Chùa Vang, xã Quang Thanh, huyện Thủy Nguyên

04 01 2024

in trang

          Chùa Vang còn có tên chữ là Bắc Linh Tự có nghĩa là ngôi chùa linh thiêng tại phía bắc của thôn Thanh Lãng, xã Quảng Thanh, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Mảnh đất Thủy Nguyên là vùng đất cổ được nhắc nhiều đến trong lịch sử đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên của quân dân nhà Trần (thế kỷ 13, 14).Chùa do Tả Thị Lang, Trạng nguyên Lê Ích Mộc cùng nhân dân trong vùng xây dựng ở thế kỷ VI để thờ Phật.


DI TÍCH LỊCH SỬ CHÙA VANG, XÃ QUẢNG THANH, HUYỆN THỦY NGUYÊN

          Chùa Vang còn có tên chữ là Bắc Linh Tự có nghĩa là ngôi chùa linh thiêng tại phía bắc của thôn Thanh Lãng, xã Quảng Thanh, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Mảnh đất Thủy Nguyên là vùng đất cổ được nhắc nhiều đến trong lịch sử đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên của quân dân nhà Trần (thế kỷ 13, 14).Chùa do Tả Thị Lang, Trạng nguyên Lê Ích Mộc cùng nhân dân trong vùng xây dựng ở thế kỷ VI để thờ Phật.

          Thời Nguyễn (thế kỷ 19), thôn Thanh Lãng thuộc địa phận Tổng Phù Lưu, huyện Thủy Đường (đời Đồng Khánh đổi là Thủy Nguyên do kiêng tên húy của thân sinh vua Đồng Khánh). Sau Cách mạng tháng Tám, 1945, xã Quảng Thanh được thành lập trên cơ sở thôn Quảng Cư và thôn Thanh Lãng. Quảng Cư là một thôn phụ được mở rộng của Thanh Lãng vào thế kỷ XVI, sau phát triển thành một làng có dân cư đông đúc, trù phú.

          Từ trung tâm thành phố, quan cầu Bính, theo trục đường thị trấn Núi Đèo, huyện Thủy Nguyên, đến địa phận chợ Bính, rẽ trái theo đường Hoa Động, Lâm Động.... qua ngã ba Trịnh Xá, Cao Nhân đến địa phận xã Quảng Thanh, Chùa Vang nằm lưng chừng núi Cheo, thôn Thanh Lãng của xã Quảng Thanh.

          Theo Luật Di sản văn hóa, Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật di sản văn hóa và Nghị định số 98/2010/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Di sản văn hóa, Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật di sản văn hóa; Căn cứ thực tế khảo sát tại di tích thì chùa Vang xã Quảng Thanh, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng là di tích lịch sử.

          Thế kỷ XVI, sau thời kỳ thịnh vượng của Nho giáo, Chế độ phong kiến Việt Nam bắt đầu bộc lộ những suy yếu. Chính trường lục đục, các bè phái tranh giành quyền lực nổi nên, dân tình khốn đốn. Trong bối cảnh đó, bộ phận lớn nhân dân hướng vào Phật giáo để tìm sự nương nhờ và cứu rỗi, từ đó những ngôi chùa thời điểm này ra đời rất nhiều.

          Căn cứ tài liệu lịch sử địa phương và dân gian trong vùng thì chùa Vang do Tả Thị Lang Lê Ích Mộc cùng nhân dân địa phương dựng vào giữa thế kỷ 16 để thờ Phật và hoằng dương giáo pháp nhà Phật. Đây là một trong số những ngôi chùa do Tả Thị Lang dựng tại địa phương, nơi gắn bó với tuổi thơ và sự học tập rèn luyện của Ông: Chùa Vang, chùa Diên Phúc, Từ đường Trạng nguyên Lê Ích Mộc...

          Lê Ích Mộc là con trong một gia đình nghèo họ Lê ở thôn Thanh Lãng. Ông từ nhỏ rất thông minh, hiếu học. Tương truyền, gia đình nghèo không có tiền ăn học, ông đến các ngôi Chùa trong làng để theo các sư học chữ và chép kinh Phật. Tại các ngôi chùa làng, nhờ có ánh sáng của đèn nến mà ông chăm chỉ học chữ, đọc sách về kinh Phật, Nho, Lão. Từ đó ông trở nên am tường cả Tam giáo.

          Cũng theo một truyền ngôn khác thì Lê Ích Mộc sinh ngày 02 tháng 02 năm 1458, mất ngày 15 tháng 02 năm 1538. Dưới triều Lê Thánh Tông, ở làng Ráng, huyện Thủy Đường, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương có một người nối đời nghiệp nho, tư gia hiếu thảo, họ Lê tên Quang, vợ là Nguyễn Thị Lệ, cửa nhà thanh bần, kính sư sùng Phật, thường hay giúp đỡ người nghèo. Một đêm kia, hai vợ chồng chiêm bao thấy Quan Thế Âm Bồ Tát tặng cho một đóa sen trắng và bài thơ:

“Phật cho Lê Thị một bông sen

Hiển hách nghìn thu dậy tiếng khen.

Đích xác sang năm sinh quý tử

Danh lừng tam giáo gọi ơn trên”

          Về sau, bà Lê Thị có thai, ngày mãn sinh hạ được một con trai mặt vuông, tai lớn đặt tên là Lê Ích Mộc. Thủa nhỏ Lê Ích Mộc là một cậu bé thông minh, ham học và ngoan ngoãn được bà con làng xóm yêu quý. Một hôm, Lê Ích Mộc gặp một vị cao tăng, thấy Lê Ích Mộc là người có tướng mạo phi thường, bèn nói với bố mẹ ông rằng: “Con ông bà có quý tướng, nếu sớm xuất gia theo nhà Phật, thì tương lai ắt đỗ cao, vinh hiển gia phong và tiền đồ không thể hạn lượng được”.

          Từ đó, ông được bố mẹ cho xuất gia học đạo tại chùa Yên Lãng (tức chùa Láng) ở kinh thành Thăng Long để rèn luyện thi cử.

          Tại chùa Yên Lãng, ông dùi mài kinh sử và là người am tường tam giáo (Nho, Phật, Lão), nhưng đã đi ứng thí nhiều lần mà không đạt. Thời gian sau, ông xin với sư thầy được về tu tại chùa làng.

          Vào đầu thế kỷ XVI, hệ tư tưởng Nho Giáo đã dần bộc lộ những suy yếu, thời kỳ huy hoàng của Nho giáo đang lung lay. Cảm nhận được điều này, Lê Hiến Tông đã đưa ra nhiều cải cách nhằm giữ vững Vương quyền. Tại khoa thi năm Nhâm Tuất, niên hiệu Cảnh Thống thứ 5 (năm 1502), tự tay Hiến Tông ra đề thi hỏi về đạo trị nước của bậc đế vương có nhắc đến trong kinh Phật. Vì là người am tường về Phật giáo nên khoa thi năm đó Lê Ích Mộc đỗ đầu. Tương truyền, khi vào dự ứng thí, ông được bưng lư hương cho nhà vua làm lễ. Ông tập trung đến mức bị bỏng mà không hay biết. Ông được nhà vua rất khen ngợi...

          Tài học của Lê Ích Mộc đã được nhắc đến trong nhiều tài liệu cổ. Trong “Đại Việt Đinh Nguyên Phật Lục” chép: “Tam đông túc học chi Kim Cương”, nghĩa là sau 3 năm tự học đã thông hiểu giáo pháp của kinh Kim Cương. Trong các cuốn Thiên Nam Lịch Triều Tiến Sĩ Đăng Khoa Lục và Đại Việt Lịch Triều Đăng Khoa Lục cho biết “Lê Ích Mộc đỗ trạng nguyên năm 44 tuổi. Ông có sức đọc thiên kinh vạn quyển; ngoài giờ học bài vở, ông còn đọc một khối lượng lớn kinh sách nhà Phật. Khoa thi năm ấy, chế sách thi Đình dùng toàn bộ kinh Phật để hỏi. Lời văn của ông rất đầy đủ, khúc triết, mạch văn chặt chẽ, ý tứ sâu sắc, ghi nhớ không hề sai sót”. Đêm đêm, dưới ánh sáng của trăng khuya, Lê Ích Mộc chăm chỉ dùi mài kinh sử. Ông lấy cát đổ lên mâm xoa phẳng, dùng ngón tay viết lên chữ để đọc, ghi nhớ rồi xoá đi. Sau 3 năm ông đã thông hiểu đủ giáo lý, giáo pháp của bộ kinh kim cương. Khoảng 5 năm Ích Mộc đủ thông hiểu các pho kinh phật, tiếng tăm của ông lừng lẫy. Ngày ngày Lê Ích Mộc ăn chay niệm Phật ở chùa Ráng, chăm chỉ đèn sách.

          Lê Ích Mộc bước vào quan trường khi triều đình phong kiến nhà Lê đang bước vào giai đoạn suy thoái; tham quan nhũng nhiễu khiến đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Do vậy, Lê Ích Mộc đã từ quan về quê trí sĩ, ông mang hiểu biết của mình giúp dân, giúp đời. Cũng có giai thoại cho rằng: Sau khi nhà Mạc đăng quang, Mạc Đăng Dung nghe lời tấu của người bạn đồng khoa với Lê Ích Mộc là Thám hoa Lê Văn Thái đã mời ông ra làm quan tới chức Tả Thị Lang bộ Lễ. Nhưng dù quyền cao chức trọng nhưng ông lại một lần nữa ông lại rũ áo từ quan về quê ở ẩn.

          Trong thời gian trí sĩ, ông thường gần gũi với dân làng, giúp dân khai hoang mở rộng xóm làng, hướng dẫn họ từ công việc cày cấy, đồng áng; mở mang chùa làng, mở trường dạy học... Ngày ngày ăn chay niệm phật, chăm chỉ sách đèn, ông gần gũi dân làng chỉ bảo họ cách làm ăn, làm thuốc chữa bệnh cho dân, hướng dẫn từ công việc cấy cày đồng áng đến cắm đăng đan lưới cho dân bắt tôm, cá. Sau những kỳ đi giảng kinh ở những vùng xa trở về, ông thường đem về những giống cây lạ phân phát cho dân làng trồng. Đặc biệt là giống Lim ông mang về được dân làng trồng, đã cung cấp nguồn gỗ chủ yếu để dựng chùa, làm nhà cửa.

          Sống nơi cửa thiền đất phật, Lê Ích Mộc luôn thông cảm sâu sắc với những khó khăn của dân làng, ông khuyên mọi người hướng về cửa phật với lòng thành tâm của chính mình chứ không phải bằng những nghi lễ tốn kém. Không chỉ là một vị tăng sư chuyên tâm hằng dương phật pháp, mà ông còn là một người am hiểu sâu sắc giáo lý Khổng tử, Mạnh tử, tỏ tường sâu trình các phép thần thông huyền bí của Đạo giáo, Lão, Trung. Ông kế thừa được truyền thống “ nhập thế gia trụ phật pháp” của các thiền sư nổi tiếng như: Vạn Hạnh, Đạo Hạnh, Minh Không......chính nhờ các phương thuật huyền bí kết hợp với sự am hiểu về y học, thiên văn, chiêm tinh, lý số.... của Lê Ích Mộc mà ngôi chùa Ráng đã trở thành một sơn môn lừng lẫy.

          Là người có học vấn sâu rộng, có đạo đức mẫu mực Lê Ích Mộc còn là một thầy giáo tận tuỵ với nghề nghiệp, yêu thương học trò. Không chỉ luyện rèn học trò ông thường khuyên dạy dân làng cách sống, cách cư xử sao cho hoà thuận ấm êm. Ngôi chùa Diên Phúc và từ chỉ Thanh Lãng nhờ có Lê Ích Mộc mà trở thành trung tâm đào tạo nhân tài và giáo hoá của cả một vùng rộng lớn. Không ỷ lại là một nhà sư, một trí sĩ, ông đã tích cực cùng với nhân dân làng Ráng khai phá vùng đầm lầy ven sông, trồng cây gây rừng. Lê Ích Mộc đích thân trồng một rừng Lim xanh tốt, nhân dân địa phương được hưởng lợi hết đời này qua đời khác. Vết tích rừng lim “quan Trạng” xưa nay còn đó ... Nhờ có rừng lim này mà nhân dân địa phương có nguyên liệu tại chỗ để trùng tu Diên Phúc tự, xây đền Diên Thọ, mở rộng từ văn, xây đình Hoàng Giáp, chùa Lốt, chùa Vang ....

          Ngày 15 tháng 02 năm 1538 Lê Ích Mộc qua đời tại quê nhà hưởng thọ 80 tuổi. Mộ phần của ông ngự tại rừng lim quan Trạng thuộc xóm Sỏi, thôn Thanh Lãng. Lăng mộ quan Trạng đã trải qua hàng trăm năm trường tồn. Rừng lim quan Trạng trồng xưa đã hoá thân vào các công trình công cộng của làng của xã và thay thế vào đó là rừng bạch đàn xanh tốt đêm ngày rì rào tiếng reo vui.

          Chùa Bắc Linh tự nằm lưng chừng núi Cheo, nhìn hướng Bắc, trông ra dòng sông Hòn Ngọc phía trước. Cho đến nay chưa có sử liệu ghi chép chính xác về thời điểm xây dựng chùa Vang. Chỉ biết rằng. Thời điểm Trạng nguyên Lê Ích Mộc trở về quê, ông cùng nhân dân cho xây dựng một số ngôi chùa để hoằng dương Phật pháp và giáo hóa chúng dân: chùa Diên Phúc tự, chùa Bắc Linh tự (chùa Vang), Đông Linh Tự... Theo dân gian thì ngôi chùa có từ lâu đời, khi Trạng nguyên Lê Ích Mộc về trí sĩ đã hưng công tu sửa lớn. Thời điểm đó cũng chưa rõ hình dáng ra sao chỉ biết về sau, nhân dân thường hay sử dụng gỗ ở rừng lim để tu sửa chùa.

          Chùa bị phá hủy năm 1948 để tiêu thổ kháng chiến. Trước khi bị phá hủy, quần thể chùa gồm: Ở trung tâm là Chính điện (thượng điện, hậu cung), phía sau chính điện là nhà tổ thờ các vị tổ truyền đăng (dân gian gọi là chùa Hạ), hai bên chùa Hạ là hai cây tháp thờ các vị tổ sư trụ trì... Theo dân gian trong vùng, trong lịch sử, chùa có 3 vị sư trụ trì lâu dài, 4 vị sư vong.

          Năm 2006 - 2008, nhân dân phục dựng lại chùa với vật liệu gỗ truyền thống với quy mô to lớn. Chùa Vang nằm trên diện tích có kiểu kiến trúc chữ đinh, gồm 5 gian tiền đường kiểu Chồng rường giá chiêng, 3 gian Hậu cung vì chồng rường giá chiêng. Phía ngoài, qua khoảng sân lên bậc tam cấp là vào chính điện. Bờ nóc chùa có kiểu lưỡng long chầu bánh xe luân hồi, phía hai bờ hồi có kiểu tay ngai. Chùa lợp ngói mũi hài truyền thống.

          Hệ thống tượng trên thượng điện, gồm:

          Trên cùng là Tam thế tôn là ba vị Phật tượng trưng cho quá khứ, hiện tại và vị lai. Phía dưới là tượng Adi đà Phật, bên phải là Đại Thế Chí bồ Tát và bên trái là Văn Thù Bồ Tát.           Phía dưới là tượng Thích ca niệm hoa sen.    Tiếp theo phía dưới là Quan âm thiên thủ thiên nhãn. Hai bên là Thị giả. Phía dưới là Tượng Di lặc; Ngọc Hoàng thượng đế. Hai bên Nam Tào (Bên Trái), Bắc Đẩu. Phía trước là Tòa Cửu Long. Hình tượng một cậu bé đứng trong tòa có hình chín rồng chầu.   Phía ngoài gian Tiền đường, bên Phải là ban thờ Đức Ông, bên trái gian là tượng Đức ông.    Phía trước Thượng điện là một nhang án lớn, nơi đặt lư hương, mõ tụng kinh, hai bên là hai lọ lộc bình, cây nến.

          Chùa Bắc Linh có những ngày lễ hội, gồm:   Ngày 8 tháng 4 là ngày Lễ Phật đản, vào ngày này, vị sư trụ trì tiến hành lễ Mộc dục (lễ tắm tượng). Tuy nhiên, vào những dịp Lễ có đông khách hành hương tham gia thì nhà Chùa sẽ đặt tượng ra ngoài sân. Vị sư trụ trì chuẩn bị một chậu nước thơm (ngũ vị hương) ngay tại tòa Cửu Long, sư thầy sẽ dội từng gáo nước lên mình tượng và niệm kinh, nhân dân có theo đó lần lượt làm theo... Nghi lễ này kỉ niệm ngày Thái tử Tất Đạt Đa ra đời, sau ngài ngộ đạo và trở thành ngày Phật đản thế giới. Dân gian cho rằng, vào ngày này trời sẽ mưa lớn để tắm Phật, cho nên Lễ Phật đản cũng là dịp lễ cầu mưa của dân gian trong vùng... Bên cạnh những dịp lễ lớn như Phật đản, Vu Lan, các ngày sóc, vọng cũng thu hút đông đảo nhân dân thập phương về hành lễ, chiêm bái.

          Chùa Vang là một di tích gắn với thân thế, sự nghiệp của một nhân vật tiêu biểu của thành phố Hải Phòng Tả Thị lang Lê Ích Mộc. Ông là một nhân vật trí thức tiêu biểu của thế kỷ XVI, Ông có học vị Trạng nguyên.    Chùa Vang là di tích Phật giáo có lịch sử hình thành sớm ở thành phố Hải Phòng, gắn với một giai đoạn của lịch sử, thời kỳ phục hưng mạnh mẽ của Phật giáo Đại Việt sau thời kỳ nhà Lý, nhà Trần (thế kỷ 11 - 14). Bên cạnh đó, chùa còn là một điểm sinh hoạt Phật giáo của nhân dân trong vùng và khách thập phương, là di tích Phật giáo trong hệ thống di tích Phật giáo của thành phố Hải Phòng đóng góp vào sự phát triển của Phật giáo trong giai đoạn hiện nay.

          Di tích chùa Vang hiện nay là công trình kiến trúc gỗ được dựng vào năm 2007 - 2009. Kiến trúc chùa chữ đinh, gồm toà Tiền đường, Hậu Cung (Thượng điện). Kiến trúc gỗ có quy mô bề thế, chất liệu gỗ tốt. Khuôn viên chùa nằm lưng chừng đồi.

          Phía bên Phải là nhà Mẫu, nơi thờ Tam tòa thánh mẫu. Các di tích hiện được quản lý, bảo vệ tốt. Tuy nhiên, lối đi vào chùa nhỏ, hẹp nằm sen kẽ giữa khu dân cư nên khi có khách số lượng đông có thể gây tắc nghẽn lối vào. Nhà Mẫu cũng là nhà khách, phía nối tiếp là nhà sinh hoạt công cộng của Ban quản lý chùa. Chưa tạo được không gian tôn nghiêm của di tích.

          Hiện nay, Chùa đang khởi công san nền đồi để phục dựng nhà thờ Tổ phía sau chùa (chùa Thượng) với quy mô lớn và dự kiến mở lối đi lên chùa được thông thoáng.

          Sưu tầm những tài liệu, hiện vật liên quan đến di tích, đến quá trình lập chùa của Trạng nguyên Tả Thị Lang Lê Ích Mộc, cũng như các vị sư trụ trì chùa.        Quy hoạch khuôn viên cảnh quan di tích, bố trí tam quan, gác chuông cho phù hợp với kiến trúc truyền thống của Chùa của người Việt, tạo lối vào thông thoáng, trồng cây xanh tạo cảnh quan cho di tích...

          Gắn chùa với các di tích có liên quan tạo thành điểm tham quan hướng dẫn cho du khách thập phương. Thiết lập nhà riêng cho Ban quản lý chùa và quy chế hoạt động để bảo vệ và phát huy giá trị của di tích. Căn cứ giá trị kiến trúc nghệ thuật, giá trị lịch sử, văn hóa hàm chứa tại di tích. Chùa Vang, xã Quảng Thanh được Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng cấp Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố năm 2013.

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke