ĐỀN DƯƠNG ÁO, XÃ HÙNG THẮNG, HUYỆN TIÊN LÃNG
08 03 2023
in trang
Đền Dương Áo được phục dựng vào năm 2007, Đền xây 3 gian tiền đường, 2 gian chuôi vồ, kết cấu bằng xi măng cốt thép, các vì nhà đổ theo kiểu thuận chồng, trên các bộ vì là hoành rui bằng gỗ táu mật. Trên mái lợp bằng ngói mũi, bên ngoài là 3 gian cánh cửa đóng theo kiểu cửa thùng khung khách. Bên trên lóc trang trí có hai con rồng và một mặt nguyệt thường gọi là “lưỡng long cầu nguyệt”. Diện tích đất theo bản hoạch định: 4.555 m2.
Làng văn hoá Dương áo hiện nay thuộc xã Hùng Thắng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, có diện tích tự nhiên 252ha .
Cách trung tâm huyện 14km, cách trung tâm thành phố 34km, cách bờ biển 4km, Làng có hai thôn (thôn 5 và 6).
Theo lịch sử Đảng bộ xã Hùng Thắng (trang 10) ghi: Xã Hùng Thắng xưa khởi thuỷ là một đồn trấn thủ vùng của Biển kẹp giữa sông Văn Úc và sông Thái Bình, có tên là Dương Áo, thuộc tổng Ngải Am, huyện Đông Lợi (Vĩnh Bảo ngày nay). Dương Áo có nghĩa là vùng đất sâu ở phía mặt trời. Từ một đồn trấn thủ ban đầu ra đời vào thời nhà Trần (1226-1400) dần dần dân cư chài lưới ở khắp nơi tìm đến định cư đã quy tập nên làng Dương Áo vào đầu thế kỷ 15.
Cũng theo lịch sử Đảng bộ xã Hùng Thắng (trang 18) có đoạn ghi “thời nhà Trần (1226 -1400) chiều đình đã cho lập một đồn trấn ở đây và những người lính “Biên Phòng” ngày ấy đã trở thành những chủ nhân đầu tiên của mảnh đất này. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược nước ta lần thứ hai (1285) trước thế giặc mạnh, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn lãnh trách nhiệm đưa Vua và Triều Đình đi lánh nạn, chờ thời cơ phản công tiêu diệt địch. Trên đường lánh nạn, xa giá của quan quân đi qua của biển Đại bàng (tức cửa sông Văn Úc) (theo lời chú của giáo sư sử học Hà Văn Tấn) đã nhận được sự giúp đỡ tận tâm của binh lính ở đồn trấn Dương Áo.
Làng Dương Áo trước cách mạng tháng 8 năm 1945 là xã Dương Áo, thuộc tổng Dương Áo, huyện Tiên Lãng, Tỉnh Kiến An.
Trước thời Gia Long thứ 11 là xã Dương úc, huyện Tiên Minh, phủ Nam Sách, Trấn Hải Dương.
Từ đầu thế kỷ 19, tổng Dương Áo hình thành gồm 9 xã: Dương Úc (Dương Áo), Văn úc, Vấn Đông, Lao Chủ, Lao Khê, Vân Đô, Xuân Úc, Kỳ Úc, Thuỷ Nẻo.
Đến năm 1901 thêm xã Thái Hoà nhưng bớt đi 4 xã: Kỳ Úc, Xuân Úc, Thuý Nẻo, Vân Đô cho việc lập tổng mới Kỳ Úc.
Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, UBND cách mạng lâm thời huyện Tiên Lãng đổi tên gọi Tổng Dương Áo thành xã Hùng Thắng, đổi tên gọi 6 xã thuộc tổng Dương Áo thành thôn sáp nhập xã Lao Chử, Lao Khê thành thôn Chử Khê. Như vậy từ đây xã Hùng Thắng có 5 thôn: Dương Áo, Vấn Đông, Văn Úc, Chử Khê, Thái Hoà.
Hồ sơ này xin được đề cập đến những nơi thờ tự tôn giáo và tín ngưỡng của làng Dương Áo.
Đạo Phật: Trên địa bàn xã Hùng Thắng nói chung, làng Dương Áo nói riêng có 02 tôn giáo đó là Phật giáo và Công giáo. Phật giáo du nhập vào Tiên Lãng ở thế kỷ thứ 5. Chùa Bạch Đa làng Dương Áo xây dựng vào thời vua Lê Hi Tông Niên Hiệu Chính Hoà 20 (1699) là một trong những ngôi chùa cổ của huyện Tiên Lãng, tấm bia ghi hưng công hiện nay còn tại chùa, ghi việc xây mới chùa Bạch Đa, quan viên hương trưởng trên dưới cùng các sái vãi thiện nam, tín nữ, kèm theo bản danh sách dài liệt kê họ tên cùng số tiền, ruộng củng góp vào việc xây dựng ngôi chùa. Đoạn cuối tấm văn bia ghi ngày đẹp, tháng chạp Niên hiệu Chính Hoà 20 (1699). Như vậy Chùa Bạch Đa xây dựng cách đây hơn 3 thế kỷ.
Chùa Bạch Đa có nhà sư yêu nước đó là Hoà Thượng Thích Thanh Lãng, chủ tịch Hội Tăng Già cứu quốc huyện Tiên Lãng, hy sinh ngày 20/9/1952, Chùa Bạch Đa Làng Dương Áo đã có 5 vị Hoà thượng viên tịch tại Chùa.
Đạo Công Giáo: Đạo Công giáo du nhập vào huyện Tiên Lãng cuối thế kỷ 17. Tháng 3 năm 1784 lập Giáo sứ Thuý Nẻo. Họ Giáo làng Dương Áo thuộc giáo xứ Thuỷ Nẻo. Nhà thờ họ giáo làng Dương Áo xây dựng vào năm 1917 có 5 gian tường đất, giám mục Hải Phòng lúc đó là Đức Cha Phanxico Gomez Santiago. Người giáo dân họ giáo Dương Áo đầu tiên là Pêrô Đào Văn Trì, người trùm trưởng đầu tiên là Pêrô Đào Văn Khị. Do nhà thờ xuống cấp nghiêm trọng. năm 2000 giáo dân họ giáo đã xây dựng lại nhà thờ 7 gian, diện tích sử dụng 83m. Những năm sau đó xây nhà khách và các công trịnh phụ trợ. Khu vực nhà thờ hiện nay rất khang trang
Các địa điểm thờ thần làng có công với dân làng :
Đình làng: Theo thần tích thần sắc Đình thờ vị thần Thành Hoàng làng là Mộc Thần Thiên Uy Đại Vương. Có công hộ quốc bảo dân, rất linh thiêng được các triều đình phong 3 sắc: Sắc phong thứ nhất ở Triều Lê Trải cơn binh hoả, chẳng may sác ấy đã mất. Sắc thứ hai vào thời Duy Tân, ngày 11/8 năm thứ 3 (1909). Sắc thứ 3 vào 2 thời Khải Định, ngày 25/7/ năm thứ 9 (1924). Đình làng Dương Áo là ngôi Đình đầu tiên của các xã cuối huyện Tiên Lãng.
Miếu cống Soi: Miếu cống soi thờ thần Đại Quan Cống Gia Đại Vương đã được phong 3 sắc vào các thời kỳ: Cảnh Hung, ngày 26/7/năm thứ 44 (1783). Thành Thái ngày 18/11 năm thứ nhất (1889). Khải Định ngày 25/7 năm thứ 9 (1924).
Miếu Đầm Vua: Miếu Đầm Vua thờ thần: Vua Hải Cống Đàm Đại Vương đã được phong 3 sắc: Quang Trung ngày 28/7 năm thứ 4 (1792). Khải Định ngày 18/3 năm thứ 2 (1917). Khải Định ngày 15/2 năm thứ 9 (1924).
Từ trung tâm thành phố Hải Phòng đến đền Dương Áo xã Hùng Thắng bằng hai hướng giao thông cơ bản đó là: Hướng thứ nhất đi từ trung tâm thành Phố Niệm theo tỉnh lộ 354 qua ngã 5 Quận Kiến An, qua cầu Khuể đến cầu Đen huyện Tiên Lãng rẽ vào đường 212 đi về xã Hùng Thắng qua làng Dương Áo đến Đền Dương Áo (khoảng 34km). Hướng thứ 2 đi từ trung tâm thành phố qua cầu Rào, qua trung tâm huyện Kiến Thụy, Qua phà Dương áo là đến Đền Dương Áo (khoảng 30km).
1. Sự ra đời và phát triển thời kỳ đầu của Đền Dương Áo.
Theo thần tích thần sắc, làng Dương Áo số 11443 lưu tại viện thông tin khoa học xã hội thuộc viện hàn lâm khoa học xã hội việt nam ghi.
Dịch nghĩa: Ngày 10 tháng giêng năm Tự Đức thứ 19 (1866) nhân dân toàn xã Dương Áo duyên cớ vì việc vâng trát ghi chép thần tích sau đây:
Nguyên bản xã có bến đò ngang vào thời Đoan Khánh, nhân dân đông đúc thường qua bến đò Nghi Dương sinh sống làm ăn, lấy bến này làm hành trình, nếu gặp sóng gió ắt có nạn lật thuyền, mỗi năm thương có mười mấy lần như vậy. thường nghe lời tục nói rằng cầu thần sông tất được cứu giải. Vị thần hà bá này là con Lạc Long Quân tức xưa kia thuộc số 50 người con xuống biển theo cha, được phong làm thuỷ thần một phương, có thể cứu giải tai nạn, thế nên người bản xã qua sông gặp sóng gió thì cầu ngài đều có linh ứng, lại thiết lập đền thờ ở mạn Bắc tại bến sông mà phụng sự Ngài. Từ bấy đến giờ không thấy ai bị nạn gì về sông nước nữa, nhân dân được nhờ Ngài nhiều như thế đó. Đến năm Cảnh Hưng 44 (1743) có đợt xếp bậc các thần, dân xã bèn xin vua bao phong cho thần vào ngày 26/10 năm Cảnh Hưng thứ 44 (1743) nay sắc vẫn còn (người dịch: Mai Hương, người hiệu chỉnh Vũ Việt Bằng cán bộ viện nghiên cứu Hán Nôm dịch thuật). Ngày 19/7/2016
Đền Dương Áo được xây dựng vào khoảng thời Đoan Khánh (1505- 1509). Đền toạ lạc bên sông văn Úc,với diện tích gần 7000m² phía Bắc đền là cánh rừng bần rất rậm rạp chải dài khoảng 3km, phía Nam đền xưa kia là khu vực đồn trấn thủ thời nhà Trần (1226-1400). Tiếp đó là bến đò Nghi Dương trước đây nay là bến phà Dương Áo, phía Đông là sông Văn Úc phía Tây là tuyến đê ngăn mặn. Đây là ngôi đền đầu tiên và cũng là ngôi đền duy nhất của 6 xã ven biển huyện Tiên Lãng.
Đền xây 3 gian tiền đường, một gian chuôi vồ, kết cấu các bộ vì theo kiểu thượng thuận hạ kẻ,tiền tầu, hậu bẩy. Trong hậu cung có bộ cửa cấm, phía ngoài có 3 gian cửa thùng khung khách, tất cả đều bằng ngỗ Lim Thanh Hoá.
Trong đền thờ thần bằng một pho tượng bằng gỗ, phía trên là một hoành phi, dưới hoành phi là một cửa võng, hai bên có đôi câu đối bằng chữ hán. Bệ thờ tượng xây bằng gạch và vôi, phía ngoài có một bàn thờ thường gọi là nhang án tiền.
Theo truyền ngôn thần đền làng Dương Áo được Vua Lê Tương Dực, Niên Hiệu Hồng Thuận ban cho cai quản đoạn sông từ thượng Vụng La (thôn Cẩm La, xã Tự Cường), hạ Hòn Dấu (Đồ Sơn). Cũng theo truyền ngôn và thực tế khi chưa có đền Dương Áo, hàng năm đò Dương Áo và dân chài lưới ở đoạn cửa sông Văn Úc này, khi gặp sóng gió thường có mấy chục lần bị lật thuyền. Từ khi lập đền thờ Ngài cho đến nay, bến đò Nghi Dương xưa, đò Dương Áo ngày nay cũng như các thuyền đánh bắt tôm cá, cào ron rắt hàng mấy trăm năm nay không có thuyền nào bị lật thuyền bao giờ, chính vì vậy các thuyền đánh cá, thuyền vận tải, tàu thuyền buôn bán khi qua cửa đền lên thắp hương đều được an toàn may mắn. Thông qua kiểm nghiệm thực tế trong cuộc sống của các tháng năm, nhân dân làng Dương Áo . và khu vực lân cận nhận thấy đền Dương Áo thờ thần Hà Bá Cảm Ứng Đại Vương rất linh thiêng. Đã được các triều đình phong 3 sắc đó là:
Sắc thứ nhất: Sắc ban cho Hà Bá Tôn Thần: Núi sông đúc tinh anh, sơn hà hun tụ khí, cao sánh với trời, dầy sánh với đất, trợ giúp tạo vật, rực rỡ thanh danh, rõ ràng linh ứng, chuyển vận huyền cơ. Hiển ứng thần công rõ rệt, khảo cứu duệ hiệu bao phong .
Do giúp Tự vương lên ngôi, ngự trong phủ chính, tôn phù xã tắc, củng cố cơ đồ, theo lễ có tăng thêm phẩm trật, xứng đáng được gia phong 3 mỹ tự, gia phong là: Hà Bả Uyên mô Bác trạch Quảng bác Đại vương.
Nay ban sắc!
Cảnh Hưng, ngày 26 tháng 4 năm thứ 44 (1783)
Sắc thứ hai: Sắc ban cho Hoằng ân Quảng tế Hoằng bác Linh tĩnh Uông nhận Hà Bá Trung đẳng thần: Xưa nay thần đã bảo vệ đất nước, che chở chúng dân linh ứng rõ rệt. Từng được ban cấp sắc phong cho phép thờ tự.
Nay Trẫm nối thừa mệnh lớn, nhớ đến công lao của thần, tặng thêm là: Dực bảo Trung hưng Trung đẳng thần. Cho phép xã Dương Áo, huyện Tiên Lãng, tỉnh Hải Dương phụng thờ thần như xưa. Thần hãy che chở bảo vệ cho dân của Trẫm.
Đồng Khánh, ngày 01 tháng 7 năm thứ 2 (1887)
Kính thay!
Sắc thứ ba: Sắc cho xã Dương Áo, huyện Tiên Lãng, tỉnh Kiến An trước nay phụng thờ nguyên tặng Hoằng ân Quảng tế Hoằng bác Linh tĩnh Uông nhuận Dực bảo Trung hưng Hà Bá Trung đẳng thần, bảo vệ đất nước, che chở chúng dân linh ứng rõ rệt, từng được ban cấp sắc phong, cho phép phụng thờ.
Nay đúng dịp lễ lớn Trẫm 40 tuổi, đã ban chiếu báu tỏ rõ ơn sâu, lễ cao thăng bậc, gia tăng thêm cho thần là: Hoằng hiệp Thượng đẳng thần. Đặc biệt cho phép phụng thờ để ghi nhớ ngày quốc khánh và tỏ rõ điển lệ thờ cúng.
Kính thay!
Khải Định, ngày 27tháng 7 năm thứ 9 (1924)
Do đặc điểm địa lý của làng Dương Áo xưa có đường trục chính duy nhất đi lên huyện của các xã khu 4 thuộc huyện Tiên Lãng và có bến đò Dương Áo là nơi duy nhất quân đội Pháp và tay sai đổ bộ lên bến đò Dương Áo, càn quét vào các xã cuối huyện. Do Vậy quân địch muốn xoá sổ làng Dương Áo để làm bàn đạp ban đầu tiến quân vào càn quét các làng xã khu bốn huyện Tiên Lãng.
Đền Dương Áo ở sát sông Văn Úc gần bến đò Dương Áo. Phía bắc là khu rừng bần rập rạp, đền lại có cây Đa và cây Đề cổ thụ rất to cao, do vậy rất thuận lợi cho bộ đội và du kích của ta, lấy khu vực đền là nơi cảnh giới, quan sát quân Pháp từ bốt Kim Sơn hoặc bốt Đông Tác, huyện Kiến Thuỵ đổ bộ sang bến đò Dương Áo, đồng thời quan sát được số lượng tàu thuyền của địch di chuyển trên tuyến sông Văn Úc. Nhờ có vị trí thuận lợi và sự chở che của vị thần Đền Hà rất linh thiêng. Bộ đội và du kích của ta đã bám sát được sự hành quân của kẻ địch, thông tin kịp thời cho quân ta chủ động lực lượng phục kích tiêu diệt địch ở trên bộ, cũng như đánh chặn tàu thuyền của địch trên sông Văn Úc.
Năm 1947, thực hiện lệnh tiêu thổ kháng chiến, huyện Tiên lãng lấy xã Hùng Thắng làm điểm về tiêu thổ kháng chiến và rào làng chiến đấu. Làng Dương Áo đã thống nhất rỡ Đình và Miếu để không cho quân Pháp làm nơi đóng quân, lấy gỗ xẻ đóng ván và làm hầm cho bộ đội, du kích và nhân dân trú ẩn. Làng thống nhất ủng hộ bộ đội Việt Minh 3 quả chuông đồng đó là: Chuông Chùa Bạch Đa 150kg, Chuông Đình Dương Áo 200kg, Chuông đền Dương Áo 200kg. Cỗ ngai thờ Thần Hoàng Làng, tượng thờ Thần miếu Cống Soi và Miêu Đầm Vua đều rước về thờ chung ở Đền Dương Áo bên sông Văn Úc.
2. Đền Dương Áo ngày nay:
Đền Dương Áo xưa xây dựng đã quá lâu, tuy đã được các thế hệ trước tu sửa, song trải qua nhiều năm lại ở nơi đầu sóng ngọn gió, ngôi đền bị xuống cấp, mặt khác do xu thế của thời đại hiện nay, nơi ngôi đền linh thiêng cần phải được khang trang và không gian rộng rãi nhất định để phục vụ cho các tín đồ đến hành lễ, nhất là những ngày lễ hội.
Theo nguyện vọng của nhân dân, năm 2007 lãnh đạo làng quyết định khởi công phục dựng lại ngôi đền làng trên nền đất cũ. Ở thời điểm đó, kinh tế còn có mặt hạn chế nhất định,mặt khác làng lại mới xây dựng xong ngôi chùa, nhưng với sự nhiệt tình hưởng ứng của dân làng và khách thập phương, sự trách nhiệm cao của ban xây dựng, ngôi đền đã hoàn thành theo đúng kế hoạch.
Đền xây 3 gian tiền đường, 2 gian chuôi vồ, kết cấu bằng xi măng cốt thép, các vì nhà đổ theo kiểu thuận chồng, trên các bộ vì là hoành rui bằng gỗ táu mật. Trên mái lợp bằng ngói mũi, bên ngoài là 3 gian cánh cửa đóng theo kiểu cửa thùng khung khách. Bên trên lóc trang trí có hai con rồng và một mặt nguyệt thường gọi là “lưỡng long cầu nguyệt”.
Trong hậu cung Đền bàn thờ thứ nhất phía trong cùng là một cỗ khám và 3 pho tượng cổ, trong 3 pho tượng đó: 1 pho tượng thờ thần đền Dương Áo, 1 pho tượng thờ thần Miếu Cống Soi, 1 pho tượng thờ thần Miếu Đầm Vua. Bàn thờ thứ 2 thờ một cỗ ngai cổ, cỗ ngay này trước đây thờ thần Hoàng Làng ở Đình Dương Áo. Ngoài ra còn có 2 hoành phi, 2 cửa võng và 2 đổi câu đối, 2 bên ngoài tả hữu hậu cung là 2 vị tượng khuyến thiện và trừng ác. Ngoài ngôi đền về phía Đông có một nhà bia nói về sự tích tứ vị thần làng, dưới gốc cây đa cổ thụ có một điểm thắp hương thần đa. Nhà đền còn có 3 gian nhà khách, sân đền rộng rãi, lầu hoá mã, cổng đền và các công trình phụ trợ phục vụ cho sinh hoạt thường nhật của nhà đền.
Từ khi xây dựng lại ngôi đền, tạo dáng vẻ bề thế cho ngôi đền thiêng bên sông Văn Úc. Dân làng và khách truyền thống của nhà đền rất phấn khởi, những ngày hội của Đền, ngày sóc vọng người đến thắp hương cầu nguyện tại đền rất đông đúc.
1. Sinh hoạt lễ hội truyền thống:
Để giúp nhà đền hoạt động và quản lý tốt các mặt, lãnh đạo làng thành lập ban quản lý nhà đền, trong đó có một thủ từ làm việc chuyên trách, còn các thành viên khác hoạt động tuỳ theo công việc, theo sự phân công của trưởng ban. Hàng năm dân làng tổ chức lễ hội truyền thống vào ngày 19-20 tháng giêng hàng năm và tổ chức tạ lễ vào ngày 25 tháng 11 âm lịch. Những ngày lễ hội truyền thống dân làng và khách thập phương đến dự rất đông vui.
2. Giá trị lịch sử:
Ngôi đền là công trình văn hoá tín ngưỡng gắn liền với lao động, cuộc sống và việc mở mang xóm làng của cư dân làng Dương Áo và một số địa phương lân cận nơi đầu sóng ngọn gió này. (Cửa Dương Áo đã được cụ Nguyễn Trãi ghi trong “dư địa trí thế kỷ 15”. Thần tích, thần sắc làng Dương Áo ghi ngày 10 tháng giêng năm Tự Đức thứ 19 (1866) nói về Đền Dương Áo như một cột mốc lịch sử đánh dấu sự lan truyền về ngôi đền thiêng ở vùng đất ven biển của huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng.
3. Giá trị văn hoá.
Đền Dương Áo ngày này còn lưu giữ 3 pho tượng cổ, một cỗ ngai cổ, một bộ cửa võng và một đôi câu đối cổ, có giá trị nghệ thuật cao ở thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 17-18) hai bên tả hữu ngôi đền có một cây đa cổ thụ khoảng 400 năm và một cây đề cổ thụ khoảng gần 300 năm. Sự hiện diện của ngôi đền Dương Áo hôm nay là một sự tự hào về các bậc tiền nhân đã có công xây đắp nên ngôi đền, để lại cho các thế hệ hậu thế một công trình có giá trị văn hoá tâm linh cao. Thông qua lễ hội ở đền hàng năm, cũng là dịp tốt để nhân dân giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá tốt đẹp của dân tộc, không chỉ riêng cho nhân dân làng Dương Áo xã Hùng Thắng mà còn cho cả nhân dân ở khu vực lân cận này.
Thành đoàn Hải Phòng