ĐỀN TRẦN QUẬN CÔNG XÃ LÝ HỌC, HUYỆN VĨNH BẢO

06 04 2023

in trang

Đền Trần Quận Công hiện toạ lạc trên địa bàn thuộc làng Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Nơi đây là mảnh đất địa linh nhân kiệt, quê hương của danh nhân văn hoá nổi tiếng Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đường đến di tích thuận lợi và được nhiều người biết. Từ Ủy ban nhân dân xã Lý Học, hoặc khu di tích Nguyễn Bỉnh Khiêm hỏi thăm vào đền Trần Quận Công cùng làng Trung Am, chúng ta sẽ được nhân dân địa phương chỉ dẫn tận tình tới di tích cần tìm.


Trong cuốn gia phả của họ Trần được Trần Huệ Túc là hậu duệ của dòng họ ghi chép vào năm 24 niên hiệu vua Cảnh Hưng thời Hậu Lê tức là năm 1763 và được sao chép vào niên hiệu vua Bảo Đại năm thứ 14 (1939) thì Đệ Nhất Thế Tổ của họ Trần ở Trung Am là Trần Quý Công tự Phúc Khánh. Ngài được sắc phong của Vua được dân làng thờ phụng.

Đệ Tam Thế Tổ là Trần Quý Công tự Phúc Minh, Ngài được phong chức Chưởng Khanh Lục Bộ. Trong gia phả còn ghi Ngài làm quan triều Mạc được giữ chức Võ Đại Tướng, Hữu Thị Lang, Kiêm Thái Giám, Chưởng Lục Khanh Trần Quận Công. Ngài đã tấu thỉnh xin triều đình cho quai đê lấn biển lập thành ruộng đồng, lập nên hương ấp để con cháu di cư ra khu vực này sinh sống khai khẩn đầm hoang lập trang ấp. ngài có công nên sau này con cháu và nhân dân địa phương đã dựng đền thờ Ngài và gọi là đền Trần Quận Công.

Đền Trần Quận Công có cấu trúc mặt bằng kiểu chữ đinh ba gian tiền đường, một gian hậu cung. Bộ khung của đền làm bằng gỗ tứ thiết kết cấu gồm bốn bộ vì. Hai bộ vì trung tâm cấu tạo ba hàng chân cột kiểu xà đinh thuận chồng bốn con. Hai vì hồi kiểu xà long. Trên các cấu kiện kiến trúc như con thuận, đấu kê, bảy ... đều được chạm nổi bong kênh các đề tài truyền thống như lá lật, sen cách điệu ... Nền đền nát gạch bát màu gạch, ba gian cửa làm theo thức cửa cổ, cửa thùng khung khách, thượng song hạ bản. Mái đền lợp ngói mũi, trên mái đỉnh bờ nóc đắp trang trí hổ phù đội mặt nguyệt, hai đầu bờ nóc đắp hổ phù ngậm bờ nóc, trên bờ giải đắp trang trí hoa dây chữ triện lá giắt. Hai đỉnh tường hồi đắp phù điêu hổ phù. Trụ biểu tay ngai tạo dáng đế quả bồng, đầu trụ đắp đèn lồng, đỉnh trụ đắp nghê chầu. Nằm trong sân đền có lăng của Ngài Quận Công. Lăng xây kiểu chồng diêm hai tầng tám mái, chéo đao tàu góc, đao cong. Cổ diêm lăng đề ba chữ Hán: “Quận Công Phần”, nghĩa là lăng mộ của Ngài Quận Công.

Nhìn chung, tuy ngôi đền không lớn, song kiểu cách kiến trúc xây dựng theo dạng thức truyền thống, thể hiện một công trình tâm linh tín ngưỡng, để phụng thờ các thần nhân.

Đại tự có chất liệu gỗ tốt, diềm vỏ măng chạm nổi tứ quý, tứ linh, bên trong chạm nổi bốn chữ Hán lớn “Di cam hậu trạch” nghĩa là để lại cho đời sau đầy đủ sự ngọt bùi (tốt lành). Đại tự nền đỏ, chữ sơn son thếp bạc, phủ hoàn kim. Đại tự được tạo tác niên hiệu vua Khải Định năm thứ hai (1917).

Câu đối chất liệu bằng gỗ, kiểu câu đối phẳng, nền đỏ, chữ vàng. Câu đối này ghi việc 1 cụ tổ họ Trần giúp Quế Quận Công ở Quế Võ, Bắc Ninh, đắp đê đá Ngãi Am.

               Lê Triều hiển hách Công hầu tướng

               Hợp khẩu Dương Am quận Hải thần

Tạm dịch :

               Triều Lê hiển hách có tướng công, hầu

               Mở đất Dương Am có quận công cùng thần biển

Câu đối được tạo tác cùng với bức đại tự vào năm 1917.

Ngoài những di vật trên, đền Trần Quận Công còn bảo lưu được một số đồ thờ tự, tế khí khác như nhang án, mâm mịch, khay.

Với những giá trị về văn hóa và lịch sử năm 2012 Đền Trần Quận Công được UBND thành phố Hải Phòng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố.

 

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke