ĐỀN PHẠM THƯỢNG QUẬN, XÃ AN HƯNG, HUYỆN AN DƯƠNG

26 10 2023

in trang

Đền thờ Phạm Thượng Quận thuộc làng Khinh Dao, xã An Hưng. Đền thờ Phạm Thượng Quận được gọi như vậy là bởi đền thờ vị thần họ Phạm, tức Ngài Phạm Đình Trọng, giữ chức Thượng thư Bộ Binh, tước Quận Công của triều đình. 


Đền thờ Phạm Thượng Quận thuộc làng Khinh Dao, xã An Hưng. Đền thờ Phạm Thượng Quận được gọi như vậy là bởi đền thờ vị thần họ Phạm, tức Ngài Phạm Đình Trọng, giữ chức Thượng thư Bộ Binh, tước Quận Công của triều đình. 

Đền Phạm Thượng Quận thờ Ngài thần chủ và cũng là Thành hoàng Phạm Đình Trọng. Ông là một danh thần nổi tiếng văn, võ toàn tài được nhiều sách sử ghi chép. Như sách “Nhân vật chí” của Phan Huy Chú thời Hậu Lê ghi ông vào mục “Người phò tá có công lao tài đức”. Sách “Đại Nam nhất thống chí” đầu triều Nguyễn viết về tỉnh Hải Dương, mục “Nhân vật” ghi tên ông; mục “Đền miếu” ghi “Đền Thượng thư họ Phạm”, chính là ngôi đền Phạm Thượng Quận; Sách “Hải Dương phong vật chí” soạn năm 1811 của Trần Đạm Trai, mục “Văn thần” chép tên ông; Sách “Hải Đông chí lược” soạn thời Nguyễn trong mục “Liệt truyện tướng văn, tướng võ” ghi chép về ông... Thân thế sự nghiệp của ông được tóm lược như sau:

Phạm Đình Trọng, người làng Khinh Dao, huyện Giáp Sơn, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, nay là làng Khinh Dao, xã An Hưng, huyện An Dương. Năm 20 tuổi, Phạm Đình Trọng đỗ Hương cống (Cử nhân thời Nguyễn), khoa thi Kỷ Mùi, niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 5 (1739). Ông đỗ Tiến sĩ, làm quan từ chức Cấp sự trung, trải thăng đến chức Bồi tụng, Thượng thư Bộ Binh, hàm Thái tử Thái bảo, tước Hải Quận Công. Ông tài kiêm văn, võ, Chúa Trịnh Doanh tự tay viết tặng chữ “Văn, võ toàn tài”, lại ban cho biển ngạch “Công thần đồng hưu”. Sở dĩ ông được thăng thưởng nhanh vì ông tham gia dẹp phỉ Tầu Ô Quan Lan tại biên giới Việt Trung, phá được phong trào khởi nghĩa nông dân Nguyễn Hữu Cầu. Sau đó ông được cử làm Đốc trấn Nghệ An, một trấn hiểm yếu của quốc gia. Ở đây, ông có nhiều chính sách tốt, được sĩ phu,dân chúng kính trọng mến mộ, có những nơi làm sinh từ (đền thờ khi ông còn sống). Ở chùa Dền, xã Kỳ Châu, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh có lập bia năm 1752 để thờ khi ông còn sống. Sau ông bị Việp Quận Công Hoàng Ngũ Phúc ghen tài, đố kỵ, xúc xiểm với Chúa Trịnh. Chúa Trịnh thấy ông là người tài cao, có uy vọng lớn, nên cũng nghi kỵ, e ngại. Chúa Trịnh, nhân dịp cuối năm đã sai người gửi tặng ông dải lụa bạch và bình rượu có thuốc độc. Bộ tướng của ông nhiều người phẫn uất, Đội trưởng đội Thanh Kỳ đã khuyên ông bỏ Trịnh theo Nguyễn, nhưng ông là danh thần, trung quân, ông đã uống rượu của Chúa Trịnh. Ông mất vào ngày Nguyên đán năm Canh Tuất. Vua Cảnh Hưng và Chúa Trịnh cho quan về quê tế, có bài văn điếu khá thống thiết, lại gia phong hàm Thái phó, ban cho làm Phúc thần làng Khinh Dao. Sau này các làng Trung Thanh Lang, An Lão, làng Lâm Động, Thủy Nguyên cũng thờ ông làm Thành hoàng. Ngoài ra, còn có 2 làng là Nội Trì và Yên Lã thuộc phường Tân Hồng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh cũng có đền thờ Ngài. Phạm Đình Trọng sinh thời có công bảo vệ di sản văn hóa, ông thẳng tay trị tội một số kẻ phá hoại văn miếu phủ Kinh Môn và đốc xuất khôi phục miếu này, ông còn dựng bia văn miếu huyện Giáp Sơn. Con của ông là Phạm Đình Nghi, có công, được thăng chức Trấn thủ Hải Dương, tước Đông Ngạn Hầu.

Đền Phạm Thượng Quận được khởi dựng vào nửa cuối thế kỷ XVIII, tức là sau khi Phạm Đình Trọng mất và được triều đình sắc phong làm Phúc thần. Đền nằm trên gò đất khá cao, nhưng bằng phẳng, có thế phong thủy đẹp của làng Khinh Dao. Theo các vị cao niên làng Khinh Dao kể lại, ngôi đền thuở ban đầu kiến trúc mặt bằng kiểu tiền nhất hậu đinh, tòa hậu cung được làm theo thức chồng diêm nóc các trang trí đắp vẽ rất đặc sắc. Đền nhìn về hướng Tây, hướng vọng về ngôi chùa cổ Chiêu Tường, nơi ấy có nghĩa trang nhân dân, có lăng mộ của Ngài Phạm Đình Trọng. Sau một thời gian dài do thăng trầm của lịch sử và binh lửa chiến tranh, ngôi đền bị xuống cấp nghiêm trọng, nhưng sau đó được khôi phục tôn tạo lại khang trang, bền vững như ngày nay.

Từ đường trục của thôn, con đường nhựa rộng rãi khá đẹp, bắt gặp nghi môn đền Phạm Thượng Quận, qua nghinh môn có đường đi rộng trên đường thần đạo, hai bên là cây xanh tỏa bóng mát cho khách hành hương. Trước đền là sân lát gạch đỏ bằng phẳng, từ sân lên đền qua những bậc cấp. Đền có mặt bằng kiến trúc chữ nhị ba gian tiền bái, 1 gian hậu cung và làm theo thức chồng diêm nóc các, mái đao cong, lợp ngói mũi. Trên mái được trang trí đắp, vẽ các đề tài truyền thống như: đỉnh giữa bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt, các góc đao đắp tổ hợp rồng chầu, phượng vũ... Toàn bộ đền làm bằng bê tông cốt sắt, kết cấu từng tòa nhà ghép các cấu kiện kiến trúc và đổ bê tông thành một khối. Cách thi công này bảo đảm cho kiến trúc của ngôi đền có độ bền chặt, vững chắc. Tòa tiền bái kiểu một gian hai dĩ, bộ khung chịu lực gồm hai bộ vì, vì hai hàng chân cột, cột quân được thay bằng tường bao che của đền. Phần cổ diêm của các bộ vì bưng kín và tạo vỉ ruồi đỡ mái, trên phần vỉ ruồi vẽ tranh mầu đề tài rồng, mây hội hợp. Vì nách thuận chồng ba con, trên xà nách và thuận đắp nổi hoa văn lá lật, đấu kê vuông thót đáy, đắp nổi hoa văn hoa sen cách điệu. Cửa tòa tiền bái cấu tạo 1 gian, đóng theo kiểu cửa cổ, cửa thùng khung khách. Hậu cung cấu tạo hai bộ vì, vì bốn hàng chân cột, kết cấu vì tương tự như bộ vì tòa tiền bái. Tòa hậu cung có cửa chính và hai cửa nách, cửa làm kiểu cửa thùng khung khách, cửa nách có một cánh rộng. Đi vào hậu cung đền chủ yếu qua hệ thống cửa nách. 

Đền Phạm Thượng Quận trải qua thời gian, nhưng vẫn còn bảo tồn được khá nhiều cổ vật có giá trị về lịch sử, mỹ thuật như thần tượng bằng gỗ quý có niên đại thế kỷ XIX, long khám, ngai thờ mỗi loại 3 chiếc làm bằng chất liệu gỗ tốt có niên đại thế kỷ XIX. Nhang án bằng gỗ tốt, có niên đại đầu thế kỷ XX. Bộ voi đá chầu trước cửa đền có niên đại thế kỷ XVIII. Ngày nay, đền sau khi được tôn tạo đã được người dân cung tiến khá nhiều đồ thờ tự tế khí như: cửa võng, câu đối, đại tự...

Đền Phạm Thượng Quận còn gìn giữ được hai tấm bia đá:

Bia 1: Bia “Hậu thần bia ký”, bia ghi về hậu thần. Bia dựng niên hiệu Minh Mạng thứ 18 (1837), nội dung khắc ghi giáp Nam của xã Khinh Dao, huyện Giáp Sơn, phủ Kinh Môn, bầu bà Phạm Thị Thư, hiệu Diệu Ngọc là hậu thần. Bà là á thất (vợ thứ) của Ngài Phạm Chân Định, quan Hiệp trấn các xứ Hải Dương, tước Thọ Như Hầu. Bà là người trong giáp công đức cho đền 30 quan tiền cổ để mua sắm đồ tế khí, thờ tự, bà còn công đức cho giáp 1 mẫu ruộng để phục vụ việc thờ phụng cho đền. Trong bia cũng quy định việc cúng biếu hậu thần khi còn sống và kỵ giỗ khi mất.

Bia 2: Bia “Hạ thôn hiệp bảo”, (下村叶保), nghĩa là thôn Hạ đồng thuận bầu hậu thần. Bia dựng niên hiệu Cảnh Hưng thứ 40 (1779). Nội dung bia tôn vinh ca ngợi bà á thất (vợ thứ), phu nhân của Ngài Phạm Đình Trọng. Bà là bậc sĩ hiểu biết thi, thư, có công, dung, ngôn, hạnh, bà đã công đức ruộng, tiền cho dân thôn trùng tu, tôn tạo đền, miếu của địa phương. Hai tấm bia trên rất có giá trị trong việc nghiên cứu về lịch sử và những vị hậu thần có vị thế của địa phương. 

Trước đây hằng năm, vào các dịp Mồng 1 Tết Nguyên đán, tức là ngày mất của Phạm Đình Trọng, ngày 22 tháng 2 âm lịch, ngày sinh của Ngài, nhân dân địa phương tổ chức tế lễ dâng hương tại đền. Ngày nay, người dân địa phương vẫn kế thừa phát huy các tiết lệ trên. Ngoài ra, nhân dịp tiết lễ trên, dòng họ Phạm còn tổ chức biểu dương tặng thưởng cho các con cháu trong dòng họ có thành tích học tập tốt. Đền Phạm Thượng Quận tuy mới được tôn tạo, song được xây dựng theo kiến trúc truyền thống, được trang trí, đắp vẽ hoa văn tinh xảo và có giá trị mỹ thuật cao. Đền phụng thờ một nhân vật lịch sử, một vị đại quan rất nổi tiếng của đất nước trong triều Hậu Lê, thế kỷ XVIII. Đền nằm gần với đình Khinh Dao và chùa Cả, tạo thành một quần thể di tích có nhiều giá trị về kiến trúc, về tín ngưỡng, tâm linh. Nếu được truyền thông tốt, chắc chắn đây sẽ là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke