Đền Nghè, phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn

26 10 2023

in trang

1. Tên gọi, Vị trí của di tích

Đền Nghè nằm trên đường Suối Rồng thuộc phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn là Di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố. Đền được xây dựng ở lưng chừng núi, nơi đất trời, biển cả, núi non giao hòa. Đây là ngôi đền “hàng tổng” của Đồ Sơn, được người dân vùng biển này coi trọng vì nơi đây thờ “Lục vị tiên công”, 6 vị thần có công lập nên đất Đồ Sơn.

Đặc biệt, với người dân Đồ Sơn, đền Nghè còn gắn liền với lễ hội chọi trâu truyền thống khi ngôi đền này thờ Điểm Tước Thần Vương, một vị thần liên quan đến tục chọi trâu ở Đồ Sơn. Tại đền Nghè, trước và sau lễ hội chọi trâu, đền là nơi nhân dân và các giáp, các phường tập trung về để tế lễ. Là nơi diễn ra lễ dâng hương, lễ rước nước- linh hồn phần lễ của lễ hội chọi trâu hàng năm của Đồ Sơn.

2. Đường đi đến di tích

Từ Bưu điện trung tâm thành phố Hải Phòng, có tuyến xe buýt chạy liên tục tuyến Hải Phòng - Đồ Sơn và ngược lại, theo đường 353 (đường Phạm Văn Đồng) đến Sân Golf Đồ Sơn. Từ đó,  chạy rẽ phải tiếp lên khoảng 50m vào tuyến đường Phạm Ngọc,  lúc này quý khách sẽ thấy biển chỉ dẫn Đền Nghè và có cờ hội trang trí, thì cứ đi thẳng một đoạn đường ngắn nữa sẽ hết tuyến đường Phạm Ngọc và rẽ phải sẽ vào tuyến Đường Nghè và sẽ đến được đền Nghè.

Di tích toạ lạc tại tuyến đường Nghè thuộc TDP 4 phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng hơn 20km về hướng Đông Nam.

3. Truyền thuyết Đền Nghè

Ngược theo dòng lịch sử mới thấy được hết sự độc đáo và tâm linh của ngôi đền này. Trước năm 1945, tổng Đồ Sơn có 2 xã, 5 làng; làng nào cũng có đình, đền riêng, song hầu như tất cả có duy nhất một vị thành hoàng. Vị thành hoàng chung của người dân Đồ Sơn xưa được các làng, xã thờ là thần Điểm Tước. Nguồn gốc của vị thần này bắt nguồn từ một truyền thuyết xa xưa, kể rằng vùng đất Đồ Sơn đang yên vui bỗng có một con thuỷ quái đến phá hoại các xóm vạn chài. Được sự giúp đỡ của thần linh, xóm vạn chài trở nên yên vui, cư dân Đồ Sơn tiến hành lễ cầu duệ hiệu (tên gọi của thần) . Sau 7 ngày, 5 đêm thì thấy hiện lên nốt chân chim trên mâm bột, từ đó Điểm Tước trở thành tên gọi của thành hoàng tổng Đồ Sơn (Điểm Tước có nghĩa là vết chân chim). Từ nguồn gốc của vị thành hoàng làng này, tục chọi trâu được hình thành ở Đồ Sơn và là tập tục rất lâu đời của người Việt cổ được lưu giữ cho đến ngày nay. Với những nghi thức độc đáo mang màu sắc của văn hoá vùng ven biển, tục chọi trâu Đồ Sơn trở thành một lễ hội đặc biệt mang tầm quốc gia. Vào năm 2012 Lễ hội Chọi trâu truyền thống Đồ Sơn đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 5079/QĐ-BVHTTDL ngày 27 - 12 - 2012 về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. 

4. Kiến trúc Đền Nghè

Các vị tiền bối vận dụng những yếu tố cơ bản đó kết hợp với thuyết âm dương phong thuỷ nên chọn địa điểm xây dựng rất lý tưởng. Đó là một khu đất bằng phẳng dưới chân núi tháp Tường Long, tượng trưng cho đầu rồng, hai bên tả - hữu có mỏm núi nhô ra tượng trung cho tay long, tay hổ ôm chặt bảo vệ ngôi đền. Về truyền thuyết, trong cuốn “Đại Nam nhất thống trí” có ghi: “Tương truyền, vào một đêm, có ông lão nằm mộng thấy thuỷ thần hiện lên khuyên lập đền thờ ở chân núi Tháp. Sáng hôm sau ông lão dậy thật sớm, một mình đi về phía núi, nhưng không thấy ai ngoài một đàn chim bay lượn trên một đám đất bằng phẳng, đẹp đẽ. Ông lão cho rằng, thần linh đã ứng nghiệm. Ông liền chạy về báo với dân làng lo liệu việc lập đền thờ thần”. Theo sách “Đồng Khánh địa dư chỉ lược soạn vào thời Nguyễn (đầu thế kỷ 19)... Sau đó một hôm, lại có người đi qua nơi thờ cúng thần, gặp một đôi trâu đang chọi nhau quyết liệt. Nhưng khi thấy động, đã nhảy xuống biển đi mất. Từ đó, người ta tin rằng, vị thuỷ thần thích xem trâu chọi nhau. Hàng năm cứ đến ngày 9-8 âm lịch , người Đồ Sơn lại mở hội tế thần, bày trò chọi trâu để làm vui cho thần.

Việc chọn hướng không kém phần quan trọng. Hướng đền được chọn phải thoả mãn các yêu cầu đặt ra:

Quê hương phát triển vững mạnh, dân cư đông đúc, đất đai rộng mở, trường tồn.

Dân làng khoẻ mạnh, làm ăn thịnh vượng, cộng đồng dân cư hoà thuận, phong đăng hoà cốc.

Từ thực tế của địa điểm, các tiền bối khéo léo vận dụng rất tinh tuý chọn hướng Tây Bắc hội tụ được các yếu tố sau:

- Tiền Chu Tước – cả một vùng biển mênh mông, nước thuỷ triều lên không bao giờ cạn, chẳng vật nào ngăn cản hướng. Cách xa xa có làng mạc nhue bình phong che chắn, ngăn cản, làm các luồng khí độc khi đến gần núi bốc lên cao. Nếu ta đứng trên tháp Tường Long phóng tầm mắt sẽ thấy giá trị của hướng đền.

- Hậu Huyền Vũ – dựa vào núi, trên đỉnh núi lại có tháp Tường Long, nơi phật ngự, hậu dầy vững chãi, có mạch nước chạy vào hậu cung tạo khí âm mát mẻ. Bên tả, bên hữu các dầu núi nhô ra tạo thế tay long, tay hổ ôm ấp bảo vệ ngôi đền trường tồn (năm 2005 đền được tôn tạo lại, các nhà phong thuỷ về xem xét phải thốt lên rằng “Các cụ chọn hướng đền tuyệt vời quá”).

Đền Nghè được bố cục mặt bằng chữ nhị, chia làm hai phần tách rời nhau, toà hậu cung và toà bái đường. Từ mép tường của hậu cung với hậu toà bái đường cách nhau 1,85m; đằng trước rộng tường bao, hai bên có cổng phụ (dạng cổng vòm), trước cổng có hai cột hoành mã, trên đầu cột.. đôi nghê chầu, hai bên tả hữu là hai quan văn, quan võ trông rất dũng mãnh uy nghi. Đây là nét đặc trưng kiến trúc vùng đồng bằng duyên hải Bắc Bộ. Trước cửa đền có cây đa cổ thụ cành lá sum sê, kè đá vững chắc. Bên trái đền có một ngôi miếu và một cây đại, thường gọi là miếu cây đại (nhìn từ trong ra). Bên phải có một giếng nước ngọt, quanh năm nước luôn trong vắt gọi là giếng Nghè. Nước giếng được sử dụng trong việc cúng lễ trong đền, nhân dân không ai sử dụng, đây là một nét đặc trưng của làng xã Việt Nam “cây đa giếng nước mái đình”.

5. Lễ hội Đền Nghè

 Sự gắn kết chặt chẽ lễ hội chọi trâu với đền Nghè

Trò chơi chọi trâu ở nước ta có lịch sử lâu đời từ trung du, miền biển. Chính vì thế mà tháng Chạp năm Mậu Tý (12/1048) vua Lý Thái Tông mới ban “Chiếu định cho phép chọi trâu vào mùa xuân”. Xã Hải Lựu huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phú có hội chọi trâu sớm nhất thường tổ chức vào ngày 16 – 17 tháng Giêng. Đó chỉ là hoạt động vui chơi của địa phương không gây được tiếng vang.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được tổ chức với quy mô, hệ thống duy trì lâu dài mang bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống độc đáo của nhân dân vùng biển Đồ Sơn đã gây được tiếng vang trong và ngoài nước. Các học giả, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, lịch sử dân tộc đã đi sâu tìm hiểu nghiên cứu, cung cấp tư liệu đóng góp văn hóa dân tộc. Các vua chúa quan lại trong triều cũng về thưởng thức, có hàng vạn khán giả từ khắp nơi về tham dự hội chọi trâu, ngày nay nhà nước xếp hạng là một trong 15 lễ hội lớn của quốc gia. Vào năm 2012 Lễ hội Chọi trâu truyền thống Đồ Sơn đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 5079/QĐ-BVHTTDL ngày 27 - 12 - 2012 về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. 

Nạn đói năm 1945, chiến tranh tàn phá, lễ hội đã bị gián đoạn một thời gian. Năm 1973 đoàn nghiên cứu văn hóa Nhật Bản sang Việt Nam đề nghị chính phủ tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn để họ quay phim, tìm hiểu nghiên cứu về lễ hội và chiếu cho nhân dân Nhật Bản xem, họ được tận mắt chứng kiến những kháp chọi hay, những pha hổ lao khủng  khiếp hay những miếng cáng hầu, mắt tuyệt chiêu, và họ cũng phải khâm phục tài nghệ bắt trâu của cụ Nguyễn Văn Ghẻ người Ngọc Hải.

Kế thừa và phát huy truyền thống lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, năm 1989 được khôi phục lại cho tới ngày nay với quy mô ngày càng lớn về tổ chức sân bãi, phục hồi các nghi thức cổ truyền tế lễ... cho phù hợp với sự tiến triển của xã hội, in đậm vào tâm trí của người dân thành câu ca bất hủ:

Dù ai buôn đâu bán đầu

Mùng chín tháng tám chọi trâu thì về

Dù ai bận rộn trăm nghề

Mùng chín tháng tám nhớ về chọi trâu.

6. Các di vật đáng quan tâm

Đền Nghè hiện còn bảo lưu được số di vật là đồ thờ tự có cùng niên đại Nguyễn, rải rác từ nửa cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, bao gồm các di vật liên quan đến việc thờ tự tại di tích.

- Long đình: 1 bộ

- Bát biểu: 1 bộ có 8 cây.

- Chuông đồng : 1 quả trọng lượng gần 120kg đúc năm 1992, ghi họ tên các vị chức sắc, hoà thượng và quý khách ở Hà Nội, Hải Phòng và nhiều địa phương khác chung lòng, chung sức dâng tặng quả chuông vào đền Nghè.

- Một đôi câu đối cổ kiểu lòng máng, chữ tạo trên nền hoa gấm nội dung chữ Hán và lời dịch xem trong phần hồ sơ này.

- 1 nhang án tiền, dùng bài trí các đồ tế tự như bát hương, lộc bình.

- 6 pho tượng ngồi trên ngai án biểu tượng cho 6 vị tiên công khi phá đất đai vùng biển Đồ Sơn. Trước đây được thờ rải rác trong các đơn vị dân cư, nay đã được nhân dân quy tụ về vị trí hiện nay.

- Ngai bài vị Thần Hoàng Điểm Tước.

7. Giá trị lịch sử văn hoá Đền Nghè

Đền Nghè xây dựng lâu đời, có bề dày lịch sử đối với đất nước, quê hương. Đó là tinh hoa, nguyên khí nơi thờ thành hoàng Điểm Tước Đại Thần Vương. Các vương triều xưa kia có tới 16 đạo thần sắc phong khen cho Ngài , đạo sớm nhất của vua Lê Thần Tông hiệu Đức Long thứ 6, phong ngày 24/5/1634, đạo cuối do vua Nguyễn Quang Toản hiệu Cảnh Thịnh thứ 04, phong ngày 21/5/1796 (trong 16 đạo có 14 đạo Lê Trung Hưng, 02 đạo thời Tây Sơn).

Đền Nghè là một công trình văn hoá cổ, liên quan đến tục thờ cúng thần hoàng ở vùng biển Đồ Sơn là vị “Hùng thần, điểm tước tôn thần ”. Cùng với dị tích đình Ngọc Xuyên, Đền Nghè (Phường Vạn Hương) còn hàm chứa một không gian lễ hội độc đáo, mang tính đặc trưng cho cư dân miền duyên hải Hải Phòng, đó là lễ hội chọi trâu Đồ Sơn.

Xã hội ngày càng phát triển tiến lên văn minh, hiện đại, con người cũng phải thay đổi tư duy để theo kịp trào lưu xã hội, trong đó có văn hoá tâm linh. Nhân dân Đồ Sơn và những người con xa quê hương với tấm lòng thành kính, tri ân công đức của Ngài, họ chẳng quản gian nan vất vả, tự nguyện sưu tầm những tư liệu cổ có giá trị về Đền Nghè, việc làm đó chẳng cầu mong lợi lộc, chính là vì tâm huyết, trách nhiệm với quê hương.

Thế hệ ngày nay tự hào được thừa hưởng những giá trị tinh hoa đó, thật vinh dự biết bao, song trách nhiệm càng nặng nề quyết giữ gìn bảo vệ di sản mãi mãi trường tồn cùng đất nước quê hương.

Với những giá trị văn hoá truyền thống từ ngàn đời. Đền Nghè, phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn đã được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp thành phố vào năm 2003. Trở thành một điểm tâm linh nổi tiếng của quận Đồ Sơn cũng như thành phố Hải Phòng, thu hút nhiều du khách thập phương tới tham qua, tìm hiểu và chiêm bái.

 

 

 

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke