ĐỀN VUA LINH - XÃ AN HỒNG - HUYỆN AN DƯƠNG

26 10 2023

in trang

Di tích đền Vua Linh thuộc làng Song Mai cổ, nay thuộc xóm Ngô Hùng, thôn Song Mai, xã An Hồng, huyện An Dương. (Ngô Hùng là vị liệt sĩ người quê hương Song Mai, hy sinh trong kháng chiến chống Pháp). Có thể vị thánh được thờ tại đền rất được tôn kính và nổi tiếng linh thiêng, một bậc Đại Vương, nên được người dân địa phương gọi bằng tên như vậy (Vua Linh).

 


Di tích đền Vua Linh thuộc làng Song Mai cổ, nay thuộc xóm Ngô Hùng, thôn Song Mai, xã An Hồng, huyện An Dương. (Ngô Hùng là vị liệt sĩ người quê hương Song Mai, hy sinh trong kháng chiến chống Pháp). Có thể vị thánh được thờ tại đền rất được tôn kính và nổi tiếng linh thiêng, một bậc Đại Vương, nên được người dân địa phương gọi bằng tên như vậy (Vua Linh).
Theo lịch sử địa phương ghi chép, xã An Hồng là vùng trang ấp có con người sinh cư từ trước thế kỷ X. Bằng chứng là tên làng Song Mai (tên làng xưa của xã An Hồng) có tên Nôm là làng Moi. Theo các nhà nghiên cứu về địa danh học, tên Nôm về địa danh làng người Việt thường có từ trước thế kỷ X. Một chứng lý khác là đình An Hồng Phúc, xã An Hồng thờ Thành hoàng có từ triều Đinh, thế kỷ X. 
Đền Vua Linh, một trong 8 đền, miếu của làng Song Mai xưa, thờ Ngài Phạm Tử Nghi. Theo các thư tịch cổ và bản thần tích, ngọc phả do dân làng An Dương, Vĩnh Niệm, Nghĩa Xá lưu giữ, cùng truyền thuyết lưu truyền trong dân gian, Ngài được thờ phụng ở rất nhiều địa phương. Ngay trong quyển sách này cũng có trên 10 ngôi đình, đền, miếu phụng thờ Phạm Tử Nghi làm Thành hoàng, như: đình Vĩnh Khê, đình An Dương Đoài, đình Nhu Kiều, đình Quỳnh Hoàng, đình Nam (Lương Quán)…, 


Làng Moi như trên đã nêu, người dân sống bằng canh nông và đánh bắt cá trên sông. Theo thần tích sau khi Phạm Tử Nghi bị nhà Minh sát hại, ông đã hóa thánh làm thành dịch bệnh cho nước Tầu. Người Minh phải đưa quan quách thủ cấp của ông xuống bè, làm lễ Công Hầu để tiễn về nước Việt. Bè chở thủ cấp của ông không ai đẩy nhưng vẫn trôi về nước Nam và đến tận bến sông Niệm quê hương ông. Tương truyền các bến sông nơi thủ cấp ông đi qua đều dựng đền miếu thờ ông. Gần đền Vua Linh trước đây có bến đò ngang tương truyền cũng là nơi thủ cấp của Phạm Tử Nghi trôi qua, bởi vậy người dân làng Moi cũng như các nơi khác đã dựng đền thờ Ngài. Theo tín ngưỡng dân gian, Phạm Tử Nghi rất linh thiêng được tôn thờ ở nhiều đình, đền, miếu, với số lượng 72 (7+2= 9) nơi thờ Ngài. Số 9, đây là con số phiếm chỉ của dân gian (7 + 2 = 9), có nghĩa là rất nhiều nơi phụng thờ Ngài.
Đền Vua Linh trước đây nằm trên một khu đất rộng bên cạnh chùa Cả của làng. Đền nhìn ra sông Cấm, nơi có bến đò ngang sang bên sông. Nơi đó cũng là bến đậu của các con thuyền đánh bắt hải sản, thuyền buôn bán xuôi ngược trên dòng sông Cấm chảy ra cửa Nam Triệu và ra biển lớn. Trên bến đò ngang trước chùa Cả, người dân đã dựng ngôi đền thờ Ngài để mong cầu được Ngài phù hộ, che chở. 
Trong thời gian kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), do ngôi đền nằm trên địa hình hiểm trở ven sông nước, phía trước đền lau sậy um tùm, nên đền Vua Linh cũng là địa điểm hoạt động của lực lượng kháng chiến địa phương và của bộ đội Đặng Cương huyện An Dương. Nơi đây cũng là đầu mối giao thông, cơ sở trung chuyển từ vùng địch hậu ra vùng tự do của lực lượng kháng chiến. Trong khuôn viên đền và ngay cả dưới bệ thờ Thánh cũng có hầm bí mật để che giấu cán bộ hoạt động. Như trên đã nêu, trải qua thời gian đền Vua Linh đã bị hủy hoại, năm 1997 đền Vua Linh được nhân dân địa phương khôi phục lại trên nền đất cũ.


Đền Vua Linh nhìn về hướng Đông, hướng của ngôi đền xưa, trông ra dòng sông Cấm. Tuy nhiên, bên cạnh đền đã không còn chùa Cả. Đất của chùa nay thuộc Công ty Đóng tầu Bến Kiền quản lý. Đền Vua Linh hiện nay được xây dựng theo kiểu kiến trúc truyền thống, đầu hồi bít đốc, trụ đấu. Đền có mặt bằng kiểu chữ sơn, tiền bái ba gian, hậu cung một gian và có hai gian hai bên hậu cung, hai gian này thông với gian tiền bái đền. Hệ thống khung chịu lực của đền bằng bê tông cốt sắt, gồm hai bộ vì cấu trúc kiểu ba hàng chân cột, kết cấu vì nóc giá chiêng, vì nách kẻ. Mái đền lợp ngói mũi truyền thống. Tiền bái có một bộ cửa chính, cửa đóng theo cửa cổ, cửa thùng khung khách, bốn cánh. Hai gian bên tường bao xây trổ cửa sổ lớn. Trên mái đền trang trí theo thức truyền thống. Đỉnh bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt. Hai đầu bờ nóc đắp kìm ngậm bờ nóc, đuôi kìm uốn cong như những đám mây cụm, thể hiện ước vọng mưa thuận, gió hòa của người dân nông nghiệp. Phía trước, mặt tiền liền với tường hồi đền xây hai trụ đèn, còn gọi là trụ biểu, đăng đối nhau qua trục đường thần đạo. Trụ biểu đế tạo dáng quả bồng, thân trụ tiết diện vuông, trong đắp khung câu đối, đầu trụ đắp đèn lồng, đỉnh trụ đắp bốn chim phượng, đuôi phượng chụm vào nhau và tỏa ra ở phía trên trông như các đài lửa. Nhìn chung, đền Vua Linh tuy nhỏ, song kiểu dáng kiến trúc truyền thống vẫn tạo nên ấn tượng cho nhân dân và khách hành hương một nơi thờ tự tôn nghiêm. 
Trải qua binh lửa của chiến tranh, biến cố trong lịch sử, đồ thờ tự cũng bị thất lạc, mất mát nhiều. Hiện nay, đền chỉ còn lưu giữ được một số di vật, cổ vật có giá trị về lịch sử, mỹ thuật sau:
Thần tượng Đức thánh Phạm Tử Nghi làm bằng gỗ quý, ngồi trong long khám. Thần tượng mặt vuông chữ điền, tai to và dài, mắt nhìn thẳng, lông mày dài xếch lên cao, chòm râu dưới cằm đen, dài. Đầu đội mũ cánh chuồn, trên mũ chạm nổi các bông hoa cúc mãn khai, giữa vành mũ phía trên và dưới chạm nổi hình mặt ngọc, xung quanh mặt ngọc là những hình mây kết thành hoa. Tượng ngồi trên bệ hai cấp, trong tư thế phụng triều, tay trái để úp tự nhiên trên gối trái, tay phải để ngửa lòng bàn tay trên gối phải, tư thế tay như đang bấm độn. Chân để buông thẳng, đi ủng cao ống. Thần tượng mặc phẩm phục, trên phẩm phục thêu điểm xuyết long vân, trên bối tử bụng thêu long mã, diềm phía dưới cùng vạt áo thêu hình sóng nước. Thần tượng thể hiện thần thái uy nghiêm, cương nghị. Thần tượng được sơn son, thếp bạc, phủ hoàn kim, có niên đại tạo tác cuối thế kỷ XIX.
Ngày nay, nhân dân địa phương đang từng bước khôi phục những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương.
Đền Vua Linh - công trình văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân làng Song Mai, xã An Hồng tuy mới được khôi phục lại, nhưng vẫn mang được nét kiến trúc truyền thống. Đền thờ Phạm Tử Nghi, một danh tướng nổi tiếng thời Mạc, ông cũng là vị Thánh rất linh thiêng trong tâm thức, tín ngưỡng dân gian. Đến tham quan, kính lễ tại đền Vua Linh, chúng ta còn được ôn lại những sự kiện lịch sử trong cuộc kháng chiến hào hùng chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của người dân địa phương và của dân tộc. Tinh thần yêu nước quật cường đó khơi dậy trong ta niềm tự hào và hun đúc cho chúng ta tiếp tục vươn lên để xây dựng quê hương đất nước Việt Nam ngày càng tươi đẹp. 
 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke