ĐỀN TÂY SƠN, PHƯỜNG TRẦN THÀNH NGỌ, QUẬN KIẾN AN

07 06 2023

in trang

Đền Tây Sơn thờ đức bà Chiêu Chinh công chúa đời Trần, đền được xây dựng từ thế kỷ 13 đời nhà Trần, được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định số 983 ngày 4/8/1992 của Bộ Văn hóa - Thông tin và Thể Thao, với diện tích 1521.8m2, nằm trong khu vực danh thắng đồi Thiên Văn.

Theo nhà Đại học sỹ Đông Các thời vua Lê Anh Tông - niên hiệu Thiên Hựu năm 1.572 đã soạn ghi:

Kim chi Ngọc điệp Trần Thị Hinh, sinh ngày 6 tháng 2 năm Mậu Ngọ (1258), là con thứ 6 của Thánh Tông Hoàng Đế. Thái phi Hoàng hậu - người sinh ra Kim chi Ngọc điệp là bà Trần Thị Hương, người xóm Đông Sơn, huyện An Lão, châu Kinh Môn, lộ Hải Đông (nay là làng Kha Lâm, phường Nam Sơn, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng).

Trong Ngọc phả Thiên triều các vua đời Trần có ghi: “Thái tử nằm mộng thấy trong Cung rực sáng, ánh ngũ sắc trùm kín Kinh thành, bỗng có một nàng tiên sa xuống, Thái tử ẵm lấy trao cho vợ là bà Trần Thị Hương và có nghe lời phán: Người con gái này là Công chúa chốn Tiên cung, Thượng đế sai xuống làm con của Thái tử để giúp ích cho dân, cho nước, sau 3 thập kỷ sẽ trở về Thượng giới. Sau đêm đó, bà Trần Thị Hương thụ thai, đến ngày 6 tháng 2 năm Mậu Ngọ (1258) thì sinh ra người con gái có khuôn mặt đoan trang, xinh đẹp lạ thường, Vua cha hết lòng yêu quý đặt tên là Hinh (Trần Thị Hinh). Trước khi Vua cha truyền ngôi cho Thái tử, ngày 24 tháng 2 năm Mậu Ngọ, Vua cha đã phong cho Công chúa 4 chữ: “Kim - Chi - Ngọc - Điệp, hiệu là Công chúa Chiêu Chinh”.

Sử sách có ghi chép rằng: Công chúa ra đời không được khỏe mạnh, cả Triều đình lo lắng và tập trung nuôi dưỡng. Vào một đêm cuối tháng 2 năm ấy, lúc canh 2, Vua nghe được lời phán truyền rằng: “Vua cha phải tận tay về lấy nước, ở mạch nước Tây Sơn để nuôi dưỡng Công chúa, chỉ một niên là toại nguyện”.

Nhà Vua đã cùng vợ là thứ phi hoàng hậu Trần Thị Hương trở về Tây Sơn lấy nước mạch để nuôi dưỡng Công chúa. Đúng như lời phán, Công chúa Chiêu Chinh được nuôi dưỡng bằng nước mạch vùng Tây Sơn đã khoẻ mạnh hẳn lên, ngày càng lộng lẫy, thông thái văn chương, được Vua cha và Triều đình hết đỗi yêu thương.

Năm 10 tuổi Công chúa đã khắc ghi trong dạ lời dạy của Vua cha: "Thiên hạ là của tổ tông, người nối nghiệp tổ tông phải biết coi trọng thiên hạ, phải lấy đó để truyền cho con cháu nhớ lâu, giữ bền, đó là phúc muôn năm của tôn miếu xã tắc vậy".

Công chúa Chiêu Chinh lớn lên được Thượng thư Trần Nhật Duật dạy văn chương, Thượng tướng Trần Quang Khải dạy võ và được Vua cha cho tham dự các buổi thiết triều và đàm đạo công việc triều chính (lúc đó Công chúa Chiêu Chinh mới 16 tuổi).

Mùa đông năm Giáp Thân (1284), giặc Nguyên sang xâm chiếm nước ta, Triều đình lo chống giặc ngoại xâm và quyết định mở Hội nghị Diên Hồng để hỏi ý kiến các bô lão nên hoà hay nên đánh. Công chúa Chiêu Chinh cũng được tham dự và đã cùng các chủ tướng nhà Trần nêu rõ quyết tâm diệt giặc ngoại xâm.

Sau đó Công chúa Chiêu Chinh xin Vua cha cho được về quê mẹ ở Đông Sơn để dựng cờ chiêu mộ quân sĩ. Với lòng căm thù giặc sâu sắc, lại có chủ tướng tài ba uyên bác, chỉ trong ít ngày Công chúa đã chiêu mộ được 10 đô quân và sang Tây Sơn dựng trại luyện quân để đánh giặc. Chính trên đất Tây Sơn này, bà đã dựng cờ chiêu mộ quân sĩ và khắc 2 chữ "Sát thát" vào cánh tay của quân sĩ. Dưới cờ của Công chúa Chiêu Chinh, đội quân Tây Sơn ngày một hùng mạnh và tinh nhuệ. Dưới quyền điều binh khiển tướng của Hưng Đạo Đại Vương, quân ta đánh đâu thắng đấy, tiêu diệt và phá vỡ ý đồ xâm lược của đế chế Nguyên - Mông, giữ yên bờ cõi. Với nhiều công lao to lớn của Bà trong công cuộc giữ nước, Vua Trần đã hạ chiếu sắc phong cho Bà là: Chiêu Chinh Công chúa Đại vương.

Sau nhiều năm binh đao khói lửa chốn biên thuỳ, mùa thu năm Đinh Hợi, Chiêu Chinh Công chúa xin Thượng hoàng về thăm quê mẹ, thăm lại nguồn nước mạch Tây Sơn đã nuôi bà khôn lớn, thăm nơi dựng cờ chiêu mộ quân sĩ năm xưa. Bà thấy nguồn nước mạch đã được xếp đá thành giếng (nay còn sự tích giếng Ngọc); nơi dựng cờ đã được xây thành Đền thờ. Bà hỏi một người dân: Đền này thờ ai? Người dân đáp: Đền này thờ bà Chiêu Chinh Công chúa Đại vương đã có công cứu nước, mà chính nơi đây Bà đã dựng cờ chiêu mộ quân sĩ. Chiêu chinh Công chúa quay lại nói với người dân "Ta vẫn còn đây" và ôm lấy người dân, hai người mừng mừng, tủi tủi. Từ đó Bà vẫn lo việc triều chính, cho xây đền, chùa để nhân dân thờ cúng, và hiểu dụ nhân dân làm 10 điều thiện (tức là Thập thiện), hiện nay còn ghi lại ở các đền, chùa.

Mùa hạ, tháng 5, năm Giáp Ngọ (1294), vua Trần Anh Tông xuống thăm Bà ở Đông Sơn. Thấy Bà ốm mệt, biết Bà không qua khỏi, số trời đã định, Vua nói với Đức bà: “Khi Cô về với tổ tiên, Thượng hoàng phong Cô là Chiêu Chinh Công chúa Đại vương”, Vua Trần Anh Tông phong cô là: “Chiêu Chinh Công chúa Thượng Đẳng Thần”.

Sau đó, Công chúa Chiêu Chinh lên chùa, một tay gõ mõ, một tay thỉnh chuông, ngồi yên bất động, mặt hướng về cõi Phật, nhanh chóng hoá thân một cách mau lẹ. Đó là ngày mồng 3 tháng 6 năm Giáp Ngọ (1294), thọ 36 tuổi. Nhân dân làng Đông Tây Sơn làm lễ an táng Công chúa tại tự Đông Sơn. Sau 3 năm ngọc cốt của Đức Bà được đưa về an sinh ở lăng Bảo Đức (cửa rừng Đông Triều).

Vua Trần còn tặng Bà 8 chữ được ghi ở đền Đông Sơn là: “Phương dung - Ý đức - Tế thế - An dân”, có nghĩa là: “Dung nhan đẹp - Đức hạnh tốt - Giúp đời -  Yên dân”.

Đền Tây Sơn từ lúc xây dựng và được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đến nay đã cải tạo trùng tu 2 lần, lần gần nhất vào năm 2013 nâng cấp cải tạo sân đền.

Nguồn: Bài viết trên báo An ninh Hải Phòng.

ĐỀN TÂY SƠN: DI TÍCH GẮN VỚI CÂU CHUYỆN VỀ CÔNG CHÚA CHIÊU CHINH

Nằm trên phường mang tên người anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Thành Ngọ, đền Tây Sơn - di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia được nhà nước công nhận năm 1992 như một bằng chứng về lịch sử văn hóa hào hùng của người dân Kiến An xưa. Đền thờ công chúa Chiêu Chinh – người đã giúp dân mở mang điền ấp, phát triển sản xuất, xây dựng cuộc sống no ấm.

Đền Tây Sơn được nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa năm 1992.

Nơi gắn bó với cuộc đời công chúa Chiêu Chinh

Theo ngọc phả để lại, Đền Tây Sơn là một công trình kiến trúc truyền thống, nơi tưởng niệm công chúa Chiêu Chinh, con gái vua Trần Thánh Tông. Đền do nhân dân khu núi phía Tây thị xã Kiến An (nay thuộc phường Trần Thành Ngọ, quận Kiến An) xây dựng. Công chúa Chiêu Chinh tên thật là Trần Thị Hinh, là con gái của Hoàng Thái Tử (tức vua Trần Thánh Tông sau này) và cô thôn nữ Trần Thị Hương, con gái một gia đình ở Kha Lâm. Sinh thời, do sức khỏe yếu nên công chúa Chiêu Chinh được nuôi dưỡng bằng nước mạch vùng Tây Sơn mà trở nên khoẻ mạnh, xinh đẹp. Suốt thời niên thiếu, công chúa được hai ông Trần Nhật Duật dạy chữ, Trần Quang Khải dạy võ, trở thành một công chúa văn võ song toàn.

Mùa đông năm Giáp Thân (1284), giặc Nguyên – Mông sang xâm chiếm nước ta, công chúa xin vua cha về quê mẹ ở Đông Sơn (tức làng Kha Lâm, xã Nam Hà, thị xã Kiến An), dựng cờ khởi nghĩa Tây Sơn, lập ra 10 đô thần tử, chọn khe núi vùng Tây Sơn luyện quân đánh giặc. Đội quân Tây Sơn do công chúa chỉ huy ngày một hùng mạnh, tinh nhuệ và được chiến đấu dưới quyền chỉ huy của Hưng Đạo Vương, có mặt ở nhiều chiến trường quan trọng, lập công lớn. Với nhiều công lao to lớn trong công cuộc giữ nước, vua Trần Nhân Tông đã hạ chiếu sắc phong công chúa là Chiêu Chinh Công chúa Đại vương.

Giếng Ngọc ngay cửa đền với nguồn nước quanh năm trong mát.

Sau nhiều năm binh đao khói lửa chốn biên thuỳ, mùa thu năm Đinh Hợi, Chiêu Chinh công chúa xin Thượng hoàng về thăm quê mẹ, thăm lại nguồn nước mạch Tây Sơn đã nuôi bà khôn lớn, thăm nơi dựng cờ chiêu mộ quân sĩ năm xưa. Thấy nơi mình dựng cờ đã được xây thành Đền thờ, Bà ở lại 3 tuần trăng giảng giải cho dân Thập thiện. Một thời gian sau, bà quay trở về Đông Sơn, thuê người xây dựng chùa, mở mang đồng ruộng, dậy dân đúc đồng, đúc chuông, giúp dân mở mang điền ấp, phát triển sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no.

Ngày mồng 3 tháng 6 năm Giáp Ngọ (1294), Bà lên chùa, một tay gõ mõ, một tay thỉnh chuông, ngồi yên bất động, mặt hướng về cõi Phật, nhanh chóng hoá thân một cách mau lẹ. Đúng 100 ngày sau ngày Bà mất, vua Trần Anh Tôn xuống chiếu phong tặng: “Chiêu Chinh công chúa thượng đẳng thần”, tặng công chúa 8 chữ: “Phương Dung - Ý Đức - Tế Thế - An Dân” với nghĩa dung nhân đẹp, đức hạnh tốt, giúp đời yên dân.

Niềm tự hào của người dân địa phương

Để tưởng nhớ công ơn của công chúa Chiêu Chinh, năm 1915, ngôi đền được tôn tạo lại. Đền tọa lạc trên một triền đất cao ráo, thoáng đãng bên sườn đồi Thiên Văn – ngọn đồi trung tâm của quận Kiến An ngày nay. Mặt chính của ngôi đền quay về hướng Tây Bắc, hồi tả của đền giáp với đường thung núi, dẫn lên ngọn đồi có độ cao 50m.

Đền được thiết kế theo kiểu chữ Đinh gồm 3 gian tiền, 2 gian ống muống hậu cung. Khi đó, mái đình được lợp ngói mũi hài cổ, tường và hồi trụ được xây bằng đá núi đánh thành tảng. Hồi đốc được xây dựng theo kiểu bổ trụ giật tam cấp. Mái đền không trang trí gì ngoài năm đường chỉ chạy song song theo bờ nóc mái. Nóc mái được trang trí đơn sơ, ngoài 3 trụ đầu hình chữ nhật ở hai đầu đốc và hoa văn chữ triện thoáng sát trên đầu góc tàu lá mái.

Ngày nay, trải qua thời gian, để bảo tồn những giá trị văn hóa của địa phương, đền Tây Sơn đã nhiều lần được trùng tu lại nhưng vẫn giữ được những giá trị văn hóa cổ xưa. Đặc biệt là tấm bia đá, bức tượng công chúa Chiêu Chinh và giếng Ngọc vẫn trường tồn cùng thời gian.

 

Mặc dù đã được trùng tu lại nhưng đền Tây Sơn vẫn giữ được những giá trị lịch sử văn hóa.

Tượng công chúa Chiêu Chinh được đặt chính giữa trong gian hậu cung, hai bên tả hữu là tượng hai nữ tỳ hầu cận. Tượng công chúa với trang phục cầu kỳ, đầu đội mũ kiểu vương giả, đính ngọc, vàng dây lấp lánh, có đủ các hình thêu phượng, rồng, hoa, lá, mặt nguyệt,… Mặt pho tượng đặc tả công chú mắt phượng, mày ngài, lông mày lá liễu, mặt bầu bĩnh. Vị tượng công chúa Chiêu Chinh sang trọng trong bộ áo dài nhiều nếp, hai tà áo đan chéo nhau thêu hình rồng phượng. Bia đá Hậu thần được đặt phía hồi tả ngôi đền, hiện chỉ còn nổi rõ mặt nguyệt. Tấm bia đá được trang trí lưỡng long chầu nguyệt, hoa lá cách điệu mang phong cách nghệ thuật Lê Trung Hưng. Giếng Ngọc quanh năm trong mát, nước không bao giờ cạn kể cả những năm hạn hán.

Ngoài ra, theo ngọc phả đền Tây Sơn, công chúa Chiêu Chinh dẫn đội quân vùng Tây Sơn dưới sự chỉ huy chiến đấu của vị Quốc công Trần Hưng Đạo nên tại đền Tây Sơn còn thờ tượng vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo cùng các vị vương đã có công trong việc giữ yên bờ cõi của tổ quốc.

Di tích đền Tây Sơn hiện nay cùng với hệ thống di tích là đền, chùa, miếu còn lại của khu vưc Kiến An như chùa Đại Giáo, Phù Lưu,… đã thể hiện trình độ của người dân khu vực khi khéo léo kết hợp kiến trúc tín ngưỡng tôn giáo với cảnh vật tuyệt vời của Kiến An xưa và nay. Với những giá trị lịch sửa văn hóa này, trong tương lai di tích đền Tây Sơn còn có vai trò nhất định trong việc phát triển du lịch của Hải Phòng.

Một số hình ảnh lễ hội tại đền:

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke