ĐỀN THƯỢNG SƠN, XÃ THỦY ĐƯỜNG, HUYỆN THỦY NGUYÊN

22 06 2023

in trang

Theo dân gian tương truyền, đền Thượng Sơn được hình thành từ rất lâu đời gắn với quá trình dân cư tới sinh sống và lập làng và nhu cầu cầu an tại nơi rừng núi còn hoang vu. Căn cứ đặc điểm văn hóa vùng đất Thủy Nguyên, nơi còn lưu giữ nhiều dấu tích văn hóa Đông Sơn và những truyền thuyết gắn với thời kỳ Hùng Vương dựng nước như: di tích mộ cổ Việt Khê (xã Phù Ninh), di tích Tràng Kênh, di tích Cao Sơn, Quy Minh... Căn cứ 03 bản sắc phong thời Nguyễn niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924) Đền Dẹo (Diệu) Sơn (thị trấn Núi Đèo – Ngôi đền này đã bị hủy hoại chỉ còn lưu lại 03 sắc phong) cũng ghi nơi đây thờ vị sơn thần có gốc từ Lạc Long vương giống tên hiệu vị thần thờ tại Đền Thượng Sơn: Hồng Lạc Vương Tôn Phái Đào Sơn Tôn Thần; Bắc Cảnh Kế Hồng Bản Xứ Sơn Thần; Khác Tĩnh Dực Bảo Trung Hưng Lạc Long Vương Tôn Phái Đào Sơn Thượng Đẳng Thần, vị thần thờ tại di tích có nguồn gốc từ đặc điểm địa lý và cội nguồn văn hóa dân tộc. Thời Trần (thế kỷ 13-14), khi Hưng Đạo Đại Vương đánh quân Nguyên - Mông đã có người dân địa phương tham gia chống giặc. Lại Công (Văn) Thanh, một vị tướng thời Trần được phong là Phò mã Đô úy Đại vương đánh giặc và ở lại vùng đất này một thời gian dài sau ông ốm mất.


Thời xa xưa, đền là một miếu nhỏ ở lưng chừng dãy núi Đào Sơn hướng ra cửa Bạch Đằng, đền là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân trong vùng. Nhân dân có tương truyền xa xưa đền là một miếu đá dạng cung trần (ngại đá thờ không có mái che). Sau đó vào khoảng thế kỷ 17, 18 được dựng với kiến trúc gỗ truyền thống. Đến năm Khải Định thứ 9 (1924) đền được tu sửa với quy mô lớn hơn. 

Thôn Núi 2 trong lịch sử không có đình làng, vì thế, đây là địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng chính của nhân dân trong vùng. 

Tại di tích còn lưu truyền những dấu tích những bức đại tự như: Duy nhạc giáng thần (núi thiêng có thần ngự), “uy linh hiển ứng” (sự linh thiêng hiển hiện), bài vị trong khám ghi “Thiên cao thượng đẳng giáng linh” (Trời cao giáng xuống bậc thần linh thiêng)... Đền còn lưu giữ câu đối từ xưa: 

“Đào Lĩnh giáng linh phù quốc thái

Đằng Giang trừng thanh độ dân an”

Có nghĩa: 

Núi Đào cao vút hiển thần linh thiêng phù đất nước thái bình

Sông Bạch Đằng nước trong xanh giúp cho dân được yên vui.

Ngoài thờ vị Lạc Long Vương tôn phái Đào Sơn Thượng, Đền Thượng Sơn cũng có ban thời Nam Tào, Bắc Đẩu “Nam Tào Phụng”, “Bắc Đẩu Phụng”. Trong dân gian đây là hai vị thần coi việc sinh và tử ở nhân gian, là cầu nối giữa thần và người. 

Đền Thượng Sơn còn là nơi diễn ra những sử ký trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp của nhân dân xã Thủy Đường, huyện Thủy Nguyên giai đoạn 1947 – 1953, là một điểm hoạt động mạnh của lực lượng du kích và bộ đội kháng chiến. Chiến dịch tổng phá tề, trừ gian, giành quyền làm chủ diễn ra mạnh mẽ ở Thủy Đường. 

Hòa bình lập lại các đồng chí cán bộ kháng chiến chống Pháp khi tiếp tục hoạt động trên cương vị lãnh đạo địa phương và nhận các danh hiệu cao quý của Nhà nước: Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, hạng Nhì... 

Tại thượng lương đền Thượng Sơn còn khắc lưu dòng chữ: Khải Định củ niên thập nhất thụ trụ thượng lương, giáng phúc cát tường. Như vậy, đến thời niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924), đền Thượng Sơn được tu sửa với quy mô to lớn hơn trước. Thời điểm này, đền là một kiến trúc Tiền nhất hậu Đinh. Phía ngoài Tiền bái 3 gian kèo ke, tường hồi bít đốc, lợp ngói. Tiếp theo là tòa Tiền cung 3 gian kèo kẻ, tường hồi bít đốc và 3 gian hậu cung kèo kẻ. Thời kỳ Kháng chiến chống Pháp, năm 1948 – 1950, Thực dân Pháp lấy cớ du kích đánh Tây đã khủng bố đốt làng, đốt đền. Sau đó, một gia đình họ Nguyễn đã vận động nhân dân tu sửa lại đền. Năm 1960 – 1965, đền bị tháo rỡ làm nhà kho và trường học của xã chỉ còn phần Hậu cung. Năm 1989, nhân dân dựng lại phần Tiền bái. Năm 2010, nhân dân đã phục dựng lại Tiền cung và hậu cung của di tích như hiện nay. 

Hiện nay, đền Thượng Sơn có kiến trúc Tiền nhất, hậu Đinh. Phía trước là tòa tiền bái kiểu vì kèo kẻ, tường hồi bít đốc, lợp ngói được dựng bằng gỗ tạp vào năm 1989, trên cơ sở kiến trúc cũ. Tiếp theo là khu vực sân Thiên quang, chính giữa sân là một ban thờ trung thiên. Ban thờ hình vuông, tam cấp trên ban thờ có mảng chạm khắc lưỡng long chầu nguyệt khắc trên đá phiến vàng nhạt. Đây là phần hậu bành của ngại đá chạm khắc hình rồng thời Nguyễn vốn được đặt trong Hậu cung, khi tu sửa đền, nhân dân đã di chuyển ra ngoài. Hai bên ban thờ trung thiên là ban thờ Nam Tào, Bắc Đẩu là hai vị Thiên quan trên Thiên Đình, bên cạnh Ngọc Hoàng Thượng Đế để cai quản cõi sinh tử dưới nhân gian. 

Năm 2014, UBND thành phố Hải Phòng công nhận Đền Thượng Sơn, xã Thủy Đường là Di tích lịch sử cấp thành phố. Năm 2017, được sự quan tâm của UBND huyện Thủy Nguyên và Bảo tàng thành phố Hải Phòng, Đền Thượng Sơn được tiếp nhận bản Sắc phong phục chế từ thời vua Khải Định thứ 9 do Bảo tàng lịch sử Huế cung cấp.

Lễ hội truyền thống Đền Thượng Sơn tổ chức vào đầu mùa hạ, ngày 01, 02 tháng Tư âm lịch diễn ra tại đền. Vào ngày này, dân làng tổ chức lễ dâng hương, tế thần. Lễ vật dâng lên có lễ chay và lễ mặn: Lễ chay có: bánh chưng, bánh dày, bánh trôi, trầu cau, hoa quả... lễ mặn có thịt lợn, thịt gà, xôi, rượu…

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke