ĐỀN KHA LÂM, QUẬN KIẾN AN, THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

12 06 2023

in trang

Làng Kha Lâm vốn là nơi sơn thủy hữu tình, phía Bắc là dãy đồi Thiên Văn thơ mộng, phía Nam tiếp giáp vùng sông nước mênh mang. Thế đất nơi đây ví như Long chầu, Hổ phục, nơi địa linh sinh nhân kiệt. Tự hào với truyền thống vẻ vang của dân tộc, mảnh đất Kha Lâm thời Trần cũng đã sớm xuất hiện những tên tuổi lớn. Đó là Chiêu Chinh Công Chúa và 4 vị tướng người làng Kha Lâm: Trần Nhội, Nguyễn Thiên Lộc, Nguyễn Danh Bình, Nguyễn Mẫn có công lớn trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên lần thứ 2 và 3.


Làng Kha Lâm vốn là nơi sơn thủy hữu tình, phía Bắc là dãy đồi Thiên Văn thơ mộng, phía Nam tiếp giáp vùng sông nước mênh mang. Thế đất nơi đây ví như Long chầu, Hổ phục, nơi địa linh sinh nhân kiệt. Tự hào với truyền thống vẻ vang của dân tộc, mảnh đất Kha Lâm thời Trần cũng đã sớm xuất hiện những tên tuổi lớn. Đó là Chiêu Chinh Công Chúa và 4 vị tướng người làng Kha Lâm: Trần Nhội, Nguyễn Thiên Lộc, Nguyễn Danh Bình, Nguyễn Mẫn có công lớn trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên lần thứ 2 và 3.

PHẦN I: CHIÊU CHINH CÔNG CHÚA

Từ khi còn là Hoàng Thái tử (Thái tử Hoảng) Trần Thánh Tông (làm vua năm Kỷ Mùi 1259) thường xa giá chu du thiên hạ. Một ngày kia, vua đến xã Kha Lâm huyện An Lão gặp người con gái họ Trần tên Hương, tài sắc tuyệt vời đem lòng yêu mến rồi tuyển vào cung làm phu nhân thứ 4.

Sau khi được tuyển vào cung, ngày mồng 6/2 năm Mậu Ngọ (1258) bà Trần Thị Hương đã hạ sinh một công chúa và là công chúa thứ 6 con vua Trần Thánh Tông. Vua Trần Thánh Tông đã đặt tên công chúa là Hinh. Khi lớn lên công chúa vô cùng xinh đẹp lại học rộng, tài đức vẹn toàn nên vua cha vô cùng yêu mến. Công chúa lại giỏi cưỡi ngựa, bắn cung nên vua ban tước hiệu là Chiêu Chinh. Khi kén phò mã, vua gả công chúa cho vị công tử là Đỗ Khắc Hàn, vợ chồng đoàn tụ được 3 năm thì chồng mất, công chúa một lòng thủ tiết sống trong cảnh cô đơn.

Tháng giêng năm Ất Dậu (1285) vua Nguyên sai tướng Ô Mã Nhi đánh nước ta lần thứ 2. Tình hình đất nước lâm nguy, nghìn cân treo sợi tóc. Vua đã họp quần thần ở điện Diên Hồng bàn kế chống giặc. Có một cụ già hiến kế vua nên học cách người xưa bên Tầu, cống nạp gái đẹp tìm cách hòa hoãn để tính kế lâu dài. Lúc này Trần Thánh Tông đã nhường ngôi cho Thái tử Khâm (Trần Nhân Tông) được 6 năm (Nhân Tông nên làm vua năm Kỷ Mão 1279) trở thành Thái Thượng Hoàng. Thượng Hoàng đã cho mời công chúa Quỳnh Trân ở chùa Nghi Dương về Kinh nghe chỉ, nhưng Quỳnh Trân không chịu nghe theo. Thượng Hoàng lại triệu Chiêu Chinh Công Chúa, nhưng công chúa cũng khước từ. Trước sự khảng khái của Chiêu Chinh Công Chúa, Thượng Hoàng đã đồng ý cho Công Chúa tùy ý trở về quê ngoại Kha Lâm.

Về quê ngoại Kha Lâm, Chiêu Chinh Công Chúa luôn tỏ ra là bậc tài đức vẹn toàn. Ngoài việc xây chùa, sớm tối tụng kinh niệm Phật, đức bà còn chăm lo xây cầu, mở chợ để cho dân làm ăn, buôn bán. Như xây chùa Kim Lâm ở Kha Lâm, xây cầu và chợ bến đò Kiến An. Trước cảnh vận nước lâm nguy bị quân Nguyên xâm lược, Chiêu Chinh Công chúa đã tập hợp nhiều trai tráng trong làng luyện tập võ nghệ, rèn đúc vũ khí để giúp vua cha đánh giặc. Nơi ghi dấu ấn về tuyển quân luyện võ xưa kia của Chiêu Chinh Công Chúa chính là địa điểm ngôi đền Kiến Vũ, phường Bắc Sơn ngày nay. Trên đất Tây Sơn (phường Trần Thành Ngọ) xưa kia Chiêu Chinh Công Chúa cũng xây một ngôi chùa để dân có nơi thờ Phật. Sau này người dân Tây Sơn cũng lập một ngôi đền để tưởng nhớ công ơn Đức bà Chiêu Chinh Công Chúa. Thật là quê ngoại ở Kha Lâm nhưng ơn đức của Chiêu Chinh Công Chúa tỏa sáng khắp vùng Kiến An. Chính vì công ơn của Chiêu Chinh Công Chúa tỏa sáng khắp vùng mà ngày nay trên địa bàn Kiến An có ba ngôi đến cùng thờ Người: Đền Kha Lâm phường Nam Sơn (quê mẹ), đên Tây Sơn phường Trần Thành Ngọ, đền Kiến Vũ phường Bắc Sơn. Ngoài Quận Kiến An, phía chân cầu Kiến An thuộc địa phận làng Hầu, xã Hồng Thái, huyện An Dương, cũng có một ngôi miếu thờ Chiêu Chinh Công Chúa. Nơi đây xưa kia Đức Bà đã xây một cây cầu nên người dân đã dựng miếu thờ để tưởng nhớ công ơn Người.

Đến tuần trọng Hạ năm Giáp Ngọ (1294), Công chúa lâm trọng bệnh, Công Chúa đã cho mời dân chúng trong ấp đến nhà dặn rằng: “Ta nay bệnh tình nguy ngập, sắp cưỡi xe Loan về trốn Tây Thiên. Nay có hơn 100 mẫu ruộng ở xứ Đồng Ngoài, hãy đem chia đều cho nhân dân trong xã cày cấy, còn dư 12 mẫu ở ven sông dùng vào việc mở mang chợ búa” mọi người đều vâng theo lời dặn. Sau đó Công Chúa ngồi mà hóa ngày 3/6 năm Giáp Ngọ (1294) vừa tròn 36 tuổi. Nhân dân làm lễ an táng Công Chúa ở vườn sau của Nội tự (Kim Lâm tự) được 3 năm đưa Ngọc cốt về An Sinh, táng ở lăng Bảo Đức. Nhân dân Kha Lâm ghi nhớ công ơn lập miếu thờ, đề thần hiệu là Chiêu Chinh Công Chúa Đại Vương.

Theo Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính triều Lê có ghi trong Chiêu Chinh ngọc phả lục: Đức Thái tổ Cao Hoàng Đế (Lê Lợi) đem quân diệt giặc qua đền Kha Lâm ứng mộng lành, được Đức Bà trợ giúp đánh thắng quân giặc đã gia phong cho Công Chúa Thần hiệu cũ, lại tặng thêm bốn mĩ tự là “Phương dung, Ý đức, tế thế, an dân”, có nghĩa là: “Sắc đẹp, đức hiền, cứu đời, giúp dân”.

PHẦN II: ĐỀN KHA LÂM

Đền Kha Lâm buổi đầu là 1 ngôi miếu nhỏ tọa lạc trên mảnh đất của thôn Đông Cao xã Kha Lâm (vị trí ngôi đền ngày nay). Phía trước cửa đền xa xưa là vùng đầm nước mênh mang, việc đi lại chủ yếu bằng thuyền. Nơi đây xưa kia là bến thuyền của Đức Bà phục vụ cày ấy, thu hoạch sản vật khu ruộng xứ Đồng Ngoài. Khi Công Chúa mất, ruộng được chia đều nên người dân lấy đó mang ơn mà lập đền thờ nơi đây để thuận tiện việc cúng lễ. Về sau dân làng dựng 1 ngôi đền khang trang, to đẹp hơn tượng đúc bằng đồng đen, hàng năm cứ vào dịp thánh đản (mùng 6/2) và thánh hóa (mùng 3/6) dân làng mở lễ hội rất đông vui. Trải qua thời gian, chiến tranh giặc dã ngôi đền đã bị tàn phá nhiều lần.

Thời kỳ thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ nhất, các phong trào chống Pháp nổi lên ở nhiều nơi, cuối thế kỷ XIX triều đình nhà Nguyễn suy tàn, vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương chống Pháp. Ở Kha Lâm có cụ Thống Trực, người họ Phạm Trọng đã tổ chức nghĩa quân nổi lên chống giặc năm 1893. Ngôi đền Kha Lâm đã được nghĩa quân chọn làm nơi đóng đại bản doanh lúc đầu và tổ chức lễ tế cờ. Nghĩa quân Thống Trực đã gây cho quân Pháp chịu nhiều tổn thất ở quanh vùng Kiến An, Hải Phòng. Năm 1903 quân Pháp đã bao vây triệt hạ làng và đốt phá đền Kha Lâm. Cảnh tượng tàn phá của quân giặc diễn ra tại ngôi đền thật bi thương. Bọn lính Lê Dương tàn bạo là thế nhưng trước tượng Đức bà tên nào, tên nấy đều run rẩy, sợ hãi. Sau đó bọn chỉ huy cho lính mang kèn đồng thổi uy hiếp pho tượng đồng chúng đặt ở giữa sân rồi mới châm lửa thiêu cháy ngôi đền. Cuộc khởi nghĩa Thống Trực kéo dài được 10 năm (1893 - 1903) thì bị quân giặc dập tắt. Sau khi đốt phá đền, giặc Pháp đã cướp tượng đồng mang về Pháp. Đến giữa biển bỗng dưng nổi giông tố, tàu giặc bị đắm mang theo tượng thiêng Đức bà xuống đáy biển sâu. Người đời sau đều tin rằng chính Đức bà linh thiêng đã nhấn chìm tàu giặc, không chịu khuất phục trước kẻ thù. Sau này dân làng dựng lại ngôi đền trên nền đất cũ.

Năm 1927, dưới sự lãnh đạo của nhà yêu nước Nguyễn Thái Học, ở Kha lâm lại nổi lên phong trào chống Pháp của chi bộ Quốc Dân Đảng do cụ Nguyễn Phúc Hội lãnh đạo. Đền Kha Lâm lại là nơi tụ hội của anh em Quốc Dân Đảng bàn việc đánh tây. Phong trào này đến đầu năm 1930 bị thực dân Pháp đập tắt, nhiều người bị bắt tù đầy nhưng cũng để lại tiếng vang tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm của người dân Kha Lâm.

Sau khi cuộc Cách Mạng tháng 8 năm 1945 giành thắng lợi, ngày 2/9/1945 Hồ Chủ Tịch đọc bản tuyên ngôn độc lập trên Quảng trường Ba Đình lịch sử. Không bao lâu sau, thực dân Pháp lại tiến hành xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 19/12/1946, Hồ Chủ Tịch ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Mùa đông năm 1947, ngôi đền lại bị chiến tranh phá hủy lần thứ 2. Năm 1950, nhân dân Kha Lâm đã mua 01 ngôi nhà gỗ 5 gian của một gia đình ở Phủ Niệm dựng lại ngôi đền trên nền đất cũ. Đền có kết cấu chữ Đinh, các hoành phi, câu đối, cửa võng, kiệu bát cống được chạm khắc công phu. Mái đền lợp ngói mũi lưỡng long chầu nguyệt, hồi văn chỉ mớ, phía trước là hồ Bán Nguyệt. Trong đền có đôi câu đối cổ ca ngợi thân thế Công Chúa.

Trải qua thăng trầm của lịch sử, tại ngôi đền không những bị phá hủy nhiều lần mà còn có nhiều biến cố. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, người dân Kha Lâm lại một lần nữa đứng lên chống giặc. Đền Kha Lâm cũng là nơi che trở cho các chiến sĩ Cách Mạng. Nơi đây đã chứng kiến nhiều sự kiện Cách Mạng và những chiến công của đội quân du kích địa phương. Đó là trận đánh của du kích địa phương và lực lượng quần chúng ở Kha Lâm tham gia cướp dinh tỉnh trưởng trong Cách mạng mùa Thu tháng 8 năm 1945 ở Kiến An. Trận đánh quân Pháp từ Hải Phòng tràn sang Kiến An ngày 25 tháng 04 năm 1947 trên đường 10 và Đồi Thiên Văn. Sau này là trận đốt phá kho đạn Kha Lâm và phong trào "Diệt ác, trừ gian" trong suốt 9 năm chống Pháp.

Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ từ 1965-1972 đền Kha Lâm là cơ sở sơ tán của Đảng, Chính quyền xã Nam Hà (nay là phường Nam Sơn).

Ngôi đền dù có biến cố thăng trầm nhưng từ lâu đã ăn sâu vào kí ức tâm linh của người dân địa phương. Việc giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống được đông đảo người dân nơi đây coi trọng. Năm 1987, nhân dân địa phương đã xây dựng lại ngôi dải vũ và thiết lập cung thờ Phật bên phải ngôi Đền. Năm 1997, xây 1 ngôi miếu bên trái cạnh đền để làm nơi thờ tứ vị. Các năm 2002- 2003 ngôi đền được tu bổ, tôn tạo, sửa chữa lớn cả nội và ngoại thất. Hồ bán nguyệt trước đền được cải tạo, xây đài sen, dựng tượng Phật Bà Quan Âm. Xưa kia cổng đền ở phía sau. Năm 2007 cổng đền được xây dựng về phía đường Chiêu Chinh cùng với hệ thống đường vào phía trước ngôi đền. Năm 2012 cải tạo hệ thống bồn hoa, cây cảnh và dựng hòn non bộ, ban Trình. Hàng năm nhân dân địa phương và khách thập phương công đức nhiều công sức, kinh phí phục vụ việc tu bổ, tôn tạo đền. Từ một ngôi đền tọa lạc trên thửa đất khoảng 3 sào, với sự phát tâm công đức của nhân dân, đền đã có diện tích rộng gấp 3 lần ban đầu.

Đền Kha Lâm ngày nay tuy được tu bổ nhiều lần nhưng vẫn giữ nguyên kiểu dáng được xây dựng lại từ xa xưa. Từ một ngôi đền trải qua nhiều biến cố, ngày nay đền Kha Lâm đã trở lên khang trang tố hảo, với những khối kiến trúc hài hòa, đáp ứng nhu cầu tâm linh và thưởng ngoạn của nhân dân cùng quý khách thập phương. Bước qua cổng tam quan cạnh đường Chiêu Chinh, khách hành hương đến Ban Trình, vào thắp hương Quán Thế Âm Bồ Tát trên hồ Bán Nguyệt. Trong nội tự, phía chính giữa là đền thờ Đức Bà Chiêu Chinh Công Chúa; bên phải là cung thờ Mẫu; bên trái là miếu thờ các vị tướng thời Trần: Trần Nhội, Nguyễn Thiên Lộc, Nguyễn Danh Bình, Nguyễn Mẫn, Trần Phương.

Đền Kha Lâm ngày nay, là một quần thể văn hóa tâm linh tiêu biểu của địa phương. Nơi đây không chỉ tôn thờ những vị phúc thần, võ tướng có công với nước,với dân mà còn lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống quý báu mang đậm bản sắc dân tộc. Đó là truyền thống đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm, tinh thần tương thân tương ái, vị tha, nhân hậu, yêu nước, thương nòi, ăn quả nhớ người trồng cây. Trong Đền còn có ban thờ các Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc.

Hàng năm cứ vào dịp lễ thánh đản Chiêu Chinh Công Chúa, dân làng lại tưng bừng mở lễ hội từ ngày 4 ngày 6/2 âm lịch. Nhân dân địa phương rất tự hào từ năm 1988 lễ hội đền Kha Lâm sau 1 thời gian dài bị quên lãng đã được khôi phục và là lễ hội đầu tiên được mở lại ở Kiến An, trong thời kì đổi mới. Trong lễ hội có các nghi lễ rước kiệu thánh, tế lễ dâng hương và phần hội có các hoạt động văn hóa, văn nghệ phong phú như hát chèo, hát văn, diễn xướng các tích trò cổ. Lễ hội còn có các trò chơi truyền thống như đấu vật, chọi gà, đập miêu, tổ tôm điếm... nhân dân và khách hành hương về dự lễ hội rất đông vui. Đặc biệt từ năm 2014, cứ vào dịp lễ hội các ngõ phố đều căng cờ, dựng rạp liên hoan rước lễ về Đền rất hồ hởi; tạo nên không khí tưng bừng phấn khởi đến mọi ngõ phố, nhà dân ở địa phương; tạo lên sự gắn kết cộng đồng.

Với thân thế và sự nghiệp tỏa sáng của Đức Bà Chiêu Chinh Công Chúa về tinh thân yêu nước thương nòi. Và với vị trí tầm vóc về giá trị lịch sử của ngôi Đền, ngày 08 tháng 8 năm 1992 Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn khu thể thao - Du lịch) đã cấp bằng công nhận đền Kha Lâm là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.

Điền Kha Lâm từ lâu đã là nơi gửi gắm tâm linh của người dân địa phương và khách thập phương và cũng là địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống cho các thế hệ người dân nơi đây.

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke