ĐỀN VUA BÀ, XÃ AN HỒNG, HUYỆN AN DƯƠNG

26 10 2023

in trang

Đền Vua Bà thuộc thôn Thuần Tỵ, xã An Hồng. Trước đây, di tích còn có tên là miếu Vua Bà. Song đền Vua Bà vẫn là tên thường dùng và phổ biến của cộng đồng dân cư trong, ngoài địa phương. Đền Vua Bà thờ vị nữ thần, dân gian tôn là bậc thánh mẫu. Các vị thần, thánh thường được sắc phong là Đại Vương. Chữ Vương theo ngữ nghĩa và cách hiểu dân gian được coi như vua, nên vị thánh mẫu ở đền được người dân gọi là Vua Bà. Cách gọi này của địa phương đối với đền Vua Linh thờ Đức thánh Phạm Tử Nghi, cùng trong xã An Hồng và nhiều nơi khác cũng tương tự như vậy.


Đền Vua Bà thuộc thôn Thuần Tỵ, xã An Hồng. Trước đây, di tích còn có tên là miếu Vua Bà. Song đền Vua Bà vẫn là tên thường dùng và phổ biến của cộng đồng dân cư trong, ngoài địa phương. Đền Vua Bà thờ vị nữ thần, dân gian tôn là bậc thánh mẫu. Các vị thần, thánh thường được sắc phong là Đại Vương. Chữ Vương theo ngữ nghĩa và cách hiểu dân gian được coi như vua, nên vị thánh mẫu ở đền được người dân gọi là Vua Bà. Cách gọi này của địa phương đối với đền Vua Linh thờ Đức thánh Phạm Tử Nghi, cùng trong xã An Hồng và nhiều nơi khác cũng tương tự như vậy.

Đền Vua Bà thờ vị thần có tên Trần Hồng Nương, có công âm phù giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân. 

Từ trục đường thôn Thuần Tỵ có hai lối vào đền Vua Bà, một lối theo đường bờ mương tưới tiêu của xã, lối vào thứ hai đi vào đường trước đình An Hồng Phúc. Trước khi vào đền đều qua nghinh môn xây theo kiểu cột đồng trụ, gồm hai trụ biểu tạo ra chính môn ở giữa. Hai trụ biểu thể hiện cho âm, dương, trời và đất, tả môn, hữu môn có mái che. Nghinh môn được tạo tác, trang trí đắp hoa văn, họa tiết mềm mại, sắc nét theo các đề tài truyền thống như: tứ linh, tứ quý, hoa lá thiêng. Nghinh môn tạo cho du khách những ấn tượng ban đầu khi đến một nơi thờ tự linh thiêng.

Trước  đền  Vua  Bà  là  sân gạch có diện tích vừa phải. Phía ngoài sân là bức bình phong (tắc môn) bằng đá được dựng trên trục đường thần đạo để che chắn những uế tạp của phàm trần thổi vào nơi thánh ngự. Bức bình phong tạo dáng hình cuốn thư, trên bình phong chạm nổi rồng mây, hoa, lá thiêng. Phía sau tắc môn là đường vào di tích. Hồ nước nhỏ nằm trên đường thần đạo, tạo thế phong thủy tích phúc và làm không khí mát mẻ sinh động cho cảnh quan đền Vua Bà. 

Đền Vua Bà là công trình kiến trúc vừa phải mới được tôn tạo gần đây, ngôi đền nằm dưới tán của những cây dung thụ đang ở thế vươn rộng tỏa ra xung quanh và vươn lên trời xanh. Đền Vua Bà có mặt bằng kiến trúc chữ Đinh, gồm ba gian tiền bái và một gian hậu cung cũng là cung cấm. Ngôi đền nhìn về hướng Đông Nam, trước đền là cánh đồng lúa bát ngát, mông mênh, xa xa là dòng sông Cấm lịch sử với dòng nước bạc chảy ra nơi biển Đông. Nhịp sóng vỗ của sông Cấm ngày đêm như kể lại cho mọi người nghe những chiến công hiển hách của tiền nhân. Trong số đó có Vua Bà bậc thánh mẫu, vị Phúc thần được nhân dân phụng thờ cùng với sự trường tồn của đất nước. 

Đền Vua Bà trước đây làm bằng gỗ tốt, song do chiến tranh, thời tiết khắc nghiệt và sự thăng trầm của lịch sử nên đền bị đổ nát, riêng phần hậu cung đền dựng đầu thế kỷ XX, xây kiểu vòm cuốn được giữ lại. Năm 2009, nhân dân địa phương phục dựng lại ba gian tiền đường nhỏ bằng bê tông cốt sắt, mái chảy, lợp ngói mũi. Do đền quá nhỏ hẹp nên năm 2021, nhân được thành phố Hải Phòng công trợ khoản kinh phí để trùng tu tôn tạo đền, địa phương đã tôn tạo lại đền Vua Bà theo hướng mở rộng diện tích và nâng cao kích thước của đền. Công trình đền hiện nay gồm ba gian tiền bái và một gian hậu cung và cũng là cung cấm. Đền làm bằng vật liệu mới, bê tông cốt sắt, mái chảy, lợp ngói mũi truyền thống. Hệ thống cửa chính của tòa tiền bái làm bằng gỗ, đóng kiểu cổ, cửa thùng khung khách, mỗi gian bốn cánh, cánh cấu tạo thượng song hạ bản. Trên bản cửa chạm nổi hoa văn hoa dây hóa hình con dơi chầu chữ thọ cách điệu. Khung chịu lực của tòa tiền bái cấu tạo gồm bốn bộ vì, vì bốn hàng chân cột, trốn cột quân tiền, nhưng có cột hiên. Hệ thống cột hiên hình trụ bằng đá. Trụ có đế, có đấu đầu trụ, bốn mặt trụ chạm nổi hoa văn nền gấm. Bộ vì tòa tiền bái cấu trúc vì nách thuận chồng ba con, vì nóc thuận chồng hai con, các con thuận được kê lên nhau bằng các đấu vuông thắt đáy. Trên đấu đắp nổi hoa văn hoa sen cách điệu. Trên các con thuận được đắp nổi lá lật mềm mại, ken dầy to bản, phủ gần như kín thân thuận. Trên các bảy hiên, bẩy hậu cũng được đắp nổi đề tài lá lật mềm mại. Tòa hậu cung hai gian, trong đó có một gian cung cấm. Bộ vì tòa hậu cung, cấu tạo bốn hàng chân cột, kết cấu tương tự như bộ vì tòa tiền bái. Cửa hậu cung đóng theo kiểu cổ, cửa chính ở giữa to rộng bốn cánh, cánh cấu tạo thượng song hạ bản, ngưỡng cao. Cửa chính chỉ mở khi có những ngày tiết lệ lớn của đền. Hai bên cửa chính là cửa nách, cửa nách nhỏ, ngưỡng cao ngang đầu gối, cửa chỉ đủ một người đi qua, cửa một cánh, cấu tạo cánh như cửa chính. Vào trong cung cấm chủ yếu bằng cửa nách. Cách bố trí cửa như trên tạo cho cung cấm đền thâm nghiêm, giữ được nguồn thiêng nơi thánh ngự.

Trải qua thăng trầm của lịch sử, di tích đền Vua Bà vẫn còn gìn giữ được một số di vật cổ vật có giá trị về lịch sử, mỹ thuật như sau: Tượng Vua Bà, Đại tự bằng gỗ quý…

Hiện nay, dân làng tổ chức tế lễ dâng hương thánh mẫu vào dịp 17 tháng 3. Buổi tối có giao lưu văn nghệ trong nội bộ địa phương. Do cùng trong khuôn viên với đình An Hồng Phúc, nên các dịp hội lễ lớn tại đình, đền, hai di tích đều mở cửa để mọi người dâng hương kính lễ Vua Bà và các vị Thành hoàng. Khu vực sân đền cũng là nơi để nhân dân tham gia hội lễ chung.

Đền Vua Bà là công trình tuy mới được xây dựng, nhưng vẫn mang được phong cách kiến trúc truyền thống. Ngôi đền là chứng tích khẳng định sự hình thành phát triển của địa phương đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử. Công trình như một tượng đài tưởng niệm, tri ân tới vị thánh mẫu, Vua Bà đã có công với dân, với nước. Đền Vua Bà địa điểm gợi mở cho du khách tham quan chiêm bái những giá trị văn hóa tâm linh, tín ngưỡng dân gian của người Việt, luôn ca ngợi, tôn vinh những phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam. 

 

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke