ĐỀN THỜ TRẠNG NGUYÊN TRẦN TẤT VĂN, LÀNG NGUYỆT ÁNG, XÃ THÁI SƠN, HUYỆN AN LÃO

20 07 2023

in trang

Đền thờ Trạng nguyên Trần Tất Văn được dựng từ lâu đời trên chính quê hương ông. Tương truyền, sau khi quan Trạng qua đời, dân làng Nguyệt Áng đã dựng ngôi đền để thờ phụng, tưởng nhớ đức quan Trạng. Đền nằm gần sát phía Nam phật điện chùa Vĩnh Khoái và cùng hướng Tây Bắc với chùa. Đất xây chùa và đền là địa linh - trên gò đất mắt rồng, hai bên có hai gò đất nổi lên mang hình dáng như nghiên, bút. Do vậy, dân làng thường gọi là gò nghiên, gò bút.


Đền thờ Trạng nguyên Trần Tất Văn toạ lạc làng Nguyệt Áng, xã Thái Sơn, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng.

Thái Sơn cách trung tâm thành phố Hải Phòng 12km. Về vị trí địa lý, phía Bắc giáp thị trấn Trường Sơn; phía Nam giáp xã Mỹ Đức - sông Đa Độ; phía Tây giáp xã Tân Dân; phía Đông giáp các phường Ngọc Sơn, Tràng Minh của quận Kiến An. Diện tích tự nhiên 866.52 ha; dân số 13.437 người, tương ứng với 4.103 hộ, hầu hết là dân tộc Kinh (số liệu tính đến năm 2020).

Đền thờ Trạng nguyên Trần Tất Văn được dựng từ lâu đời trên chính quê hương ông. Tương truyền, sau khi quan Trạng qua đời, dân làng Nguyệt Áng đã dựng ngôi đền để thờ phụng, tưởng nhớ đức quan Trạng. Đền nằm gần sát phía Nam phật điện chùa Vĩnh Khoái và cùng hướng Tây Bắc với chùa. Đất xây chùa và đền là địa linh - trên gò đất mắt rồng, hai bên có hai gò đất nổi lên mang hình dáng như nghiên, bút. Do vậy, dân làng thường gọi là gò nghiên, gò bút.

Đền thờ Trạng nguyên Trần Tất Văn được dựng ở đầu thôn Nguyệt Áng, quay hướng Tây, nằm tựa lưng vào núi Đào Lĩnh (Cột Cờ). Theo quan niệm phong thuỷ của làng, đền toạ lạc trên một khu đất cao ráo, mang thế nghiên bút (hiện trong khuôn viên đền vẫn còn dấu vết của chiếc “bút”, là một gò đất dài 20m chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam). Phía trước đền có khoảng đất rộng là nơi tổ chức trò chơi trong thời gian diễn ra lễ hội. Không gian quanh di tích đảm bảo được sự hài hoà, gần gũi giữa kiến trúc tín ngưỡng và khu dân cư.

Mở đầu cho công trình kiến trúc là Nghi môn (cổng). Nghi môn được thiết kế ba cửa, chính môn là khoảng không gian giữa hai cột đồng trụ xây cao tạo lối đi rộng. Đỉnh cột đắp đôi nghê trong thế chầu vào lòng cổng. Nghê là linh vật thiêng được sử dụng phổ biến trong trang trí kiến trúc cổ truyền. Trong trường hợp này, nghê có chức năng bảo vệ cửa Thánh (kiểm soát tâm hồn người hành hương). Hai bên tả hữu môn của nghi môn xây theo lối Nhà chè.

Các công trình chính của đền gồm: Tiền tế, Đền Chính (Bái đường, Hậu cung). Tiền tế nằm song song với Bái đường, cách Bái đường một khoảng sân rộng 4.5m. Đền chính có mặt bằng hình chữ Đinh. Tổng thể cụm công trình kiến trúc gồm Tiền tế và Đền chính tạo thành bố cục “tiền Nhất hậu Đinh”.

Tiền tế có mặt bằng hình chữ nhật, gồm năm gian, nền lát gạch bát và cao hơn sân trước 0.7m. Kết cấu khung chịu lực của toà Tiền tế dựng trên 24 cột gỗ lim và được liên kết lại thành 6 bộ vì chắc khoẻ, vì làm theo kiểu 4 hàng chân cột, 2 hàng cột cái và 2 hàng cột quân. Tất cả các cột đều được kê trên những chân tảng bằng đá xanh kiểu cổ bồng chạm cánh sen cao 0.45m.

Toàn bộ hệ thống vì nóc của toà Tiền tế đều được làm theo kiểu chồng rường với hai rường suốt và hai rường cụt chồng lên nhau thông qua những đấu vuông thót đáy. Hệ vì này có chức năng nâng đỡ thượng lương và các cặp hoành mái số 1, 2 và 3. Vì nách kết cấu kiểu cốn chồng rường với đuôi của đầu dư (đỡ dưới quá giang) chạy dài ra, xuyên mộng qua cột cái tạo thành rường đỡ hoành mái số 5, con rường hai ăn mộng chốt vào cột cái, vươn ra đỡ hoành mái số 6, rường ba là một rường cụt nằm kê trên lưng xà nách để đỡ rường hai và hoành mái số 7. Các con rường đều được kê trên nhau thông qua các đấu vuông thót đáy tương ứng.

Hai đầu hồi Tiền tế được xây tường kín tận đốc, đắp nổi hổ phù. Mái làm kiểu bốn mái, lợp ngói mũi hài, bờ nóc đắp trang trí lưỡng long chầu hổ phù. Hai đầu bờ nóc đặt hai kìm nóc. Về công năng kỹ thuật, những con kìm này có tác dụng chặn giữ bờ nóc, tránh cho công trình khỏi bị hư hại khi có gió lùa từ hai đầu hồi. Tại các khúc nguỷnh, góc đao Tiền tế được đắp trang trí hình nghê, rồng, phượng cách điệu bằng vôi vữa.

Bái đường gồm năm gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, trụ biểu hiên. Nền Bái đường cao hơn mặt sân 0.75m, mặt trước được bó kè bằng những phiến đá xanh xây giật ba cấp tạo thành bậc lên xuống. Thành phần chịu lực chính của Bái đường là bộ khung gỗ với cấu kiện chính là 6 bộ vì làm theo kiểu 5 hàng chân cột với 2 hàng cột cái, 2 hàng cột quân và 1 hàng cột hiên. Vì nóc Bái đường làm theo kiểu chồng rường; vì nách làm kiểu kẻ ngồi với một đầu kẻ ăn mộng vào đầu cột cái rồi chạy xuống khớp mộng vào đầu xà nách. Các kẻ này được tạo hơi cong lên phía trên để dồn lực xuống đầu các cột. Trong bộ vì 5 hàng chân cột của Bái đường, các cột hiên được liên kết với cột quân bởi các bẩy hiên, lưng bẩy đỡ ván nong có khoét các ổ đỡ hoành mái. Tất cả các cấu kiện liên kết trong kiến trúc toà Bái đường đều được làm theo kiểu bào trơn đóng bén không trang trí.

Hậu cung đền gồm hai gian thờ dọc, xây kiểu tường hồi bít đốc và được nối vuông góc với Bái đường tại khoảng giữa. Hậu cung có hai bộ vì kiểu 4 hàng chân cột, vì nóc và vì nách làm kiểu chồng rường, kẻ ngồi giống Bái đường. Bộ vì thứ hai (từ trong ra) là giới hạn ngăn cách giữa bên ngoài và không gian thờ Thánh phía trong. Khoảng cách giữa các cột được lắp cửa ra vào.

Về trang trí trên các cấu kiện kiến trúc của đền thờ Trạng nguyên Trần Tất Văn được tập trung chủ yếu ở toà Tiền tế. Đề tài thể hiện ở đây đơn giản, mang tính điểm xuyết, chấm phá. Cánh sen, lá lật và các biểu tượng tự nhiên như vân xoắn, đao mác được chạm khắc nhẹ nhàng trên các đấu vuông, con rường, quá giang, xà nách…

Mặc dù mới được trùng tu, tôn tạo vào năm 2009, song đền thờ Trạng nguyên Trần Tất Văn được xây dựng trên cơ sở kiến trúc truyền thống với nguyên liệu chính là gỗ lim. Có thế thấy, kiến trúc tại đền thể hiện một tính thống nhất cao về mặt kết cấu theo lối cổ truyền từ kiểu liên kết mộng sập, mộng chốt, mộng xuyên… giữa các cấu kiện trên cùng một bộ vì hay giữa các bộ vì với nhau. Trong kết cấu khung liên kết nói chung, trong liên kết bộ vì nói riêng, mỗi cấu kiện đều giữ một vai trò, đều có một công năng kỹ thuật nhất định. Các đề tài chạm khắc trên một số cấu kiện tại Tiền tế đền tuy đơn giản nhưng mang nguồn gốc dân dã và đầy tính biểu trưng. Tất cả đã tạo nên vẻ đẹp, sự uy nghi và linh thiêng của di tích đền thờ Trạng nguyên Trần Tất Văn.

Đặc biệt, trong khuôn viên đền thờ Trạng nguyên Trần Tất Văn hiện nay còn lưu giữ được 02 cột trụ là các cấu kiện còn lại của cây cầu đá, tương truyền sinh thời Trạng nguyên Trần Tất Văn xây dựng cho làng và 05 tấm bia đá gồm: Bia Vĩnh Khoái tự, niên đại khoảng cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17, nội dung ghi những người công đức trùng tu chùa, tượng phật; bia Hậu phật bi ký, niên hiệu Bảo Thái 4 (1723), nội dung bầu hậu phật người công đức cho chùa; bia Hậu phật bi ký, niên hiệu Minh Mệnh 15 (1834), nội dung bầu hậu phật người công đức cho chùa; 02 tấm bia còn lại không có tên, một tấm có niên hiệu Tự Đức 29 (1876) và tấm còn lại niên hiệu Khải Định 6 (1921). Trong số 05 bia đá, có tấm bia chùa Vĩnh Khoái là cổ nhất, nội dung trong văn bia cung cấp những thông tin rất quan trọng về làng Nguyệt Áng - mảnh đất địa linh đã sinh ra những hào kiệt, đăng khoa đỗ Trạng nguyên, Tiến sĩ, chính là Trạng nguyên Trần Tất Văn và con trai là Tiến sĩ Trần Tảo.

Văn bia là một tác phẩm thành văn được ghi trên đá, do tính chất quan trọng và có sự ảnh hưởng lớn mang tính lịch sử, được chăm chút nhiêu về mặt mỹ thuật. 05 tấm bia còn lưu giữ tại khuôn viên đền Trạng nguyên Trần Tất Văn là nguồn sử liệu quan trọng, độc đáo. Đây chính là những thông điệp lịch sử được bảo lưu và truyền tải một cách trực tiếp đến với lớp lớp thế hệ người dân hiện nay dưới dạng vật thể. Đứng trước văn bia, chúng ta như được đối diện với lịch sử, có thêm hiểu biết về thế giới quan, nhân sinh quan vô cùng phong phú của các bậc tiền nhân. Bên cạnh đó, những tấm bia đá giúp chúng ta phần nào hiểu được những suy nghĩ, ước vọng của thế hệ cha ông ta. Đó là tấm lòng kính ngưỡng thần phật, sẵn lòng góp ruộng, vườn, gỗ, tiền để tích cực tham gia vào công tác trùng tu, tôn tạo di tích với mong muốn truyền trao cho con cháu đời sau tinh thần hiếu học, tấm lòng hướng thiện. Đó là góc nhìn về một thế đất tốt, hợp phong thuỷ với Bạch Hổ phù trì phía sau, Thanh Long án ngữ phía trước, Chu Tước, Huyền vũ hai bên… Đó còn là sự tự hào về mảnh đất quê hương, nơi địa linh sinh ra những nhân tài, hào kiệt. “Văn nối nghiệp đời văn như đăng khoa trạng nguyên, tiên sĩ; võ thăng chức Võ luỹ như thăng tước Công, Hầu, Chưởng Vệ, được phú, được thọ, được vinh…”

Dưới góc nhìn mỹ thuật, những trang trí trên 05 tấm bia còn là bằng chứng giúp chúng ta có được một cái nhìn khát quát sự phát triển về kỹ thuật, óc sáng tạo nghệ thuật vô cùng phong phú của cha ông trong suốt quá trình lịch sử kéo dài từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 20: Đó là bia chùa Vĩnh Khoái với những đề tài trang trí chính mang phong cách nhà Mạc (thế kỷ 16) như mặt trời, dây leo dạng tay mướp, kỹ thuật chạm khắc chìm, chữ khắc nông…; bia hậu Phật thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 18) với phong cách trang trí tương tự nhưng được chạm khắc nổi, phần diềm bia không phải dạng tay mướp nữa mà được thay thế bằng hình rồng, mây cụm; bia thời Nguyễn (thế kỷ 19, 20) lại có một phong cách trang trí tỉ mỉ, công phu, được chế tác tinh xảo, thể hiện tính chất độc đáo của mỹ thuật đương thời.

Có thể nói, hệ thống 05 văn bia hiện còn tại khuôn viên đền thờ Trạng nguyên Trần Tất Văn là nguồn di sản văn hóa độc đáo của chúng ta hôm nay. Nó gắn kết giữa quá khứ và hiện tại, sự gắn kết ấy dù là vô hình hay hữu hình cũng đều cho chúng ta tự soi chiếu vào đấy để sống đẹp hơn, có ý nghĩa hơn. Nghệ thuật chạm khắc trên 05 tấm bia đã trở thành những mảnh ký ức của thời gian, gắn liền với dòng chảy của lịch sử, không những hàm chứa nhiều thông điệp và ước vọng tĩnh lặng hướng nội, cầu mong sự trường tồn mà còn trở thành di sản chung của cả dân tộc, mang lại nhiều giá trị tâm linh, triết lý và nhân văn sâu sắc.

Hiện nay, nội tự đền thờ Trạng nguyên Trần Tất Văn có thờ Trạng nguyên Trần Tất Văn (chính ban hậu cung), Tiến sĩ Trần Tảo (con trai quan Trạng, tả ban) và Thân mẫu Tiến sĩ Trần Tảo (phu nhân quan Trạng, hữu ban). Trong đó, Trạng nguyên Trần Tất Văn và con trai Tiến sĩ Trần Tảo là hai nhà khoa bảng, quan lại triều Mạc nên được chính sử và nhiều tài liệu Đăng khoa ghi chép:

Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Mùa hạ, tháng 4, thi Hội các sĩ nhân trong nước. Lấy đỗ bọn Phạm Đình Quang 20 người. Thi Đình, bài văn sách hỏi về các bậc thánh triết trị thiên hạ. Cho bọn Trần Tất Văn, Nguyễn Văn Du, Lưu Trung Doãn 3 người  đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ; bọn Lê Quang Bí 4 người đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân; bọn Phạm Đình Quang 13 người đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. (Trần Tất Văn người xã Nguyệt Áng, huyện An Lão, làm quan nhà Mạc đến Thượng thư, tước hàn Xuyên bá, là cha của Tảo)”.

Các sách: Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075 - 1919); Các vị Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa qua các triều đại phong kiến Việt Nam; Những ông nghè đất cảng (Hải Phòng - Đăng khoa lục); Tiến sĩ Nho học Hải Dương (1075 – 1919)v.v.. đều chép:

“Trần Tất Văn (không rõ năm sinh, năm mất), người làng Nguyệt Áng, huyện An Lão (nay là thôn Nguyệt Áng, xã Thái Sơn, huyện An Lão).

Khoa thi năm Bính Tuất (1526) niên hiệu Thống Nguyên thứ 5 đời Lê Cung Hoàng, ông đỗ Đình Nguyên, Trạng Nguyên. Làm quan nhà Mạc, đến chức Thượng thư, tước Hàn Xuyên bá. Dưới triều Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh ông coi việc từ hàn, những văn thư trao đổi giữa nhà Minh và nhà Mạc ông đều tham gia và đã từng đi sứ”.

Sách "Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam", tập I, NXB Thế giới năm 1997, phần Công dư tiệp ký, trang 462, 463 của Vũ Phương Đề có bài “Nhà nước an nguy, quan hệ ở một tờ biểu” có viết:

“Vị tiểu quốc bất học võ nhân, lễ nghĩa hà túc thâm trách;

Mẫn An Nam vô cô xích tử, phong nhận nhẫn sử hoành là.

Nghĩa là:

Cho nước tôi võ nhân ít học thì lễ nghĩa sao đáng trách móc?

Bảo thương dân An Nam vô tội, nỡ nào đem gươm giáo đâm chém?

Bá Ôn xem đến hai câu ấy rỏ nước mắt khóc và rút quân về. Đủ biết một bài văn quan hệ đến sự an nguy của nhà nước là như thế. Người đời xưa nói rằng: “Văn từ không thể bỏ được” rất là đúng. Sử chép rằng bài biểu ấy là của Trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu, người xã Nam Sơn, huyện Đông Ngạn làm ra. Lại có người nói là của Trạng nguyên Trần Tất Văn người xã Nguyệt Áng, huyện An Lão làm. Sự thực chưa biết đích xác là của ai."

Ngô Đăng Lợi, Trịnh Minh Hiên cho biết "Chúng tôi căn cứ vào thể lệ ban hành văn bản thời ấy, cho rằng hai Trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu và Trần Tất Văn là đồng tác giả. Có thể một người tham gia Viện Hàn lâm có trách nhiệm khởi thảo, một người làm việc ở tòa Đông các có trách nhiệm chỉnh lý, nhuận sắc" (Nhân vật Lịch sử Hải Phòng tập 1, NXB Hải Phòng, trang 137).

Con ông là Trần Tảo (không rõ năm sinh, năm mất). Khoa thi năm Ất Sửu (1565) niên hiệu Thuần Phúc thứ 4 đời Mạc Mục Tông, ông đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân. Làm quan đến chức Thừa Chính sứ.

Về tư liệu địa phương, văn bia “Vĩnh Khoái tự” (niên đại khoảng cuối Mạc, đầu Lê Trung Hưng), ghi về việc trùng tu chùa có đoạn viết ca ngợi: chùa được dựng trên thế đất hợp phong thuỷ, địa linh nhân kiết nên đản sinh ra nhiều hiền tài, về văn thì đăng khoa Trạng nguyên, Tiến sĩ, về võ được thăng chức Võ Luỹ, ban tước Công, Hầu, Chưởng Vệ... Nghiên cứu vùng đất Nguyệt Áng, Thái Sơn, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng chỉ có Trần Tất Văn, Trần Tảo là đỗ Trạng nguyên, Tiến sĩ, hơn nữa lại là cha con một nhà, điều đó là hiếm có.

Văn bia “Vĩnh Khoái thiền bi” (năm 1876) có đoạn viết: “Thiền tự Vĩnh Khoái là chùa vậy! Cổ tích thời ông Trạng nguyên”.

Như vậy, Văn bia chùa Vĩnh Khoái đã góp phần cung cấp thông tin về quê quán, cũng như ca ngợi tài đức, sự nghiệp học hành khoa bảng của Trạng nguyên Trần Tất Văn và con trai Tiến sĩ Trần Tảo với niềm vinh hạnh, trân trọng của quê hương Nguyệt Áng xưa nay. Có thể nói, Trạng nguyên Trần Tất Văn đã đóng góp công lao to lớn với đất nước, với nhân dân và với quê hương nơi ông sinh ra.

Người đương thời rất khâm phục khẩu khí của bài biểu do ông và Ngô Miễn Thiệu soạn cho vua Mạc để gửi cho nhà Minh. Lúc bấy giờ, nhà Minh giở chiêu bài “Phù Lê” nhăm nhe xâm lược nước ta, sai viên tướng có tài thao lược là Mao Bá Ôn đem đại quân áp sát biên giới gây áp lực, đòi cống nạp, cướp đất, đòi nộp con tin, đòi cống thợ giỏi, đòi tìm con cháu nhà Lê lập ngôi vua... Biết được nhân cách, tài năng và tư tưởng tiến bộ của Trạng nguyên Trần Tất Văn, Thái tổ Mạc Đăng Dung đã giao cho ông chuyên lo việc bang giao với nhà Minh, tìm mọi cách để đất nước tránh được cuộc can qua binh lửa. Đó chính là bối cảnh mà Trạng nguyên Trần Tất Văn và Ngô Miễn Thiệu đã dốc hết tâm lực, trí tuệ, sự hiểu biết, tài ngoại giao ứng đối của mình cho việc soạn bài biểu được sách Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề chép lại với tên “Nhà nước an nguy, quan hệ ở một tờ biểu”. 

Đối với quê hương, ông luôn yêu thương, góp phần chăm lo xây dựng xóm làng như xây chùa Vĩnh Khoái, làm cầu đá để nhân dân thuận tiện đi lại qua con lạch nối giữa sông Đa Độ (Cửu Biều) và sông Lạch Tray... Khi mất đi, ông luôn hiển ứng che chở cho cộng đồng làng xã. Đến nay, đền thờ Trạng nguyên Trần Tất Văn là trung tâm văn hoá tín ngưỡng của cả huyện An Lão, nơi vinh quy bái tổ, tôn vinh, khen thưởng, trao thưởng cho các thế học sinh, sinh viên của huyện có thành tích cao trong học tập.

Tưởng nhớ công lao to lớn của Trạng nguyên Trần Tất Văn với quê hương đất nước, huyện An Lão vinh dự có hai trường học được mang tên ông là: Trường THPT Trần Tất Văn và trường Tiểu học Trần Tất Văn; tuyến đường 10 (trung tâm huyện) mang tên đường Trần Tất Văn. Quận Kiến An, thành phố Hải Phòng cũng vinh dự có một tuyến đường từ ngã năm Kiến An đến cầu Nguyệt Áng mang tên đường Trần Tất Văn.

Từ vũ Hàng Kênh ở phường Hàng Kênh, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng được xây dựng từ thế kỷ 17 để tôn thờ Khổng Tử, tiên hiền, tiên triết, tiên nho và các vị khoa bảng của xã Hàng Kênh, huyện An Dương xưa. Từ  thập niên 2000 đến nay, trong điện thờ của từ vũ Hàng Kênh có phối thờ Nhà giáo Chu Văn An (1292-1370) quê làng Văn, xã Quang Liệt, nay là xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội, ông đỗ Thái học sinh thời Trần và ba vị trạng nguyên của thành phố Hải Phòng là Lê Ích Mộc (1460-1538) người làng Thanh Lãng, huyện Thuỷ Đường, Hải Dương, nay thuộc xã Quảng Thanh, huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng. Năm 44 tuổi ông đi thi, đỗ Trạng nguyên, khoa thi năm Nhâm Tuất (1502), niên hiệu Cảnh Thống 5. Ông làm quan hai triều Lê, Mạc, đến chức Tả thị lang, về trí sĩ; Trần Tất Văn (?-?) người xã Nguyệt Áng, huyện An Lão, Hải Dương, nay là xã Thái Sơn, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng. Ông đỗ Trạng nguyên, khoa thi năm Bính Tuất (1526), niên hiệu Thống Nguyên thứ 5, đời Lê Cung Hoàng, làm quan nhà Mạc đến chức Thượng thư, tước Hàn xuyên bá, từng được cử đi sứ nhà Minh; Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1586) người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, Hải Dương, nay là thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Ông đỗ Trạng nguyên, năm 45 tuổi, khoa thi năm Ất Mùi (1535), niên hiệu Đại Chính 6, đời Mạc Đăng Doanh, làm quan nhà Mạc đến chức Thượng thư, Thái phó, tước Trình quốc công. Năm 1542, ông cáo quan xin về trí sĩ, lập quán Trung Tân, viết sách, dạy học.

Đình Ngũ Lão, xã Quang Hưng, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên tôn thờ ba vị thành hoàng là Phù Lâu hiển ứng đại vương, Trần Diệm đại vương và Trần Tất Văn. Trong đó, bản kê khai Thần tích Thần sắc làng Ngũ Lão, tổng Viên Quang, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên năm 1938 cho biết: Trần Tất Văn là nhân thần, đời nhà Lê đỗ Bảng Nhãn, làm quan đến chức Giám sát ngự sử Tả thị lang. Ngài người làng Ngũ Lão, sau làm thành hoàng ở làng, làng Phan Xá cùng tổng cũng thờ, nhưng sau không thờ nữa. Ngài có công mở mang phong tục và khai hoá văn phong, con cháu hưng thịnh, đến bây giờ không còn ai. Đến năm vua Minh Mệnh, vua Tự Đức, vua Đồng Khánh nhiều lần phong sắc cho ngài, nhưng lâu ngày mục nát mất cả. Đến năm vua Khải Định thứ 3 (1918) sắc phong cho ngài “Hộ quốc tý dân, nẫm trứ linh ứng, dực bảo trung hưng đại vương].

Bản dịch Thần tích - Bài tựa trong bản chính sách Đăng khoa lục do TS. Nguyễn Hữu Mùi (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) dịch nội dung cho biết: “Nước Việt xưa vào thời vua Lê Uy Mục, vua thừa hưởng cơ nghiệp do tổ tông bồi đắp, tương truyền là thịnh trị. Trong triều nhà vua coi trọng người tài đức, ngoài nội lo củng cố biên cương, để chí vào việc chấn hưng đất nước.

Đương lúc bấy giờ vào năm Canh Tuất, niên hiệu Đoan Khánh năm thứ 9, triều đình mở khoa thi Đình, lấy đỗ người ở hạng Đệ nhất giáp (gồm Trạng nguyên, Bảng Nhãn, Thám hoa), người đỗ ở hạng Đệ nhị giáp là Bảng Nhãn, còn ở hạng Đệ tam giáp lấy đỗ 26 người Tiến sĩ.

Đương lúc bấy giờ có ông Trần Tất Văn, người trang Yên Mão (tên cũ của làng Ngũ Lão) huyện Phù Dung, phủ Khoái Châu, thành Thăng Long (tên cũ là Phụng Thiên) thi đỗ Bảng Nhãn (tổ của ông trước đây định cư ở trang Phan Xá thuộc bản huyện). Ngay ngày hôm đó vua ban chiếu cho dân mang trống, lọng đón rước ông vinh quy về làng. Ông mở yến tiệc lớn bái yết trời đất thần kỳ tiên tổ, khao vọng mọi người trong trang khu, ai cũng được ăn uống. Ông ban cho dân làng ba mẫu ruộng làm ruộng công, sau đó ông ra đảm đương chính sự, làm quan đến chức Giám sát ngự sử, Tả thị lang. Về sau dân làng Ngũ Lão có phong tục thuần hậu, thành một nơi thịnh vượng, con cháu được đông đúc, là nhờ công lao đóng góp của ông. Ông di mệnh cho dân làng Ngũ Lão, sau khi ông qua đời, dân làng thờ cúng mãi mãi, đời đời nối truyền, không bao giờ dứt.

Ngày tốt mùa Xuân, niên hiệu Cảnh Lịch thứ 3 (1550).

Đào Trân, đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ, giữ chức Thượng thư Bộ Lễ, Chưởng Hàn lâm viện, phụng mệnh sao lục”.

Hai tài liệu, bản kê khai Thần tích Thần sắc (năm 1938) và Thần tích - Bài tựa trong bản chính sách Đăng khoa lục (năm 1550) đều chép Trần Tất Văn người làng Ngũ Lão, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên hiện nay và đỗ Bảng nhãn, làm quan đến chức Giám sát ngự sử Tả thị Lang. Tuy nhiên, nội dung hai tài liệu này cung cấp nhiều thông tin chưa chính xác và không thấy được ghi chép trong các thư tịch Đăng khoa lục, cùng các bộ chính sử thời phong kiến như:

Thời vua Lê Uy Mục (1505-1509) không có năm Canh Tuất và cũng không có niên hiệu Đoan Khánh thứ 9. Như vậy sẽ không có khoa thi nào được tổ chức vào thời gian này để tuyển chọn những người đỗ đạt.

Dòng đầu bản kê khai Thần tích Thần sắc của làng Ngũ Lão, tổng Viên Quang, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên năm 1938 viết bằng chữ Hán Nôm có chép: “Lý Nhân Tông triều Đăng khoa lục tự chính bản” (李 仁 宗 朝 登 科 籙 序 正 本) tức là Bài tựa trong bản chính sách Đăng khoa lục triều Lý Nhân Tông.

Bên cạnh đó, phỏng vấn, điều tra khảo sát dân tộc học, xã hội học của Bảo tàng Hải Phòng, Phòng Văn hoá Thông tin huyện huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên (tháng 11 năm 2021) tại làng Ngũ Lão, người dân địa phương đều khẳng định, Trần Tất Văn - vị thành hoàng làng mà nhân dân địa phương tôn thờ từ xưa tới nay “không phải người gốc ở đây” mà là người làng/xã Nguyệt Áng, huyện An Lão, Hải Dương (nay là thành phố Hải Phòng) và ở địa phương “không có họ Trần”. Tương tự, bên làng Phan Xá cùng tổng Viên Quang, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên cũng không có họ Trần.

Các thế hệ người dân địa phương làng Ngũ Lão xưa nay đều truyền rằng ngài Trần Tất Văn từ nơi khác đến đây sinh sống khi tuổi luống già và ngài có công mở mang phong tục và khai hoá văn phong nơi đây. Cũng theo người dân địa phương, mộ phần cụ Trạng nguyên Trần Tất Văn vẫn được cộng đồng bảo tồn và chăm sóc khang trang, sạch đẹp như hiện nay.

Với giá trị lịch sử, văn hoá tiêu biểu, đình - chùa Ngũ Lão, xã Quang Hưng, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên được xếp hạng di tích cấp tỉnh, Quyết định số 160/QĐ-UBND ngày 01 tháng 4 năm 2015.

Từ những thông tin được ghi chép trong các tài liệu, tư liệu thư tịch cổ (mặc dù có nhiều thông tin chưa chính xác do yếu tố khách quan hoặc chủ quan nào đó có liên quan trực tiếp đến đương thời mà tiểu sử, công danh, sự nghiệp của Trạng nguyên Trần Tất Văn được cải đổi, cần nghiên cứu, giải mã), kết hợp nghiên cứu, phỏng vấn, khảo sát dân tộc học, xã hội học ở làng Ngũ Lão, xã Quang Hưng, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên và kết quả giám định nhân vật được thờ của Hội đồng di tích tỉnh Hưng Yên để xếp hạng cụm di tích đình - chùa Ngũ Lão là di tích Lịch sử văn hoá cấp tỉnh năm 2015 cho thấy, ngài thành hoàng làng Trần Tất Văn được tôn thờ ở đình Ngũ Lão với Trạng nguyên Trần Tất Văn được thờ ở đền thờ Trạng nguyên Trần Tất Văn, xã Thái Sơn, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng là một vị.

Đền thờ Trạng nguyên Trần Tất Văn được dựng từ lâu đời trên chính quê hương ông. Tương truyền, sau khi quan Trạng qua đời, dân làng Nguyệt Áng đã dựng ngôi đền để thờ phụng, tưởng nhớ đức quan Trạng. Đền nằm gần sát phía Nam phật điện chùa Vĩnh Khoái và cùng hướng Tây Bắc với chùa. Đất xây chùa và đền là địa linh - trên gò đất mắt rồng, hai bên có hai gò đất nổi lên mang hình dáng như nghiên, bút. Do vậy, dân làng thường gọi là gò nghiên, gò bút.

Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1947 - 1948), đền, chùa quan Trạng đều phải thực hiện tiêu thổ kháng chiến, chỉ còn nền đất.

Năm 1992, nhân dân địa phương đã dựng lại ngôi đền nhỏ trên nền đền và chùa cũ để phụng thờ Trạng nguyên.

Năm 2009, Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng, Uỷ ban nhân dân huyện An Lão cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thái Sơn, làng Nguyệt Áng long trọng tổ chức lễ khởi công xây dựng công trình đền Trạng với nhà hậu cung, nhà tiền đường theo lối kiến trúc truyền thống. Năm 2013, tổ chức lễ khánh thành đền Trạng.

Hàng năm, tại đền Trạng nguyên Trần Tất Văn, Ban quản lý di tích cùng cộng đồng địa phương tổ chức 2 dịp sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng:

- Tháng Giêng:

Ngày mùng 4 đến mùng 5 tháng Giêng âm lịch, tổ chức lễ hội truyền thống:

Sáng mùng 4, đoàn tế nữ quan tế trình, dâng chúc văn;

Buổi chiều mở hội vật, cờ người, chọi gà, kéo co;

Chiều mùng 5, tế tạ và tổ chức trao giải cho các đội chơi giành thắng chung cuộc trong các trò chơi;

Vào các buổi tối tổ chức văn nghệ hát chèo, cải lương, ca nhạc ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước.

Lễ vật: Thủ lợn, lợn quay, bánh chưng, bánh dầy...

- Tháng Tám âm lịch:

Không biết từ bao giờ nhưng người dân Nguyệt Áng đã có câu ca ghi nhắc về nghi lễ truyền thống đền Trạng nguyên Trần Tất Văn và từ tiềm thức, nhân dân lấy ngày này để tưởng nhớ ngày cụ Trạng về vinh quy bái tổ:

Dù ai buôn đâu bán đâu

Nhớ ngày 24/8 bảo nhau mà về

Dù ai buôn bán muôn nghề

Nhớ ngày 24/8 thì về dâng hương

Lễ vật dâng quan Trạng: Địa phương sửa soạn 100 mâm lễ, gồm có: Thủ lợn, lợn quay, bánh chưng, bánh dầy...

Ngày 24/8 âm lịch, tại đền Trạng nguyên Trần Tất Văn, Uỷ ban nhân dân xã Thái Sơn tổ chức lễ biểu dương và phát phần thưởng Học sinh giỏi, trao tặng giấy khen cho các em học sinh đạt giải và thành tích các cấp.

Trước khai giảng năm học mới (tháng 9), tại đền, Huyện uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc huyện An Lão tổ chức lễ biểu dương Học sinh giỏi, sinh viên xuất sắc, tiêu biểu của huyện An Lão.

Mặc dù phần kiến trúc đã được trùng tu, tôn tạo lại, song đền thờ Trạng nguyên Trần Tất Văn chính là một công trình tín ngưỡng mang nhiều ý nghĩa, giá trị về lịch sử, văn hóa sâu sắc, có lịch sử hình thành từ lâu đời (từ sau ngày quan Trạng mất - thế kỷ 16) và gắn bó mật thiết với vùng đất, con người xã Thái Sơn, huyện An Lão.

Đền tôn thờ gia đình quan Trạng gồm Trạng nguyên Trần Tất Văn và con trai là Tiến sĩ Trần Tảo. Đây là hai nhà khoa bảng, quan lại dưới triều Mạc, được chính sử, nhiều tài liệu Đăng khoa và các tư liệu địa phương ghi chép rõ ràng về tài đức cũng như những đóng góp, công lao to lớn với quê hương, đất nước. Đó là khẩu khí, là những lời tâm huyết của một mệnh quan hết lòng vì nhân dân, đất nước với trí tuệ mẫn tiệp, tài ngoại giao ứng đối linh hoạt, nhạy bén được thể hiện rõ trong “bài biểu lui vạn binh” khiến Mao Bá Ôn rơi nước mắt lui binh, giúp đất nước tránh được hoạ binh đao, nhân dân thoát cảnh lầm than. Đó là tấm lòng của một người con mang trong mình tình yêu thương với quê hương nơi chôn nhau cắt rốn, luôn quan tâm, chăm lo xây dựng xóm làng. Tương truyền, Trạng nguyên Trần Tất Văn đã dành phần lớn bổng lộc vua ban để gây quỹ khuyến học giúp đỡ các học trò nghèo ở quê hương; khắc bia tiên hiền, xây văn từ hàng huyện để khuyến khích sự học. Bên cạnh đó, ông còn góp công của xây chùa Vĩnh Khoái, đắp đường đi, dựng cầu đá giúp nhân dân thuận tiện việc đi lại. Ngay cả khi mất đi, quan Trạng lại trở thành vị thần luôn hiển ứng che chở cho cộng đồng làng xã.

 Ngày nay, đền thờ Trạng nguyên Trần Tất Văn là trung tâm văn hoá tín ngưỡng, là “biểu tượng cho sự học” của huyện An Lão. Đây là nơi vinh quy bái tổ, tôn vinh, khen tặng, trao thưởng cho các thế hệ học sinh, sinh viên của huyện có thành tích cao trong học tập. Việc tuyên dương các em học sinh ngay tại đền thờ Trạng nguyên Trần Tất Văn sẽ giúp các em hiểu hơn về thân thế, sự nghiệp của một trong ba vị Trạng nguyên của thành phố Hải Phòng, từ đó khuyến khích các em không ngừng rèn luyện, cống hiến để góp phần làm rạng danh quê hương, đất nước.

Ngày 17/9/2022, tại Đền thờ Trạng nguyên Trần Tất Văn, Huyện An Lão long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận Di tích lịch sử Quốc gia Đền thờ Trần Tất Văn và Đình Nguyệt Áng, xã Thái Sơn.

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke