùng đất giàu truyền thống văn hóa, với nhiều di sản văn hóa phi vật thể phong phú và đặc sắc, tự hào đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa rối nước Việt Nam, tiêu biểu có làng rối nước Nhân Mục, xã Nhân Hòa, huyện Vĩnh Bảo. thành phố Hải Phòng

PHÓNG SỰ "RỐI NƯỚC NHÂN HOÀ - SÂN KHẤU CỦA NHỮNG NGƯỜI NGHỆ SĨ NÔNG DÂN" 

(phóng sự truyền hình tuyên truyền, quảng bá di sản văn hoá, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh tiêu biểu trên địa bàn thành phố Hải Phòng do Sở Văn hoá  & Thể thao thực hiện) 

 

Theo các nhà nghiên cứu về lịch sử bộ môn nghệ thuật múa rối nước Việt Nam thì đây là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian tiêu biểu cho nền văn hóa cổ truyền dân tộc, thể hiện trí tuệ và sự thông minh, sức sáng tạo trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Việt Nam. Múa rối nước ra đời từ thời các vua Hùng dựng nước và phát triển mạnh nhất vào thời đại văn hóa Lý Trần. Sự hình thành của nghệ thuật múa rối nước bắt nguồn từ các nghi lễ, tín ngưỡng cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước vùng đồng bằng sông Hồng. Trải qua những biến cố, thăng trầm của lịch sử, đến nay các phường múa rối, nhà hát múa rối nước từ ao làng, ao đình cùng các trò diễn dân gian vẫn luôn tồn tại, khẳng định sức sống lâu bền để rồi kết tinh thành một di sản văn hóa tiêu biểu của dân tộc.

Một tích trò trong nghệ thuật biểu diễn múa rối nước

Theo các tài liệu còn lưu giữ, năm Nhâm Tý 1911, cụ Nguyễn Văn Ngại, người làng Nhân Mục xã Nhân Hòa là người đầu tiên thực hiện việc biểu diễn múa rối sau khi đi xem và học hỏi ở các phường rối khác. Thời kỳ đó, con rối chủ yếu làm bằng rơm rạ, giấy bồi và biểu diễn trên cạn. Sau đó các cụ tìm các vật liệu nổi, tạo hình con giống và tổ chức biểu diễn dưới ao, hồ và rối nước xuất phát từ đó. Trong những năm trước cách mạng tháng 8/1945 và kháng chiến chống thực dân Pháp, do chiến tranh loạn lạc, đời sống khó khăn nên múa rối nước ít được biểu diễn và có nguy cơ thất truyền. Hòa bình lập lại, hoạt động biểu diễn rối nước ở đây được duy trì và dần phát triển với sự tìm tòi, sáng tạo mới. Từ những năm 1961-1965, rối nước xã Nhân Hòa được đi biểu diễn ở nhiều địa phương và được hoan nghênh, cổ vũ, động viên qua các tiết mục đặc sắc như chồng người, múa tiên, lân tranh cầu,… Năm 1978, Phường múa rối nước Nhân Hòa chính thức được thành lập, năm 1991 đã truyền dạy nghệ thuật múa rối nước cho Đoàn múa rối Hải Phòng. Năm 2000 được kết nạp là thành viên thứ 12 của Hiệp hội múa rối Unima Việt Nam và được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà thủy đình, đào tạo nghề cho các diễn viên, nhạc công, và tạo hình con rối. Phường múa rối nước đã phát huy tốt khả năng của mình, nâng cao nghệ thuật biểu diễn, trở thành sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu tham quan của du khách trong và ngoài nước trong tuyến du khảo đồng quê Hải Phòng, trung bình hàng tháng đón khoảng 20 đoàn khách, có tháng cao điểm đón khoảng 40-50 đoàn. Quá trình phục vụ và tham gia các hội thi, hội diễn, Phường múa rối nước Nhân Hòa đã đạt được những thành tích đáng khích lệ như được tặng Bằng khen của Bộ Văn hóa, Cục biểu diễn nghệ thuật; huy chương vàng, huy chương bạc trong các hội diễn toàn quốc… 

Đông đảo người dân đến xem biểu diễn múa rối nước

Lịch sử nghệ thuật múa rối nước xã Nhân Hòa luôn gắn liền với sự ra đời, tồn tại và phát triển của nghệ thuật múa rối nước dân tộc, được người dân Nhân Hòa học hỏi, sáng tạo, giữ gìn và trao truyền qua nhiều thế hệ. Múa rối nước khởi nguồn của nó là một sinh hoạt văn hóa làng xã, thể hiện ước mơ bình dị của người dân, được người dân trân trọng, giữ gìn và phát triển. Từ những tích trò hay những câu chuyện lịch sử được thể hiện qua kỹ thuật múa rối dưới nước đã thể hiện tình yêu quê hương đất nước, tinh thần tự hào dân tộc, là chất keo gắn kết cộng đồng làng xã, giúp đỡ nhau để tạo dựng cuộc sống. Trải qua thời gian, đến nay, múa rối nước đã trở thành một sản phẩm văn hóa đặc sắc ở Nhân Hòa, một bộ phận cấu thành tiêu biểu trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Với những giá trị rất nhiều mặt, Múa rối nước Nhân Hòa đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký Quyết định số 4584/QĐ-BVHTTDL ngày 20/12/2019 công nhận và đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam trao chứng nhận cho đại diện lãnh đạo địa phương và chủ nhiệm phường múa rối nước

Nhân lễ hội truyền thống 10/3 của làng Nhân Mục, xã Nhân Hòa trang trọng tổ chức buổi lễ đón nhận, được sự ủy quyền của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng chí Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố đã trao chứng nhận cho đại diện lãnh đạo địa phương và chủ nhiệm phường múa rối nước.

Việc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Múa rối nước là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia chính là động lực để đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Nhân Hòa nói riêng, huyện Vĩnh Bảo nói chung tiếp tục giữ gìn, bảo vệ phát huy giá trị loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo, góp phần quan trọng và sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 

Ban quản lý Di sản của UBND xã Nhân Hòa ra mắt

 

 

Nguồn: Cổng thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Admin

Thong ke