ĐỀN - CHÙA THÁI XÃ TRẤN DƯƠNG

27 02 2023

in trang

Cổng Tam Quan

Xã Trấn Dương nằm ở cực Nam của huyện Vĩnh Bảo, được hình thành từ quá trình sa bồi của hai con sông đổ ra biển là sông Hóa và sông Thái Bình. Lịch sử hình thành vùng đất, con người, và quá trình đấu tranh dựng làng, giữ đất, chống giặc ngoại xâm của người dân nơi đây được lưu truyền qua các di tích còn được bảo lưu tại địa phương như: Đình Trấn Dương, chùa Quang Long, Miếu Ụ… tiêu biểu là cụm di tích lịch sử văn hóa Đền - Chùa Thái Bình đã được nhà nước xếp hạng cấp quốc gia ngày 12 tháng 12 năm 1994

Đền - Chùa Thái, xã Trấn Dương, huyện Vĩnh Bảo (Di tích lịch sử văn hoá gắn với dấu ấn Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Chùa Thái Bình (xã Trấn Dương) là cách gọi quen thuộc của nhân dân địa phương. Tên chữ là “Thái Bình Tự”, tương truyền được xây dựng từ đời nhà Mạc do  Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm chọn đất và cắm hướng dựng chùa, chùa chính thờ phật, bên cạnh chùa là đền thờ người anh hùng dân tộc Trần Quốc Tảng con thứ 3 của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Sau khi được phong Tiết Độ Sứ giao trấn giữ vùng Đông Bắc của Tổ Quốc. Vào năm Trùng Hưng thứ 4 (1228) quân Mông Nguyên lại kéo sang xâm lược nước ta, để thuận tiện cho việc vận chuyển quân lương, ông đã phát động Nhân dân và quân sĩ đào thành con sông cho tàu về Vạn Kiếp hội quân để đánh tan quân xâm lược Mông Nguyên ở thế kỷ thứ XIII và con sông đã được đặt tên là con sông Hóa ngày nay, đồng thời cho nhân dân quai đê lấn biển lập lên làng mạc. Ông qua đời ngày 16/8/1313, thọ 61 tuổi, khi ông qua đời được nhân dân ngưỡng mộ, lập đền thờ phụng. Trạng Trình đã viết về địa lý ngôi Đền chùa:

“Bến Hàn tay Hổ

Bến Cổ tay Ngai

Ba Ra ấp lại

Voi Đồng trầu sang”

“Bến Hàn là cầu Hàn đi Tiên Lãng. Bến Cổ là cầu Hóa đi Thái Bình. Ba Ra là bãi bồi của tỉnh Thái Bình, bây giờ là đồn Biên phòng C4. Voi đồng chầu sang là núi Voi ở An Lão nhìn về hướng chùa”

 Đền và Chùa nằm trên một khu đất trù phú phía đông nam của thành phố Hải Phòng, là nơi trấn giữ vùng cửa sông. Từ quốc lộ 37, chạy dọc từ trung tâm huyện tới km cuối cùng của trục đường, từ xa ta đã nhìn thấy gác chuông chùa nổi bật trên một không gian thoáng rộng và đẹp mắt. Đó là một toà kiến trúc 3 tầng 8 mái sừng sững nhưng lại rất mềm mại bởi sự uyển chuyển của những mái đao cong vút. Đây là một loại hình kiến trúc tượng trưng cho dịch học siêu hình truyền thống, biểu tượng của Tam Tài gồm: Thiên - Địa - Nhân (Trời - Đất - Người). Tầng giữa tam quan được trổ 4 mặt thoáng, treo quả chuông đồng lớn, hàng ngày ngân lên những tiếng chuông chùa gợi cảnh ấm áp, thanh bình của một vùng quê yên ả.

 Qua cổng tam quan là một quần thể di tích được ẩn mình dưới vườn cây cổ thụ cành lá xum xuê và được bố trí hài hoà với cảnh quan thiên nhiên. Trước cửa chùa là cánh đồng lúa bát ngát gắn liền với những câu chuyện lịch sử oai hùng của nhân dân địa phương. Bên phải là con sông đào Chanh Dương quanh năm tưới mát cho đồng ruộng. Bên trái là con đê Cổ Dương Am đồ sộ với bao huyền thoại khiến ta có cảm giác mình đang đứng trước một bức tranh khổng lồ, khung cảnh thật siêu thoát khiến cho tâm hồn ta như được gột rửa. Vì thế từ lâu Chùa Thái được coi là khu danh lam thắng cảnh, nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân đại phương, nơi vãn cảnh của du khách.


           Chùa chính do trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cắm hướng xây dựng

 

Chùa chính quay hướng Tây, có quy mô vừa phải, gồm ba tòa nhà bố cục theo kiểu “Tiền nhất hậu đinh” với 5 gian tiền đường, 3 gian trung đường và 1 gian hậu cung. Nền các tòa nhà được làm cao dần từ ngoài vào trong. Điểm chú ý là ngôi chùa chính, mặt trước và sau của trung đường để thoáng, thông với mặt sau tiền đường và mặt trước hậu cung cũng để thoáng, tạo ra một không gian sâu. Đặc biệt là một hệ thống cửa võng điệp trùng và hàng loạt những đôi câu đối sơn son thiếp vàng ốp khít trên các thân cột chùa khiến cho ta có cảm giác như đang lạc vào chốn thâm cung thật linh thiêng và huyền ảo.

Ban thờ Tam Bảo

Hiện trong chùa còn lưu giữ được nhiều di vật, đồ thờ có giá trị. Đáng kể như: chuông đồng Tây Sơn (1798), chuông cao 105cm, đường kính 56cm, quai chuông tạo dáng 2 rồng đấu thân vào nhau. Trên chuông có nhiều gờ chỉ nổi, tạo nhiều ô lớn.
Trong các ô khắc ghi tên những người công đức đúc chuông; Hệ thống tượng pháp đẹp, trong đó pho tượng Tuyết Sơn được các nhà nghiên cứu đánh giá có giá trị rất cao về mặt nghệ thuật. Tượng nhỏ vừa phải (cao 60 cm, vai rộng 24 cm, là một trong những tác phẩm điêu khắc đẹp của nghệ thuật dân tộc thế kỷ 19. Ở đây người tạc tượng đã nhấn mạnh sự khắc khổ của kiếp tu Ba-la-môn với cơ thể gầy gò, xương xẩu nhưng mặt tượng đầy chất tư duy, đậm tính nhân bản, rõ ràng mang đúng bản chất của Thích Ca đang suy ngẫm tìm chân lý.      

Năm 1924 niên hiệu Khải Định thứ 9 đã Ban Sắc lệnh cho Tỉnh Hải Dương, huyện Vĩnh Bảo, xã Dương Am đang phụng thờ tôn thần là Trần Quốc Tảng. Nội dung  sắc phong: “Thần đã giúp nước, giúp dân có linh ứng rõ rệt. Nay vừa gặp tiết đại khánh mừng thọ, Trẫm tứ tuần ra chiếu ban ân khắp nước lễ trọng lên bậc rạng phong cho thần “TRÁC VĨ RỰC BẢO TRUNG HƯNG THƯỢNG ĐẲNG THẦN” chuẩn y cho xã Dương Am tiếp tục phụng thờ, thần sẽ giúp đỡ giữ gìn dân ta”.

Đến ngày 15/12/1994 Bộ Văn hóa Thể thao đã khảo sát, hội thảo khoa học và xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa tại quyết định số 3211.Trải qua bao thăng trầm biến cố của thời gian, của lịch sử, Đền chùa Thái đã được trùng tu tôn tạo. Trong những năm từ (1994 – 2022) cùng với sự đầu tư của nhà nước, Đảng, chính quyền, các tầng lớp nhân dân, con em người Trấn Dương đang công tác, học tập, sinh sống ở mọi miền Tổ quốc, du khách thập phương đã công đức ủng hộ để tôn tạo, xây dựng khu Di tích; Cùng các đồ thờ tự quý giá của nhân dân, con em xa quê, du khách thập phương tiến cúng từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.

Giếng mắt rồng trước cửa đền thờ Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng

Đền - Chùa Thái không chỉ là công trình kiến trúc nghệ thuật gắn liền với quá trình khai phá lập làng của nhân dân vùng cửa sông từ thời Lý, Trần. Nơi đây còn là địa chỉ ghi lại lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân địa phương như: sự kiện nổi dậy đánh đuổi tên Đào Lạng tri phủ Vĩnh Bảo đã cướp bãi bồi của nhân dân. Năm 1951 nhà chùa đã giấu 12 cán bộ cách mạng dưới hầm bí mật tại khu vực vườn tre. Nơi đây còn là địa điểm tập trung của bộ đội chủ lực cho cuộc tập kích sân bay Cát Bi, góp phần thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Cách Hải Phòng gần 40 km về phía nam thành phố, với địa thế độc đáo, đền chùa Thái Bình là nơi để du khách tìm đến sự tĩnh tại thanh thản, đồng thời thưởng ngoạn không khí trong lành của thiên nhiên. Ngoài những ngày tuần, ngày lệ, hàng năm cứ vào ngày 20 tháng 8 (âm lịch) đền chùa tổ chức lễ hội để nhớ ơn nhà Trần đã có công đánh tan giặc Nguyên Mông. Mọi nghi thức tế lễ được diễn ra phong phú và hấp dẫn. Lễ hội không chỉ thu hút đông đảo nhân dân trong vùng mà còn thu hút đông đảo du khách các tỉnh lân cận. Lễ hội kéo dài 3 ngày với nhiều hoạt động phong phú để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.                        

Nguồn: UBND huyện Vĩnh Bảo

 

Ban Tuyên giáo Thành đoàn

Thong ke