ĐỀN TRINH HƯỞNG, XÃ THIÊN HƯƠNG, HUYỆN THỦY NGUYÊN

22 06 2023

in trang

Đền Trinh Hưởng xã Thiên Hương, huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng là một công trình tôn giáo cổ, đã có hơn 1000 năm tồn tại và mang nhiều tên gọi khác nhau như: Đền Lọc, Đền Trình Thuần, Đền Trình Hành và ngày nay là Đền Trinh Hưởng.


Đền được xây dựng thời kỳ Tiền Lê với tên gọi là Đền Cả, để thể hiện vai trò trung tâm của mình trong sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương. Đền Trinh Hưởng được xây dựng trên dải đất phía Tây Nam của xã Thiên Hương, ẩn mình dưới bóng đa cổ thụ quanh năm xanh tốt. Đền kiến trúc kiểu chữ Đinh với 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung, mặt trước quay về phía Tây Nam. Đền có hệ thống cửa gỗ chạy suốt 3 gian trung tâm tiền đường theo hình thức thượng song hạ bản. Mái Đền lợp ngói vảy rồng, tường xung quanh được xây bằng đá tôn thêm vẻ cổ kính cho ngôi đền. Bên trong tòa tiền đường có cấu tạo 4 bộ vì kéo bằng gỗ lim tương đối giống nhau, theo lối thuận chồng dốc thước, vì thứ 2 theo kiểu cốn mè, vì thứ 3 và thứ 4 theo kiểu trụ chống kèo suốt.

Phần trang trí hoạ tiết hoa văn của đền không nhiều, chủ yếu tập trung tại kẻ hiên, rường xá và đấu của các vì bằng các họa tiết hoa lá, mây cuộn với những đường thô khỏe, dứt khoát, thường gặp ở những kiểu trang trí thời Nguyễn. Các mảng trang trí của đền thu hút sự quan tâm của du khách được thể hiện ở mặt ngoài. Vì thứ 2 tòa Hậu cung với bức chạm bóng kênh, đầu hổ phù sống động ngậm chữ Thọ. Đây là bức chạm khắc rất công phu, mặt hổ trông dữ tợn, gây cảm giác mạnh cho du khách mỗi khi chiêm bái. Bên cạnh giá trị kiến trúc nghệ thuật, nội thất bao hàm chứa một khung cảnh lộng lẫy, vàng son của đồ thờ gồm: hoành phi, câu đối, long đình, bát biểu.

Đặc biệt hiện nay đền còn lưu giữ 03 bộ liệu bát cống, riêng có một bộ kích thước rất to lớn 1,1m dài - 3,34 m toàn thân bộ kiệu được chạm 24 con rồng kích thước kiểu dáng khác nhau, chưa kể họa tiết hoa lá cách điệu bằng các giáo, mác, mảng bay về phía sau đem lại cảm giác nhẹ nhàng, mảnh mai cho bộ kiệu. Căn cứ vào phong cách thể hiện của chất liệu và hoạt tiết trang trí trên thân của 3 bộ kiệu, các nhà nghiên cứu đánh giá đây là bộ kiệu cổ và quý hiếm còn lưu giữ được đến ngày nay.

Đền Trinh Hưởng còn là nơi tập trung của Đình làng hàng năm, tiến hành các hoạt động văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương, nơi tôn thờ, tưởng nhớ, biết ơn những người con của quê hương có nhiều công lao với dân tộc là 3 anh em đồng sinh họ Đào. Theo Thần phả còn lưu giữ tại đền do cụ Hàn lâm Đại học sĩ Hồng Lĩnh Thiếu Khanh Nguyễn Bính phụng soạn vào triều đại Vĩnh Hựu năm thứ 3 (Vua Lê Anh Tông niên hiệu Hồng Phúc 1572). Cho chúng ta biết về thân thế, sự nghiệp của 3 vị tướng họ Đào là Đào Tế, Đào Lại, Đào Độ sinh ngày 17 tháng 02 năm Bính Ngọ 956 tại Trang Lọc, huyện Thuỷ Đường, trấn Hải Dương, phủ Kinh Môn nay là làng Trinh Hưởng, xã Thiên Hương, huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng. Ba vị sinh ra trong một gia đình danh giá nổi tiếng một vùng, lớn lên trong bối cảnh loạn lạc của 12 sứ quân làm cho dân chúng vô cùng cực khổ bần hàn. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh đã bình được các sứ quân lập nên nhà nước Đại Cồ Việt.

Năm 981, nhà Tống đem quân sang xâm chiếm nước ta, vua Lê Đại Hành xuống chiếu cầu hiền tài ra giúp nước, 3 anh em họ Đào xin phép mẹ già vào triều ứng tuyển. Cả ba anh em đều đạt khôi danh. Vua Lê phong Trung hoa tể tướng cho ba anh em, rồi cầm quân ra Bàng Châu đánh giặc. Quân Tống đông và mạnh, quân ta dựa vào dân và chiến đấu nhiều trận, quân giặc thua phải rút về nước. Ba ông trấn an trăm họ chấn chỉnh quân quan kéo quân về và vào bái yết vua. Vua ban Yến tiệc khao quân, ba vị xin phép vua về thăm mẹ già bày tiệc yến lễ gia tiên và khao dân làng. Ba vị đều mất vào ngày mồng 02 tháng Chạp tại quê nhà (Ba vị là tâm sinh đồng hòa). Để nhớ ơn Ba vị có công đánh giặc cứu nước, Ba vị được phong là Thành hoàng làng, vua ban cho dân làng 300 quan tiền xây đền, thờ phụng cho đến ngày nay.

Tại đền còn lưu giữ được 05 bản sắc phong của các triều đại phong kiến Việt Nam. Năm 1992, đền Trinh Hưởng được nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đền Trinh Hưởng nằm trong cụm di tích lịch sử Bạch Đằng Giang của thành phố Hải Phòng. Hằng năm, đền tiếp nhiều đoàn khách đến thắp hương và chiêm bái.

Để tưởng nhớ công lao đánh giặc cứu nước của Ba vị tướng họ Đào, cứ vào ngày 16,17,18 hằng năm tháng 02 âm lịch, chính quyền và nhân dân địa phương, các dòng họ Đào khắp nơi về đền tổ chức lễ hội cổ truyền thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn.

Đền Trinh Hưởng không chỉ là nơi lưu giữ, bảo tồn di sản nghệ thuật quý báu mà còn là nơi bao lưu sinh hoạt văn hóa cổ truyền tốt đẹp, thể hiện chân, thiện, mỹ mà cha ông ta đã để lại cho hậu thế sau này.

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke