CHÙA TÂY LINH, XÃ HÒA BÌNH, HUYỆN VĨNH BẢO
06 04 2023
in trang
Thôn 3, làng Hàm Dương (Nay là thôn Tây Hàm Dương) xã Hòa Bình, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Di tích nằm cách trung tâm thành phố khoảng 40km về phía Tây Nam và cách trung tâm huyện lỵ khoảng 12km về phía Tây Bắc.
Chùa Tây Linh, làng Hàm Dương xã Hòa Bình được xây dựng vào thời vua Lê Dụ Tông (năm 1705). Năm 2003, UBND xã Hòa Bình cấp đất cho dân làng phục dựng lại ngôi chùa tại vị trí hiện nay nằm liền kề ngay sau khuôn viên UBND xã.
Chùa Tây Linh là công trình kiến trúc văn hóa tâm linh của nhân dân làng Hàm Dương, xã Hòa Bình, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Không chỉ đơn thuần là những giá trị vật chất hiện còn, chùa Tây Linh còn là một trong những địa điểm cụ thể ghi nhận những sự kiện lịch sử kháng chiến quan trọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa Tây Linh luôn là một cơ sở hoạt động bí mật của lực lượng kháng chiến. Từ cuối năm 1945 đến năm 1950 từ ngôi chùa này, nhiều nhà sư trụ trì tại đây đã tham gia hoạt động kháng chiến, có người hy sinh tại địa điểm ngôi chùa. Có nhà sư đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và trở thành những cán bộ chủ chốt của phong trào kháng chiến xã Hòa Bình. Tiêu biểu là các vị: Thích Tâm Mao, Thích Tâm Lưu, Thích Tâm Khơi, Thích Tâm San, Thích Tâm Quất… Tên hiệu pháp danh của các vị sư này vẫn còn lưu trên bia đá đặt trên các mộ tháp tại chùa. Đặc biệt nhà sư Thích Tâm Thành người xã Thanh Lương, huyện Vĩnh Bảo từng là đại biểu Quốc hội nhân dân thành phố, Phó Ban trị sự Hội Phật giáo thành phố Hải Phòng khoảng những năm 1967-1968.
Ngày 12/6/1947, Đại hội chi bộ xã Hòa Bình lần thứ nhất được tổ chức tại chùa Tây Linh. Đại hội gồm 25 đảng viên, đồng chí Phạm Văn Hòa được bầu làm Bí thư chi bộ. Cuối năm 1948, chi bộ xã Hòa Bình tổ chức kỳ họp lần thứ 2 tại chùa Tây Linh. Tại kỳ họp này, nhà sư Thích Tâm Quất được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và được bầu làm Chủ tịch Liên Việt xã, được chi bộ phân công trực tiếp hoạt động bí mật tại chùa Tây Linh.
Cuối năm 1949, tình hình trở nên căng thẳng giữa ta và địch, vùng tự do vị co hẹp lại, nhiều cơ sở hoạt động bí mật tan vỡ. Riêng địa điểm chùa Tây Linh vẫn là cơ sở vững chắc nhất trong vùng tề lúc đó. Theo sự phân công của chi bộ, nhà sư Thích Tâm Quất vừa là nhà tu hành, vừa là cán bộ chủ chốt nằm vùng, làm nhiệm vụ móc nối liên lạc, gây dựng cơ sở hoạt động lâu dài trong vùng địch.
Năm 1949, trong chiến dịch Mêni, ông Phạm Văn Thảo dẫn một đại đội bộ đội chủ lực của Quân khu Tả Ngạn bí mật vượt sông Hóa và nghỉ đêm tại chùa Tây Linh để chuẩn bị cho trận tập kích đánh bốt Nam Am. Cùng năm này (1949) chùa Tây Linh còn là địa điểm tập trung của đại đội du kích thoát ly của xã.
Tháng 11/1950, chùa còn là cơ sở đấu tranh trực diện giữa nhà sư Thích Tâm Quất với 4 tên lính ác ôn từ bốt Nam Am xuống nhằm chiếm chùa và thủ tiêu nhà sư. Bằng sự thông minh, nhanh trí, dũng cảm, nhà sư đã kiên quyết đấu tranh cuối cùng chúng phải chịu khuất phục.
Năm 1952, tại địa điểm chùa Tây Linh, ông Hoàng Hữu Bằng và ông Đoàn Như Nhợ được tổ chức phân công nhiệm vụ trải truyền đơn ở nhiều làng xã lân cận và cắm cờ tổ quốc lên nóc Tam quan chùa Tây Linh, làm cho địch hết sức hoang mang, lo sợ.
Những năm 1951-1952 chùa là địa điểm tập kết của bộ đội chủ lực đoàn 331, để chuẩn bị cho trận đánh, bao vây diệt các đồn bốt Nam Am, Tây Am. Năm 1953, địa điểm chùa trở thành hội trường tập huấn chống giặc bắt lính của thanh niên toàn xã. Tháng 9/1945 chùa Tây Linh là cơ sở đón tiếp hàng binh Pháp, gọi là sở chiêu đã, do Tỉnh đội Kiến An tổ chức.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, chùa Tây Linh là nơi tiễn đưa nhiều người con của nhân dân trong xã lên đường vào Nam chiến đấu.
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chùa Tây Linh đã có những đóng góp đáng kể sức người, sức của góp phần vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc. Do có những thành tích đáng tự hào ấy, ngày 22/7/2005, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 742/TTg về việc tặng Bằng khen cho chùa Tây Linh vì đã có thành tích trong hai cuộc kháng chiến.
Trải qua thời gian, chiến tranh, thiên nhiên khắc nghiệt, chùa Tây Linh hiện còn bảo tồn được khá nhiều những pho tượng cổ, mộ tháp và bia đá.
+ Tượng Pháp: Tại toàn Phật điện còn 13 pho tượng gỗ có niên đại cuối thế kỳ XIX, đầu thế kỷ XX. Các pho tượng đều được tạo kiểu tượng tròn, đường nét hết sức tinh xảo. Ở vị trí cao nhất của toàn Phật điện là bộ tượng tam thế, tên đầy đủ được gọi là Tam thế thường trụ Diệu Pháp Thân. Ở hàng thứ hai là tượng A Di Đà còn được gọi là Di Đà tiếp dẫn. Bên trái của tượng A Di Đà là tượng Quan Thế Âm bồ tát, bên phải là Đại Thế Chí bồ tát. Ở hàng thứ ba là bộ tượng Ngọc Hoàng – Nam Tào – Bắc Đẩu. Hàng thứ tư là tượng Quan Ân chuẩn đề, bên trái là tượng Tuyết Sơn, bên phải là tượng Quan Âm tống tử. Hàng thứ năm là tượng Phật Di Lặc và hàng cuối cùng là tòa Cửa Long (tượng Thích ca sơ sinh trong tòa Cửu Long). Riêng tòa Cửu Long là hiện vật mới, còn lại 13 pho tượng nêu trên đều là những hiện vật cổ. Các pho tượng đều được sơn son, thiếp bạc phủ hoàn kim, niên đại tạo tác cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
+ Bia đá: Hiện tại chùa còn lưu giữ được 05 tấm bia đá, toàn bộ số bia này đều tạo kiểu dẹt, trán bia hình bán nguyệt. Hầu hết số bia này đều bị mờ chữ không đọc được, chỉ còn loáng thoáng nhận biết qua dòng lạc khoản của 01 tấm bia có ghi niên đại tạo dựng bia năm Khải Định ngũ niên (1920).
+ Mộ tháp: Các mộ tháp được quy hoạch tại một khoảng đất vừa phải, vuông vắn. Tổng cộng có 06 mộ tháp, trong đó 04 mộ có niên đại thời Nguyễn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Tháp xây kiểu hình trụ vuông gồm 3 tầng, tường ngoài đầu được trát bằng vữa ba ta (Vữa cát, vôi) và quét phủ bởi nước ve màu ghi xám. Phần ô vuông ở tầng giữa của tháp có gắn các bia đá ghi tên hiệu (pháp danh) của các nhà sư từng trụ trì tại ngôi chùa Tây Linh.
+ Bát hương: Hiện tại chùa còn bảo tồn được 01 bát hương gốm sứ men nâu da lươn. Bát hương có niên đại cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, tình trạng nứt, vỡ quai.
+ Chân tảng đá: Xung quanh khuôn viên còn khá nhiều chân tảng đá kê cột. Các chân tảng đá có đường nét hoa văn tạo tác niên đại đầu thế kỷ XX. Hình dáng chân tảng: trên tròn, dưới vuông, giữa cấp vuông và tròn tạo một đường chỉ tròn chạy xung quanh, mặt chân tảng to nhất có đường kính 30cm.
Chùa Tây Linh là một trong những trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh, tôn giáo đạo Phật của nhân dân địa phương. Hàng năm nhân dân trong làng, ngoài xã lại đến dâng hương vào các ngày sóc, vọng hàng tháng và các tuần tiết như Lễ Phật đản 8/4 (Ngày 15/4 Âm lịch), Tết Vu Lan (15/7). Ngoài ra, trong năm còn lấy ngày 18/11 Âm lịch là ngày giỗ các vị sư tổ (các vị cao tăng), thu hút đông đảo khách thập phương và nhân dân trong và ngoài làng đến dâng hương lễ Phật, cầu cho “Quốc thái, dân an, mưa thuận gió hòa”.
Thành đoàn Hải Phòng