ĐỀN KIỀU ĐÔNG - XÃ HỒNG THÁI - HUYỆN AN DƯƠNG

25 10 2023

in trang

Kiều Đông xa xưa là xã Điều Yêu Đông, thuộc huyện An Dương, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Kiều Yêu Đông (喬夭東), theo Hán tự có nghĩa là vùng đất cao, đẹp ở phía Đông. Kiều Yêu (喬東), theo Hán tự có nghĩa là vùng đất cao ở phía Đông. Vùng đất Kiều Đông, có con người đến sinh cơ lập nghiệp từ thời Lý, thế kỷ XI - XII, bởi thời Trần, trang Kiều Đông đã phát triển đông đúc, trù phú, nên mới sinh ra tướng quân Hoàng Công Thản, sau này làm Thành hoàng của làng.


Đền Kiều Đông thuộc thôn Kiều Đông, xã Hồng Thái, ngôi đền được mang chính tên địa phương, nơi cộng đồng đã sản sinh ra nó. Đền Kiều Đông được xếp hạng di tích lịch sử của thành phố Hải Phòng năm 2012.

Kiều Đông xa xưa là xã Điều Yêu Đông, thuộc huyện An Dương, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Kiều Yêu Đông (喬夭東), theo Hán tự có nghĩa là vùng đất cao, đẹp ở phía Đông. Kiều Yêu (喬東), theo Hán tự có nghĩa là vùng đất cao ở phía Đông.

Vùng đất Kiều Đông, có con người đến sinh cơ lập nghiệp từ thời Lý, thế kỷ XI - XII, bởi thời Trần, trang Kiều Đông đã phát triển đông đúc, trù phú, nên mới sinh ra tướng quân Hoàng Công Thản, sau này làm Thành hoàng của làng.

Xã Kiều Đông trước năm 1945 có 1 đình, 1 chùa, chùa có tên chữ “Đông Quang” (東光) và 1 miếu, miếu thờ Thành hoàng Hoàng Công Thản. Đình Kiều Đông đã bị hủy hoại trong thời gian trước đây. Năm 2008, nhân dân làng Kiều Đông dựng ngôi đền nằm cùng với khuôn viên miếu và lăng mộ của Ngài Hoàng Công Thản để phụng thờ ông. 

Đình Kiều Đông thờ 2 vị Thành hoàng là hai anh em ruột, Hoàng Công Thản và Hoàng Thị Châu. Theo thần tích, thần sắc được các vị chức dịch làng Kiều Đông, tổng Kiều Yêu, huyện An Dương khai báo về trên năm 1938, thân thế sự nghiệp của 2 vị Thành hoàng được tóm tắt như sau: 

Vị Thành hoàng thứ nhất là Hoàng Công Thản, tên chữ là Chung Bằng. Ông Thản sinh vào ngày 10 tháng 9, khi tuổi nhỏ đã thông minh hơn người, năm 15 tuổi văn, võ kiêm toàn. Ông đến học tại Tràng An và đã nổi tiếng là anh tài. Năm ông Thản 24 tuổi, ông được Trần Quang Khải tiến cử với vua Trần, Trần Thánh Tông rất quý mến, phong làm Tri Châu, năm sau được thăng Trung lang lệnh. Năm ông 28 tuổi, cha, mẹ đều qua đời, ông xin về quê hương cư tang phụ, mẫu. Nhà vua ban tiền công cho ông về làm hiếu lễ. Thời ấy ông đã bỏ tiền mua ruộng cho người dân quê hương. Sau khi mãn  tang, ông về triều và được vua phong làm “Nội thị kiêm quản Thiên Trường phủ”. Năm Ất Mão, ông Thản được  phong  làm  Thiếu  úy, Quán  phục  Hầu.  Năm  Quý Mùi (1283)(*), có giặc Nguyên Mông sang xâm lược nước ta, ông được vua phong làm Hành khiển mang quân đánh giặc. Sau khi thắng giặc ông Thản được phong chức Phó Đô úy, vua chiếu cho dân Kiều Đông được miễn trừ tô thuế, phu dịch 5 năm liền. Năm 1287, giặc Nguyên Mông lại sang xâm lược nước ta, vua cử ngài  cầm  quân  cùng  Trần Hưng Đạo đánh giặc ở Bạch Đằng  Giang.  Quân  giặc  đại bại, nhà vua phong cho ông Hoàng Công Thản là Uy Mẫn tổng, được làm Phụ chính cho vua. Được một thời gian do công việc nhiều, nên ông bị bệnh, ông xin về quê nhà dưỡng bệnh. Nhà vua ban cho ông tiền của, voi, ngựa, quân lính về cùng ông, mua công điền cho ông và cứ vài tháng vua lại cử các quan trong triều về thăm hỏi ông. Nhưng do bệnh nặng, ông đã mất vào ngày 20 tháng 11 và đã hiển thần từ đó. Thần hiệu của Ngài là “Linh ứng Đại Vương”.

Đến thời vua Thái tổ Cao Hoàng Đế (vua Lê Lợi), mang quân qua làng Kiều Đông, trời mưa to, gió lớn không thể đi được, vua cho đóng quân tại đây. Đêm vua nằm ngủ mộng thấy Hoàng Công Thản hiện về xin âm phù cho ba quân. Sau đó vua bình được giặc Minh. Nhớ đến công âm phù của Ngài, vua Lê Lợi đã sắc phong, ban cho làng Kiều Đông một trăm lượng tiền, lệnh cho dân địa phương rước sắc về xây dựng đền phụng thờ Ngài Hoàng Công Thản. Kể từ đó người dân đến cầu Ngài tại đền thờ đều thấy linh ứng, sáng tỏ. 

(*) Thần tích có thể ghi nhầm, theo chính sử là năm Ất Dậu (1285)

Vị Thành hoàng thứ 2 bà Hoàng Thị Châu, em gái của ông Hoàng Công Thản. Ngày sinh, ngày mất của Ngài không rõ. Thời vua Trần Nhân Tông, tổ chức lễ đại khánh quốc gia, có chiếu triệu hồi tất cả những phụ nữ tài sắc, có khả năng múa giỏi, hát hay trong thiên hạ vào kinh thành biểu diễn. Vào thời đó, bà Hoàng Thị Châu mới 18 tuổi, bà có nhan sắc lại múa rất đẹp, hát rất hay. Sau khi xem bà biểu diễn, nhà vua khen ngợi bà Châu và tuyển bà vào trong cung làm phi tần. Sau một thời gian, bà được phong làm Hậu phi của vua Trần Nhân Tông. Vua Trần Nhân Tông bỏ ngai vàng lên núi Yên Tử tu Phật, bà Hoàng Thị Châu cùng nhiều cung tần trong cung vua đã tìm đến Yên Tử để theo hầu vua. Nhưng đến suối Hổ Khê (nay gọi là suối Giải Oan), thuộc dãy núi Yên Tử thì bị quân triều đình ngăn lại. Bà Châu cùng một số cung nữ đã nhảy xuống suối tự tận để giữ tấm lòng trinh tiết với nhà vua. Bởi vậy sau sự kiện đó người dân địa phương gọi suối Hổ Khê là suối Giải Oan, người dân đã dựng ngôi chùa Giải Oan để thờ Phật và thờ các vị cung nữ và bà Hậu phi. Được tin bà Hậu phi mất, người dân trang Kiều Đông đã dựng miếu phụng thờ tôn vinh bà làm Thành hoàng. Một số triều vua đã ban tặng sắc phong, gia tặng mỹ tự, thần hiệu cho bà. Sắc phong vua Khải Định năm thứ 2 (1917) ghi rõ: Sắc cho xã Kiều Yêu Đông, huyện An Dương, tỉnh Kiến An phụng thờ Hậu phi của vua Trần Nhân Tông là Hoàng Thị Châu. Sắc vua Khải Định năm thứ 9 (1924), phong cho Hậu phi triều Trần là Hoàng Thị Châu tôn thần; nâng phẩm trật, gia tặng cho bà là “Trang huy, Thượng đẳng thần”. Trong các bậc thánh mẫu, việc vua ban phong phẩm trật cao nhất Thượng đẳng thần như Hậu phi Hoàng Thị Châu là rất hy hữu. 

Đền Kiều Đông nằm ngay bên trục đường chính, liên thôn, liên xã của xã Hồng Thái. Đền tọa lạc trên một khu đất rộng rãi, thoáng mát, nhìn về hướng Nam, hướng đắc địa để thánh nghe được người dân tâu bày mà phù hộ. Đền nằm cùng khuôn viên với ngôi miếu cổ và lăng mộ của Ngài Hoàng Công Thản. Đền nằm cận kề với ngôi chùa làng, tạo nơi đây trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Trước đền là hồ nước rộng, theo phong thủy là nơi tích phúc của dân làng. 

Từ sân bước lên hiên đền khá cao qua tới 5 bậc cấp. Đền Kiều Đông làm bằng vật liệu hiện đại, bê tông cốt sắt kết hợp với vật liệu truyền thống, có mặt bằng kiến trúc chữ đinh, gồm năm gian tiền bái và ba gian hậu cung, trong đó có một gian cung cấm. Tiền bái xây kiểu chồng diêm, mái chéo đao tầu góc, lợp ngói mũi. Trên mái trang trí đắp, vẽ theo đề tài truyền thống như: đỉnh giữa bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt, hai đầu bờ nóc đắp kìm, các góc đao đắp tổ hợp rồng chầu, phượng vũ. Tiền bái có ba gian cửa chính, cửa đóng theo thức cửa cổ, cửa thùng khung khách, mỗi gian bốn cánh, cánh theo kiểu thượng song hạ bản. Chắn phong trên cửa và trên cổ diêm của tòa tiền bái là hệ thống con song tiện, tạo cho phía trong đền thoáng và sáng hơn. Tường phía trước của hai gian hồi tiền bái trổ cửa sổ hình tròn, đặt tấm đan thoáng kiểu hình chữ thọ cách điệu. 

Hệ thống khung chịu lực của nhà tiền bái bằng bê tông, cốt sắt, kết cấu gồm bốn bộ vì, vì hai hàng chân cột, toàn bộ cột quân được thay thế bằng tường bao che. Bộ vì cấu trúc vì nóc kiểu chồng rường giá chiêng, con nhị, vì nách thuận chồng ba con. Hệ thống vì tòa tiền bái được liên kết chặt chẽ với nhau qua hệ thống xà thượng, xà hạ được tạo dáng vỏ măng, chắc khỏe. 

Tòa hậu cung, bộ khung chịu lực làm bằng bê tông, cốt sắt, cấu tạo gồm ba bộ vì, các bộ vì cấu tạo tương tự như bộ vì tòa tiền bái. Trên cấu kiện kiến trúc của các bộ vì của hai tòa tiền bái, hậu cung, như: trên thuận, đầu xà đều được đắp trang trí theo đề tài lá guột, mềm mại. Đấu kê thuận tạo hình vuông thót đáy, trên đấu đắp hoa văn, hoa sen cách điệu. 

Trải qua thời gian thăng trầm của lịch sử, binh lửa chiến tranh, nên đồ thờ tự, tế khí của đền cũng bị hủy hoại, mất mát, hiện chỉ còn bảo tồn được bộ long ngai và thần tượng Ngài Hoàng Công Thản. Long ngai, thần tượng và khám đều làm bằng gỗ quý và được đặt trên bệ thờ cao trong cung cấm. Thần tượng ngồi trên bệ ngọc trong long ngai và trong khám thờ lớn. Thần tượng trong tư thế phụng triều, mặc phẩm phục, có cân đai, chân đi hia, phẩm phục thêu rồng, mây, sóng nước. Thần tượng đội mũ cánh chuồn, mặt vuông chữ điền, mắt sáng, nhìn thẳng, tay phải cầm quạt, tay trái đặt tự nhiên trên gối trái. Thần tượng thể hiện thần thái uy nghiêm, cương nghị. Qua hoa văn trang trí trên trên phẩm phục xác định long ngai, thần tượng được tạo tác đầu thế kỷ XX.

Trước kia làng Kiều Đông hằng năm tính theo âm lịch thường có những tiết lễ để cúng tế Thành hoàng. Nhưng vào dịp 11 tháng 2 là ngày hội lễ lớn nhất trong năm. Lễ hội kéo dài 2 ngày từ 11 đến ngày 12 tháng 2; ngoài phần tế lễ, dâng hương thánh, địa phương còn tổ chức các trò chơi thi đấu như: đấu vật, chọi gà, hát ca trù, hát chèo sân đình... 

Ngày nay, người dân địa phương đang từng bước khơi trong gạn đục, kế thừa, phát huy các nét đẹp văn hóa trong sinh hoạt văn hóa lễ hội của tiền nhân để lại. 

Đền Kiều Đông mới được xây dựng, nhưng vẫn mang kiểu dáng của một công trình kiến trúc truyền thống. Ngôi đền là nơi hoạt động, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh thờ Thành hoàng duy nhất của địa phương. Ngôi đền đang đảm nhiệm cả chức năng của đình làng, nơi lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng làng Kiều Đông. Ngôi đền là dấu tích lịch sử minh chứng cho quê hương đã có gần một ngàn năm lịch sử. Ngôi đền như tượng đài ca ngợi, tôn vinh những vị anh hùng, những người con ưu tú của quê hương có nhiều công lao với dân, với nước. Đặc biệt có bà Hoàng Thị Châu, một bậc Hậu phi, một mỹ nhân, liệt nữ đã được nhà vua ban sắc phong phẩm trật thần cao nhất “Thượng đẳng thần”. Di tích đền Kiều Đông cùng với hệ thống di tích đã xếp hạng của xã Hồng Thái, tạo thành tuyến tham quan du lịch hấp dẫn về lịch sử, văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng của người dân trong và ngoài thành phố Hải Phòng. 

 

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke