ĐỀN NAM TRIỆU, XÃ AN LƯ, HUYỆN THỦY NGUYÊN
22 02 2023
in trangĐền Nam Triệu, xã An Lư, Huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng là công trình kiến trúc văn hoá tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân xã An Lư. Đền thờ Đức ông Khai quốc công Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn.
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt nam, với nhiều trang sử vàng chói lọi, truyền thống anh hùng bất khuất, bách chiến bách thắng được lưu truyền từ thời Hùng Vương dựng nước, qua các triều đại ngày càng được tô thắm bằng những chiến công hiển hách. Đặc biệt với những chiến thắng lịch sử, lưu danh sử sách của Vương triều Trần 3 lần chiến thắng quân Nguyên mông xâm lược, đập tan mộng bá vương của giặc, giữ vững bờ cõi, độc lập, chủ quyền của đất nước. Trong chiến thắng hào hùng của dân tộc, các bậc tiền nhân kiệt xuất, văn, võ, trí đức mà tiêu biểu là Quốc công tiết chế, Hưng đạo Đại vương đã thống lĩnh ba quân ba lần đánh tan giặc Nguyên mông làm rạng rỡ hào khí Đông A, vẻ vang nòi giống tiên rồng. Ông được nhân dân tôn vinh là bậc Thánh vương, Thế giới công nhận là một trong 10 vị tướng tài lừng danh thế giới, được đúc tượng vàng lưu giữ tại Hoàng gia Anh quốc.
Căn cứ vào Đông A Ngọc phả, Đại việt sử ký toàn thư: Hưng Đạo đại vương có 04 người con trai, 02 người con gái. Đức ông Khai quốc công, Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễm là con trai cả, ông người văn võ song toàn, tận trung, tận hiếu. Ông đã sát cánh cùng Cha và quân dân Đại Việt anh dũng chiến đấu và chiến thắng quân Nguyên xâm lược. Tiêu biểu là trận đánh Vạn Kiếp năm 1285, Hưng Đạo Vương giao chiến với Thoát Hoan và Lý Hoằng, quân dân Nhà Trần đã chiến thắng, Thoát Hoan bỏ chạy, Lý Quán đem quân hộ vệ Thoát Hoan chạy về Bắc đến châu Tư Minh, Hưng Vũ Vương đuổi kịp dùng tên tẩm thuốc độc bắn chết Lý Quán, quân Nguyên tan vỡ. Trong dịp định công dẹp giặc tháng 4 năm Kỷ Sửu 1289, Vua Trần phong cấp, tặng thưởng cho tướng sĩ ba quân, Đức ông Hưng Vũ Vương được phong Khai quốc công, được ghi tên vào Trung Hưng thực lục và được vẽ tranh.
Tương truyền: Sau cuộc chiến thắng quân Nguyên xâm lược, Đức ông Trần Quốc Nghiễn về thăm lại chiến trường xưa trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử, qua cửa Nam triệu, nơi Hải Tần phòng thủ, ghé thuyền lên một gò đất cao gọi là Chương Mỹ, huyện Thủy Đường, tỉnh Hải Dương, quan sát thấy đất bãi phì nhiêu, liền cho quân lính triệu tập lưu dân, dân chài quanh vùng đắp đê khai hoang theo kế sách Đền trang thái ấp lập lên làng Nam Triệu, bên ngòi Cấm còn địa danh là Đầm Cấm.
Sau khi đắp đê, lập điền trang đời sống của nhân dân được ấm no. Để tri ân công đức của Đức ông, sau khi Đức ông qua đời nhân dân làng Nam Triệu lập miếu thờ Tôn Đức ông là Thành Hoàng làng Nam Triệu. Hàng năm đều tổ chức lễ hội vào ngày 10 tháng 8 âm lịch với nghi lễ trang trọng, ngoài lợn, gà phải có con cá nướng to và bát cá nấu riêu (ý nghĩa là bát cơm đầy và khúc cá to). Tổ chức phần hội bơi trải từ ngã ba Đầm Cấm vào miếu thờ Ông. Đức ông Thành Hoàng làng Nam triệu đã được Vua Khải Định Triều Nguyễn hai lần sắc vân gia phong 1917 và năm 1921 là Trung Hưng Trác Vị Thượng Đẳng Thần.
Trải qua biến thiên của lịch sử, đặc biệt nạn hồng thủy bão lụt năm Tân Tỵ 1821, làng Nam Triệu bị tàn phá nặng nề, không còn khả năng khôi phục, nhân dân phiêu bạt kiếm sống nhiều nơi; phần đông dân làng Nam Triệu sáp nhập vào làng Xưa (xã An Lư ngày nay) và đem cả Thần phả Thành Hoàng Làng Nam Triệu sáp nhập vào xã An Lư; nhân dân làng xưa trân trọng phối thờ tại đình đền An Lư tôn vinh là một trong tam vị Thành hoàng làng. Năm 1821 Lý trưởng xã An Lư huy động 285 người chia làm 6 đội tổ gọi là Lục phiên để bồi đắp lại đê điều; hiện còn bia ký “Khai sáng điền thổ” lập năm Tự Đức bát niên 1855.
Từ đó đền Miếu thờ Nam triệu ở đường Đầu Cầu không được trông coi tu bổ. Năm 1958, địa phương đã phá dỡ miếu lấy gạch đá xây cống, cầu thoát nước từ đầm Dài sang đầm Sáu Phiên; một số bia ký cúng bị đập phá làm mương nước… Miếu Đầu Cầu trở thành phế tích, nhân dân xâm lấn, chôn táng mộ.
Đền Nam triệu đã trải qua thời gian phục dựng:
Năm 1993, gia đình ông Bùi văn Hủn thôn Cây Đa phục dựng lại ngôi miếu nhỏ, Năm 2010 một số nhân dân tín tâm tiếp tục phục dựng, nhưng trái hướng (hướng Bắc). Ngày 19 tháng 8 năm Giáp Ngọ 2014 động thổ phục dựng nâng cấp đền Nam Triệu trên nền đất địa linh cũ; Ngày 19 tháng 9 năm Ất Mùi tổ chức khánh thành Đền;
Ngày 19 tháng 2 năm Đinh Dậu địa phương tổ chức lễ rót đồng đúc tượng đức Ông khai Quốc Công, Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn. Tượng được phối giát 01 cây vàng do một tư nhân cung tiến.
Đến giữa năm 2017, với những đóng góp to lớn của Đức ông với dân với nước, để xứng tầm lịch sử và tri ân công đức của anh hùng kiệt xuất, với nguyện vọng của nhân dân UBND xã đã lập tờ trình, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, đề nghị công nhận đền Nam triệu là DTLS;
Với lòng thành kính, tri ân công đức của các bậc tiền nhân; ngôi đền Nam Triệu được phục dựng và được công nhận là di tích lịch sử cấp Thành phố không những là niềm vô cùng tự hào, phấn khởi của cán bộ và nhân dân xã An Lư, Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp, mà còn đóng góp quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy di sản văn hóa trong quần thể tâm linh của địa phương: Đình, Đền nơi thờ Đại danh y thiền sư Tuệ Tĩnh di tích lịch sử cấp quốc gia; Cổ tự Chùa Vĩnh Am nơi nuôi giấu cán bộ tiền khởi nghĩa được nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng 3.
Ngôi đền hôm nay được khang trang, tố hảo, là di tích lịch sử cấp thành phố, đó là thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo của cán bộ, nhân dân, các doanh nghiệp, doanh nhân, việt kiều, quý khách thập phương, phát tâm công đức, trùng tu phục dựng; sự cố gắng của Ban kiến thiết nhà Đền; sự tạo điều kiện giúp đỡ của các đồng chí lãnh đạo Huyện và thành phố. Của lãnh đạo Cty TNHH Vsip Hải Phòng. Năm 2014 khi động thổ phục dựng đền ban kiến thiết chỉ có trên 12 triệu đồng, nhờ hồng ân Đức ông gia hộ, sự quyết tâm của ban kiến thiết, sự công đức quý báu của nhân dân, các doanh nghiệp doanh nhân, kiều bào và thập phương phát tâm ngôi đền được hoàn thiện tố hảo với giá trị trên 3,3 tỷ đồng. Ngày 21 tháng 11 năm Đinh Dậu 2017 Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ và nhân dân xã An Lư long trọng tổ chức Lễ đón nhận bằng di tích lịch sử đền Nam Triệu xã An Lư.
Để thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị của DTLS; thể theo nguyện vọng của nhân dân; Đảng ủy, chính quyền địa phương quyết định lấy ngày 19 tháng 2 âm lịch hàng năm là ngày Lễ hội truyền thống Đền Nam Triệu xã An Lư, đúng ngày tổ chức Lễ rót đồng đúc tượng Đức ông, theo văn hóa tâm linh như là ngày Tái sinh của Đức ông.
Theo Đông A ngọc phả ngày hóa của Đức ông là ngày 24 tháng tư; ngày 10 tháng 8 là ngày kỷ niệm ngày Đức ông đặt chân đến mảnh đất này (Đồng thổ)
Các nghi lễ sẽ được tổ chức theo thuần phong mỹ tục và các quy định của nhà nước, nhằm phát huy truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, tri ân công đức tiền nhân, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Hằng năm, Đền Nam Triệu mở hội vào ngày 19 tháng 02 âm lịch, Lễ hội thu hút được đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương đến dâng hương, dự hội.
Thành đoàn Hải Phòng