Đền Thượng Đức TDP Quang Trung – phường Minh Đức – quận Đồ Sơn Thành Phố Hải Phòng
26 10 2023
in trang
Đền Thượng Đức tọa lạc tại thôn Đức Hậu 2, xã Hợp Đức, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng (nay là tổ dân phố Quang Trung, phường Minh Đức, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng). Từ trung tâm thành phố đi hướng Cầu Rào - quận Đồ Sơn theo đường 353 (đường Phạm Văn Đồng), cách trung tâm thành phố khoảng 20 km.
Vào những năm 1900 làng Đức Hậu được thành lập và phân khu hành chính thành ba giáp là giáp chính, giáp trung và giáp thượng. Những ngày đầu thành lập, Giáp Thượng có 16 Gia đình các cụ có công đầu trong việc lập làng, xuất phát từ đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam: “Con người có tổ, có tông/Như cây có cội, như sông có nguồn” các cụ Giáp Thượng đã dựng Đền Vọng Đức Thánh Trần trên khuôn viên đất khoảng 1.080 mét vuông ngay ngã ba sông Cái Rạc và Ngòi bà Vè để tỏ lòng kính trọng và lưu truyền cho con cháu noi gương học tập truyền thống chống giặc ngoại xâm.
Đến năm 1935, các cụ Giáp Thượng tổ chức xây lại Đền Thượng Đức với quy mô lớn trên nền đất cũ, kiến trúc Hình chữ Đinh (Ba gian tiền đường, một gian hậu cung). Trong hậu cung thờ “Hưng Đạo Đại Vương” có 02 bản sắc phong của 2 triều vua Minh Mạng và Gia Long. Hưng Đạo đại vương ngự long đình chính giữa, hai bên là tượng của “Nhị vị Vương cô” (hai người con gái của Hưng Đạo Đại vương). Thật là:
“ Khen thay Đức Hậu làng ta
Sớm thờ Đức Thánh để mà soi chung
Ngài là một đấng anh hùng
Tuốt gươm nghĩa khí đọ cùng quân Nguyên”
Trải qua những thăng trầm của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, đến những năm 1950, trong cuộc kháng chiến chống thực dân pháp, đền Thượng Đức đã bị tháo dỡ, các đồ thờ đã được nhân dân địa phương đem về chùa để tôn thờ, lưu giữ.
Để phát huy truyền thống Uống nước nhớ nguồn, khơi dậy bản sắc văn hoá đậm đà của dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khoá 8; chủ trương của nhà nước năm 1998 về xây dựng “Làng văn hoá” với phương châm chỉ đạo “Khôi phục lại nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc”. Theo đó, năm 2002, Đảng bộ xã Hợp Đức đã có Nghị quyết về việc Phát động xây dựng làng văn hoá Đức Hậu 2 vào năm 2003.
Từ năm 2003 đến nay đã được 20 năm, Cán bộ và nhân dân làng văn hóa Đức Hậu 2 xã Hợp Đức (nay là 3 Tổ dân phố Nguyễn Huệ, Quang Trung, Ngô Quyền thuộc phường Minh Đức) đã góp công, góp sức xây dựng lại đền Thượng Đức, được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo quận, sự hướng dẫn sát sao của các phòng ban chuyên môn quận, sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo và hệ thống chính trị địa phương đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, sự hảo tâm công đức của các sư thầy chủa Minh Đức (nay là chủa Đức Hậu) và toàn thể nhân dân, con em làng Đức Hậu 2 (nay là 3 tổ dân phố) ở trong và ngoài nước cùng sự chung tay của du khách thập phương. Đền Thượng Đức đã được khởi công xây dựng ngày 20/03/2003 hoàn thành vào ngày 26/11/2003;
2. Khảo tả di tích
Đền Thượng Đức (tức Đức Hậu) xưa tọa lạc trên một gò đất cao của làng. Đình hướng nam, bố cục mặt bằng hình chữ đinh truyền thống, gồm 3 gian, 2 dĩ bái đường và 1 gian hậu cung, xây kiểu chéo đao tàu góc. Mái đình lợp ngói mũi, nền lát gạch bát, xung quanh có nhiều cây đa cổ thụ. Năm 1950, đền bị tiêu thổ kháng chiến.
Năm 2003, nhân dân trong làng đóng góp công, của phục dựng lại ngôi đền. Ngôi đền hiện nay vẫn tọa lạc trên nền đất cũ, hướng nam, bổ cục hình chữ đinh (J), bộ khung chịu lực đều được làm bằng gỗ lim, riêng phần hoành rui bằng gỗ tàu, mái lợp ngói mũi, nền lát gạch men.
Tòa bái đường gồm 3 gian, 4 bộ vì, được làm theo lối 4 hàng chân cột. Đường kinh cột khoảng 25 cm, kê cột là các chân tảng bằng xi măng, kiểu cổ bồng. Tòa hậu cung 3 gian, 2 bộ vì. Kết cấu vì nóc kiểu chồng đấu giả chiêng, vì nách kẻ ngồi. Trang trí hoa văn vì nóc kiểu đấu sen, lá lật cách điệu. Kết cấu góc mái kiểu chéo đạo tàu góc truyền thống. Bờ nóc trang trí con giống kiểu lưỡng long chầu nhật, đỡ mặt nhật là bức đại tự, trên có 3 chữ Hán "Thượng Đức Từ". Xung quang khuôn viên đền hiện đã xây tường bao bảo vệ và trồng một số cây lâu niên. Khuôn viên đền nằm liền kề với khuôn viên chùa Đức Hậu (thuộc làng Đức Hậu II xưa, nay là TDP Quang Trung, phường Minh Đức).
3. Nhân vật lịch sử được thờ
Theo bản thần tích sao chép lại vào năm 1936, tại đền Kiếp Bạc, tỉnh Hải Dương, do các vị tiên công của làng họp bản nghênh rước thần tích, sắc phong ngài Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn về thờ làm thảnh hoàng.
Bản thần tích chép: Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn là con đẻ của An Sinh Vương Trần Liễu. Tổ tiên họ Trần vốn làm nghề đánh cá ở vùng Tức Mạc, Sơn Nam Hạ (nay thuộc tỉnh Nam Định). Sau những biến cố lịch sử, nhà Trần thay thế nhà Lý bước lên vũ đài chính trị, xây dựng vương triều Đại Việt tự chủ hùng mạnh. Trong những nhân vật xuất chúng của nhà Trần, Trần Hưng Đạo nổi lên là một vị tướng tài ba, thao lược.
Năm 1258, quân Nguyên - Mông xâm lược nước ta, ông được vua Trần giao chức vụ cao nhất là chức Công tiết chế, tổng chỉ huy quân đội Đại Việt. Dưới quyền Tiết chế toàn quyền của ông, quân dân Đại Việt đã 3 lần đánh thắng quân Nguyên - Mông, đạo quân xâm lược hùng mạnh nhất thời bấy giờ. Ông là người đã chỉ huy trận rút lui chiến lược và phản công quyết định chấm dứt mộng bành trướng về phương Nam của đế quốc Nguyên - Mông.
Vùng đất Hải Phòng là một trong những chiến địa huy hoàng gắn với thân thế sự nghiệp của người anh hùng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử Hải Phòng, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ hai, cửa biển Đồ Sơn là một căn cứ thuỷ quân của nhà Trần. Nhà Trần dựa vào thế sông núi hiểm trở và sự che chở của nhân dân vùng Tháp Sơn - Đại Bảng để thoát khỏi vòng vây nguy hiểm của quân Nguyên, rút quân vào Thanh Hoá an toàn. Trong diễn biến của trận chiến trên sông Bạch Đẳng năm 1288, khi quân giặc tập kết ở các tuyến sông phía đông Hải Dương (vùng Hải Phòng ngày nay), Hưng Đạo Đại Vương bố trí các cánh quân để phòng giặc, sau đó đích thân Hưng Đạo Đại Vương chỉ huy quân Đại Việt tấn công địch trên sông Bạch Đằng.
Tại mặt phía nam Ninh Hải, nhân dân đã phối hợp cùng quân đội đánh trận thủy chiến lớn ở cửa Đại Bàng vào ngày 8 tháng 1 năm Mậu Tý (1288), chiến thắng này là cơ sở quan trọng cho trận đại chiến trên sông Bạch Đằng tháng 3 năm 1288 thắng lợi.
Sau khi đại thắng quân Nguyên - Mông, Trần Quốc Tuấn được vua Trần Tư Thánh Tông phong là Hưng Đạo Đại Vương, được vua Trần Anh Tông phong là Thái sư Thượng Quốc Công. Khi về già, ông lui về nghỉ ở Vạn Kiếp . Tại đây, ông đã viết "Vạn Kiếp tông bí truyền thư" và "Binh thư yếu lược", được coi là những bộ binh pháp nổi tiếng của Việt Nam.
Sau khi ông mất nhiều nơi lập đền thờ, dân gian suy tôn ông là Đức Thánh Trần, Thánh Cha và truyền tục câu “tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ", (Mẹ ở đây là Mẫu Liễu Hạnh). Nhân dân làng Đức Hậu xưa cũng rước sắc phong về thờ tỏ lòng ngưỡng vọng, nhớ ơn công lao to lớn của vị anh hùng dân tộc.
4. Những di vật đáng quan tâm
Trải qua những biến thiên của lịch sử, thiên nhiên khắc nghiệt, đồ thờ tự tế Tin khi của ngôi đền đã bị thất lạc nhiều. Tại đền còn bảo tồn được một số hiện vật sau:
* Sắc phong sao lại 02 đạo (rước từ đền Kiếp Bạc về thờ) do triều Nguyễn phong tặng:
- Sắc Gia Long 12 (1813) phong tặng: Tiết chế Tổng quốc chính Hưng Đạo khai quốc an viên trang và ban tặng nhiều mỹ tự.
- Sắc Minh Mệnh 6 (1825) phong tặng: Hưng Đạo tôn thần; nguyên tặng: Chí trung đại nghĩa, phong huân vĩ liệt, nguyện trung Thượng đẳng hộ thần và ban tặng nhiều mỹ tự .
* Tượng thờ
- Tượng Đức Thánh Trần : Trong hậu cung, ở vị trí cao nhất là khám long đình, trong long đình đặt tượng ngài Hưng Đạo Đại Vương. Tượng tạc kiêu tượng tròn, có kích thước nhỏ bằng 1/2 người thường, đầu đội mũ phốc, trán mũ trang trí lưỡng long chầu nhật, mình mặc triều phục, tay trái úp tự nhiên trên gối, tay phải câm quạt, chân đi hia. Tượng ngồi trên bệ, vẻ mặt uy nghi trong tư thế thiết triều, niên đại tạo tác đầu thế kỷ XX.
- Tượng nhị vị vương cô : Đứng chầu 2 bên long đình là 2 tượng “nhị vị” vương cô, đặt trong hộp kính. Tượng tạc kiểu tượng tròn, tượng có kích thước cao 0,45 m, hai tay bưng nậm rượu và quả, tạo tác đầu thế kỷ XX.
* Nhang án thờ:
Nhang án đặt trong hậu cung, có kích thước : rộng = 1,59m; cao = 1,12m; sâu = 0,80m, niên đại tạo tác đầu thế kỷ XX
* Giá kiếm gỗ: Niên đại đầu thế kỷ XX
- Giá kiếm để trơn, không tạo hoa văn
* Bát biểu: Niên đại đầu thế kỷ XX
* Một số nội dung câu đối:
Câu 1: Ngũ sắc tường vân duyên thánh điện: Thiên thu ân vụ phú dân linh.
Câu 2: Đức đại an dân thiên cổ thịnh; Công cao hộ quốc vạn niên trường.
5. Sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng tại di tích
- Dân làng Quang Trung lấy ba ngày 14, 15 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm làm ngày Lễ chính, góp phần tạo nên các hoạt động lễ hội của địa phương. Ngoài ra, Đền Thượng Đức hằng năm tiến hành giỗ Cha (Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn) vào ngày 19, 20 tháng 8 âm lịch.
Lễ phẩm gồm thịt trâu, dê, lợn (tam sinh); ngoài ra còn có xôi, gà, rượu, oản, quả
Lễ phẩm sau khi tế, phân phát cho mọi người cùng thụ lộc.
Hội đền: sau phần lễ là phần hội; hội được tổ chức ngay trong khuôn viên đền, gồm các trò chơi : đua thuyền, đi cầu thùm, hát chèo sân đình, kéo co, chọi gà, tổ tôm điểm, ...
Theo tương truyền, Đền Thượng Đức rất linh thiêng, ngày đêm vẫn dõi theo và phù hộ cho Nhân dân địa phương. Người dân địa phương cũng như du khách gần xa khi có dịp đến với Đền Thượng Đức để chiêm bái, cầu khấn xin giải oan, xin cầu phúc, cầu lộc, cầu tài.
6. Giá trị của di tích
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, với biết bao tâm sức của cán bộ và nhân dân địa phương đã dày công vun đắp, đến ngày 03 tháng 9 năm 2013, Chủ tịch UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 1676/QĐ-UBND công nhận Đền Thượng Đức là Di tích lịch sử cấp thành phố - đây vừa là một sự ghi nhận, vừa là một niềm vinh dự lớn lao cho cán bộ và Nhân dân phường Minh Đức nói chung. Cán bộ và Nhân dân phường Minh Đức lấy đó là động lực để không ngừng ra sức tôn tạo ngôi Đền thiêng, Từ năm 2014 đến nay, Đền Thượng Đức và khu vực khuôn viên của Đền tiếp tục được quan tâm trùng tu, tôn tạo, xây mới và dần hoàn thiện khang trang hơn, bề thế hơn!
Thành đoàn Hải Phòng