Cụm Di tích Lịch sử Đình và Chùa Lôi Trạch, xã Hòa Bình, huyện Vĩnh Bảo

06 04 2023

in trang

Cụm di tích lịch sử Đình và Chùa Lôi Trạch, xã Hòa Bình, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Riêng ngôi chùa Lôi Trạch có tên chữ là Lôi Âm tự (Tư liệu ghi trên tấm bia đá TK17). Tên chữ hiện nay của chùa là Phúc Lâm Tự.


A. ĐÌNH LÔI TRẠCH

1. Lịch sử di tích.

Các tư liệu như bia ký ghi chép về đình Lôi Trạch được xây dựng từ bao giờ
đến nay đã hoàn toàn bị thất truyền. Theo trí nhớ của các cụ cao niên, đình Lôi Trạch được xây dựng vào thời Hậu Lê TK 16, 17. Ban đầu, ngôi đình làm bằng gianh tre nứa lá, sau được làm bằng gỗ lim gồm 5 gian tiền đường và 3 gian chuôi vồ. Qua nhiều lần trùng tu tôn tạo, đến năm 1978, Đình bị dỡ lấy gỗ làm trường học.

2- Lịch sử nhân vật được thờ:

Các tư liệu là những văn bản gốc như thần tích, sắc phong ghi chép về nhân vật được thờ tại đình Lôi Trạch, xã Hòa Bình, huyện Vĩnh Bảo đến nay chỉ có bản thần tích được lưu giữ tại Viện Khoa học Thông tin xã hội Việt Nam và theo cuốn
(Từ điển Bách khoa địa danh Hải Phòng, 1998, tr 267), đình Lôi Trạch thờ Thành hoàng tên hiệu là Thái Giám đô đốc, tên húy là Vũ Đề, không rõ ngày sinh; ngày hóa là 26.8, hiển thánh thời Lê, không rõ sự tích, thành hoàng được thờ bằng tượng. Trước năm 1938, xã Lôi Trạch còn giữ được 5 sắc phong thuộc các đời vua: Tự Đức 6 (1853) và 33 (1880), Đồng Khanh 2 (1887), Duy Tân 3 (1909), Khải Định 9 (1924).

+ Sắc phong 1: Bản cảnh Thành Hoàng Linh phù chi thần, niên hiệu Tự đức 6.

+ Sắc phong 2: Đăng trật Bản cảnh Thành hoàng Linh phù chi thần, niên hiệu Tự Đức 33.

+ Sắc phong 3: Dực Bảo Trung Hương chi thần, niên hiệu Đồng Khánh thứ 2.

+ Sắc phong 4: Linh phù Dực Bảo Trung hưng tả Thái Giám đô đốc chi thần, niên hiệu Duy Tân 3.

+ Sắc phong 5: Linh phù Dực Bảo Trung Hưng tả Thái Giám đô đốc tôn thần, niên hiệu Khải Định 9.

3. Những di vật tiêu biểu trong di tích.

Hiện Đình còn lưu trữ được một số đồ thờ có giá trị niên đại như: Khám thờ thành hoàng có đường nét hoa văn kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn TK20 (đã được tu sửa, không còn nguyên vẹn). 3 đôi câu đối lòng máng, 1 bức đại tự, 2 mâm mịch và 1 bộ cửa võng.

Một số nội dung câu đối và đại tự :

- Câu đối số 1 :

+ Hách hách lôi hành thiên lưỡng quốc huân danh Lê sử kính.
+ Uông uông trạch cập, thế lịch triều hoa biểu Việt Nam bang.

- Câu đối số 2 :

+ Huân nghiệp oanh lôi đan thanh minh Việt sử

+ Sinh dân bĩ trạch, hương hỏa biến thần châu.

- Câu đối số 3 :

+ Uy đức trấn Lê Triều, điển hộ hương dân khang thái.

+ Minh tâm triêm khánh trạch hoằng khai đình vũ huy hoàng.

Câu đối số 4:

+ Huân nghiệp thiên thu Việt quốc phong bỉ ứng vĩnh thụ.
+ Sơn hà tái tạo, hải đào thần kiếm hoặc đằng minh.

- Đại tự :

+ Thượng thượng đẳng thần

Ngoài ra còn một số đồ thờ như nhang án, đại tự, bát biểu, chiêng, trống ..do nhân dân mới cúng tiến.

1. Lịch sử, nguồn gốc ngôi chùa.

Chùa Lôi Trạch có tên chữ là Lôi Âm tự sau này đổi là Phúc Lâm tự. Chùa tọa lạc trên một gò đất cao nằm ngay phía sau ngôi đình, chùa hướng Tây, tam quan chùa nằm sát đường 354. Theo tư liệu trên bia ký còn lưu giữ tại chùa
(Hậu phật bi ký niên hiệu Vĩnh Trị ngũ niên (1680) trùng tu chùa).

Kiến trúc ngôi chùa hiện tại có niên đại đầu thế kỷ XX, trên câu đầu có ghi dòng lạc khoản bằng chữ Hán “Canh Thân đông nguyệt thụ trụ, Khải Định ngũ niên cát nhật” (1920). Ngôi chùa mới được trùng tu năm 2002. Năm 2003, nhà chùa cho xây mới thêm 1 tòa 3 gian, 2 dĩ, 2 tầng 8 mái đao cong phía trước tạo thành bố cục ngôi chùa kiểu “tiền nhất hậu đinh”.

2. Những di vật đáng quan tâm.

Chùa Lôi Trạch là một trong số ít những ngôi chùa còn bảo tồn được khá nhiều hiện vật cổ như tượng Phật, bia đá, chuông đồng, câu đối, đại tự, cửa võng ...

- Tượng thờ : Tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Thích Ca Mâu Ni
Phật, tượng A Di Đà, Đức Ông, tượng Mẫu, tượng Thích Ca sơ sinh, tượng Sư Tổ. Tất cả các pho tượng đều được sơn son thếp bạc phủ hoàn kim. Phần lớn các pho tượng đều được tạc bằng chất liệu gỗ, riêng tượng A Di Đà và Thích Ca sơ sinh làm bằng chất liệu kim loại nhưng chưa rõ kim loại gì. Các pho tượng này có đường nét hoa văn mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn cuối thế kỷ XIX đến đầu thế  kỷ XX.

- Bia đá 2 tấm :

Bia thứ nhất có niên đại Vĩnh Trị 5 (1680)

Tiếu đề ghi: "LÔI ÂM TỰ HẬU PHẬT BI KÝ".

Kích thước : Cao 0,80m, rộng 0,55m, dầy 0,12m. Bia có một mặt chữ, mạt phẳng, trán hình bán nguyệt, trán bia chạm chìm hình mặt nguyệt có đao mác tỏa về hai phía, diềm bia chạm chìm hoa cúc, vân mây.

Bia thứ hai có niên đại Chính Hòa 12 (1691)

Tiêu đề ghi: "HẬƯ THẦN BI KÝ"

Kích thước : Cao 0,5lm ; Rộng 0,32m ; Dầy 0,07m

Bia có 1 mặt chữ, mặt phẳng, trán hình bán nguyệt, trán bia chạm chìm đôi long mã chầu mặt nguyệt, diềm bia chạm chìm vân mây.

- Chuông đồng: 01 quả, lạc khoản ghi: “Phúc quang tự chung”, Tự Đức 13 (1860). Kích thước φ miệng = 30cm

- Bát hương: Bát hương gốm sứ hoa lam, niên đại cuối thế kỷ XIX.

Ngoài ra còn 5 bức hoành phi, 2 câu đối có niên đại cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và một số bộ cửa võng, nhang án, khám thờ cũng có cùng niên đại.

3. Những sự kiện lịch sử kháng chiến diễn ra tại di tích.

Xã Hòa Bình là một trong những địa phương sớm có phong trào cách mạng của huyện Vĩnh Bảo. Trong những năm trước khi Đảng cộng sản Việt Nam được thành lập, tại xã Hòa Bình đã có chi bộ Việt Nam Quốc dân Đảng hoạt động ở Ngãi Am. Do vậy, nhiều cuộc đấu tranh của nhân dân địa phương đã diễn ra sôi nổi. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh chống lại việc đo đất sa bồi của một số quan lại hàng tỉnh (Hải Dương). Đặc biệt là sau ngày 3/2/1930, Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, các cuộc đấu tranh theo khuynh hướng vô sản đã diễn ra một cách rõ nét và có tổ chức dưới các hình thức hội như : Ái Hữu, Tương tế ... nên đã thu hút được khá đông nhân dân tham gia.

Ngày 8/8/1938, những Chi bộ Cộng sản đầu tiên của các xã thuộc huyện Vĩnh Bảo được thành lập và trực tiếp lãnh đạo các cuộc đấu tranh trong toàn huyện. Trong giai đoạn cách mạng 1939 - 1945, cãn cứ vào sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và của Tỉnh bộ Hải Phòng, Mặt trận Việt Minh của xã Hòa Bình được thành lập. Với sự hoạt động khôn khéo, các tổ chức đoàn thể ở đây đã phát triển mạnh mẽ, vận động nhân dân tham gia việc không nộp thóc cho Nhật, phá kho thóc Nhật chia cho người nghèo.

Trong không khí của những ngày cách mạng tháng Tám năm 1945 trên phạm vi cả nước, ngày 20/8/1945, khởi nghĩa giành chính quyền của huyện Vĩnh Bảo thắng lợi. Đến 22/8/1945, Ban cán sự Việt Minh huyện đã cử ông Nguyễn Đức Dần, Phạm Đình Hàm, Lê Văn Hiếu về Hòa Bình tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền lâm thời, đổng thời Uỷ ban Kháng chiến Hành chính làm việc tại đình Lôi Trạch đến ngày toàn quốc kháng chiến.

Trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đình và  chùa Lôi Trạch là nơi các lực lượng du kích, bộ đội địa phương dùng làm địa điểm tập trung huấn luyện quân sự.

Ngày 8/2/1950, thực dân Pháp đánh chiếm huyện Vĩnh Bảo. Tháng 3/1950, địch đã càn quét chiếm đóng xã Hòa Bình và lập ra chính quyền tay sai Tề ngụy, xây dựng các bốt dõng trong toàn bộ các thôn xã. Thực dân Pháp và tay sai đã tăng cường lùng sục, bắt bớ, tù đày và giết hại các cán bộ kháng chiến, du kích đang hoạt động tại địa phương, hòng làm lung lạc, giảm lòng tin của nhân dân vào cuộc kháng chiến do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo. Song với lòng tin son sắt đối với Đảng, Bác, cán bộ và nhân dân toàn xã vẫn duy trì cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược với phương châm là giữ vững cơ sở, tích cực vận động nhân dân ủng hộ, giúp đỡ, che dấu cán bô, bộ đội, tuyên truyền vận động binh lính rời bỏ hàng ngũ địch theo cách mạng. Bên cạnh đó xã còn tổ chức nhiều trận đánh chống địch càn quét, phá đồn bốt tề ngụy.

Tiêu biểu là trận đánh chống càn tháng 7/1952, đơn vị bộ đội 112 cùng với du kích đã đóng chốt tại đình làng kịp thời bẻ gãy đợt càn quét của địch. Cuối năm 1952, hệ thống đồn bốt của tề ngụy ở xã Hòa Bình cơ bản bị ta triệt phá.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đình Lôi Trạch tiếp tục phát huy vai trò là chỗ dựa cộng đồng, đình làng là nơi tiễn đưa bao con em lên đường nhập ngũ vào Nam chiến đấu và cũng là nơi đón thương bệnh binh từ chiến trường về điều trị an dưỡng tại địa phương.

4. Sinh hoạt văn hóa và lễ hội truyền thống.

Sinh hoạt văn hóa và lễ hội truyền thống tại Đình và Chùa Lôi Trạch xã Hòa Bình diễn ra vào các ngày âm lịch hàng năm: ngày 26/8 Lễ Thánh hóa, ngày 10/1 (Sự lệ); ngày 15/1 Lễ Phúc kỳ và ngày 15/4 Lễ Phật đản, ngày 15/7 Lễ Vu lan tại chùa. Các nghi lễ và nhiều trò chơi dân gian diễn ra trong khuôn viên di tích như rước kiệu, đánh cờ người, cờ tướng, tổ tôm điếm, đi cầu thùm, chọi gà, đánh pháo đất … Vào những ngày này, mọi người thường tập trung về Đình, Chùa làng cùng nhau sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng cổ truyền dân tộc. Đồng thời ôn lại những năm tháng hào hùng của cuộc kháng chiến chống Pháp và những đóng góp, hy sinh của mọi người dân trong cộng đồng. Như một nét đẹp văn hóa truyền thống, lễ hội tại Đình, Chùa Lôi Trạch xã Hòa Bình luôn duy trì được những thuần phong mỹ tục, có tác động động viên mọi người cùng nhau đoàn kết, lương giáo một lòng, xây dựng quê hương, xóm làng thêm giàu đẹp.

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke