ĐỀN TIÊN NGA - NƠI THỜ CHÚA BÀ NAM PHƯƠNG

06 03 2023

in trang

Trong số trên 378 di tích lịch sử văn hóa xếp hạng cấp thành phố của Hải Phòng, đền Tiên Nga là địa điểm chính thờ bà và cũng là di tích duy nhất thờ một nữ tướng làm nhiệm vụ quân lương, hậu cần phục vụ cho chiến dịch lớn đầu tiên của dân tộc ta, đại phá quân xâm lược trên sông Bạch Đằng. Đền Tiên Nga là nơi duy nhất ở miền Bắc nước ta ghi dấu phong trào Duy Tân - Đông Du. Một trào lưu tư tưởng yêu nước, cách mạng rộng lớn đầu thế kỷ XX, do chí sĩ Phan Bội Châu khởi xướng và lãnh đạo.

Đền Tiên Nga tọa lạc ở số 53, phố Lê Lợi, phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng.  Đền thờ Vũ Quận Quyến Hoa Công chúa, Liễu Hạnh Công chúa và Quan Đệ tam Hoàng Thái tử. Trong các vị thần được thờ trên, Vũ Quận Quyến Hoa Công chúa là nhân vật lịch sử đặc biệt. Bà là nhân thần, người làng Gia Viên, huyện An Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương xưa. Làng Gia Viên, nay phần lớn là địa phận phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng. Trong chiến dịch tiêu diệt 20 vạn quân xâm lược Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938 do anh hùng dân tộc Ngô Quyền chỉ huy. Bà Vũ Quận là vị nữ tướng đảm nhiệm lo việc quân lương cho Ngô Quyền.


Sử sách ghi chép để lại về bà không nhiều, nhưng truyền ngôn lưu lại trong dân gian về bà rất sâu đậm. Bà đã hiển thánh trong tâm thức của người dân, đã được nhân dân lập đền, miếu phụng thờ và tôn vinh “Bà Chúa Nam Phương” hay còn gọi “Chúa Bà Nam Phương”. Miếu, đền phụng thờ bà được gọi là đền Chúa, miếu Chúa. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ tín ngưỡng thờ mẫu, tín ngưỡng bản địa của người Việt. Chúa Bà Nam Phương đã trở thành vị thánh đặc biệt. Xung quanh Chúa Bà, dân gian có nhiều câu chuyện tâm linh, gợi mở nhiều điều suy nghĩ. Chúa Bà được người đời quan sát từng sự di chuyển, thay đổi vị trí nơi ngự tọa. Trong tín ngưỡng dân gian, người dân đã, đang hình thành việc tôn kính đưa “Chúa Bà Nam Phương” vào ngôi vị trong hệ thống thờ tứ phủ.



Trong số trên 378 di tích lịch sử văn hóa xếp hạng cấp thành phố của Hải Phòng, đền Tiên Nga là địa điểm chính thờ bà và cũng là di tích duy nhất thờ một nữ tướng làm nhiệm vụ quân lương, hậu cần phục vụ cho chiến dịch lớn đầu tiên của dân tộc ta, đại phá quân xâm lược trên sông Bạch Đằng. Đền Tiên Nga là nơi duy nhất ở miền Bắc nước ta ghi dấu phong trào Duy Tân - Đông Du. Một trào lưu tư tưởng yêu nước, cách mạng rộng lớn đầu thế kỷ XX, do chí sĩ Phan Bội Châu khởi xướng và lãnh đạo.

Đền Tiên Nga nghĩa là đền phụng thờ vị tiên nữ rất đẹp. Đền Tiên Nga xưa thuộc làng Gia Viên, có tên Nôm là làng Cấm, thuộc tổng Gia Viên huyện An Dương, xứ Hải Dương. Đền Tiên Nga được khởi dựng vào thời gian nào chưa có tư liệu để lại. Cuối thế kỷ XIX (năm 1890), chính quyền Pháp xây dựng nhà thờ Công giáo và khu ở riêng cho các gia đình người Pháp làm việc tại cảng Hải Phòng. Do vậy, làng Cấm bị lấy một số đất, trong đó có đền Tiên Nga, đền phải di chuyển đến vị trí mới (tức vị trí hiện nay). Tại nơi mới từ năm 1890 đến 1925 mới hoàn thiện các công trình xây dựng của đền. Thời gian này, đền Tiên Nga thuộc sở hữu của giáp Phúc Thần, năm 1925 được đổi thành giáp Tân Phúc. Đền Tiên Nga xây lúc ban đầu có mặt bằng kiến trúc kiểu tiền nhất hậu đinh, gồm ba gian hậu cung đồng thời cũng là cung cấm, ba gian trung đường và ba gian tiền bái. Kể từ khi xây dựng đến nay đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa. Có thời gian đền đã bị sử dụng vào những công việc, chức năng khác như thương mại, xây dựng của cơ quan nhà nước. Duy có phần kiến trúc kỳ đài xây trên hiên thượng còn bảo tồn tương đối đến ngày nay. Từ năm 1999, Ban quản lý di tích đền Tiên Nga được phường Máy Tơ thành lập, mọi công việc trùng tu, tôn tạo di tích mới bài bản và đã cố gắng bảo tồn được kiến trúc truyền thống vốn có của ngôi đền.

Đền Tiên Nga hướng Tây Bắc, nhìn ra phố lớn, có địa chỉ số 53 phố Lê Lợi, phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng. Từ xa mọi người đã nhìn thấy nghinh môn của đền. Nghinh môn xây dựng năm 2005, theo kiểu thức truyền thống. Nghinh môn có chiều sâu, tạo thành ba cửa: chính môn, tả môn và hữu môn. Chính môn có hai tầng mái, tầng trên tạo thành bốn mái, gồm hai mái dài và hai mái ngắn. Mái làm bằng bê tông, cốt sắt, kiểu chéo đao tầu góc. Mái được dán ngói vẩy cá, phẳng đều. Bờ nóc mái trang trí kiểu hoa chanh kép. Đỉnh bờ nóc mái, ở giữa đắp hổ phù hàm thọ, đội mặt nguyệt, hai bên đầu bờ nóc đắp kìm ngậm bờ nóc, đuôi kìm tạo thành các vòng tròn uốn cong như những đám mây cụm, thể hiện ước vọng mưa thuận gió hoà của cư dân Việt. Các đao cong đắp diệp hóa long, khúc nguỷnh đắp lá guột. Diềm mái đắp hàng hoa văn lá đề. Giữa hai tầng mái là cổ diêm, trên cổ diêm cả hai mặt trước và sau nghinh môn tạo thành bức đại tự, trong đại tự đắp nổi bốn chữ Hán lớn: “Tiên Nga linh từ”, có nghĩa đây là ngôi đền Tiên Nga linh thiêng. Các chữ Hán được gắn những mảnh gốm nhiều mầu sắc, khi ánh sáng mặt trời chiếu vào tạo vẻ đẹp lung linh, huyền ảo. Tầng mái dưới cũng như mái trên, gồm bốn mái, hai mái dài và hai mái ngắn, cấu trúc chéo đao tầu góc, làm bằng bê tông, cốt sắt và dán ngói vảy cá. Góc đao đắp trang trí rồng chầu, phượng vũ. Tả môn, hữu môn kích thước nhỏ, tạo tác kiến trúc giống nhau, đăng đối qua chính môn và chỉ có một phần mái ở bên ngoài, phần còn lại nối liền với trụ của chính môn. Phần mái của tả môn, hữu môn cũng làm theo kiểu thức chéo đao tầu góc. Đỉnh góc bờ nóc đắp hoa văn chữ triện lá giắt, khúc nguỷnh đắp lá guột, đao cong đắp diệp hóa long. Mái bằng bê tông, cốt sắt, dán ngói vảy cá phẳng, đều. Bờ nóc trang trí hoa chanh kép. Diềm mái trang trí hoa văn lá đề chạy theo hình cong đều của mái. Các trụ của nghinh môn, chân tạo dáng quả bồng, trên đắp nổi hoa văn diệp. Đầu trụ tạo dáng đấu kê dật ba cấp theo hình nhỏ dưới, to dần về phía trên. Trên các mặt trụ nghinh môn, đắp khung câu đối, trong đắp nổi các câu đối chữ Hán sơn then. Ngoài những phần trang trí chính, trên kiến trúc nghinh môn đền Tiên Nga còn trang trí điểm xuyết theo các đề tài tứ quý, hoa lá thiêng. Nhìn tổng thể nghinh môn đền Tiên Nga là công trình kiến trúc vững chắc, trang trí mỹ thuật khá đẹp; quy mô, kích thước hài hòa với tổng thể không gian, cảnh quan kiến trúc của khu di tích.

Từ nghinh môn đền Tiên Nga bước xuống hai bậc cấp là sân đền. Sân lát phẳng, đều bằng gạch đất nung đỏ truyền thống, nhưng có kích thước lớn. Đi qua khoảng sân đến trước cửa đền phía ngoài, trên trục đường thần đạo là nhang án làm giả bằng đá. Nhang án được quây bốn mặt chân, trên phần quây, mặt tiền đắp nổi đề tài long cuốn thủy, hai mặt hồi đắp nổi đề tài hoa sen, cá chép, mặt hậu đắp vân tản. Trên nhang án đặt sập thờ nhỏ bằng gỗ và bộ ngũ sự; ngày đêm đèn, nhang tỏa sáng, hương thơm phụng thờ không bao giờ tắt. Hai bên nhang án, trước cửa đền có hai lân đứng chầu nhìn ra phía ngoài sân, tư thế trông coi nơi cửa thánh, soi rọi tâm thế của những người về chiêm bái nơi thánh ngự linh thiêng.

Kể từ khi khởi dựng ở vị trí hiện nay, đến năm 2012 - 2013 đền Tiên Nga được trùng tu, tôn tạo toàn diện với quy mô to lớn. Đền Tiên Nga hiện nay, xây dựng theo thể thức truyền thống, kiến trúc kiểu trùng thềm, điệp ốc, gồm bốn tòa nhà nối liền với nhau, các mái chảy ghép sát vào nhau. Theo dân gian gọi kiến trúc ngôi đền từ trong ra ngoài: Tòa đệ nhất, tòa đệ nhị, tòa đệ tam và tòa đệ tứ. Các tòa xây theo thức đầu hồi bít đốc, trụ đấu. Riêng tòa đệ tứ xây thêm phần “hiên tây, máng thượng”. Phần hiện tây của tòa đệ tứ bằng bê tông, cốt sắt, chắc chắn và có diện tích khá rộng rãi. Trên hiên tây ở vị trí gian chính giữa của đền xây dựng kỳ đài. Đây là phần kiến trúc xây dựng từ đầu thế kỷ XX, có tuổi gần một trăm năm, hiện được bảo tồn tương đối cho đến ngày nay. Kiến trúc kỳ đài xây dựng có quy mô kích thước vừa phải, hài hòa với kiến trúc chung của ngôi đền. Theo minh văn khắc trên chuông của kỳ đài đúc năm 1934, kỳ đài là phần kiến trúc linh thiêng, để thượng cờ, tạo thêm vẻ đẹp bề thế, uy linh cho đền Tiên Nga. Kỳ đài cũng là một lầu chuông, để thỉnh chuông lệnh khi có những tiết lệ lớn của đền. Kỳ đài kiến trúc một gian, kích thước mặt bằng gần như vuông, chồng diêm hai tầng tám mái, mái bằng bê tông, cốt sắt, dán ngói vảy cá, mái đao cong, chéo đao tầu góc. Tầng mái trên, hai đầu bờ nóc đắp trang trí hoa văn, hoa dây chữ triện lá giắt, đao đắp lá guột, xung quanh diềm mái trang trí hàng hoa văn lá đề. Trên cổ diêm mặt tiền, trang trí khung ô, trong đắp nổi ba chữ Hán lớn tên của đền “Tiên Nga từ”. Mái dưới, đao cong đắp diệp hóa long. Kỳ đài chỉ có một cửa nhỏ để ra vào, ở tường hồi phía Tây. Tường mặt tiền kỳ đài trổ cửa sổ hình tròn, trong đặt tấm đan tạo hình chữ thọ theo lối chữ Hán triện cách điệu. Trên kỳ đài các góc tường đắp trụ đấu để đảm bảo cho kết cấu công trình vững chắc, đồng thời tạo thêm vẻ đẹp cho kiến trúc. Trên trụ góc tường mặt tiền kỳ đài tạo khung câu đối, trên đắp câu đối chữ Hán.

Đền Tiên Nga từ trong ra ngoài, đầu tiên là tòa đệ nhất, đây cũng là cung cấm của đền. Cung cấm chỉ có một gian rộng, song hai tường hồi cũng đắp giả hai bộ vì kiểu xà quá giang, một hàng chân cột, vì nóc kết cấu chồng rường giá chiêng, con nhị. Vì nách thuận chồng hai con, trên các thuận đắp hoa văn lá lật, đấu kê đắp hoa sen cách điệu. Cửa cung cấm năm cánh, làm theo thức cửa cổ, cửa thùng khung khách, thượng song, hạ bản. Cách cấu tạo cửa như trên vừa đảm bảo cho cung cấm lưu thông không khí, ánh sáng vừa phải với bên ngoài. Đồng thời, để người dân đến dâng hương, lễ bái tại đền vẫn chiêm bái và kiến diện được thấp thoáng hình bóng các vị thánh mẫu ngự trong cung cấm. Tòa đệ nhị và tòa đệ tam có quy mô, kích thước tương tự nhau. Cấu trúc hệ thống khung chịu lực giống nhau, mỗi tòa có hai bộ vì làm giả gỗ. Hai bộ vì cấu tạo kiểu vì bốn hàng chân cột. Vì nóc cấu trúc kiểu giá chiêng, thuận chồng hai con, vì nách kết cấu thuận chồng ba con. Trên các con thuận được đắp nổi lá guột, các đấu kê đắp nổi hoa sen cách điệu. Đầu dư đắp vân tụ kết thành hoa. Hai đầu hồi trên tường đắp nổi hai bộ vì giả, cấu trúc tương tự như các bộ vì khác của bộ khung tòa nhà. Toàn bộ hệ thống khung kể cả vì. già đều được giáp nhẵn, sơn mầu, tạo giả vân gỗ, nên trông khá đẹp như làm bằng thiết mộc. Tòa đệ tứ kích thước chiều dài như tòa đệ tam, tòa đệ nhị, nhưng lòng nhà nhỏ hơn. Khung chịu lực của tòa đệ tử gồm hai bộ vì kiểu xà quá giang, hai hàng chân cột. Tuy nhiên, cột tiền đỡ xà là tường đền phía trước xây bổ trụ, cột hậu đỡ xà là cột quân của tòa đệ tam. Đây là hai bộ vì gỗ lim còn được bảo tồn lại từ xa xưa. Trên câu đầu bộ vì bên tả, khắc dòng chữ Hán: “Càn nguyên hạnh lợi trinh”, nghĩa là: đứng đầu, to lớn, thuận lợi, bền vững. Đây là đại minh chú trong tín ngưỡng tâm linh của người Việt. Bộ vì bên hữu, tương tự khắc chữ Hán: “Giáp Tý niên thụ trụ”, nghĩa là vào năm Giáp Tý dựng cột, đặt nóc tòa nhà. Như vậy, qua thông tin trên cho ta thấy, năm 1924 (năm Giáp Tý) đền Tiên Nga được trùng tu lớn, làm mới bộ khung vì gỗ trên. Bộ vì tòa đệ tứ, vì nóc cấu trúc chồng rường giá chiêng con nhị, vì nách kết cấu thước thợ chồng. Toàn bộ ngôi đền có hệ thống dàn đỡ mái hoành, rui đều bằng gỗ tốt, được bào nhẵn, sơn bóng,hoành được soi sen, mái lợp ngói mũi hài của cơ sở sản xuất Giếng Đáy phẳng, đều và đẹp. Ba tòa nhà đệ nhị, đệ tam và đệ tứ, tường hồi, phía trên cao của vỉ ruồi gần nóc, đều có cửa tròn nhỏ để thông khói. Các tường hồi có cửa sổ kích thước lớn, làm theo thức cửa cổ, bằng gỗ, song vuông, hai lập là, đảm bảo cho các tòa nhà thông thoáng. Mặt tiền hai hồi tòa đệ tứ là hai trụ đèn, được xây trên hiên tây, chân trụ cấu tạo kiểu quả bồng, đầu trụ đắp đèn lồng, đỉnh trụ đắp hai nghê chầu vào đền. Nối liền hai trụ đèn, trên mặt hiên, đắp hoa văn hoa dây, chữ triện lá giắt, tạo dáng tam sơn (ba núi), đăng đối với nhau, giữa cao, hai bên thấp. Trên đỉnh bờ nóc tòa đệ tử, đắp hổ phù đội mặt nguyệt, hai đầu bờ nóc đắp hoa dây chữ triện lá giắt. Nhìn chung, kiến trúc đền Tiên Nga qua trùng tu, tôn tạo gần đây đã khôi phục, kế thừa và phát huy những giá trị kiến trúc truyền thống vốn có của ngôi đền, đáp ứng được ước mong của nhân dân đối với nơi thờ Bà Chúa Nam Phương, nổi tiếng thiêng liêng trong tín ngưỡng của người dân trong và ngoài thành phố Hải Phòng.

 

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke