CHÙA TRÚC AM, XÃ DU LỄ, HUYỆN KIẾN THỤY
07 05 2023
in trang
Chùa Trúc Am được hình thành từ năm 1582 tại xã Du Lễ, xưa là làng Du Lễ thuộc xã Kiến Quốc. Năm 2004, làng Du Lễ tách ra từ xã Kiến Quốc để thành lập xã Du Lễ. Chùa vốn có lịch sử hình thành từ khi có trang Du Lễ, gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của vị công chúa triều Trần, tên gọi Quỳnh Trân khi được vua Trần cho về vùng đất này giúp dân các xã Ngũ Phúc, Tú Đôi, Du Lễ khai hoang lập ấp. Công chúa Quỳnh Trân đã xây dựng lên chùa Trúc Am (tên chữ là Trúc Am tự) để thờ Phật.
Đến thời Mạc, thế kỷ 16, chùa Trúc Am được Thái hoàng Thái hậu họ Vũ, đời vua Mạc Mậu Hợp, niên hiệu Đoan Thái thứ 4 (1589) đứng chủ hưng công lại chùa... Trong tấm bia đá “Trúc Am tự bi” có đoạn ghi: “Nay xã Du Lễ, huyện Nghi Dương, phía Tây, vùng đất thắng cảnh của Dương Kinh có ngôi chùa cổ tên chữ là Trúc Am tự. Một vùng non xanh nước biếc từ Cẩm Trà qua Mai Giang dẫn tới Đồ Sơn, xóm làng trù phú bao quanh, một thế giới của Tây Thiên Trúc, công trình tráng lệ nhất vùng".
Chùa Trúc Am xưa vẫn được bảo tồn nguyên vẹn trên một thế đất cao, xây quay hướng nam nhìn ra cánh đồng làng. Những dấu tích xưa cũ nhất còn lại đến ngày nay là những tấm bia đá mang niên đại rải rác từ thời Mạc, thời hậu Lê đến thời Nguyễn và quả chuông đồng đúc năm 1801, thời Tây Sơn, đời vua Quang Toản.
Hiện tại chùa có kiến trúc kiểu chữ đinh với 5 gian tiền đường, 3 gian Phật điện làm bằng gỗ lim mang dấu ấn của nền kiến trúc nghệ thuật thời Mạc. Trong chùa, hệ thống tượng Phật rất phong phú mang giá trị niên đại nghệ thuật từ thời Lê đến thời Nguyễn.
Trong kháng chiến chống Pháp, chùa Trúc Am xã Du Lễ đã trở thành căn cứ địa kháng chiến của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương với khá nhiều các hoạt động. Năm 1947, chùa là nơi đặt trạm quân y của Trung đoàn 41. Từ năm 1948 đến năm 1952 là nơi che dấu cán bộ hoạt động bí mật. Trong nền chùa, giấu tích các hầm bí mật vẫn còn rõ nét.
Chùa Trúc Am thực sự là một ngôi cổ tự của xã Du Lễ, có bề dày về lịch sử xây dựng, phát triển và bảo tồn đến ngày nay, có giá trị nghiên cứu về lịch sử Phật giáo cũng như quá trình hình thành vùng đất, con người Du Lễ trong lịch sử.
Năm 2008, chùa đã được xếp hạng là Di tích lịch sử kháng chiến cấp thành phố.
Thành đoàn Hải Phòng