ĐỀN TÁ LAN, XÃ DƯƠNG QUAN, HUYỆN THỦY NGUYÊN
01 03 2023
in trangĐền Tá Lan là nơi thờ Nam Hải Sơn Đông Nguyên Soái Tổng Kiêm Lưỡng Quốc Tiết Chế Các Sứ Thủy Bộ Chư Dinh Trác Vĩ Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần tức là Tứ Dương Hầu Phạm Tử Nghi. Phạm Tử Nghi là một võ tướng tài ba, đảm lược, sức địch muôn người của vương triều nhà Mạc (1527 – 1592), từng làm quan tới chức Phò mã Đô úy, tước Tứ dương hầu Thành Quốc Công. Ông là người làng Nghĩa Xá, xã Vĩnh Niệm, huyện An Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay là phường Niệm Nghĩa, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng). Ngài sinh ngày 2/2 Âm lịch vào niên hiệu Hồng Thuận, triều Lê. Do thất lạc tài liệu nên không xác định được ngài sinh chính thức vào năm nào.
Đền Tá Lan xưa có tên gọi là miếu Bến Đò vì miếu nằm ở gần bến đò qua sông Cấm sang khu vực Máy Chai, nội thành Hải Phòng. Đến năm 1955, quân đội và nhân dân huyện Thủy Nguyên đã tiến hành đắp đê sông Cấm nên bến đò ở đây không sử dụng nữa. Năm 2010, miếu Bến Đò được tôn tạo lại và đổi tên thành Đền Tá Lan theo tên địa danh khởi thủy của vùng đất này.
Làng Tả Quan xưa là xã Tá Lan thuộc tổng Thủy Đường, huyện Thủy Đường, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương. Đến tháng 11/1861 dưới triều vua Tự Đức ban bố tên húy trong đó có chữ Lan nên đến năm 1862 phải đổi tên từ Tá Lan thành Tả Quan. Trước năm 1945, xã Tả Quan thuộc tổng Hoàng Pha, phủ Thủy Nguyên, tỉnh Kiến An. Sau năm 1945, xã Dương Quan được thành lập trên cơ sở hợp nhất các xã Tả Quan, Hữu Quan, Tân Dương, Lỗi Dương. Đến tháng 10/1956, Tân Dương, Lỗi Dương tách ra thành lập xã Tân Dương. Xã Tả Quan trở thành một làng của xã Dương Quan.
Theo truyền ngôn, miếu Bến Đò xưa được xây dựng vào khoảng Thế kỷ XVII ngay sau khi đức thánh Phạm Tử Nghi mất. Xưa kia chỉ là ngôi miếu nhỏ tranh tre, nứa lá được dựng ngay trên khu đồn binh xưa (hiện vẫn còn lưu giữ cặp súng thần công - 01 khẩu lưu giữ tại di tích, 01 khẩu trưng bày tại Bảo Tàng Hải Phòng). Năm 1943, miếu được làm to đẹp bằng gỗ theo bình đồ chữ Đinh, đầu hồi bít đốc. Trong trận lụt lịch sử năm 1955, miếu bị nước lũ phá hủy, quấn trôi nhiều đồ thờ tự, chỉ còn lưu giữ được mũ thờ và sắc phong thời Khải Định 9 (1924) và được nhân dân chuyển về thờ tạm tại Đình Tả Quan. Đến năm 1986, nhân dân sửa lại Miếu theo bình đồ chữ Đinh gồm 3 gian đại bái, 2 gian hậu cung và chuyển đồ thờ tự về miếu. Từ ngày 04/9/2009 đến ngày 17/2/2010, Miếu được xây dựng lại với quy mô đồ sộ gồm nhiều hạng mục kiến trúc như Đền thờ, nhà Tả Vu, Hữu Vu, cổng, nhà khách, nhà bếp, sân vườn, sân khấu, hồ bán nguyệt, cầu đá, khu vực để xe. Đặc biệt khu vực đền chính được xây dựng theo lối kiến trúc cổ bằng kết cấu gỗ theo bình đồ chữ Đinh. Phía trước là nhà Đại Bái làm theo kiểu thuận trồng đấu sen, giá chiêng gồm 3 gian, 2 dĩ, phía sau là 3 gian hậu cung. Hệ thống cửa nhà Đại Bái gian giữa làm theo kiểu thượng song hạ bản, hai gian bên làm theo kiểu cửa Bức Bàn. Phía sau đền làm giả Sơn theo thế tựa sơn, di tích quay hướng Nam (hướng Thánh Nhân) về phía sông Cấm làm thế tụ thủy.
Tại Đền Tá lan hiện có lưu giữ nhiều hiện vật quý như: khẩu súng thần công, mũ thờ, ngai thờ, đặc biệt di tích còn lưu giữ được Sắc phong niên hiệu vua Khải Định thứ 9 (ngày 25/7/1924) sắc phong cho Nam Hải Sơn Đông Nguyên Soái Tổng Kiêm Lưỡng Quốc Tiết Chế Các Sứ Thủy Bộ Chư Dinh (doanh) Phò Mã Đô Nguyên Soái Thành Quốc Công Phu Ứng Đại Vương Tôn Thần từ Hạ đẳng thần thành Thượng đẳng thần và ban thêm mỹ tự là Trác Vĩ Dực Bảo Trung Hưng nhân dịp vua Khải Định tổ chức lễ Đại Khánh 40 tuổi.
Đền Tá Lan là nơi thờ Nam Hải Sơn Đông Nguyên Soái Tổng Kiêm Lưỡng Quốc Tiết Chế Các Sứ Thủy Bộ Chư Dinh Trác Vĩ Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần tức là Tứ Dương Hầu Phạm Tử Nghi. Phạm Tử Nghi là một võ tướng tài ba, đảm lược, sức địch muôn người của vương triều nhà Mạc (1527 – 1592), từng làm quan tới chức Phò mã Đô úy, tước Tứ dương hầu Thành Quốc Công. Ông là người làng Nghĩa Xá, xã Vĩnh Niệm, huyện An Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay là phường Niệm Nghĩa, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng). Ngài sinh ngày 2/2 Âm lịch vào niên hiệu Hồng Thuận, triều Lê. Do thất lạc tài liệu nên không xác định được ngài sinh chính thức vào năm nào.
Tương truyền ngay từ nhỏ Phạm Tử Nghi đã rát thông minh, ham đọc sách kim cổ, thích tập đánh trận giả cùng bạn bè trang lứa trong làng, đến tưởi tráng niên say mê luyện võ nghệ nên chàng trai họ phạm có sức khỏe phi thường, vóc dáng to lớn hơn người. Khi Mạc Đăng Dung lên làm vua, Phạm Tử Nghi ra sức phục vụ tân triều lập nhiều công tích, là một vị tướng giỏi, tài binh, tiên phong đánh đông dẹp bắc. Từng cầm quân lên vùng lưỡng quảng (Quảng Tây- Trung Quốc) đánh chiếm Châu Khâm, Châu Liêm đòi lại đất cũ của tổ tiên từ thời quân Mã Viện nhà Hán xâm chiếm. Tướng công Phạm Tử Nghi đánh đâu thắng đó làm cho vương triều nhà Minh phương Bắc nhiều phen khiếp sợ, nể phục. Biết không thắng nổi danh tướng Phạm Tử Nghi, nhà Minh cấu kết với một số gian thần triều Mạc thân vương của Mạc Phúc Nguyên lập kế hãm hại. Theo thần phả và truyền thuyết thì nhà Minh đã dùng mẹo lừa bắt thân mẫu của Phạm Tử Nghi rồi giả làm hội thề bãi binh, mời tướng công đến để hãm hại. Bị mắc mưu thâm độc của kẻ thù, không cứu được mẫu thân, Tướng công đã tuốt gươm hét lớn nguyền rủa quân địch và ngài đã tuẫn tiết vào ngày 14/9/ âm lịch tại đất Quảng Tây (Trung Quốc) vào thời nhà Minh - cuối thế kỉ 16. Theo dòng lịch sử chúng ta cùng tìm hiểu sự gắn kết giữa tướng công Phạm Tử Nghi với nhân dân Tá Lan.
Vào những năm giữa thế kỷ 16 làng Tá Lan còn nhiều bãi bồi, cồn cát lau sậy hoang vu thường xuyên bị hải phỉ cướp bóc, quấy nhiễu. Triều đình nhà Mạc đã cử nguyên soái Phạm Tử Nghi mang quan đến trấn ải vùng cửa bể phía Đông Bắc của trang An Biên xưa. Nguyên soái Phạm Tử Nghi đã đóng một đồn binh ngay trên bến Đò thuộc xóm Bãi Cát làng Tá Lan để tiện tiễu trừ hải phỉ và bảo vệ dân làng an tâm sản xuất. Tương truyền nhân dân làng Tá Lan đóng góp lương thực nuôi quân sỹ của nguyên soái trong một thời gian dài, trấu xanh đổ thành một gò lớn nay gọi là đường Láng Trấu xã Dương Quan. Thời gian Nguyên soái và binh sỹ đóng quân ở đây đã được dân làng yêu thương đùm bọc, tình cảm dân binh sâu sắc. Khi quân sỹ của ngài chuyển đi vùng khác đánh trận đã để lại cho dân làng Tá Lan đậm tình thương nỗi nhớ... Khi được tin nguyên soái Phạm Tử Nghi bị giặc nhà Minh hãm hại, dân làng Tá Lan vô cùng căm phẫn và tỏ lòng đau xót, vì đã mất đi một người thân ruột thịt của làng. Các cụ cao niên và dân làng Tá Lan đã lập miếu thờ đức thánh Phạm Tử Nghi ngay nơi ngài đóng quân gọi là miếu Bến Đò để dân làng hương khói tri ân. Qua nhiều thế kỉ biết bao thăng trầm của lịch sử và biến cố của thiên nhiên, miếu Bến Đò được các thế hệ người dân Tá Lan trùng tu, tôn tạo để giữ gìn nơi thờ tự đức thánh đến ngày nay. Miếu Bến Đò đã nhiều lần được trùng tu tôn tạo, những lần gần đây nhất là vào năm 1986, năm 2006, đến năm 2009 được các cụ cao niên trong xã, những người con Dương Quan thành đạt, kiều bào Dương Quan ở nước ngoài, các tập thể và cá nhân hảo tâm công đức. Đặc biệt có sự tâm phúc, nhiệt huyết của vị tướng trong ngành công an nhân dân, một người con ưu tú của quê hương Dương Quan đã cùng với Đảng chính quyền và nhân dân xã nhà tập trung mọi nguồn lực, trùng tu tôn tạo miếu bến Đò thành một công trình bền vững, quy hoạch trên khuôn viên thoáng đãng, phong thủy hài hòa, theo thế “Tựa sơn đạp thủy”. Đền Tá Lan được UBND thành phố Hải Phòng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố năm 2011 để bảo tồn và phát triển lâu dài. Là một tài sản vô cùng quý giá của đất nước, thành phố nói chung và của nhân dân xã Dương Quan nói riêng.
Đền Tá Lan có những lễ hội chính gồm:
- Lễ thánh đản vào ngày 02/02 âm lịch nhằm tưởng nhớ ngày sinh của Đức thánh Phạm Tử Nghi được diễn ra trong 2 ngày. Ngày 01/02 âm lịch tổ chức tế mời (đội tế nam và tế nữ), tổ chức liên hoan văn nghệ, nhân dân thập phương dâng hương, lễ vật. Đến ngày 02/02 tổ chức tế dã kết thúc lễ hội.
- Lễ thánh hóa vào ngày 14/9 âm lịch hàng năm nhằm tưởng nhớ ngày mất của Đức Thánh. Lễ hội diễn ra trong 2 ngày từ ngày 13/9 - 14/9 (hình thức như lễ thánh đản).
Trong quá trình tổ chức lễ hội, di tích có sự giao hiếu với đình Niệm Nghĩa, Đôn Nghĩa (thuộc phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng) là nơi thờ và đặt lăng mộ Đức Thánh Phạm Tử Nghi.
Thành đoàn Hải Phòng