ĐỀN, CHÙA NGỌ DƯƠNG, XÃ AN HÒA, HUYỆN AN DƯƠNG

25 10 2023

in trang

Đền,  Chùa  Ngọ  Dương  được  xếp  hạng  là  cụm  di  tích  lịch  sử  của thành phố Hải Phòng năm 2006. Đền, Chùa Ngọ Dương thuộc thôn Ngọ Dương, xã An Hòa. Cụm di tích được mang tên chính địa danh nơi cộng đồng đã sản sinh ra di tích.


Đền,  Chùa  Ngọ  Dương  được  xếp  hạng  là  cụm  di  tích  lịch  sử  của thành phố Hải Phòng năm 2006. Đền, Chùa Ngọ Dương thuộc thôn Ngọ Dương, xã An Hòa. Cụm di tích được mang tên chính địa danh nơi cộng đồng đã sản sinh ra di tích.

Ngọ Dương (午陽),theo Hán tự có nghĩa vùng đất đường hoàng và tươi sáng. Vùng đất Ngọ Dương có con người sinh cư lập nghiệp từ trước thời Công nguyên, bởi trong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng năm 40 sau Công nguyên, người dân nơi đây đã đứng dưới cờ của Hoàng Độ người làng Nại Xuyên, đối ngạn với Ngọ Dương để đánh giặc Tô Định. Sau này ông hóa tại Ngọ Dương và là Thành hoàng làng. 

Đền Ngọ Dương thờ Thành hoàng là Ngài Hoàng Độ, bởi Hoàng Độ là con trưởng trong gia đình bảy anh em, nên từ xa xưa người dân còn thờ phối Thánh vương phụ và Thánh vương mẫu của Ngài (bố, mẹ của Ngài Hoàng Độ). 

Đền Ngọ Dương được khởi dựng từ rất lâu đời, tức là sau khi Ngài hóa, nhưng trải qua thời gian ngôi đền đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Đền Ngọ Dương hiện nay được xây dựng lại vào cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước trên nền đất cũ và những năm gần đây được trùng tu, tôn tạo khang trang như ngày nay. 

Đền Ngọ Dương nhìn về hướng Tây Nam, phía trước đền là dòng sông Cổ Bồng, con sông thuở thơ ấu các Ngài Thành hoàng thường ra đây bơi lội, chơi đùa. Sau này hằng năm nhân dịp tưởng niệm ngày hóa của các vị Thành hoàng dân làng Ngọ Dương tổ chức lễ hội Bơi trải. Đền Ngọ Dương tọa lạc trên khuôn viên đất rộng rãi, thoáng mát. Từ trục đường đê hữu ngạn sông Cổ Bồng, cũng là con đường liên thôn, đường nội đồng vào đền gặp ngay nghi môn đền. Nghi môn đền Ngọ Dương xây kiểu cột đồng trụ, bốn cột trụ to, nhỏ cấu tạo theo từng cặp đăng đối nhau qua trục thần đạo. Sau nghi môn là tắc môn còn gọi là bức bình phong được đắp kiểu cuốn thư, trên bình phong được đắp vẽ trang trí các đề tài truyền thống khá đẹp mắt. 

Theo quan niệm tín ngưỡng dân gian, tắc môn để che chắn những luồng khí ô uế của phàm tục thổi vào nơi thánh ngự. Từ sân đền được lát bằng gạch đỏ bằng phẳng, bước qua năm bậc cấp để lên đền. Đền Ngọ Dương xây theo thức đầu hồi bít đốc, trụ đấu hồi văn, tay ngai. Mái đền lợp ngói mũi truyền thống, trên đỉnh nóc mái đắp trang trí đề tài lưỡng long chầu nguyệt, đầu bờ nóc đắp kìm. Những góc tường hạ cấp giữa các trụ đấu, đắp trang trí giải hoa văn mềm mại bò sát chân tường. Hệ thống cửa chính của đền làm theo kiểu cửa cổ, cửa thùng khung khách. Tường bao che phía trước hai gian hồi đền trổ cửa sổ, trong đặt tấm đan thoáng hình chữ thọ cách điệu. Từ tường hồi đền, xây kéo dài và mở ra gần như cánh quạt về phía trước kiểu cánh gà. Phần cánh gà được trang trí đắp vẽ đề tài năm con dơi chầu vào chữ thọ trổ thủng ở giữa cánh gà, với ý nghĩa ngũ phúc trường tồn (dơi theo hán tự là chữ phức biến âm thành phúc). Cuối cánh gà là trụ biểu, còn gọi là trụ đèn. Trụ đèn xây đế quả bồng, thân trụ vuông có khung để đắp câu đối, đầu trụ đắp đèn lồng, đỉnh trụ đắp nghê chầu vào cửa đền. Đền Ngọ Dương có kiến trúc mặt bằng chữ đinh gồm năm gian tiền bái và ba gian hậu cung, trong đó có một gian cung cấm. Hệ khung chịu lực tòa tiền bái làm bằng bê tông, cốt sắt, cấu trúc gồm bốn bộ vì, vì bốn hàng chân cột, hệ thống cột quân được bố trí nằm trong tường. Bộ vì cấu tạo vì nóc con thuận tạo giá chiêng, vì nách thuận chồng hai con. Các thuận đều kê trên đấu vuông thót đáy, thân đấu chạm nổi hoa sen cách điệu. Các đầu dư tạo hình đầu rồng cách điệu, thân xà nách, câu đầu đắp trang trí nổi hoa văn lá lật. Hai bộ vì hồi đắp nổi trên tường hồi đền, kết cấu bộ vì tương tự như các bộ vì khác của tòa tiền bái đền. Tòa hậu cung kết cấu hai bộ vì, các bộ vì cấu trúc tương tự như bộ vì tòa tiền bái, bộ vì hồi không đắp trên tường như tiền bái. 

Trước cung cấm có hệ thống cửa, cửa chính gian giữa, rộng hơn cửa nách. Cửa chính ngưỡng cao ngang bụng người, cửa hai cánh, trên cánh cửa và phần ván bưng bên trong bạo cửa được chạm khắc rất tinh xảo, đẹp mắt với đề tài tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai) và hai đôi rồng, phượng chầu vào chữ thọ chạm thủng ở giữa. Phần chạm khắc được sơn son thếp màu vàng rất sáng rạng, tạo những ấn tượng nghiêm trang, cung kính khi vào nơi thâm nghiêm nhất của ngôi đền. Tất cả các bộ vì của tòa tiền bái, tòa hậu cung đều được liên kết giằng chắc chắn với nhau qua hệ thống xà đai tức là xà thượng và xà hạ. Xà thượng, xà hạ tạo dáng vỏ măng, to, chắc khỏe, tạo cho bộ khung chịu lực, kiến trúc của toàn bộ ngôi đền vững vàng và chắc khỏe. Toàn bộ hệ thống chân cột được đắp giả chân tảng theo thức cột đặt trên chân tảng đá xanh truyền thống.

Mặc dù trải qua thăng trầm của lịch sử và qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, nhưng đền Ngọ Dương còn lưu giữ được một số đồ thờ tự có giá trị về lịch sử văn hóa và mỹ thuật như sau: Bia đá, Nhang án tiền, Một bộ bát biểu, gồm 8 đơn chiếc, Bát hương bằng đồng, Hai câu đối gỗ, Đại tự làm bằng

CHÙA NGỌ DƯƠNG

Chùa Ngọ Dương, ngoài tên địa danh còn có tên chữ là Pháp Quang (法光), nghĩa là ngôi chùa được ánh sáng của Phật pháp chiếu dọi tới. Ngôi chùa nằm cách đền Ngọ Dương khoảng 100m, tạo thành cụm di tích lịch sử văn hóa của quê hương Ngọ Dương. Cụm di tích đã được xếp hạng của thành phố Hải Phòng năm 2006.

Chùa Ngọ Dương nhìn hướng Tây, vọng về nơi đất của Phật tổ. Khuôn viên chùa khá rộng và hiện nay có đủ các công trình như: tam quan, Phật điện, nhà tổ, nhà khách, trai phòng, giảng đường. Chùa Ngọ Dương cấu trúc chữ đinh gồm 5 gian tiền điện và ba gian hậu điện. Chùa xây theo kiểu đầu hồi bít đốc, trụ đấu hồi văn, mái lợp ngói mũi truyền thống. Bộ khung chịu lực của ngôi chùa kết cấu các bộ vì kiểu bốn hàng chân cột, trên cấu kiện kiến trúc chạm khắc mang tính điểm xuyết với đề tài lá lật truyền thống.

Cũng như các ngôi chùa của vùng đồng bằng Bắc Bộ, trong chùa Ngọ Dương được bài trí tượng pháp trên Phật điện theo phái đại thừa. Hàng thứ nhất, cao trên cùng là Tam thế Phật, gồm ba pho tượng Phật, Phật đại diện cho thời quá khứ (Trang nghiêm kiếp), thời hiện tại (Hiền kiếp) và thời tương lai (Tinh tú kiếp). 

Hàng thứ hai là A Di Đà tam tôn, gồm ba pho tượng, ngồi giữa là Ngài  A Di Đà, bên phải là Quan Thế Âm, bên trái là Đại Thế Chí. Ngài A Di Đà được tạc rất to, thường to lớn nhất trên Phật điện. Bởi theo quan niệm dân gian Ngài là Giáo chủ ở cõi Tây phương nên có sứ mệnh tiếp dẫn người quá cố tu Phật tốtở cõi ta bà về nước Tây trúc. Trợ thủ cho Ngài A Di Đà có hai vị Quan Thế Âm và Đại Thế Chí.

Hàng thứ ba là bộ Ngọc Hoàng, Nam Tào - Bắc Đẩu, ngồi giữa là Ngọc Hoàng, ngồi bên trái là Nam Tào, vua coi việc sinh, ngồi bên phải là Bắc Đẩu, vua coi việc chết. Ba pho tượng chạm ngồi trên bệ ngọc, mặc phẩm phục, đội mũ bình thiên, chân đi hia, tay cầm hốt, trong tư thế thiết triều. 

Hàng thứ tư, ba pho, ngồi giữa là Quan Âm Chuẩn Đề, hai bên là Đế Thiên, Đế Thích.

Hàng cuối cùng là tòa Cửu Long, trong tòa có tượng Thích Ca sơ sinh, hai bên có Quan Âm và Quan Âm tọa sơn. Tòa tiền điện phía bên trái còn có tượng Đức Ông ngồi trong long khám, bên phải có tượng Đức Thánh Tăng. Đứng trước Phật điện có hai pho tượng Hộ pháp. Ngoài hệ thống tượng Phật, trong Phật điện còn có hương án, cửa võng, câu đối, đại tự... Tất cả đều được sơn son thếp bạc phủ mầu vàng kim sáng rạng làm tăng vẻ đẹp trang nghiêm vốn  có  của  nơi  thờ  Phật. Bên cạnh việc bảo tồn được hệ  thống  tượng  Phật  cổ, chùa  còn  giữ  gìn  được  hai tấm  bia  đá  rất  có  giá  trị nghiên cứu lịch sử văn hóa của địa phương.

Cụm di tích đền - chùa Ngọ Dương gắn với lịch sử hai ngàn năm của người An Hòa nói riêng và người An Dương nói chung. Những giá trị vật thể và phi vật thể của cụm di tích Đền, Chùa Ngọ Dương để lại đến ngày nay đã góp phần khẳng định truyền thống yêu quê hương, đất nước và đời sống văn hóa tinh thần rất phong phú, sáng tạo của người dân An Dương. Đền - chùa Ngọ Dương đã và đang là nơi hấp dẫn thu hút du khách xa gần về chiêm bái, tham quan và đặc biệt là về với lễ hội truyền thống Bơi trải độc đáo, đặc sắc có từ hàng ngàn năm.  

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke