CHÙA PHƯƠNG ĐÔI, XÃ THỤY HƯƠNG, HUYỆN KIẾN THỤY
21 03 2023
in trang
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chùa Phương Đôi được chọn là một cơ sở quan trọng hoạt động tình báo của lực lượng công an kháng chiến của ta (bí danh là tình báo khu Huệ), thông qua vai trò hoạt động bí mật của nhà sư Thích Trí Miễn, tu hành tại chùa. Nhà sư được tổ chức thử thách giao nhiệm vụ cụ thể bám sát mọi hoạt động của địch trên huyện Núi Đối và các điệp vụ tề, ngụy ở khu vực lân cận, báo cáo kịp thời cho đơn vị.
Chùa Phương Đôi, tên chữ là “Khánh Linh Tự” thuộc xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy. Xã Thụy Hương có 3 thôn gồm Quế Lâm, Phương Đôi, Trà Phương. Phương Đôi vốn có từ thời Lê với tên gọi là Hoa Đường, sau đổi thành Hương Đường. Đời vua Đồng Khánh (1886 - 1888) đổi là Phương Đối vì kiêng tên húy của vị vua này là Ưng Đường. Trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945, làng Phương Đôi từng được chọn làm phủ lỵ phủ Kiến Thụy.
(Cổng chùa Phương Đôi, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy)
Tấm bia đá “Tu tạo Vĩnh Khánh tự” lập vào triều vua Tự Đức năm thứ 12 (1859) cho biết, chùa vốn có từ thời Lê, Mạc. Năm Tân Sửu 1841 đời vua Thiệu Trị, chùa đã tậu thêm ruộng, mở rộng vườn chùa. Năm Giáp Dần, Tự Đức thứ 7 (1854) tô lại tượng, làm thêm một số hương án thờ. Năm Ất Mão (1855) đúc một quả chuông lớn và hai quả chuông nhỏ. Năm Bính Thìn, Tự Đức thứ 9 (1856), làm mới nhà tiền đường, tu bổ hậu cung. Năm Mậu Ngọ (1858), mua đá lát thềm. Qua ghi chép của tấm bia đá “Tu tạo Vĩnh Khánh tự” cho thấy chùa Phương Đôi đã liên tục được trùng tu, sửa chữa, bổ sung hoàn chỉnh, xứng đáng là địa điểm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng.
Tấm bia đá “Tu tạo Vĩnh Khánh tự” lập vào triều vua Tự Đức năm thứ 12 (1859)
Chùa Phương Đôi trước đây mặt chính quay về hướng Đông Nam gồm 3 gian tiền đường, 2 gian hậu cung. Đến năm 1932, chùa được tu tạo lại. Mặt chính của ngôi chùa được đổi lại quay hướng Tây Nam. Bố cục kiểu chữ Đinh (T), gồm 3 gian tiền đường, 2 gian hậu cung mang phong cách kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn. Chùa Phương Đôi hiện còn lưu giữ được nhiều cổ vật quý, có giá trị lịch sử văn hóa, mỹ thuật như hệ thống tượng Phật, bia đá, chuông đồng, tháp Sư tổ mang niên đại nghệ thuật thời Nguyễn (đầu thế kỷ 19).
Chuông đồng cổ có niên đại Nguyễn Minh Mạng năm thứ 5 (1825)
Tháp sư tổ mang phong cách nghệ thuật Nguyễn đầu thế kỷ 19
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chùa Phương Đôi được chọn là một cơ sở quan trọng hoạt động tình báo của lực lượng công an kháng chiến của ta (bí danh là tình báo khu Huệ), thông qua vai trò hoạt động bí mật của nhà sư Thích Trí Miễn, tu hành tại chùa. Nhà sư được tổ chức thử thách giao nhiệm vụ cụ thể bám sát mọi hoạt động của địch trên huyện Núi Đối và các điệp vụ tề, ngụy ở khu vực lân cận, báo cáo kịp thời cho đơn vị. Ngoài ra, sư Thích Trí Miễn còn có trách nhiệm đào hầm nuôi giấu một số anh em của đơn vị qua lại, hoạt động dừng chân tại chùa Phương Đôi. Trong suốt quá trình vừa tu hành, vừa tham gia công tác kháng chiến, nhà sư Thích Trí Miễn đã khai thác kịp thời cho đơn vị nhiều tin tức có giá trị, góp phần củng cố cơ sở cách mạng, gây cho địch nhiều tổn thất. Tháng 3/1950, do bị chỉ điểm, sư Miễn bị địch bắt đưa về giam giữ tại nhà tù Ba Ty Jông (Kiến An). Mặc dù bị tra tấn dã man, nhưng nhà sư - chiến sỹ Nguyễn Văn Miễn (tức Thích Trí Miễn) vẫn giữ trọn khí tiết cách mạng, nêu cao phẩm chất của người chiến sỹ cách mạng đến hơi thở cuối cùng.
Với công lao và thành tích của nhà sư, ngày 11/4/2002, Thủ tướng Chính phủ đã ký “Bằng công nhận Tổ quốc ghi công” cho liệt sỹ công an Nguyễn Văn Miễn.
Bằng Tổ Quốc Ghi Công được Thủ tướng Chính phủ trao cho liệt sĩ: Nguyễn Văn Miễn
Di tích lịch sử Kháng chiến năm 2003
Với những giá trị lịch sử văn hóa nêu trên, ngày 11/2/2003, chùa Phương Đôi, xã Thụy Hương được thành phố xếp hạng là Di tích Lịch sử Kháng chiến.
(Trích trong sách “Chùa cổ Hải Phòng” – Nhà xuất bản Hải Phòng-2017)
Thành đoàn Hải Phòng