CHÙA PHƯƠNG MỸ XÃ MỸ ĐỒNG, HUYỆN THỦY NGUYÊN
08 04 2023
in trang
Chùa Phương Mỹ có tên chữ là Ngọc Hoa tự, thuộc làng Phương Mỹ, xã Mỹ Đồng, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Phương Mỹ là mảnh đất được hình thành từ lâu đời, quê hương của Phạm Quảng - một thân tướng của Lê Hoàn, ông đã có công trong chiến thắng chống quân Tống (thế kỷ thứ X). Dưới thời Hùng Vương, mảnh đất Phương Mỹ có tên là trang Hoa Kiều; thời nhà Lý (1010-1225) Hoa Kiều được đổi thành Hoa Chương; đến đời vua Đồng Khánh nhà Nguyễn (1885-1888) được đổi thành xã Phương Mỹ, tổng Thái Lai, huyện Thủy Đường, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương.
Chùa tọa lạc trên thế đất cao ráo vốn là một ngọn đồi thấp phía Tây Bắc làng Phương Mỹ (ngọn đồi này về sau được gọi là núi Chùa) cách trụ sở Ủy ban nhân dân xã Mỹ Đồng khoảng gần 200m. Chùa Phương Mỹ là một trong những ngôi chùa có quy mô tương đối lớn của huyện Thủy Nguyên với khuôn viên rộng chừng 2.800m2. Tương truyền, khởi dựng chùa chỉ là một thảo am nhỏ do Phạm Quảng bỏ tiền, hưng công xây dựng; sau dần được mở mang thêm bề thế. Đặc biệt vào thời Trần, khi dòng thiền Trúc Lâm phát triển mạnh mẽ, chùa Phương Mỹ cũng trở thành một trong những “Sơn môn cổ tự” của dòng thiền trên đất Thủy Đường. Tuy nhiên, trong những năm kháng chiến chống Pháp, ngôi chùa cổ đã bị thiêu trụi hoàn toàn. Các công trình kiến trúc hiện tại là do chính quyền và nhân dân địa phương huy động nhân công, tài vật phục dựng lại trên nền đất xưa vào năm 1992, tiếp theo đó là các lần tu sửa vào các năm 2002, 2004; đặc biệt đến đầu năm 2007, nhà chùa đã cho trùng tu lại ngôi Nhà tổ khang trang góp phần tôn thêm không gian kiến trúc của toàn bộ di tích, xứng đáng là một trong những di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu của huyện. Cổ vật tại chùa phải kể đến chiếc “Ngọc Hoa tự chung” bằng đồng nặng trên 100kg được đúc vào năm 1829 (thời vua Minh Mạng nhà Nguyễn); bên cạnh đó vào năm 2011 cùng với sự đồng tâm đóng góp của các phật tử, chùa đã tổ chức lễ đúc đại hồng chung nặng 1000 kg.
Bên cạnh vai trò là một trong những trung tâm tôn giáo lớn của huyện Thủy Nguyên, chùa Phương Mỹ còn ghi dấu những giá trị lịch sử. Trong giai đoạn tiền khởi nghĩa và 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Thủy Nguyên đóng vai trò là cầu nối giữa hai trung tâm cách mạng ở hai khu công nghiệp Hải Phòng và Quảng Ninh. Trên đất Thủy Nguyên đã hình thành nhiều cơ sở cách mạng; nhiều đình, chùa và công trình thờ tự không chỉ là địa điểm sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng mà còn trở thành những địa cứ kiên trung của Đảng, của cách mạng; tiêu biểu như Chùa Phi Liệt, Chùa Doãn Lại, Chùa Dương Xuân, Đình Pháp Cổ (xã Lãi Xuân); đền Mẫu (xã Kiền Bái), chùa Hoàng Pha (xã Hoàng Động)…; một trong số đó phải kể đến chùa Phương Mỹ (xã Mỹ Đồng) - địa điểm hoạt động bí mật của lực lượng Việt Minh trong cao trào đấu tranh tiền khởi nghĩa (1939 - 1945), góp phần quan trọng cho sự hình thành chiến khu Đông Triều (chiến khu Trần Hưng Đạo) cũng như thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945 trên địa bàn huyện Thủy Nguyên.
Vào cuối năm 1939, đồng chí Hoàng Thiếu Minh (tức Hoàng Ngọc Lương), nguyên Chủ tịch Ủy ban Dân tộc Giải phóng liên huyện Thủy Nguyên - Kinh Môn, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Cách mạng lâm thời huyện Thủy Nguyên (sau thành Ủy ban hành chính lâm thời huyện Thủy Nguyên) đóng vai một nhà sư đã về gây dựng cơ sở cách mạng tại chùa Ngọc Hoa. Cùng với sự hỗ trợ và giúp đỡ nhiệt tình của nhân dân làng Phương Mỹ, đồng chí đã nhanh chóng gây dựng chùa trở thành một cơ sở cách mạng của Đảng Cộng sản và lực lượng Việt Minh tại huyện Thủy Nguyên.
Từ đầu năm 1945, chùa đã trở thành địa điểm liên lạc, hội họp thường xuyên đồng thời là nơi cất giữ những tài liệu quan trọng của lực lượng Việt Minh. Ngày 09/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, hưởng ứng lời kêu gọi của Ban Thường vụ Trung ương Đảng “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, phong trào đấu tranh cách mạng lan rộng trên địa bàn huyện Thủy Nguyên, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân tham gia. Trong bối cảnh đó, chùa Phương Mỹ vẫn tiếp tục giữ vai trò là một trong những đầu não lãnh đạo phong trào cách mạng của huyện, đồng thời tích cực tham gia vào các hoạt động quyên góp thóc gạo, cứu trợ đồng bào trong nạn đói đầu năm 1945.
Trên cơ sở phong trào cách mạng phát triển rộng khắp, nhiều làng xã ở Thủy Nguyên đã thành lập lực lượng tự vệ cứu quốc. Đặc biệt, tại chùa Phương Mỹ đã thành lập Trung đội “Tăng già cứu quốc”; có trụ sở chính đóng tại chùa Hoàng Pha (xã Hoàng Động), Trung đội trưởng là đồng chí Lương Ngọc Trụ - một nhà sư yêu nước đã được đồng chí Hoàng Ngọc Lương giác ngộ trở thành một chiến sỹ cách mạng. Trung đội “Tăng già cứu quốc” là một lực lượng vũ trang đặc biệt thể hiện sự tiếp nối tư tưởng “nhập thế gia” của nhà Phật với lực lượng từ chỉ huy đến chiến sĩ đều là các tăng ni. Dưới sự phụ trách của đồng chí Lương Ngọc Trụ, Trung đội đã chủ động phối hợp với các lực lượng tự vệ toàn huyện tích cực tham gia vào các hoạt động giệt trừ ác ôn, phản động; bảo vệ cán bộ cách mạng; vận động quần chúng nhân dân chống việc thu mua thóc gạo của phát xít Nhật. Về sau đồng chí Lương Ngọc Trụ đã tham gia chiến đấu và hy sinh tại chiến trường Tiên Lãng vào năm 1953 và được Nhà nước phong tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.
Cũng sau khi Nhật đảo chính Pháp, phong trào cách mạng cả nước phát triển mạnh mẽ dẫn đến sự hình thành của 7 chiến khu lớn trong đó có Đệ tứ chiến khu Đông Triều (chiến khu Trần Hưng Đạo); trong đó địa chỉ chùa Phương Mỹ đã có những đóng góp quan trọng dẫn đến việc hình thành nay. Vào tháng 4/1945, tại chùa đã diễn ra cuộc gặp gỡ giữa đồng chí Nguyễn Phương Thảo (tức Trung tướng Nguyễn Bình) và đồng chí Nguyễn Kiên Tranh (tức sư Tuệ) để bàn bạc việc thống nhất lực lượng và kế hoạch xây dựng chiến khu Trần Hưng Đạo. Theo đó, đến tháng 6/1945 chiến khu Trần Hưng Đạo chính thức được thành lập tại Đông Triều; đây là căn cứ cách mạng hoạt động tại vùng Đông bắc Bắc Bộ, sau mở rộng ra các vùng Kiến An, Hải Phòng, Quảng Yên, Hòn Gai… nối liền với Khu giải phóng Việt Bắc; từ đây chùa Phương Mỹ đã trở thành địa điểm lưu giữ tài liệu, tập kết vũ khí, lực lượng vũ trang của Chiến khu Đông Triều và tự vệ vùng Thượng, huyện Thủy Nguyên.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng trên địa bàn, Tri phủ Nguyễn Quang Tạo từng bước giác ngộ và có chủ ý hướng về phía cách mạng. Ông đã trực tiếp đến chùa Phương Mỹ đề nghị nhà sư Lương Ngọc Trụ giúp liên hệ và bố trí gặp cán bộ Việt Minh, bày tỏ thái độ quy thuận theo cách mạng.
Ngày 10/8/1945 tại chùa Ngọc Hoa, đặc phái viên của Thị trưởng Hải Phòng đã đến liên hệ, xin gặp Tư lệnh chiến khu Đông Triều Nguyễn Bình để bàn việc đón quân đội cách mạng vào tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại Hải Phòng. Trên cơ sở đó ngày 15/8/1945, với sự bố trí của Việt Minh ở Thủy Nguyên, đồng chí Nguyễn Bình đã đi ca nô từ Quảng Yên đến bến Kiền (xã Kiền Bái) gặp Thị trưởng Hải Phòng là ông Vũ Trọng Khánh thỏa thuận việc lực lượng vũ trang chiến khu sẵn sàng kéo vào Hải Phòng tham gia giành chính quyền khi thời cơ đã chín.
Sau cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945, núp dưới danh nghĩa quân Đồng minh vào giải giáp vũ khí quân đội Nhật, 20 vạn quân Tưởng kéo vào miền Bắc nước ta; trong đó một lực lượng lớn quân Tưởng đã đồn trú tại trụ sở của Ủy ban cách mạng lâm thời tại Phủ đường Trịnh Xá (xã Thiên Hương). Chấp hành chủ trương của Chính phủ tháng 10/1945, Uỷ ban cách mạng lâm thời huyện đã chuyển về chùa Phương Mỹ để tiếp tục chỉ đạo phong trào cách mạng trong toàn huyện .
Đặc biệt đến ngày 25/12/1945 tại chùa Phương Mỹ, 4 đồng chí Hoàng Ngọc Lương, Phạm Văn Duyệt, Bùi Bá Ngôn, Phạm Văn Ngự đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản; tiếp đó cũng tại đây chi bộ Đảng huyện do đồng chí Hoàng Long làm Bí thư cũng chính thức được thành lập. Đến đầu năm 1946, tại chùa Phương Mỹ đã diễn ra Hội nghị thành lập Hội “Tăng già cứu quốc Thủy Nguyên”.
Những sự kiện lịch sử được ghi dấu tại chùa Phương Mỹ đã khẳng định bước đồng hành của di tích trong những năm tháng ác liệt giai đoạn đấu tranh tiền khởi nghĩa và 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc, là nhân chứng sinh động cho các quá trình trưởng thành và phát triển của phong trào cách mạng huyện Thủy Nguyên nói riêng, phong trào cách mạng tại thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh nói chung.
Năm 2005 Chùa Phương Mỹ được Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng cấp bằng Di tích lịch sử kháng chiến cấp Thành Phố. Hàng năm, chùa mở hội truyền thống trong 02 ngày, mùng 04 và mùng 05 tháng Giêng âm lịch, lễ hội luôn thu hút được sự quan tâm của đông đảo nhân dân địa phương, phật tử và quý khách thập phương đến dâng hương, vãn cảnh./.
Thành đoàn Hải Phòng